Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 07/2/2018

  • |
T5g.org.vn - Hàng trăm trẻ mắc cúm nặng phải nhập viện mỗi ngày; Chuyện về 'bà mẹ của nghìn con'; Phát hiện nhiều vụ kinh doanh thực phẩm bẩn; Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế tặng quà các bệnh nhi ung thư; ...

 

Hàng trăm trẻ mắc cúm nặng phải nhập viện mỗi ngày

Những ngày này, bình quân mỗi ngày Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân gồm cả người lớn và trẻ em có triệu chứng cúm đến khám, khoảng một nửa số trường hợp phải điều trị nội trú… Từ cuối tháng 1 đến nay, tại miền Bắc xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại. Đây cũng là thời điểm bệnh nhân nhập viện vì bệnh cúm gia tăng đột biến, trong đó nhiều nhất là trẻ em. Trong khi đó, một số bệnh viện lại thiếu thuốc tamiflu đặc hiệu chữa cúm A, khiến nhiều người lo ngại. Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân gồm cả người lớn và trẻ em có triệu chứng cúm đến khám, trong đó, khoảng một nửa số trường hợp phải điều trị nội trú.

Đặc biệt, một số bệnh nhi bị suy dinh dưỡng hoặc cơ thể yếu bị biến chứng nặng viêm phổi, thậm chí có trường hợp phải thở máy và trao đổi ô xy qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đức Giang, Xanh Pôn và khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai hiện mỗi ngày cũng tiếp nhận điều trị cho hàng chục bệnh nhi bị bệnh cúm mùa.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chỉ trong 3 tuần qua bệnh viện này đã tiếp nhận hơn 1.000 trẻ mắc cúm đến khám, hơn 220 trẻ phải nhập viện điều trị nội trú. Do số ca mắc bệnh khá cao so với năm trước, Bệnh viện đã xây dựng lưu đồ tiếp đón, phân loại người bệnh nghi ngờ cúm ở khu vực phòng khám...

Bác sĩ Hoàng Văn Kết, Phó trưởng khoa phụ trách khoa Hồi sức tích cực Nhi - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, thời gian gần đây, lượng bệnh nhân vào viện khám các triệu chứng cúm và nhập viện điều trị  bệnh cúm tăng hơn so với bình thường, có ngày lên đến 20-30 bệnh nhân. Đáng chú ý, tại một số bệnh viện hiện đang thiếu thuốc tamiflu – thuốc đặc hiệu chữa cúm A khiến nhiều bệnh nhân phải mua thuốc ở ngoài với giá cao (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Chuyện về 'bà mẹ của nghìn con'

 “Xin đừng nghĩ nghiên cứu khoa học là phải phát minh ra những thứ cao siêu, những điều vĩ đại mà quên đi cái giá trị cuối cùng của nó là phục vụ cho người bệnh, cho nhân dân. Suy cho cùng, con diều nghiên cứu dù có bay cao đến đâu, vẫn phải gắn với lợi ích của con người bằng một sợi dây vững chắc…”, TS- BS Vương Thị Ngọc Lan- Phó chủ nhiệm bộ môn Phụ sản ĐH Y Dược TPHCM tâm niệm.

Một cây bút, một tờ giấy A4 trên bàn, TS Vương Thị Ngọc Lan mở đầu buổi trò chuyện bằng một nụ cười nồng ấm. Tôi đến Đơn vị Thụ tinh ống nghiệm Bệnh viện Mỹ Đức ở quận Tân Bình, TPHCM -  nơi bác sĩ Lan đang công tác vài ngày sau khi bài nghiên cứu của nữ bác sĩ này được đăng trên tạp chí NEJM, một tạp chí đứng hàng đầu về y khoa thế giới. Tận sâu trong ánh mắt của người phụ nữ với dáng người mảnh khảnh ấy không giấu được những niềm vui, nó lan tỏa ra xung quanh và tự dưng khiến tôi cũng hân hoan vì một điều gì đó mà bản thân không giải thích nổi. Chị mỉm cười khi tôi hỏi về cảm giác hiện tại: “Chị hạnh phúc lắm em ơi!”.

3 năm với hàng nghìn vất vả

Dù trước đây, vị nữ bác sĩ cùng các cộng sự đã từng đăng rất nhiều bài viết trên các tạp chí chuyên ngành về y khoa thế giới. Thế nhưng, việc được công bố nghiên cứu trên một tạp chí được mệnh danh là “Kinh thánh” của giới y khoa là điều mà chị chưa từng dám nghĩ đến.

