Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 08/10/2021

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 phiên bản mới nhất; Chính phủ đồng ý mua thêm vaccine Covid-19 của Hungary; Lồng ghép các chuyên khoa để điều trị toàn diện người mắc Covid-19; ...

 

Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 phiên bản mới nhất

Ngày 6/10, Bộ Y tế ban hành "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19". Hướng dẫn mới nhất này sẽ thay thế hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành hồi tháng 7/2021. Đây là phiên bản lần thứ 7.

Về triệu chứng lâm sàng của người mắc COVID-19

Hướng dẫn "Chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng virus SARS-CoV-2" cho biết, thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày, thể delta có thời gian ủ bệnh ngắn hơn.

Ở giai đoạn khởi phát: Chủng alpha có các biểu hiiện sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng, đau đầu. Một số trường hợp bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất vị giác và khứu giác, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng...

Chủng mới (delta): đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, ho, sốt, tiêu chảy, khó thở, đau cơ.

Diễn biến: 

- Đối với thể alpha, 80% bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ, 20% bệnh nhân diễn biến nặng và diễn biến nặng thường khoảng 5-10 ngày và 5% cần phải điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với biểu hiện suy hô hấp cấp, tổn thương phổi do COVID-19, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng cơ quan bao gồm tổn thương thận cấp, tổn thương não, tổn thương tim và dẫn đến tử vong.

- Đối với thể delta, tỉ lệ nhập viện cấp cứu 5,7% (cao hơn 4.2% alpha), tỉ lệ nhập viện, nhập ICU và tử vong tăng hơn trước. Ngoài ra chủng delta liên quan đến tăng mức độ nặng của bệnh biểu hiện bởi tăng nhu cầu oxy, nhập ICU hoặc tử vong so với những chủng khác. Ngoài ra chủng delta có tải lượng vi rút cao hơn 1.260 lần so với 19A/19B và khả năng lây cao hơn 15-20% so với chủng khác.

Giai đoạn hồi phục của bệnh nhân COVID-19

- Đối với trường hợp nhẹ và trung bình, sau 7-10 ngày, bệnh nhân hết sốt, toàn trạng khá lên, tổn thương phổi tự hồi phục, có thể gặp mệt mỏi kéo dài.

- Những trường hợp nặng: Biểu hiện lâm sàng kéo dài, hồi phục từ 2-3 tuần, mệt mỏi kéo dài đến hàng tháng.

- Những trường hợp nguy kịch có thể phải nằm hồi sức kéo dài nhiều tháng, có thể tiến triển xơ phổi, ảnh hưởng tâm lý, yếu cơ kéo dài.

- Một số trường hợp sau nhiễm SARS-CoV-2, gặp các rối loạn kéo dài: bệnh lý tự miễn, hội chứng thực bào... 

Về thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19

Hướng dẫn nêu rõ, đối với thuốc kháng virus:

- Nếu là thuốc chưa được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới, việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.

- Nếu là thuốc đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh (ví dụ: thuốc remdesivir, favipiravir,...).

Thuốc Remdesivir chỉ định đối với bệnh nhân nội trú khởi phát bệnh chưa quá 10 ngày có suy hô hấp phải thở oxy, thở oxy lưu lượng dòng cao (HFNC), hoặc thở máy không xâm nhập; Nên phối hợp với corticoid (ưu tiên dexamethason).

Ưu tiên sử dụng thuốc cho nhóm nguy cơ cao: người bệnh trên 65 tuổi, người có bệnh nền, người bệnh béo phì (BMI > 25).

Không nên bắt đầu sử dụng cho người bệnh COVID-19 cần thở máy xâm nhập, chạy ECMO. Với các trường hợp đã được điều trị bằng remdesivir trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO thì có thể tiếp tục dùng remdesivir cho đủ liệu trình.

Thuốc Favipiravir 200m và Molnupiravir 400mg chỉ định dùng cho bệnh nhân nhẹ. Riêng thuốc Molnupiravir 400mg liều dùng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt.

Đối với thuốc kháng thể kháng virus:

- Nếu là thuốc chưa được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới, việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.

- Nếu là thuốc đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh (ví dụ: thuốc casirivimab 600 mg + imdevimab 600 mg, bamlanivimab + etesevimab,...).

Đối với thuốc ức chế Interleukin-6:

- Nếu là thuốc chưa được Tổ chứcY tế thế giới khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới: việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.

- Nếu là thuốc đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh (ví dụ: thuốc tocilizumab,...).

Tiêu chuẩn xuất viện của bệnh nhân COVID-19

Đối với các trường hợp không có triệu chứng lâm sàng trong suốt thời gian điều trị được ra viện khi đã được cách ly điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị COVID- 19 tối thiểu 10 ngày và có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30) vào ngày thứ 9.

Đối với các trường hợp có triệu chứng lâm sàng được ra viện khi đủ các điều kiện sau: Được cách ly điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tối thiểu 14 ngày; Các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; Có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30) vào trước ngày ra viện.

Đối với các trường hợp cách ly điều trị trên 10 ngày và có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time RT-PCR nhiều lần có nồng độ vi rút CT< 30 được ra viện đủ các điều kiện sau: Đã được cách ly điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 đủ 21 ngày tính từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2; Các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên.

Người được ra viện sẽ được giám sát tại nhà bởi y tế cơ sở và CDC địa phương. Người bệnh sau khi ra viện cần ở tại nhà và tự theo dõi trong 7 ngày (hướng dẫn trước là cách ly 14 ngày). Đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38oC ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời. Tuân thủ thông điệp 5K.

Đối với người bệnh ra viện thuộc trường hợp cách ly điều trị trên 10 ngày và có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time RT-PCR nhiều lần có nồng độ vi rút Ct < 30, sau khi ra viện yêu cầu người bệnh thực hiện cách ly y tế tại nhà trong 7 ngày.

Đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38oC ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Chính phủ đồng ý mua thêm vaccine Covid-19 của Hungary

Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để mua 400.000 liều vaccine AstraZeneca của Hungary.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ đồng ý số lượng vaccine mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ trong năm 2021 vượt con số quy định tại Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ (khoảng 150 triệu liều vaccine).

Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu trong việc mua 400.000 liều vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất của Chính phủ Hungary.

Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện việc mua vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất của Chính phủ Hungary, đảm bảo chất lượng vaccine, hiệu quả, tiến độ trong phòng, chống dịch COVID-19. (An ninh thủ đô, trang 4)

 

Lồng ghép các chuyên khoa để điều trị toàn diện người mắc Covid-19

Ngày 7/10, Bộ Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến triển khai Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 phiên bản lần thứ 7 cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc qua 700 điểm cầu tại các địa phương. Cùng với việc đưa nguyên tắc sử dụng các thuốc kháng vi-rút, kháng thể kháng vi-rút, ức chế IL-6, phiên bản lần thứ 7 có các cập nhật mới trong công tác điều trị.

Theo đó, Covid-19 gây tổn thương hô hấp đa cơ quan, do đó cần lồng ghép các chuyên khoa để điều trị toàn diện từ hô hấp, tuần hoàn, lọc máu, ECMO, cocticoid, kiểm soát đường huyết, điều trị nguyên nhân, phục hồi chức năng, tâm lý, dinh dưỡng… Tách chẩn đoán, điều trị Covid-19 đối với trẻ em thành hướng dẫn riêng. Hướng dẫn mới sẽ là cẩm nang để các cán bộ y tế chăm sóc, điều trị và quản lý người bệnh Covid-19…

Theo PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Y tế, trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân cùng ngành y tế đồng lòng, chung sức vượt qua những khó khăn để chống dịch trong làn sóng thứ tư của biến thể Delta. Ðến nay, kết quả phòng,

chống dịch đã đạt được những hiệu quả đáng ghi nhận, cho thấy con đường đi đúng đắn trong phòng, chống dịch. Bên cạnh trụ cột phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm… thời gian qua, ngành y tế luôn chú trọng cập nhật những kiến thức, thông tin về điều trị, kế thừa học hỏi các kinh nghiệm, nghiên cứu, thành công trong điều trị của thế giới một cách khoa học… để ban hành các phiên bản khác nhau hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Ðáng chú ý, cả hệ thống khám, chữa bệnh đã nỗ lực không ngừng, nhiều thầy thuốc đã xa gia đình, người thân để vào tâm dịch phục vụ công tác điều trị người bệnh Covid-19 hàng tháng trời. Ðã có khoảng 20 nghìn lượt thầy thuốc trên cả nước vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Ðồng Tháp và nhiều tỉnh, thành phố phía nam để phục vụ chống dịch. Trong đó, nhiều chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực đã tham gia điều trị cho người bệnh nặng, nguy kịch tại các trung tâm hồi sức tích cực, bệnh viện chuyên điều trị người bệnh Covid-19.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc hoàn thiện hệ thống dây chuyền lạnh và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Theo Bộ Y tế, để chủ động sẵn sàng cho việc tiếp nhận, bảo quản và triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 nhanh chóng, an toàn và hiệu quả, tránh lãng phí, UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện, chuẩn bị sẵn sàng hệ thống trang thiết bị, dây chuyền lạnh tại các tuyến để bảo đảm việc tiếp nhận, bảo quản các loại vắc-xin Covid-19 với số lượng lớn được cung ứng trong quý IV/2021. Tổ chức tiếp nhận và triển khai tiêm chủng vắc-xin ngay sau khi được phân bổ. Ðẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế. Các địa phương cần bố trí đủ kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 theo chỉ đạo.

Sở Y tế Hà Nội có công văn đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội và các bệnh viện, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, các đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đợt 22 theo đối tượng cần tiêm, số lượng vắc-xin được phân bổ bảo đảm minh bạch, đúng đối tượng. Sở Y tế Hà Nội đã phân bổ 121.600 liều vắc-xin AstraZeneca cho các đơn vị trên địa bàn để ưu tiên tiêm trả mũi hai cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi một cho các đối tượng chưa được tiêm chủng thuộc nhóm các đối tượng ưu tiên theo quy định...

Liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức, CDC thành phố Hà Nội cho biết, ngày 7/10 ghi nhận 3 ca mắc Covid-19 mới trong khu vực cách ly. Như vậy, tính từ khi phát hiện đến 18 giờ ngày 7/10, liên quan ổ dịch Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức ghi nhận 55 ca mắc Covid-19, trong đó ghi nhận tại Hà Nội 43 ca và 12 ca tại các tỉnh Nam Ðịnh (7 ca), Hà Tĩnh (2 ca), Hưng Yên (1 ca), Hải Dương (2 ca).

Chiều 7/10, lãnh đạo Ban Dân vận T.Ư và một số cơ quan y tế TP Hồ Chí Minh có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng nhằm hỗ trợ tỉnh ngăn chặn dịch Covid-19 đang có dấu hiệu tăng nhanh. Ðến nay, tỉnh Sóc Trăng đã có 1.682 ca nhiễm Covid-19, trong đó điều trị khỏi 926 ca, có 22 ca tử vong. Từ ngày 30/9 đến nay, số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng rất nhanh. Tính đến chiều 6/10 tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận gần 40.000 người từ các địa phương khác trở về, trong đó có 102 F0. Tại buổi làm việc, các cơ quan y tế TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ với Sóc Trăng nhiều kinh nghiệm chống dịch và thiết lập nhanh cơ chế hỗ trợ khẩn cấp cho Sóc Trăng trong công tác phòng, chống và điều trị Covid-19…

Theo Báo cáo của Bộ Y tế, ngày 7/10 ghi nhận 4.150 ca nhiễm Covid-19 mới gồm ba ca nhập cảnh và 4.147 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 1.986 ca tại cộng đồng. Trong ngày, có 1.402 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 125 ca tử vong (có năm ca tử vong tại tỉnh Ninh Thuận thời gian trước đó mới được cập nhật). Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận 826.837 ca mắc Covid-19, trong đó có 758.488 ca được công bố khỏi bệnh và 20.223 người tử vong; tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 49.254.925 liều, trong đó tiêm một mũi là 36.448.527 liều, tiêm mũi hai là 12.806.398 liều.

Ngày 7/10, Thường trực UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh đã thống nhất chủ trương chi hỗ trợ cho công dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trở về địa phương với mức 1,5 triệu đồng/người.

Thời gian qua đã có hơn 35.000 công dân từ các tỉnh, thành phố đã trở về Kiên Giang, trong đó về tự phát trong tuần qua là hơn 34.000 người. Theo khảo sát của tỉnh, số người có nguyện vọng trở về Kiên Giang vào khoảng 42.000 người, trong tổng số 110.000 người đang làm việc, lao động ở ngoài tỉnh. Hiện, mỗi ngày Kiên Giang tiếp nhận và tổ chức phân loại, xét nghiệm, cách ly y tế cho vài nghìn công dân từ nhiều địa phương trở về tỉnh. (Nhân dân, trang 5)

 

Các lực lượng chi viện chống dịch sẽ rút khỏi TP.HCM

Chậm nhất 15-10, lực lượng chi viện chống dịch rút quân khỏi TP.HCM để trở về địa phương thực hiện nhiệm vụ công tác.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM chống dịch - vừa ký văn bản gửi UBND TP.HCM về việc sắp xếp nhân lực hỗ trợ trở về địa phương công tác.

Trong văn bản gửi UBND TP, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết để bảo đảm nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch tại TP, Bộ Y tế đã huy động nhân lực từ nhiều địa phương, các cơ sở giáo dục đại học và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế. Trong số này, có một số đoàn cán bộ, viên chức y tế của các địa phương, đơn vị đã có thời gian hỗ trợ chống dịch tại TP liên tục từ tháng 7 đến nay.

Đến thời điểm này, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP đã có nhiều chuyển biến tích cực và cơ bản kiểm soát được dịch bệnh; TP cũng đã ban hành chỉ thị 18 để thích ứng an toàn, từng bước phục hồi kinh tế.

Bộ Y tế đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở Y tế TP, các cơ quan chuyên môn của TP và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức bố trí, sắp xếp và tạo điều kiện hỗ trợ các thủ tục cần thiết để các đoàn chi viện này được về địa phương tiếp tục thực hiện chuyên môn của mình. Thời gian rút quân chi viện chậm nhất trước 15-10. (Tuổi trẻ, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang