‘Tiêm vaccine COVID-19 để giảm thiểu bệnh nặng và tử vong vẫn là chiến lược quan trọng nhất’
Theo báo cáo công tác phòng, chống dịch COVID-19 mới nhất của Bộ Y tế, tại thời điểm này không thích hợp để đề cập miễn dịch cộng đồng với dịch COVID-19; tiêm vaccine COVID-19 để giảm thiểu bệnh nặng và tử vong vẫn là chiến lược quan trọng nhất trong giai đoạn bình thường mới.
Tại thời điểm này không thích hợp để đề cập miễn dịch cộng đồng với dịch COVID-19
Báo cáo công tác phòng chống dịch COVID-19 do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày tại Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra sáng 6/11 cho biết, ngày 5/10/2022, Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình nghiên cứu, đánh giá hiệu quả miễn dịch của vaccine phòng COVID-19.
Hiện nay, tại Việt Nam đang tiến hành 7 nghiên cứu đánh giá hiệu quả bảo vệ, đáp ứng miễn dịch của vaccine phòng COVID-19, trong đó 01/07 nghiên cứu đã hoàn thành và đang hoàn thiện báo cáo, 06/07 nghiên cứu đang trong thời gian triển khai.
Hiện nay chưa có các kết quả nghiên cứu chính thức về miễn dịch bảo vệ sau tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam, tuy nhiên có thể sử dụng kết quả nghiên cứu trên thế giới về hiệu quả bảo vệ sau tiêm vaccine phòng COVID-19 để tham khảo và triển khai các hoạt động phòng chống dịch đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.
Hầu hết các nghiên cứu có nhận định rằng tại thời điểm này không thích hợp để đề cập miễn dịch cộng đồng với dịch COVID-19, chưa thể xác định việc thanh toán cũng như loại trừ dịch COVID-19. Do đó chưa thể xác định tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 3, mũi 4 cần đạt là bao nhiêu và có cần tiêm mũi tiếp theo hay không.
Bộ Y tế cho biết tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 100% các đối tượng có nguy cơ cao (cả liều cơ bản và các liều tiêm nhắc), sau đó mở rộng tiêm cho các đối tượng ưu tiên thấp hơn để giảm thiểu bệnh nặng và tử vong do COVID-19 vẫn là chiến lược quan trọng nhất trong giai đoạn bình thường mới.
Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch
Ban Chỉ đạo nhận định, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán; miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Bên cạnh đó, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.
Do đó để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, tạo điều kiện để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đánh giá, phân tích tình hình, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; đồng thời kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, tếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19; sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế... (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)
Thủ tướng: Tuyệt đối không chủ quan trong phòng chống dịch, đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19
Tại phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả phương châm "thích ứng linh hoạt", kiểm soát dịch bệnh trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19.
Sáng 6/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cho rằng, đến nay công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện đúng hướng, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Nhờ đó, dịch bệnh được kiểm soát trên phạm vi cả nước; tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng nêu một số khó khăn, hạn chế như: Một số nơi chưa quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch; công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch chưa đồng đều, chưa nhất quán; chưa có sự vào cuộc của các cấp, ngành cùng với ngành y tế, sự phối hợp giữa các lực lượng chưa nhịp nhàng, đồng bộ...
Đặc biệt, tình hình dịch COVID-19 hiện nay cơ bản đã được kiểm soát và đang trở lại trạng thái bình thường mới. Số người mắc COVID-19 thời gian qua không nhiều, trẻ em mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ, dẫn đến tâm lý chủ quan, lơ là tiêm chủng. Còn có một bộ phận người dân vẫn chưa ủng hộ, đồng thuận tiêm chủng do lo ngại về tác dụng phụ, phản ứng sau tiêm, chất lượng và hiệu quả của vaccine.
Các đại biểu nhận định, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán; miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Bên cạnh đó, SARS-CoV-2 liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cho rằng, để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, tạo điều kiện để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đánh giá, phân tích tình hình, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; đồng thời kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19; sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế...
Kiểm soát dịch bệnh trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tuyệt đối không chủ quan, lơ là
Phát biểu kết luận phiên họp, bên cạnh khẳng định kết quả phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch COVID-19; vẫn phải tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát và mở rộng năng lực điều trị, tiêm vaccine vẫn là giải pháp có tính chiến lược; đồng thời tiếp tục cập nhật kế hoạch chuẩn bị và ứng phó ở tầm quốc gia.
Theo Thủ tướng, quan điểm chỉ đạo là tiếp tục đặt tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; thực hiện hiệu quả phương châm "thích ứng linh hoạt", kiểm soát dịch bệnh trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại; thực hiện đồng bộ các giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và Chương trình phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp tổ chức tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19"; tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV về cơ chế, chính sách phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời đề xuất điều chỉnh và có cơ chế chính sách mới phù hợp với tình hình, bối cảnh mới.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tiêm chủng vaccine theo các mục tiêu đã đề ra; có phương án bảo đảm, phân bổ kịp thời vaccine đáp ứng yêu cầu của các địa phương; tăng cường đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy việc tổ chức tiêm vaccine tại các địa phương theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia.
Tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh tập trung chỉ đạo việc tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine; chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch; đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị; khắc phục triệt để vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
"Phản ứng chính sách kịp thời hơn nữa; đoàn kết, phối hợp chặt chẽ để tập trung tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục, nhất là thủ tục hành chính phục vụ phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội"- Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chủ động hơn nữa trong công tác truyền thông và các bộ, ngành, địa phương đều phải coi trọng công tác này. Các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan báo chí, truyền thông thông tin kịp thời, chính xác, khách quan tình hình dịch bệnh, kết quả phòng, chống dịch; tình hình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu; khuyến cáo, hướng dẫn người dân tin tưởng, ủng hộ, chủ động tham gia các biện pháp phòng chống dịch.
Trong đó, chú trọng tiếp tục thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong.
Bên cạnh phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quan tâm công tác tiêm chủng vaccine mở rộng; tăng cường phòng chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ...; thúc đẩy sản xuất vaccine, phát triển ngành công nghiệp dược trong nước; chú ý việc kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2)
Nguyên tắc ăn uống quan trọng với người bệnh sốt xuất huyết
Điều quan trọng để người bệnh chống lại loại virus gây bệnh sốt xuất huyết và ngăn ngừa sự tái phát của virus là chế độ ăn uống đầy đủ, khoa học phải được duy trì và tuân thủ.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue lây truyền qua vết muỗi đốt. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể gây nguy hiểm cho người bệnh nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trong những ngày gần đây, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở nước ta gia tăng nhanh chóng và có nhiều trường hợp chủ quan hoặc điều trị tại nhà không đúng cách đã dẫn tới tử vong đáng tiếc.
Khi bị mắc sốt xuất huyết, người bệnh thường có các triệu chứng giống cúm như sốt, ho, nhức đầu, đau cơ và kiệt sức. Điều rất cần thiết là phải có một chế độ dinh dưỡng hợp lý khi người bệnh đang trong giai đoạn này.
1. Mục tiêu của chế độ dinh dưỡng khi bị sốt xuất huyết
Giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng như buồn nôn, nôn,…
Cải thiện tình trạng rối loạn dung nạp thức ăn
Ngăn ngừa các biến chứng nặng như xuất huyết tiêu hóa, mất nước,…
Cải thiện số lượng tiểu cầu và giải độc cơ thể.
Đảm bảo sớm bình phục cho người bệnh.
Bên cạnh đó, có 2 vấn đề chính cần lưu ý trong khi điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết là theo dõi sát sao lượng tiểu cầu và bù dịch, bù điện giải cho bệnh nhân kịp thời. Biết được những gì nên ăn và những gì không nên ăn khi bị sốt xuất huyết là rất quan trọng vì có một chế độ ăn uống đầy đủ và đúng cách là cách tốt nhất để cơ thể chống chọi với căn bệnh này.
2. Chế độ ăn cho người bệnh sốt xuất huyết
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh sốt xuất huyết tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh như sau:
Chế độ ăn lỏng cho giai đoạn đầu của bệnh sốt xuất huyết khi người bệnh bị sốt cao.
Chế độ ăn nhẹ cho người bệnh sốt xuất huyết khi cơn sốt giảm và người bệnh dần hồi phục.
Chế độ ăn uống bình thường trong thời gian hồi phục.
Trong thời gian mắc sốt xuất huyết, người bệnh thường mệt mỏi, đau người, nhức đầu, sốt cao, người bệnh không cảm thấy muốn ăn bất cứ thứ gì trong giai đoạn này. Người bệnh bị sốt xuất huyết thường cảm thấy buồn nôn, nôn mửa và cực kỳ suy nhược, trong tình trạng này, chế độ ăn lỏng, mềm cần được khuyến nghị cho người bệnh, vì nó dễ tiêu hóa, hấp thu hơn so với chế độ ăn đặc.
Nên ăn một lượng nhỏ và nhiều bữa trong ngày. Chế độ ăn lỏng cung cấp nhiều nước giúp bù lại lượng nước mất đi khi sốt cao và hạ nhiệt độ cơ thể. Nên tránh thức ăn rắn cho đến khi hết sốt. Uống nhiều nước là điều cần thiết để thay thế lượng nước mất đi khi sốt cao.
3. Bệnh nhân sốt xuất huyết nên lựa chọn những loại thực phẩm sau
3.1. Người bệnh sốt xuất huyết nên uống nhiều nước, đặc biệt là nước dừa
Người bệnh sốt xuất huyết thường có sốt, mệt mỏi. Khi bị sốt, cơ thể mất nước nên người bệnh cần uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất đi.
Nhấm nháp nước lọc hoặc nước oresol nhiều lần trong ngày giúp bù điện giải quan trọng. Cần lưu ý theo dõi nước tiểu màu trong hay không để bù nước kịp thời.
Nước dừa chứa nhiều chất dinh dưỡng, cung cấp chất điện giải tự nhiên nên dừa rất tốt cho tất cả những ai bị mất nước nghiêm trọng. Nước dừa cũng cung cấp cho cơ thể một số chất dinh dưỡng quan trọng giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi sau bệnh sốt xuất huyết.
3.2. Tăng cường thực phẩm giàu vitamin C
Các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, ổi, kiwi, dâu tây, xoài … có tác dụng chống oxy hóa rất tốt, cho cơ thể khi hồi phục sau bệnh sốt xuất huyết. Cam có hàm lượng chất xơ cao nên rất tốt để trị chứng khó tiêu. Thực phẩm giàu vitamin C là một lựa chọn không thể bỏ qua cho những ai đang bị sốt xuất huyết.
3.3. Người bệnh sốt xuất huyết nên ăn sữa chua
Sữa chua có chứa các lợi khuẩn giúp hỗ trợ tiêu hóa bằng cách cải thiện sự cân bằng của vi khuẩn tốt và xấu trong ruột. Sữa chua là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng rất cần thiết cho cơ thể để tăng cường sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và khả năng chống viêm.
Sữa chua có lợi cho quá trình tiêu hóa của bạn và bổ sung chế phẩm sinh học giúp hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh từ đó giúp chống lại virus và nhiễm trùng do vi khuẩn.
3.4. Trà thảo mộc giúp giảm mệt mỏi
Một ngụm trà thảo mộc có thể giúp làm dịu các triệu chứng của sốt xuất huyết. Trà thảo mộc có thể giúp kiểm soát các triệu chứng giống như cảm cúm như đau họng và sốt. Một loại trà dễ kiếm và phổ biến nhất là trà gừng. Loại trà này rất giàu đặc tính chống viêm và chứa chất chống oxy hóa giúp giảm mệt mỏi, căng thẳng cho người bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra bạn cũng có thể uống trà mật ong chanh, trà bạc hà mật ong,…
3.5. Lá đu đủ cũng tốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết
Lá đu đủ được cho là cực kỳ hiệu quả để tăng cường bạch cầu và số lượng tiểu cầu trong điều trị sốt xuất huyết. Đây được coi là một trong những phương pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà tốt nhất.
Bạn nên dùng chiết xuất đu đủ ở dạng nước ép hoặc nghiền nát một vài lá đu đủ và nó được chứng minh là hiệu quả nhất trong việc kích hoạt số lượng tiểu cầu làm giảm trong thời gian bị sốt xuất huyết. Tuy nhiên, nó có mùi và vị khó chịu.
3.6. Nên ăn nhiều trái cây
Trong trường hợp bạn không thể ăn thức ăn rắn thông thường, hãy ăn các loại trái cây tươi như chuối, táo, cam quýt và ổi vì chúng giúp bổ sung khoáng chất và vitamin bị mất trong quá trình sốt cao. Trái cây cũng cung cấp năng lượng cần thiết để chống lại sự mệt mỏi do nhiễm trùng này. Có thể dùng dưới dạng nước ép trái cây tươi.
Một trong những loại trái cây dễ kiếm, lựu là một loại trái cây tuyệt vời để kiểm soát các triệu chứng sốt xuất huyết. Không chỉ là loại trái cây tuyệt vời để giải độc gan, lựu còn giúp tăng lượng máu và do đó, giúp phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
3.7. Súp rau củ dễ tiêu hóa, phù hợp với người bệnh sốt xuất huyết
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường mệt mỏi, chán ăn hoặc khó ăn các thức ăn thông thường. Hãy thử chế biến món súp rau củ bao gồm một vài loại rau củ bổ dưỡng và giàu protein trong chế độ ăn uống của bạn. Có thể thêm miếng đậu hũ, nấm hoặc đậu nành để làm giàu protein. Một bữa ăn này sẽ giàu protein, năng lượng, chất xơ và khoáng chất, giúp người bệnh nhanh hồi phục.
3.8. Không nên kiêng các loại thức ăn như trứng, thịt gà và cá
Người bệnh sốt xuất huyết phải thực hiện chế độ ăn giàu protein. Một bữa ăn có nhiều protein chất lượng tốt (nạc) sẽ giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.
Vì vậy, những lời khuyên không nên ăn đồ tanh như cá, trứng hay thịt gà là không có cơ sở. Những thực phẩm này cung cấp cho cơ thể lượng chất dinh dưỡng phù hợp để giúp cơ thể chống chọi lại nhiễm trùng.
3.9. Tránh thức ăn nhiều dầu và cay
Người bệnh sốt xuất huyết không chỉ bị sốt, cảm mà còn mệt mỏi vô cùng. Một điều quan trọng khác bạn cần lưu ý khi đối phó với bệnh sốt xuất huyết là virus có thể khiến hệ tiêu hóa của cơ thể bạn yếu đi, do đó điều quan trọng là bạn phải tránh thức ăn cay và nhiều dầu mỡ trong thời gian bị nhiễm bệnh.
Nên ăn thức ăn chần hoặc luộc trong thời gian phục hồi vì thức ăn nhiều dầu mỡ làm chậm quá trình tiêu hóa. Ngoài ra, nên tránh thức ăn cay vì có thể gây khó chịu cho đường tiêu hóa. Không nên tiêu thụ các loại đồ ăn vặt, đồ ăn chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói, đồ nướng... (Sức khoẻ & Đời sống, trang 5)
Người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu để dịch sốt xuất huyết bùng phát
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TP.
Chỉ thị nêu rõ, phải đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết. Chủ động, quyết liệt, tập trung xử lý các ổ dịch không để lan rộng, kéo dài; phòng, chống sốt xuất huyết một cách triệt để, thực chất, ngăn chặn đẩy lùi dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, hạn chế thấp nhất số ca mắc, tình trạng bệnh nhân chuyển nặng tử vong.
Về nguyên tắc thực hiện trên tinh thần chung không để dịch bệnh bùng phát, không để dịch chồng dịch; cơ quan, địa phương nào để dịch bệnh bùng phát do nguyên nhân chủ quan thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.
Chỉ thị cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã của Thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Trong đó, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn quản lý… Huy động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy hằng tuần, nhất là tại các khu vực có ổ dịch...
Theo UBND TP Hà Nội, trong 2 tuần gần đây, số lượng mắc sốt xuất huyết trên địa bàn TP tăng nhanh, trên 1.200 ca/tuần. Số ca sốt xuất huyết năm 2022 đến nay ghi nhận 9.747 mắc, 12 tử vong; số mắc tăng gấp 3,4 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021 (2.935 mắc, 0 tử vong); số mắc năm 2022 tăng 2 lần so với trung bình cùng kỳ 5 năm gần đây. (Công an nhân dân, trang 1)
Đánh giá toàn diện đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị y tế để quy định cụ thể
Sáng 7-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ về Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí trong hồ sơ mời thầu
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng gồm 10 chương, 98 điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, luật này đã sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, giữ nguyên 2 điều, bãi bỏ 12 điều. Về phạm vi điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đã được quy định thống nhất theo hướng: Luật Đấu thầu quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất thuộc trường hợp phải đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai, đồng thời, quy định phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư và các yêu cầu về kỹ thuật, kinh tế - xã hội, môi trường của dự án đầu tư sử dụng đất. Luật Đất đai quy định về trường hợp, điều kiện xác định khu đất được lựa chọn để đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định về giao đất, cho thuê đất; quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư được lựa chọn để thực hiện dự án có sử dụng đất.
Dự thảo luật tiếp tục áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng quy định tại Luật Doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, đồng thời, bãi bỏ quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013 để không áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng.
Dự thảo luật hoàn thiện quy định về tiêu chí bảo đảm cạnh tranh trong nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; sửa đổi, bổ sung quy định về cách xác định chi phí cho toàn bộ quá trình sử dụng của hàng hóa, công trình, nhằm hạn chế tình trạng nhà thầu bỏ thầu giá rẻ để trúng thầu, dẫn đến việc thực hiện hợp đồng không bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng đối với các gói thầu có các điều kiện đặc thù hoặc cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện; sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức mua sắm trực tiếp, tự thực hiện nhằm hạn chế tình trạng áp giá cao trong mua sắm trực tiếp; khắc phục tình trạng lạm dụng hình thức tự thực hiện để giao gói thầu cho các đơn vị trực thuộc chủ đầu tư thực hiện, thay vì áp dụng đấu thầu rộng rãi; bổ sung quy định cho phép hồ sơ mời thầu được đưa ra yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ một nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể trong trường hợp cần mua hàng hóa có chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm đáp ứng yêu cầu sử dụng, trong đó có vật tư, trang thiết bị y tế.
Tránh khoảng trống pháp lý trong việc quản lý vốn của Nhà nước
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, đối với việc đưa ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật với “dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng”, cần rà soát kỹ để tránh khoảng trống pháp lý trong việc quản lý vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp khác không thuộc doanh nghiệp nhà nước nhằm bảo đảm tăng cường quản lý vốn của Nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước và bảo đảm được quyền tự chủ, quyền quyết định kinh doanh của doanh nghiệp.
Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc bổ sung vào dự thảo luật để quy định về trường hợp đặc biệt lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ, luật hóa các quy định để bảo đảm chặt chẽ, tránh tình trạng ban hành các văn bản hướng dẫn, quyết định về những vấn đề đặc biệt, không bảo đảm công khai, minh bạch. Theo đó, nghiên cứu để cụ thể hóa việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt để quy định trong dự thảo luật về trường hợp đặc biệt, đặc thù; đồng thời, quy định nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện, yêu cầu đối với gói thầu được áp dụng lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, đặc thù và trường hợp cấp bách, khẩn cấp.
Đối với đấu thầu tập trung, mua thuốc, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn, hạn chế việc giao Chính phủ quy định chi tiết; đề nghị Chính phủ cần làm rõ quy định “Mua sắm tập trung được thực hiện ở cấp quốc gia và cấp địa phương”.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, không có quy định về lựa chọn nhà thầu theo hình thức đàm phán giá. Tuy nhiên, dự thảo luật quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc theo hình thức đàm phán giá, giao Chính phủ quy định chi tiết. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung quy định và quy định rõ nguyên tắc đàm phán giá, bổ sung hành vi nghiêm cấm trong đàm phán giá, trách nhiệm của các chủ thể liên quan thực hiện đàm phán giá, quy trình đàm phán giá vào dự thảo luật. (Hà Nội mới, trang 2).