Công trình nghiên cứu của BS Ngọc Lan được thai nghén từ cuối năm 2014, trước thực trạng  mỗi năm trên thế giới có đến khoảng vài triệu cặp vợ chồng cần thụ tinh ống nghiệm. Thực tế cho đến hiện tại, các BS vẫn không thể trả lời cho câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản của bệnh nhân sau khi thụ tinh: “Tôi nên chuyển phôi tươi hay chuyển phôi đông lạnh, thưa BS?”.

BS Lan cẩn thận phân tích ra giấy cho tôi ưu và nhược điểm của từng phương pháp. Theo đó, BS Lan cho biết khi mới bắt đầu làm thụ tinh ống nghiệm, mỗi lần thụ tinh sẽ cho khoảng 5-7 phôi, lúc đó kỹ thuật đông lạnh phôi chưa phát triển nên các BS trên thế giới tiến hành chuyển phôi tươi. Nếu sử dụng số phôi quá ít thì tỉ lệ có thai sẽ không cao, do đó các BS chuyển  tăng số phôi tươi vào buồng tử cung cho bệnh nhân, tỉ lệ thành công tăng lên, nhưng đồng nghĩa với nguy cơ đa thai cũng cao hơn. Cho đến khi kỹ thuật đông lạnh hoàn chỉnh, nhiều trung tâm trên thế giới nhận thấy kỹ thuật này giúp tăng tỉ lệ mang thai nên không thực hiện chuyển phôi tươi nữa mà đông lạnh toàn bộ số phôi có được và chuyển phôi rã đông sau đó. Thế nhưng, việc dùng phôi đông lạnh vô tình kéo dài thêm thời gian chờ đợi của các cặp vợ chồng, chi phí cũng tăng theo.

Đây thật sự là một câu hỏi mà bất kỳ vị BS chuyên lĩnh vực hiếm muộn nào cũng phải đối diện với bệnh nhân. Thế nhưng, việc đi tìm câu hỏi cho bài toán thụ tinh này không hề dễ dàng. “3 năm, 782 bệnh nhân và hàng nghìn những vất vả”, BS Lan chia sẻ và đó cũng là điều kiện cần và đủ để giải bài toán thành công.

BS Lan và các cộng sự đã bắt đầu nghiên cứu bằng việc theo dõi, đánh giá trên 782 bệnh nhân, ghi nhận một cách chính xác các biến chứng thai kỳ cho đến lúc thai phụ sinh con.

“Thời gian theo dõi kéo dài trên 1 năm, việc quản lí dữ liệu bệnh nhân không phải chuyện dễ dàng, thế nhưng thông tin thu thập về bắt buộc chính xác đến tuyệt đối. Làm sao để so sánh được kết quả của hai phương pháp trên về nhiều khía cạnh như hiệu quả, biến chứng liên quan đến điều trị, biến chứng khi mang thai, thời gian điều trị để đạt kết quả và chi phí điều trị là một điều công phu và khó khăn thật sự”, BS Lan kể lại.

Công trình nghiên cứu bước đầu đã hoàn tất.  Nghiên cứu này trải qua 17 lần phản biện, chỉnh sửa nghiêm ngặt trước khi được gửi đến tạp chí NEJM. Theo BS Lan, mỗi tuần NEJM nhận khoảng vài ngàn bài nghiên cứu từ khắp các nước gửi về, và chỉ 5% trong số đó được lựa chọn để công bố.

“Mỗi vòng kiểm duyệt từ đội ngũ biên tập của “Kinh thánh” là đồng nghĩa với việc những yêu cầu khó khăn và tỉ mỉ lại được tăng lên. Tận đến khi bản thảo được duyệt vẫn phải trải qua thêm 64 yêu cầu điều chỉnh. Và thử thách cuối cùng của chúng tôi là làm sao khi người đại diện NEJM gửi bản thảo đi cho 2 người bất kì: 1 BS không chuyên lĩnh vực hiếm muộn và một độc giả bình thường xem, họ không còn thắc mắc nào nữa là chúng tôi đã hoàn thành”, vị bác sĩ nhớ lại.

Sau khi công trình nghiên cứu về chuyển phôi trong thụ tinh ống nghiệm của nhóm BS Việt Nam được chọn công bố, rất nhiều hãng thông tấn lớn của thế giới đã đưa tin về sự việc, đây là minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực tuyệt vời của nhóm BS Việt Nam. “Tôi không phủ nhận sự may mắn, thế nhưng chúng tôi cho rằng mình xứng đáng với thành quả này. May mắn chỉ đến một lần rồi sẽ không bao giờ đến nữa. Vì vậy, may mắn không tạo nên thành công. Chính sự đầu tư nghiêm túc, bền bỉ, không bỏ cuộc mới là con đường dẫn vững chắc đến vinh quang”, câu trả lời mạnh mẽ của vị nữ bác sĩ khiến tôi nghĩ nhiều hơn đến con số 95% thất bại mà người phụ mảnh khảnh ấy vẫn chấp nhận đương đầu.

“Bà mẹ” của hơn 10 nghìn đứa trẻ

Mạnh mẽ, bản lĩnh, nhẫn nại… đó là những gì mà mọi người vẫn nhắc đến  nữ bác sĩ Ngọc Lan. Hàng chục giải thưởng danh giá và mới đây là công trình nghiên cứu trên NEJM chính là những gì BS Lan có được trong nghề nghiệp. Thế nhưng trở về cuộc sống gia đình, gia tài của chị chỉ là tình yêu thương.

Người phụ nữ ấy bật khóc khi nói về mẹ, GS- BS Ngọc Phượng, người mẹ và cũng chính là người thầy của chị trong nghề. Chính câu chuyện mà cô bé Ngọc Lan nghe lỏm được khi lên  10 tuổi là chất xúc tác tuyệt vời để tạo nên một TS.BS Ngọc Lan tài năng và tình cảm của hiện tại.

Ngày ấy, mẹ chị- một GS- BS đầu ngành và nổi tiếng trong lĩnh vực phụ sản đã không chọn con đường ra nước ngoài để lập nghiệp mà chọn ở lại Việt Nam, lăn xả đến từng huyện lị xa xôi để chữa bệnh cho người nghèo. Chính câu trả lời lý giải về điều đó của người mẹ thân yêu đã khắc sâu vào tâm khảm cô bé 10 tuổi: “Thứ tôi để lại cho các con không phải là tiền, mà chính là tình yêu thương”.

Ngôi nhà nhỏ với cánh cổng màu xanh, nơi ba chị em cô bé Ngọc Lan đã phải tự lập từ nhỏ mỗi khi mẹ đi công tác xa chính là nơi ươm mầm cho những ước mơ và nuôi dưỡng những điều tuyệt vời trong tâm hồn non trẻ. Những bộ quần áo cũ được đồng nghiệp mẹ mang đến cho, những thiếu thốn vô vàn trong cuộc sống và cả những dư dả tình thương mà người mẹ trẻ cố vun vén cho các con, những sự quan tâm chắp vá và ngắt quãng trong những ngày nghỉ ít ỏi mà mẹ được ở nhà, hết thảy những điều đó đã phát họa nên bức tranh tuổi thơ đầy tươi đẹp của người bác sĩ mang tên loài hoa ngọc lan.

Những lặng im trên môi, những rưng rưng trên mi mắt ngày càng dồn dập khi người phụ nữ ấy kể về bệnh viện- nơi mà chị bảo đã in dấu cả tuổi thanh xuân của mình. Lễ cưới ngày ấy của chị chỉ diễn ra 4 ngày, không có cả tuần trăng mật vì số cặp vợ chồng chờ đợi tại BV để thụ tinh ngày một nhiều.

Chị kể về cô con gái năm nay lên 7 tuổi đã ghi vào sổ nhật ký những dòng chữ còn chưa ngay ngắn: “Con ước mẹ con có nhiều thời gian hơn để dành cho mẹ, và con muốn mẹ ở nhà với con nhiều hơn”. Hóa ra, trong ngôi nhà ba thế hệ ấy, những đứa con luôn tự chấp nhận việc người mẹ dành thời gian cho nghề và sống trọn với đam mê, mặc dù không dành được nhiều thời gian hơn cho gia đình như một điều vốn dĩ.

Chị tâm sự rằng mình học được ở mẹ bản lĩnh đương đầu và nhiều nhất là cái tâm và trách nhiệm với bệnh nhân. Không biết bao nhiêu lần người BS ấy đã rơi nước mắt một mình bên góc hành lang vì câu chuyện của những người phụ nữ không con. “Có những người tìm đến tôi khi hôn nhân đang ở trên bờ vực thẳm, họ tin tưởng và giao phó cả cuộc đời họ cho tôi”, chị tâm sự.

Điều quý giá nhất mà người phụ nữ ấy nhận được trong suốt 20 năm làm nghề  chính là hơn 10.000 đứa trẻ được ra đời trong niềm hạnh phúc tột cùng của cha mẹ, là tình yêu thương mà bệnh nhân trao tặng, đây cũng chính là bài học đầu tiên mà chị học được từ người mẹ của mình, bài học về giá trị của tình yêu thương (Tiền phong, trang 6).

 

Phát hiện nhiều vụ kinh doanh thực phẩm bẩn

Sáng 6.2, Đội 2 - Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM bất ngờ kiểm tra cơ sở cung cấp thực phẩm tại địa chỉ 303, tổ 40, KP.6, P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Đoàn phát hiện 3 tủ lạnh loại lớn bên trong có hơn 210 kg sản phẩm động vật đóng gói trong các túi không ghi ngày sản xuất lẫn hạn sử dụng, bốc mùi hôi thốiNgười nhận là chủ số hàng trên tên Hoàng Cửu (28 tuổi, quê Bình Định), cho biết đã thuê căn nhà trên hơn 3 năm nay để tồn trữ sản phẩm động vật và phân phối cho các nhà hàng, quán ăn tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Cửu không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử lý chủ hàng.

Sáng cùng ngày, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP Q.Thủ Đức (TP.HCM) kiểm tra vựa sơ chế sả và bắp chuối bào (cả hai không tên) trên QL1 (P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, gần chợ đầu mối nông sản Thủ Đức). Tại vựa sả, đoàn kiểm tra lập biên bản, xử phạt về hành vi kinh doanh không giấy phép, nơi sơ chế không đảm bảo vệ sinh. Tại vựa bắp chuối bào, đoàn kiểm tra phát hiện các công nhân đang trộn một loại hóa chất màu trắng (không rõ nguồn gốc) vào nước để ngâm bắp chuối. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu kiểm tra, lập biên bản vi phạm đối với chủ vựa bắp chuối. Trước đó, ngày 5.2, UBND P.Hiệp Bình Chánh phối hợp Đội quản lý thị trường Q.Thủ Đức, Công an Q.Thủ Đức phát hiện tại nhà số 363A Kha Vạn Cân (P.Hiệp Bình Chánh) chứa 102 can (3.600 lít) dầu ăn đã qua sử dụng. Chủ nhà thừa nhận thu mua dầu ăn đã qua sử dụng rồi vận chuyển lên một công ty ở TX.Thuận An, Bình Dương. Đoàn kiểm tra lập biên bản về hành vi kinh doanh không giấy phép, dầu ăn không rõ nguồn gốc, tạm giữ 3.600 lít dầu để xác minh làm rõ. Theo một cán bộ kiểm tra, dầu ăn đã qua sử dụng được tập kết về một số công ty, nhà máy lớn để tái chế thành dầu ăn mới rồi bán cho người tiêu dùng (Thanh niên, trang 4).

 

Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế tặng quà các bệnh nhi ung thư

Sáng 5.2, tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự chương trình “Xuân yêu thương - Tết cho bệnh nhân ung thư”. Cùng tham dự chương trình có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam- Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư- Ngày mai tươi sáng Nguyễn Thị Xuyên…Thông tin tại chương trình, TS Bạch Quốc Khánh- Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền  máu  Trung ương  cho biết, với vai trò là tuyến cuối của chuyên khoa Huyết học, trong những năm vừa qua số lượng người bênh đến khám và điều trị tại Viện không ngừng tăng (trung bình tăng 10 - 20%/năm). Số lượng ngươi bệnh khám trung bình 550 người/ ngày.

Viện trưởng Bạch Quốc Khánh cũng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế về việc giảm quá tải bệnh viện và cải tiến quy trình khám chữa bệnh, nâng cao thái độ y đức hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Viện đã thực hiện nhiều giải pháp trong đó: Cải tiến quy trình khám chữa bệnh từ 7 bước xuống còn 5 bước. Cải tạo bổ sung thêm 2 phòng khám (Nhi, Thalassemia), hiện tại Khoa khám bệnh có 7 phòng khám. Thực hiện tiếp đón và khám bệnh cho người bệnh từ 6h30 phút các ngày làm việc trong tuần. Đào tạo liên tục cho cán bộ nhân viên để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giao tiếp thân thiện với người bệnh.

Đặc biệt, TS Bạch Quốc Khánh cho biết, từ ngày 1/3/2018, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương sẽ tổ chức khám bệnh vào ngày thứ 7 hàng tuần.

Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương hiện có gần 800 giường bệnh, nhưng số bệnh nhân đang điều trị mỗi ngày tại Viện thực tế lên tới 1.100 bệnh nhân. Rất nhiều bệnh nhân ung thư, đặc biệt là bệnh nhân nhi đang điều trị tại đây có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu vùng xa về điều trị, rất cần sự chung tay chia sẻ của cộng đồng.

Năm 2017, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận từ các cá nhân, đơn vị từ thiện cho bệnh nhân. Tổng số đoàn từ thiện đã tiếp đón: 819 đoàn. Số lượt người bệnh khó khăn được hỗ trợ kinh phí và quà tặng: 30.701 lượt. Hỗ trợ từ nguồn Quỹ Ngày mai tươi sáng cho 98 người bệnh. Tổng giá trị từ thiện năm 2017 gần 15 tỷ đồng.

Lắng nghe những thông tin Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương chia sẻ, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ xúc động được tham dự chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này khi chỉ còn 10 ngày nữa cả nước sẽ đón Tết cổ truyền của dân tộc. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao các hoạt động của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đồng hành với bệnh nhân, chia sẻ khó khăn để các bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhi ung thư có niềm tin vào cuộc sống.

Chủ tịch Quốc hội gửi lời chúc lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng và các cán bộ, viên chức ngành y tế có nhiều sức khỏe để thực hiện có hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực đối với công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) đã ra Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới để nâng cao nhận thức, hành động, tăng nguồn lực cho ngành Y tế, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho bệnh nhân nói chung và bệnh nhân ung thư nói riêng.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngành y tế nỗ lực hơn nữa trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước đầu tư và huy động các nguồn lực khác cùng tham gia vào việc thực hiện nhiệm vụ này, đồng thời, quan tâm hơn nữa đến các bệnh nhân là trẻ em.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng các đồng chí lãnh đạo tham gia chương trình đã trao 100 suất quà tới các bệnh nhi ung thư có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm an toàn

Thời gian qua, hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm có những chuyển biến tích cực, đã hình thành một số vùng sản xuất, kinh doanh rau, quả tươi sống, chăn nuôi an toàn, giết mổ tập trung… bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Số lượng cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn ngày càng tăng, thậm chí đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thực phẩm với công nghệ cao theo chuỗi khép kín. Ði liền với đó, việc kiểm soát các nguy cơ mất an toàn có tiến bộ; hoạt động thanh tra, kiểm tra được tăng cường… Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về ATTP vẫn diễn biến phức tạp, còn nhiều vụ ngộ độc xảy ra gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Trong thời điểm chỉ còn khoảng mười ngày nữa là đến Tết Nguyên đán và sau đó là các lễ hội mùa xuân, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao càng làm cho vấn đề bảo đảm ATTP thêm những thách thức lớn. Tại không ít địa phương, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP còn khá phổ biến; việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm diễn ra ở nhiều nơi; hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không kiểm soát được an toàn vẫn chiếm tỷ trọng lớn; công nghệ chế biến lạc hậu; việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn nhiều khó khăn; tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm về vệ sinh thú y, không rõ nguồn gốc xuất xứ; vi phạm về chất lượng, hết hạn sử dụng... diễn biến phức tạp. Nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ của các ngành chức năng và các địa phương thì đây là cơ hội để những loại thực phẩm không bảo đảm an toàn được đưa vào tiêu thụ tại các chợ truyền thống, vùng sâu, vùng xa.

Thực trạng đó đòi hỏi sự vào cuộc tổng lực, từ các lực lượng chức năng (y tế, nông nghiệp, công thương, quản lý thị trường…) đến chính quyền các cấp trong tuyên truyền, phổ biến các quy định; vận động người sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định. Ðáng chú ý, trong giai đoạn giáp Tết này thì việc thanh tra, kiểm tra là rất quan trọng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc cung ứng các thực phẩm không bảo đảm an toàn đến tay người sử dụng. Ðược biết, ngoài sáu đoàn của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm trực tiếp kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố thì tại các địa phương cũng tổ chức hàng nghìn đoàn với hàng chục nghìn đợt kiểm tra được triển khai. Các đoàn kiểm tra tập trung vào những nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao (thịt, trứng, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu…); các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu.

Tuy nhiên, từ các đợt kiểm tra, thanh tra về ATTP nói chung hay các đợt lễ, Tết nói riêng, việc xử lý vi phạm chưa kiên quyết, còn có biểu hiện nể nang, né tránh; chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật chưa bảo đảm tính răn đe. Do vậy, các đoàn thanh tra cần tăng cường xử phạt vi phạm khi quy định mới về xử phạt đã có hiệu lực. Cụ thể, đối với những hành vi vi phạm về ATTP, như thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam..., tùy tính chất mức độ vi phạm có thể sẽ bị phạt tù. Mặt khác, quá trình thanh tra, kiểm tra, khi phát hiện các đơn vị vi phạm cần công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe cũng như giúp người tiêu dùng biết và lựa chọn mua những loại thực phẩm an toàn (Nhân dân, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang