Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 07/12/2023

  • |
T5g.org.vn - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; Hà Nội hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho người từ 70 đến dưới 80 tuổi; Bé sơ sinh nặng ký, đáng mừng hay đáng lo?; Nhân viên y tế Bệnh viện Q.7 liên tục bị hành hung

 

Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

Chủ đề của Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 (từ ngày 10/11 đến 10/12) và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12) được chọn là: “Cộng đồng sáng tạo-Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” nhằm mục tiêu tạo sự đồng thuận, đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương cũng như cộng đồng tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS.

THEO PGS, TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), việc lựa chọn chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm nay cho thấy công cuộc phòng, chống HIV/AIDS cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, của cả cộng đồng và cần có những cách làm sáng tạo vì sự hiểu biết của người dân và tình hình dịch HIV cũng đã có những thay đổi. Mặt khác, cách tiếp cận cũng như những dịch vụ can thiệp liên quan đến dự phòng, điều trị HIV/AIDS cần đa dạng, phong phú và thiết thực hơn.

Tính đến tháng 9/2023, cả nước ghi nhận 10.219 trường hợp phát hiện mới HIV và 1.126 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84,5% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16 - 29 (47,3%) và 30 - 39 (28,2%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (75,1%); đối tượng chủ yếu là nam quan hệ tình dục đồng giới (49,2%) và đối tượng khác (31,2%).

Hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 9/2023 có sự thay đổi rõ rệt. Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% (năm 2010) xuống còn 6,4%; tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính, khi tăng từ 47,5% (năm 2010) lên 84,4% (năm 2022) và 75,1% (tháng 9/2023).

Đáng chú ý, dịch HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng tăng rõ rệt trong thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới (kết quả giám sát trọng điểm cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM tăng từ 7,4% năm 2016 lên 12,5% năm 2022). Kết quả các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, nhóm chuyển giới nữ cũng là một trong những nhóm được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV với tỷ lệ tại Hà Nội là 5,8% năm 2022; tại Thành phố Hồ Chí Minh là 6,8% năm 2004 tăng lên 18% năm 2016 và 16,5% năm 2020.

Xu thế và tình hình dịch HIV/AIDS có sự thay đổi mạnh, cho nên chủ đề Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS được nêu ra để khẳng định lại quyết tâm của Việt Nam sẽ kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Chủ đề của Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS đã và đang được lan tỏa đến từng người dân, đến từng ngõ nhỏ, bản làng... cũng như đến các bộ, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương, các tổ chức xã hội, nhất là các nhóm cộng đồng đích gồm người nhiễm HIV và có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV.

Tại các địa phương trên cả nước, từ tháng 10 đã tổ chức triển khai đợt truyền thông lưu động từ cấp xã, cấp huyện, đến thành phố với các hoạt động như: mít-tinh và diễu hành quần chúng tại các tuyến phố chính, nhà văn hóa, hội trường... và được tổ chức vào thời điểm thuận lợi cho việc huy động cộng đồng tham gia. Ngoài lễ mít-tinh, các địa phương đã tổ chức các sự kiện phối hợp như: diễu hành hoặc quần chúng đi bộ, đạp xe, chạy, trưng bày, triển lãm, ca nhạc, biểu diễn kịch, truyền thông và chiếu phim lưu động hoặc tổ chức các sự kiện tặng quà cho người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS...

Tại các địa phương, các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS cũng được tăng cường kết hợp với bảo đảm việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV; cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, nhất là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao.

Đồng thời giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Việc mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS; điều trị các bệnh đồng nhiễm như viêm gan vi-rút, lao, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến mọi người dân... cũng từng bước được mở rộng.

Sau hơn hai năm dịch Covid-19 đã ít nhiều ảnh hưởng đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, do vậy, hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có các hoạt động thiết thực hưởng ứng như: mít-tinh, tổ chức buổi sinh hoạt truyền thông cho học sinh, sinh viên trên địa bàn; tổ chức các hội nghị hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế; đánh giá hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP). Các sở, ngành liên quan cũng như các quận, huyện và TP Thủ Đức có công văn nêu rõ việc tổ chức các hoạt động phải phù hợp tình hình, đặc điểm của đơn vị và tùy từng đối tượng cụ thể sẽ lựa chọn các nội dung, hình thức truyền thông khác nhau.

PGS, TS Phan Thị Thu Hương nhấn mạnh, nếu công cuộc phòng chống HIV/AIDS chỉ dựa trên hệ thống y tế sẵn có thì không thể thành công được, trong khi chỉ còn bảy năm nữa là chúng ta phải chấm dứt dịch HIV/AIDS. Nếu không có sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa từ phía cộng đồng thì chúng ta khó có thể kiểm soát được dịch HIV/AIDS.

Chính vì vậy, Tháng hành động năm nay, Việt Nam chọn chủ đề cộng đồng như là điểm mấu chốt để mở rộng nhanh các dịch vụ từ việc ứng dụng các sáng kiến trong cộng đồng.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm, nhất là để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm 2023, người đứng đầu ngành y tế đề nghị các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương tiếp tục quan tâm đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS, chỉ đạo các đơn vị liên quan bám sát các mục tiêu Chiến lược quốc gia của Chính phủ để xây dựng kế hoạch hành động cho từng năm, từng giai đoạn và triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS một cách sáng tạo và hiệu quả.

Tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Về phía ngành y tế, tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại, điều trị HIV; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV. Đối với các tổ chức cộng đồng cần tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, sáng tạo hơn nữa vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, nhất là trong cung cấp các dịch vụ trực tiếp cho các nhóm đối tượng đích.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Y tế cũng đề nghị các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước tiếp tục quan tâm ủng hộ cả về tài chính và kỹ thuật. Sự đồng hành và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS sẽ giúp Việt Nam tiếp cận nhanh hơn với khoa học-kỹ thuật, với các sáng kiến mới, với các thực hành tốt từ đó Việt Nam có thể sớm đạt được các mục tiêu đã đề ra (Nhân dân, trang 5).

 

Hà Nội hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho người từ 70 đến dưới 80 tuổi

Tại kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội khoá XVI, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định 7 nội dung chi, mức chi thuộc thẩm quyền.

Cụ thể gồm: Quy định một số nội dung chi và mức chi công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và hỗ trợ lực lượng chuyên trách phòng, chống ma tuý thuộc các cơ quan chuyên trách, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma tuý trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quy định chính sách đặc thù thực hiện chế độ hỗ trợ đối với người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chế độ hỗ trợ và mức đóng góp đối với người tự nguyện xác định tình trạng nghiện ma túy, người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập; chế độ hỗ trợ cho người được phân công trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho Người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi, Người khuyết tật nhẹ, Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2025.

Quy định cơ chế huy động và sử dụng các nguồn lực của địa phương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thành phố Hà Nội theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó bao gồm các nội dung:

Quy định nội dung, mức chi đối với dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Quy định một số chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích cao của Thành phố Hà Nội.

Quy định chính sách đặc thù cho một số nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em cần sự can thiệp khẩn cấp và trẻ em bị tai nạn thương tích nghiêm trọng trên địa bàn Thành phố.

Quy định nội dung chi, mức chi hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025.

Đối với mức chi hỗ trợ bảo hiểm y tế, Hà Nội quyết nghị như sau: Người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi, người khuyết tật nhẹ được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế;

Học sinh- sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ gia đình có mức sống trung bình được hỗ trợ thêm 70% mức đóng bảo hiểm y tế.

Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình được hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm y tế.

Mức hỗ trợ trên không bao gồm mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ (An ninh thủ đô, trang 3).


Bé sơ sinh nặng ký, đáng mừng hay đáng lo?

Mới đây một bà mẹ sinh con nặng hơn 6kg tại Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM. Trước đó, có bé sơ sinh chào đời nặng 7,1kg tại Vĩnh Phúc, một bé ở Gia Lai nặng gần 7kg, thêm bé 6,1kg ở Nam Định và hai bé 6,5kg ở Đà Nẵng..
Các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương vừa phẫu thuật bắt con cho chị N.T.K.O. (27 tuổi). Bé "mèo vàng" sinh ra nặng 6.080 gam. Đây cũng là bé sơ sinh chào đời nặng ký tại Bệnh viện Hùng Vương.

Nhiều bé sơ sinh khổng lồ

Theo các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương, chị O. có thai lần đầu năm 2015 nhưng phải sanh mổ vì ngôi ngang.

Lần này, chị O. thấy sức khỏe bình thường nên không đi khám thai thường xuyên dù trong lần khám thai gần nhất, đầu tháng 10-2023, chị O. đã được cảnh báo thai to và có nguy cơ vỡ vết mổ cũ.

Chị O. nhập viện Bệnh viện Hùng Vương vì quá ngày dự sinh. Sau khi thăm khám, tua trực phải khởi động quy trình mổ cấp cứu với chẩn đoán thai 40 tuần 1 ngày, vỡ ối, suy tuần hoàn nhau thai, có nguy cơ vỡ tử cung trên vết mổ cũ do thai to.

Kíp phẫu thuật và kíp gây mê đã tích cực phối hợp để hoàn thành ca mổ với kết quả thật bất ngờ: một bé "mèo trai" nặng tới 6.080 gam.

Trước bé "mèo trai" khổng lồ này, có nhiều bé được sinh ra tại một số tỉnh nặng 6,1 - 7,1kg.

Theo bác sĩ Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, trưởng khối sản Bệnh viện Hùng Vương, tại TP.HCM những trẻ sơ sinh khổng lồ thường sẽ được chuyển sang khoa sơ sinh của các bệnh viện nhi đồng trong TP để theo dõi, chăm sóc với một chế độ đặc biệt vì trẻ dễ bị hạ đường huyết...

Với những trẻ sinh ra có cân nặng quá lớn, sau này dễ có nguy cơ bị bệnh béo phì, tim mạch... Do vậy trong quá trình nuôi trẻ, các bà mẹ cũng cần lưu ý.

Cân nặng trung bình của trẻ gia tăng

Bác sĩ Trang cho biết vào những năm 1960, trẻ chào đời ở Việt Nam có cân nặng 3kg đã được coi là nặng ký. Cân nặng của trẻ lúc sinh đã phát triển theo điều kiện kinh tế - xã hội, sự nhận thức của người phụ nữ và còn có sự hỗ trợ bởi các thành tựu của y học bao gồm các loại sữa, thuốc... giúp sự phát triển của thai nhi tốt hơn.

Như vậy, qua mỗi thập niên, cân nặng trung bình của trẻ khi chào đời gia tăng. Hiện nay, cân nặng trung bình của trẻ mới sinh ra là 3,2 - 3,3kg.

Theo y khoa thế giới, một em bé sinh ra có cân nặng từ 4kg trở lên được gọi là "con to". Ở Việt Nam, những trẻ sinh ra trên 4kg chiếm gần 5% tổng số trẻ được sinh ra.

Trong quá trình quản lý thai, nếu các thai phụ được khám thai nghiêm túc, chất lượng, bác sĩ có thể ước lượng được thai nhi có to hay không và to từ lúc nào.

Nguyên nhân gây ra con to là do rối loạn chuyển hóa của người mẹ trong lúc đang mang thai, mà rối loạn chuyển hóa lớn nhất là người mẹ bị bệnh lý đái tháo đường thai kỳ. Hiện nay đái tháo đường thai kỳ chiếm khoảng 20 - 30% trong các thai phụ.

Khi bị bệnh lý này, thai phụ sẽ ăn nhiều, uống nhiều... khiến đường trong máu của người mẹ cao, đi qua nhau thai được nên làm em bé cũng "bự, phì ra".

Từ năm 2018, Bệnh viện Hùng Vương đã phối hợp cùng với Bộ Y tế xây dựng một chiến lược tầm soát phát hiện đái tháo đường trong thai kỳ. Theo chiến lược này, những thai phụ có tuổi thai 24 - 28 tuần sẽ được cho làm xét nghiệm để kiểm tra thai phụ có bị đái tháo đường hay không.

Nếu thai phụ bị đái tháo đường trong thai kỳ sẽ được bác sĩ tư vấn về ăn uống, thậm chí cho thuốc... để quản lý tốt mức đường huyết, kiểm soát cân nặng của thai nhi.

Ngoài ra, nguyên nhân sinh con to còn do thai quá ngày hoặc do thai phụ ăn uống quá mức hoặc chính trẻ bị đột biến gene...

"Để giảm nguy cơ đối với mẹ và bé, đặc biệt trong trường hợp người mẹ đang bị đái tháo đường thai kỳ hoặc có các dấu hiệu như tăng cân bất thường, uống nhiều, tiểu nhiều... cần tới bệnh viện chuyên khoa sản để kiểm soát bệnh đái tháo đường trong thời gian mang thai, nhằm có một thai kỳ khỏe mạnh, tránh được các biến chứng trong thai kỳ và sau sanh" - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, lưu ý (Tuổi trẻ, trang 14).


 Nhân viên y tế Bệnh viện Q.7 liên tục bị hành hung

Ngày 6.12, bác sĩ Nguyễn Thế Vũ, Giám đốc Bệnh viện Q.7 (TP.HCM), cho biết đã có văn bản gửi Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm cấp cứu 115, Công an Q.7, Công an P.Tân Phú (Q.7) "kêu cứu" về việc nhân viên y tế bệnh viện này bị thân nhân bệnh nhân hành hung khi đang cấp cứu cho bệnh nhân.

Theo văn bản báo cáo, hiện, tình trạng người nhà bệnh nhân say xỉn dẫn đến đánh nhân viên y tế xảy ra liên tục tại Bệnh viện Q.7.

Cụ thể, lúc 23 giờ 15 ngày 22.11, tua trực đêm tại Bệnh viện Q.7 tiếp nhận bệnh nhân tên Nguyễn Thanh T. (50 tuổi, ngụ P.Tân Quy, Q.7) với vết thương hở do té ngã. Nhân viên y tế tiếp nhận tư vấn khâu vết thương và nhận được sự đồng thuận từ phía cá nhân bệnh nhân. Tuy nhiên, người thân bệnh nhân không chịu ra ngoài để nhân viên y tế làm việc mà có những lời nói và hành vi chửi bới và nhục mạ bác sĩ, khiến bác sĩ buộc phải tạm ngưng công việc và rời khỏi phòng tiểu phẫu.

Người nhà bệnh nhân sau đó đuổi theo đánh vào vùng mặt trái bác sĩ. Sự việc được báo ngay đến công an P.Tân Phú. Tuy nhiên, khoảng 20 phút sau Công an P.Tân Phú mới đến và yêu cầu bác sĩ của Bệnh viện Q.7 về trụ sở phường để khai báo sự việc. Đang trong giờ trực nên bác sĩ từ chối không về phường.

Tiếp theo, khoảng 17 giờ ngày 3.12, Bệnh viện Q.7 nhận được cuộc gọi cấp cứu 115 tại quán nhậu trên đường 47, P.Tân Quy, Q.7. Khi đến nơi, bệnh nhân do nhậu xỉn nên té ngã trong nhà vệ sinh, tình trạng bất tỉnh, còn nằm nguyên tại chỗ. Do nhà vệ sinh hẹp, nhân viên y tế nhờ người thân trong cuộc nhậu cùng hỗ trợ để đưa bệnh nhân vào băng ca để chuyển đi. Tuy nhiên, người này mắng nhân viên y tế là "sao không tự làm mà bắt hỗ trợ".

Sau khi đưa bệnh nhân vào băng ca chuyển ra ngoài, người này đi phía sau dùng chân đạp mạnh vào lưng nhân viên y tế. Sự việc cũng được báo Công an P.Tân Phú. Khoảng 10 phút sau, phía công an có người tới bệnh viện, sau khi nghe xong sự việc, công an phường cũng mời về trụ sở để lấy lời khai. Lần này, nhân viên y tế có đi theo về trụ sở công an phường.

"Qua 2 sự việc nêu trên, Bệnh viện Q.7 đề nghị Công an Q.7 và Công an P.Tân Phú quan tâm hơn khi có thông tin cần hỗ trợ từ Bệnh viện Q.7, để thực hiện tốt quy chế phối hợp mà 2 bên đã ký kết", văn bản báo cáo bác sĩ Vũ đề nghị. Ông cũng mong Công an Q.7 chỉ đạo điều tra làm rõ, xử lý theo đúng pháp luật hành vi hành hung nhân viên y tế, để không còn tình trạng như trên tiếp tục xảy ra với nhân viên y tế nói chung và nhân viên y tế của Bệnh viện Q.7 nói riêng.

Lãnh đạo Bệnh viện Q.7 cũng cho trằng, việc cấp cứu cho bệnh nhân là của nhân viên y tế, nên việc bảo vệ nhân viên y tế phải cần được quan tâm (Thanh niên, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang