Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 08/1/2020

  • |
T5g.org.vn - Tăng cường giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu; Người bệnh tăng huyết áp thận trọng khi dùng thuốc cảm cúm; Chưa một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành có công dụng giải rượu thần tốc…

 

Phòng, chống dịch bệnh: Giám sát chặt, tiêm chủng đầy đủ

Ngay những ngày đầu năm 2020, Bộ Y tế liên tục đưa ra cảnh báo về nguy cơ bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân từ Trung Quốc xâm nhập nước ta, đồng thời triển khai hệ thống giám sát tại các cửa khẩu, cơ sở y tế, cộng đồng. Trong khi đó, một số bệnh truyền nhiễm mùa đông - xuân, như: Sởi, cúm, tay chân miệng, ho gà, sốt xuất huyết… vẫn tiềm ẩn những diễn biến khó lường. Nếu không quyết liệt phòng, chống, trong đó quan trọng nhất là tiêm chủng đầy đủ, nhiều bệnh dễ bùng phát trong dịp Tết Nguyên đán.

Nguy cơ xâm nhập bệnh mới

Theo thông tin từ Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ngày 7-1-2020, từ 27 trường hợp mắc vi rút lạ gây viêm phổi cấp không rõ nguyên nhân tại 1 chợ thủy sản ở trung tâm thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc (vào ngày 31-12-2019), đã tăng lên 59 trường hợp (tính đến ngày 6-1-2020), trong đó còn 7 người rơi vào tình trạng nguy kịch. Trong khi, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi, như: Ebola, MERS-CoV… tiếp tục được ghi nhận tại một số quốc gia trên thế giới. 

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng cho biết, từ năm 2014 đến nay, Bộ Y tế đã và đang duy trì hoạt động giám sát chặt chẽ nhiều loại bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm và mới nổi, như: MERS-CoV, Ebola, SARS, cúm A/H7N9… Tính đến ngày 7-1-2020, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi trên thế giới, cũng chưa ghi nhận trường hợp có biểu hiện tương tự như bệnh viêm phổi cấp ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán hiện nay, việc giao lưu, đi lại, thương mại giữa các nước ngày càng gia tăng, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ các dịch bệnh xâm nhập vào nước ta qua các cửa khẩu. Thêm vào đó, thời tiết lạnh ẩm của mùa đông - xuân tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường. Đây cũng là thời điểm các dịch bệnh lưu hành trong nước như sởi, ho gà, cúm, tay chân miệng… “đến hẹn lại lên”.

Tại khu vực miền Bắc, báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương ghi nhận, từ ngày 28-12-2019 đến 3-1-2020, đã có 13 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Như vậy, tính cả năm 2019 đến nay, miền Bắc đã có 12.432 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 5.119 trường hợp dương tính với sởi, 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Hòa Bình. Riêng Hà Nội, từ ngày 28-12-2019 đến 7-1-2020 ghi nhận 2 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Trong năm 2019, thành phố cũng có hơn 2.900 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 1.765 trường hợp mắc sởi, phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; tăng hơn 3 lần so với năm 2018.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tùng, Khoa Nhi, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 nhận định, bệnh sởi thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, là đối tượng có miễn dịch kém, đặc biệt những trẻ không được tiêm vắc xin phòng sởi. Sởi là bệnh lành tính nhưng có thể diễn biến nặng khi có các biến chứng nguy hiểm, như: Viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản… Đây là một trong những căn nguyên gây tỷ lệ tử vong cao ở các nước đang phát triển.

Cùng với sởi, thời tiết đông - xuân là điều kiện thuận lợi gia tăng, bùng phát dịch cúm. Hiện nay, các chủng cúm mùa lưu hành tại Việt Nam chủ yếu là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B. Từ ngày 28-12-2019 đến 3-1-2020, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương ghi nhận 6 trường hợp viêm phổi nặng do vi rút, trong đó 3 trường hợp dương tính với vi rút cúm A/H1N1, 1 trường hợp dương tính với vi rút cúm A/H3N2, 2 trường hợp còn lại âm tính với vi rút cúm A/B.

Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh

Theo PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, qua phân tích dịch tễ bệnh nhân sởi năm 2019 theo tiền sử tiêm chủng cho thấy, trong số 1.765 trường hợp mắc sởi, có 490 trường hợp chưa đến tuổi tiêm chủng, 197 trường hợp đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, 861 trường hợp chưa được tiêm phòng và 217 trường hợp không rõ tiền sử tiêm chủng. “Với những bệnh hiện đã có vắc xin phòng bệnh, gồm sởi, ho gà, cúm, viêm não Nhật Bản…, các bậc phụ huynh cần đưa con đi tiêm phòng đầy đủ. Việc tiêm vắc xin không chỉ phòng bệnh cho chính bản thân mỗi người, mà còn tạo miễn dịch phòng bệnh cho cả cộng đồng”, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm lưu ý. Trong năm 2020, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực của hệ thống giám sát dịch từ thành phố đến cơ sở; tăng cường năng lực hệ thống phòng xét nghiệm để chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất công tác đáp ứng tại các đơn vị trong ngành.

Những ngày gần đây, để đối phó với bệnh viêm phổi lạ tại Trung Quốc và các bệnh truyền nhiễm mới nổi khác, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm cho biết, thành phố đã triển khai 5 máy đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh và quá cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhất là những hành khách đến từ vùng đang lưu hành dịch bệnh viêm phổi cấp tại Trung Quốc. Ngày 7-1-2020, Cục Y tế dự phòng lần thứ 2 trong năm nay có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu, chủ động rà soát kế hoạch đáp ứng các tình huống dịch bệnh, sẵn sàng trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, bố trí nhân lực... Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo mỗi người dân cần chủ động phòng bệnh trong kỳ nghỉ Tết bằng cách giữ ấm cơ thể; khi có các dấu hiệu sốt, ho, đau ngực, khó thở và bất cứ các triệu chứng bất thường về sức khỏe, phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Phấn đấu tăng tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền

Ngày 7-1-2020, tại Hà Nội, Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) tổ chức hội nghị tổng kết công tác y, dược cổ truyền năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Hiện nay, cả nước có 66 bệnh viện y học cổ truyền; nhiều bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đã thành lập khoa y học cổ truyền, tổ y học cổ truyền… Ở cấp xã, cả nước có hơn 83% trạm y tế tổ chức khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền… Tỷ lệ khám bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trên tổng số khám chữa bệnh chung tại tuyến tỉnh chiếm 8,4%; tuyến huyện chiếm gần 14%; tuyến xã là 30%. Năm 2019 điểm trung bình chất lượng của các bệnh viện y học cổ truyền trên cả nước là 3,26 điểm trong khi năm 2018 là 3,23 điểm.

Tuy nhiên, công tác y, dược cổ truyền cũng còn một số khó khăn như: chưa có chính sách ưu tiên phát triển công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền;việc phân bổ nhân lực y học cổ truyền chưa hợp lý; chưa có chính sách đãi ngộ hợp lý cho cán bộ làm công tác y, dược cổ truyền…

Năm 2020, Cục Quản lý y, dược cổ truyền đặt mục tiêu củng cố và phát triển mạng lưới y, dược cổ truyền và Hội Đông y Việt Nam; tăng cường quản lý dược liệu, thuốc cổ truyền nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền; phấn đấu đạt tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ở tuyến trung ương là 10%, tuyến tỉnh là 20%, tuyến huyện là 25% và tuyến xã là 40%. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Tăng cường giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu

Trước việc tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát dịch bệnh truyền nhiễm tại cửa khẩu, cơ sở y tế, cộng đồng thông qua hệ thống giám sát thường xuyên và giám sát dựa vào sự kiện (EBS).

Tổ chức giám sát chặt chẽ bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tình trạng sức khỏe tất cả các hành khách nhập cảnh từ TP Vũ Hán; tập trung phát hiện sớm, cách ly và xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, có báo cáo kịp thời cho các cơ quan quản lý để phối hợp chỉ đạo giải quyết...

Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu các cơ sở y tế lưu ý khai thác tiền sử người bệnh đi về từ các khu vực đang ghi nhận các trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân tại Trung Quốc để chủ động áp dụng các biện pháp quản lý

phù hợp và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp bệnh xâm nhập vào nước ta. Sở Y tế các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động rà soát kế hoạch đáp ứng dịch bệnh tại địa phương, các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, bố trí nhân lực để sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng, chống theo các tình huống dịch bệnh. (Nhân dân, trang 8).

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 2: “Dịch bệnh “lạ” tại Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp”; Sài Gòn giải phóng, trang 6: “Giám sát người nhập cảnh tại cửa khẩu, ngăn dịch xâm nhập”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Ngăn chặn virus viêm phổi chàn vào nước ta: Kiểm soát thân nhiệt 100% khách nhập cảnh từ Vũ Hán”.

 

Chưa một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành có công dụng giải rượu thần tốc

Trước thực tế người dân đang rất quan tâm đến việc xử phạt nặng lái xe có nồng độ cồn theo quy định mới, trên mạng xã hội lập tức xuất hiện hàng loạt quảng cáo sản phẩm thuốc giải rượu thần tốc… để “ăn theo trend”.

Gây “sốt” nhất những ngày qua là một loại sản phẩm “kẹo giải rượu” Hàn Quốc, được nhiều người bán hàng online quảng cáo trên mạng xã hội với nhiều tác dụng thần kỳ, đặc biệt là giúp người uống rượu bia lái xe tham gia giao thông “thoát kiểm tra nồng độ cồn”.

Cụ thể, trên một số địa chỉ facebook quảng cáo loại kẹo này được đóng hộp, 1 hộp có 10 gói, mỗi gói 3 viên kẹo, kẹo mềm dễ nhai, với thành phần chính là Curcumin 30mg được chiết xuất từ tinh bột nghệ, củ sả và hương xoài thơm nên giúp xả nhanh lượng cồn trong cơ thể. Vì thế, khi uống rượu chỉ cần nhai viên kẹo là sẽ hết “mùi cồn”.

Trước thực trạng này, đại diện Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã lên tiếng cảnh báo, khẳng định: Tại Việt Nam chưa một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành có công dụng giải rượu thần tốc hay “thổi bay nồng độ cồn” như vậy.

Theo Cục Quản lý dược, ngay cả trên thế giới cũng chưa có loại thuốc nào chứng minh được công dụng này. Hiện chỉ có một số thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hoá, làm tăng việc đào thải qua gan, giảm hấp thu rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở.

Về vấn đề này, PSG.TS Trần Nhân Thắng, Trưởng Khoa Dược - Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, chắc chắn không có loại thuốc hay sản phẩm nào có tác dụng "thổi bay" được nồng độ cồn trong chốc lát. Theo ông Thắng, trên thực tế có một số thuốc gây cảm ứng enzym gan, giúp gan tăng cường chuyển hoá, đào thải rượu. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được dùng trong cấp cứu y khoa (nghiện rượu, ngộ độc…) với sự chỉ định của bác sĩ. Quá trình sử dụng thuốc phải được theo dõi chặt chẽ tại cơ sở y tế vì có thể gây ra phản ứng nguy hại cho sức khoẻ. (An ninh Thủ đô, trang 8).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Thực hư thuốc “thổi bay” nồng độ cồn sau uống bia rượu”.

 

Trung tâm chăm sóc sức khỏe cho sinh viên

Đang tham gia các hoạt động tại Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM (Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM), sinh viên (SV) Phạm Thị Ngọc Ánh (Trường Đại học KHXH-NV) té xỉu. Ngọc Ánh được các bạn đưa thẳng vào Trung tâm Tư vấn và chăm sóc sức khỏe SVcare (gọi tắt là Trung tâm SVcare, thuộc dự án SVcare, ảnh) vừa khai trương tại Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM và được các bác sĩ trẻ chăm sóc tận tình.

Cũng may Ngọc Ánh chỉ bị tụt huyết áp, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Trương Yến Trang (bạn của Ngọc Ánh) chia sẻ: “Lần đâu tôi gặp phải trường hợp như vậy nên rất lúng túng. Cũng may có Trung tâm SVcare ở ngay nhà văn hóa nên chúng tôi kịp thời đưa bạn vào để các bác sĩ chăm sóc, chứ giữa trưa nắng như vậy mà đưa về trạm y tế trong ký túc xá (KTX) thì hơi xa”.

Làng đại học Thủ Đức (Đại học Quốc gia TPHCM) có khoảng 55.000 SV theo học, song điều kiện về y tế ở đây chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu. Cả khu vực chỉ có trạm y tế tại KTX khu A và KTX khu B, còn các bệnh viện như Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức tương đối xa. Trước nhu cầu ấy, Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM đã mở Trung tâm SVcare ngay tại Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM.

Trung tâm SVcare thực hiện chuỗi các hoạt động tư vấn sức khỏe, sơ cấp cứu và tâm - sinh lý cho SV định kỳ hàng tuần, hàng tháng hoặc theo chuyên đề. Trung tâm còn có có hệ thống phần mềm quản lý thông tin hồ sơ sức khỏe của SV; phối hợp với Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM, Ban Quản lý KTX và các trường đại học để xây dựng các giải pháp nhằm tư vấn, chăm sóc sức khỏe kịp thời cho SV. Qua đó hỗ trợ khám sức khỏe tổng quát định kỳ, để sàng lọc và tư vấn hướng điều trị phù hợp. Trung tâm cũng liên kết đầu mối với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trong khu vực và thành phố.

Theo Thạc sĩ - dược sĩ Trương Văn Đạt, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM, chia sẻ, từ năm 2009, khi còn là SV, anh đã ấp ủ một phòng khám, nhà thuốc và các dịch vụ y tế, chăm sóc và tư vấn sức khỏe cho SV trong khu vực KTX Đại học Quốc gia. “Tôi mong muốn làm sao để các bạn SV có một địa chỉ đáng tin cậy, không chỉ để khám, điều trị bệnh, tư vấn dùng thuốc hợp lý, an toàn mà còn là nơi để giúp lan tỏa các thông điệp, kiến thức về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, nơi tập hợp các y bác sĩ trẻ trong hoạt động tình nguyện, hỗ trợ SV với phương châm: Khỏe để học tập tốt”, anh Trương Văn Đạt nói. Với ý nghĩa ấy, đến nay, nhiều y, bác sĩ trẻ tâm huyết đã cùng hỗ trợ, chung tay về kinh phí, sức lực để xây dựng một phòng khám chất lượng cho các bạn SV.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tiên, Phó Chủ tịch Hội Bác sĩ Răng hàm mặt trẻ (thuộc Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM), Giám đốc dự án SVcare, cho biết: “Dự án được xây dựng, thiết kế dành riêng cho đối tượng là SV, do đó chúng tôi luôn đảm bảo mức phí điều trị hợp lý nhất để SV xây dựng thói quen quan tâm đến sức khỏe của mình. Bên cạnh đó, dự án luôn tìm kiếm các nguồn tài trợ từ nhiều công ty để có thể mang đến cho các SV nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe miễn phí”. (Sài Gòn giải phóng, trang 5).

 

Kiểm tra nguồn thực phẩm phục vụ tết

Rạng sáng ngày 7-1, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP)  TPHCM đã có buổi kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức nhằm đảo bảo nguồn thực phẩm an toàn phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cho người dân TP và các tỉnh lân cận.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc Công ty cổ phần quản lý và kinh doanh Chợ nông sản Thủ Đức cho biết, vào những ngày thường, lượng hàng hóa về chợ mỗi đêm khoảng 3.500 tấn. Tuy nhiên những ngày gần Tết, lượng hàng hóa đổ về chợ tăng lên gần gấp đôi.

Toàn bộ rau củ quả về chợ đều được kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, lấy mẫu kiểm nghiệm đều đặn. Năm nay, rau củ quả của Việt Nam Nam chiếm từ 75-80% tổng lượng hàng hóa về chợ mỗi đêm, còn lại là nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ, Úc…

Riêng với các loại hàng hóa nhập khẩu, Ban quản lý chợ đều kiểm soát hóa đơn chứng từ nhập khẩu hợp lệ mới được đưa vào chợ. Để tránh gian lận thương mại, Ban quản lý chợ yêu cầu tiểu thương có sổ ghi chép và ghi rõ trên bảng hiệu để người mua hàng nắm được nguồn gốc, xuất xứ và lựa chọn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nhu, tình trạng chợ tự phát ăn theo xung quanh đang trở thành nỗi lo về mất vệ sinh ATTP tại chợ đầu mối Thủ Đức. Mặc dù Ban Quản lý chợ đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nhưng do chợ nằm giữa địa bàn giáp ranh của TPHCM và tỉnh Bình Dương nên vẫn chưa xử lý triệt để. Ngoài ra, tình trạng sử dụng chất cấm, quá nồng độ trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm xung quanh chợ vẫn còn diễn biến phức tạp.

Thực tế kiểm tra và đánh giá công tác đảm bảo ATTP tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TPHCM cho biết, qua kiểm tra, công tác kiểm soát thực phẩm về Chợ đầu mối Thủ Đức hàng đêm đã được thực hiện tốt.

Tuy nhiên, Ban quản lý chợ cần làm tốt hơn công tác kiểm soát vấn đề nguồn gốc, xuất xứ của các loại rau củ quả nhập khẩu. “Không thể để tình trạng trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc mà tiểu thương lại để bảng giới thiệu là trái cây Việt Nam hay trái cây Mỹ. Đó là gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng. Cùng với đó, việc chợ tự phát ăn theo chợ đầu mối cũng cần được dẹp bỏ bởi nguy cơ mất ATTP rất cao do không thể kiểm soát” - bà Phạm Khánh Phong Lan đề nghị.

Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, hiện nay do lượng hàng hóa đổ về TPHCM phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán lớn nên trong đợt kiểm tra cao điểm này, Ban Quản lý ATTP TPHCM đã thành lập 30 đoàn thanh tra thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo ATTP.

Các đoàn thanh tra lần này tập trung vào các mặt hàng phục vụ Tết như rau củ quả, trái cây, các loại thịt dùng để chế biến thực phẩm, kho lạnh tích trữ thực phẩm để phục vụ Tết… Song song đó, các đoàn kiểm tra liên ngành của 24 quận, huyện cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Người bệnh tăng huyết áp thận trọng khi dùng thuốc cảm cúm

Một số loại thuốc cảm lạnh và cảm cúm có thể an toàn đối với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, những người bị huyết áp cao nên thận trọng khi dùng các loại thuốc này. Vì thuốc có thể gây tăng huyết áp hoặc can thiệp vào hiệu quả chữa bệnh của các loại thuốc mà người bệnh đang dùng để điều trị...

Thuốc cảm có thể gây tăng huyết áp

Những loại thuốc được dùng phổ biến trong việc điều trị bệnh cảm cúm là: phenylpropanolamin, acetaminophen, ngoài ra còn có thêm thành phần chống dị ứng như chlorpheniramin, hay thành phần giúp giảm ho dextromethorphan. Các thuốc này có thể ở dạng đơn chất hay phối hợp với nhau.

Tác dụng phụ của các hoạt chất này là gây tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim, đặc biệt là chất phenylpropanolamin. Phenylpropanolamine có tác dụng gây co các tiểu động mạch ở cuốn mũi nhưng cũng có thể gây co các mạch trên toàn cơ thể. Điều này góp phần làm tăng huyết áp của bệnh nhân. Huyết áp sẽ tăng ít hoặc không tăng nếu như thuốc được sử dụng với liều vừa đủ trong giới hạn cho phép. Nhưng nếu dùng quá liều có thể gây cơn tăng huyết áp đối với người không bị bệnh tăng huyết áp và kích hoạt gia tăng cơn tăng huyết áp ở bệnh nhân đang bị tăng huyết áp. Những dấu hiệu mà người bệnh thường gặp sau khi dùng các thuốc điều trị cảm cúm là tăng huyết áp, đau đầu, đau ngực, buồn nôn, rối loạn điện tim...

Những loại thuốc cần sử dụng thận trọng

Một số loại thuốc khác cũng có thể gây rắc rối cho những người bị tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch bao gồm:

Thuốc chống viêm không steroid: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là thuốc giúp giảm viêm và đau. Các thuốc ibuprofen và aspirin là những lựa chọn phổ biến để làm giảm các triệu chứng cảm lạnh thông thường. Ibuprofen làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và đột quỵ, trong khi aspirin không làm tăng những rủi ro này. Một nghiên cứu năm 2017 đã điều tra xem việc dùng NSAID để điều trị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (ARI) có làm tăng nguy cơ đau tim hay không. Nghiên cứu bao gồm 9.793 người trước đây đã phải vào bệnh viện vì đau tim. Độ tuổi trung bình của những người tham gia là 72 tuổi. Nghiên cứu cho thấy những người bị tăng huyết áp đã dùng NSAID để điều trị ARI có nguy cơ bị đau tim cao gấp ba lần. Nhìn chung, các phát hiện cho thấy một người bị tăng huyết áp hoặc bệnh tim nên tránh sử dụng NSAID để điều trị các triệu chứng cảm lạnh.

Thuốc thông mũi: Thuốc thông mũi là thuốc giúp giảm bớt các triệu chứng ngạt mũi. Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể gây rủi ro với người tăng huyết áp, bệnh tim hoặc các rối loạn tim mạch khác. Thuốc thông mũi hoạt động bằng cách thu hẹp các mạch máu trong xoang. Tuy nhiên, chúng cũng làm co mạch máu ở những nơi khác trong cơ thể. Điều này dẫn đến tăng huyết áp và nhịp tim tăng cao. Thuốc thông mũi cũng có thể tương tác với thuốc huyết áp, khiến chúng kém hiệu quả hơn. Thuốc thông mũi có sẵn tại quầy thuốc tây. Do đó, những người mua thuốc để nhắm mục tiêu nhiều triệu chứng nên đọc nhãn thuốc cẩn thận.

Có nhiều loại thuốc thông mũi khác nhau nhưng những loại sau đây có khả năng gây nguy hiểm ở những người bị tăng huyết áp: naphazoline, oxymetazoline, phenylephrine.

Để đảm bảo an toàn, người bệnh huyết áp khi dùng thuốc điều trị các bệnh thông thường, đặc biệt là các thuốc không kê đơn cần kiểm tra nhãn thuốc, đọc kỹ các thành phần có trong thuốc và các cảnh báo, thận trọng khi dùng, thực hiện đúng hướng dẫn sử dụng thuốc để tránh dùng những sản phẩm gây bất lợi cho bệnh của mình. Nếu xuất hiện các triệu chứng tăng huyết áp, đau ngực, nhịp tim rối loạn... khi dùng thuốc, thì điều đầu tiên nên làm đó chính là liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán kịp thời. Bác sĩ sẽ kê đơn loại thuốc trị cảm cúm an toàn cho những người có huyết áp cao. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người bệnh cũng nên áp dụng các biện pháp sau: uống nhiều nước, uống nước ấm hoặc trà với chanh và mật ong để giúp làm dịu cổ họng, sử dụng nước súc miệng, sử dụng nước muối xịt mũi, sử dụng máy tạo độ ẩm để tăng độ ẩm trong nhà và nghỉ ngơi tĩnh dưỡng nhiều hơn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang