Cần thiết duy trì giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh
Phân tích, làm rõ về quy định giấy chuyển tuyến điều trị với người bệnh bảo hiểm y tế, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục duy trì loại giấy này. Tuy nhiên, thủ tục liên quan cần được cải tiến để thuận tiện cho người bệnh cũng như tránh quá tải dồn lên một cấp nào đó.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện cả nước có hơn 91 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), chiếm khoảng 92% dân số. Cùng với số lượt khám, chữa bệnh cho người bệnh có thẻ BHYT tăng dần qua các năm (năm 2022 là 150,5 triệu lượt) và quyền lợi của người tham gia BHYT cũng ngày càng được mở rộng. Mỗi năm quỹ BHYT chi hơn 110 nghìn tỷ đồng cho chi phí khám, chữa bệnh người có thẻ BHYT, là nguồn thu chính của bệnh viện; chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao.
Để đạt được kết quả nêu trên, một trong những yếu tố quan trọng là việc tổ chức đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh. Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phân thành bốn tuyến chuyên môn kỹ thuật nhằm xác định quy mô, phạm vi hoạt động chuyên môn, năng lực thực hiện kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, từ đó phân luồng bệnh nhân phù hợp với tình trạng bệnh tật, bảo đảm cân đối năng lực tiếp nhận và chất lượng chăm sóc, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tránh quá tải hệ thống.
Căn cứ năng lực chuyên môn, khả năng đáp ứng của cơ sở và tình trạng bệnh tật, người bệnh đến khám và điều trị tại cơ sở phù hợp. Trường hợp tình trạng bệnh tật vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến dưới, cơ sở thực hiện chuyển người bệnh lên tuyến trên phù hợp. Mặt khác, trường hợp người bệnh điều trị ở tuyến trên đã ổn định nhưng cần tiếp tục theo dõi, căn cứ tình trạng bệnh tật (đã ổn định…) và điều kiện thực tế (thí dụ cơ sở tuyến trên quá tải…), cơ sở có thể chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới để tiếp tục điều trị, chăm sóc.
Cơ sở cấp cho người bệnh giấy chuyển tuyến theo mẫu quy định. Giấy chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, cần thiết trong việc cung cấp các thông tin cơ bản như: Cơ sở đã điều trị, cơ sở người bệnh được chuyển đến, lý do chuyển tuyến, tình trạng bệnh, lịch sử điều trị, tóm tắt bệnh án... giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời, tổng quát về người bệnh để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người bệnh được nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng trao đổi thông tin giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh..., đồng thời cung cấp thông tin thể hiện quyền lợi, mức hưởng của người tham gia BHYT tùy thuộc vào lý do chuyển tuyến để phục vụ việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Với ý nghĩa quan trọng về mặt chuyên môn và là căn cứ xác định phạm vi quyền lợi BHYT của người bệnh cho nên việc đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu, quy định phân tuyến chuyên môn, chuyển tuyến và giấy chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm ổn định, cân đối và bền vững hệ thống khám, chữa bệnh và công tác khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập như: Quy định đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu còn nặng về hành chính; thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn có tình trạng gây phiền hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, xin cho, giữ bệnh nhân lại gây bức xúc.
Từ ngày 1/1/2016, việc thông tuyến khám, chữa bệnh giữa trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa và bệnh viện tuyến huyện và từ ngày 1/1/2021 việc thông tuyến tỉnh trên toàn quốc đối với khám chữa nội trú cũng tạo ra nhiều vướng mắc liên quan đến tuyến, vượt tuyến, chuyển tuyến, gây quá tải trở lại ở tuyến trên và giảm tỷ lệ khám, chữa bệnh tại y tế cơ sở.
Thạc sĩ Trần Thị Trang, Vụ trưởng Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho rằng, với điều kiện hiện nay, có thể khẳng định không thể thông tuyến đến tuyến trung ương và bỏ quy định về chuyển tuyến vì sẽ gây quá tải, áp lực dồn lên tuyến trung ương và xáo trộn cả hệ thống khám, chữa bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, mất cân đối Quỹ BHYT.
Các cơ sở tuyến trung ương được giao chức năng tuyến cuối, tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, đào tạo cho nên không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường, chăm sóc ban đầu. Quá tải cũng gây nguy cơ sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh.
Trả lời các câu hỏi của báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 6/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, để bảo đảm chất lượng phục vụ người bệnh cao nhất, Bộ Y tế đang tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho tuyến dưới.
Áp dụng hình thức giấy chuyển tuyến điện tử để việc cấp giấy chuyển tuyến được thuận tiện, nhanh chóng; lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân và mở rộng mô hình bác sĩ gia đình, nâng cao chất lượng y tế cơ sở; tiếp tục mở rộng danh mục và thời gian cấp phát thuốc BHYT cho tuyến xã cho một số bệnh mãn tính; cải tiến quy trình cấp giấy chuyển tuyến có thời hạn một năm cho một số bệnh mạn tính; cân đối, cải cách các quy định về chuyển tuyến.
Bộ Y tế cũng đang đẩy mạnh các hoạt động chỉ đạo tuyến, bệnh viện vệ tinh, luân phiên luân chuyển cán bộ, đào tạo chuyển giao kỹ thuật để tăng cường năng lực và trình độ chuyên môn của tuyến dưới, bảo đảm thực hiện tốt các kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của các tuyến; mặt khác yêu cầu các bệnh viện củng cố, xây dựng hệ thống, tổ chức quản lý chất lượng, đào tạo, kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện; quản lý chất lượng xét nghiệm và xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá, kiểm định chất lượng lâm sàng giúp nâng cao chất lượng chuyên môn, rút ngắn thời gian điều trị, tiết kiệm chi phí và thời gian của người bệnh (Nhân dân, trang 5).
Cung ứng vaccine chậm, Bộ Y tế tìm kiếm nguồn viện trợ
Tình trạng thiếu vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã xảy ra từ đầu năm 2022 và đến nay vẫn còn tái diễn. Hàng triệu trẻ vẫn chưa được tiêm phòng do thiếu nhiều loại vaccine.
Thiếu vaccine tiêm chủng, trẻ đối diện với bệnh tật
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM thông báo, hầu hết vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều đã cạn kiệt. Vaccine uốn ván tiêm cho thai phụ dự kiến hết vào tháng 12, còn vaccine viêm não Nhật Bản sẽ hết vào tháng 1.2024. Thời điểm nhận được vaccine gần nhất là vào đầu tháng 10, với 2 loại là vaccine phòng bệnh uốn ván VAT và bại liệt đường uống.
Sở Y tế Hà Nội cũng thông tin một số loại vaccine bị gián đoạn. Cụ thể, vaccine DPT hết từ tháng 4.2023, vaccine sởi đơn hết từ tháng 9.2023, viêm gan B hết từ tháng 10.2023. Đối với vaccine 5 trong 1 còn đủ tiêm chủng đến tháng 12.2023.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM khuyến cáo: Trong 2 năm đầu đời, hệ miễn dịch tự nhiên của trẻ còn non yếu. Do đó, việc tiêm ngừa là giải pháp hữu hiệu để phòng bệnh cho trẻ trước một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và để lại di chứng nặng nề.
Vaccine “5 trong 1” thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng có một loại khá quan trọng là viêm gan siêu vi B. Nếu trẻ tiêm không đủ loại này thì sẽ không giảm được tỉ lệ viêm gan siêu vi B trong cộng đồng. Nếu bỏ tiêm thời gian dài, không tiêm đủ 3-4 mũi thì rất nguy hiểm, nguy cơ bệnh sẽ quay lại. Còn vaccine ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà (DPT), nếu không tạo được miễn dịch nền trước 6 tháng cho trẻ nhỏ thì dễ bị lây bệnh. Một khi cộng đồng không được cung ứng vaccine đầy đủ, tỉ lệ tiêm chủng vaccine sẽ giảm xuống, có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát một số dịch bệnh.
Bao giờ chấm dứt tình trạng “đói” vaccine?
Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương, phối hợp với bộ, ban ngành liên quan, đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo nguồn cung vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Năm 2023, thực hiện Luật Ngân sách, các địa phương chủ động thực hiện các thủ tục mua sắm vaccine từ ngân sách của địa phương, tuy nhiên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Thực hiện Nghị quyết 99 của Quốc hội về việc tiếp tục bố trí ngân sách Trung ương để tiếp tục thực hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đảm bảo thống nhất, hiệu quả trong cả nước, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10.7.2023, Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 05.8.2023 giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vaccine.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đối với vaccine có khả năng sản xuất trong nước (10 loại vaccine), Bộ Y tế đã rà soát các quy định của pháp luật và thực hiện mua theo hình thức đặt hàng. Đến nay, Bộ Y tế đã gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt phương án giá tối đa, trên cơ sở đó Bộ Y tế sẽ phê duyệt phương án giá cụ thể và giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất vaccine để tiếp nhận vaccine và thực hiện phân bổ ngay cho các địa phương.
Đối với vaccine 5 trong 1 phải nhập khẩu, Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện mua sắm theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước theo quy định của Luật Đấu thầu. Trong quá trình chờ hoàn tất các thủ tục mua sắm, Bộ Y tế cũng đã chủ động tìm nguồn viện trợ, tài trợ vaccine từ các tổ chức Quốc tế, trong nước cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Chính phủ Úc sẽ viện trợ cho Việt Nam 490.600 liều vaccine 5 trong 1 dự kiến tháng 12 này sẽ về Việt Nam.
Bên cạnh đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có văn bản hướng dẫn các tỉnh về việc tiêm bổ sung, tiêm vét cho các địa phương.
Để giải quyết căn cơ, lâu dài Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng đến sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1.7.2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó cho phép bố trí ngân sách Trung ương để đảm bảo kinh phí mua vaccine cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng (Lao động, trang 3).
Xử lý nghiêm đối tượng hành hung nhân viên y tế
Sáng 7-12, Sở Y tế TPHCM đã cử tổ công tác đến làm việc với Bệnh viện quận 7 về các trường hợp nhân viên y tế bị hành hung khi đang làm nhiệm vụ. Cùng dự có đại diện của Phòng An ninh Chính trị Nội bộ Công an Thành phố, UBND quận 7, Công an phường Tân Phú.
Tại buổi làm việc, PGS-TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế đã thăm hỏi, động viên tập thể nhân viên Khoa cấp cứu và nhất là nhân viên y tế bị hành hung. Bên cạnh đó, đặt vấn đề với các thành viên tham dự cuộc họp về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự y tế và đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế khi làm nhiệm vụ trên địa bàn quận 7.
Cụ thể, Ban Giám đốc Bệnh viện quận 7 cần rà soát và củng cố Quy trình báo động “Code grey” về an ninh trật tự bệnh viện (do Sở Y tế ban hành), trong đó, lưu ý thời gian kích hoạt đến công an địa phương để kịp thời hỗ trợ lực lượng bảo vệ bệnh viện đảm bảo an ninh, trật tự trong bệnh viện.
Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện quận 7 triển khai thêm các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất tình huống thân nhân người bệnh bất ngờ gây rối hoặc hành hung nhân viên Khoa cấp cứu của bệnh viện như: phân luồng tiếp nhận, quy trình sàng lọc, nhận diện được các nguy cơ tiềm ẩn gây rối an ninh trật tự bệnh viện, tăng cường phân bổ nhân viên bảo vệ tại các điểm nóng.
Trước đó, chỉ trong vòng 2 tuần qua, nhân viên y tế thuộc Bệnh viện quận 7 đã 2 lần bị hành hung trong khi thi hành nhiệm vụ (một tại hiện trường cấp cứu ngoài bệnh viện và một tại khoa cấp cứu bệnh viện).
Cụ thể: vào khoảng 17 giờ ngày 3-12-2023, Bệnh viện Quận 7 nhận được cuộc gọi cấp cứu 115 tại quán nhậu trên đường 47 phường Tân Quy, Quận 7. Khi đến nơi, bệnh nhân do say xỉn nên té ngã trong nhà vệ sinh, tình trạng bệnh nhân bất tỉnh, còn nằm nguyên tại chỗ. Do nhà vệ sinh hẹp, nhân viên y tế nhờ người thân trong cuộc nhậu cùng hỗ trợ để đưa bệnh nhân vào băng ca chuyển đi.
Tuy nhiên, người này mắng nhân viên y tế là “sao không tự làm mà bắt hỗ trợ”. Sau khi đưa bệnh nhân vào băng ca chuyển ra ngoài, người này đi phía sau dùng chân đạp mạnh vào lưng nhân viên y tế. Sự việc cũng được bệnh viện báo Công an phường Tân Phú. Khoảng 10 phút sau, công an đến bệnh viện, sau khi tìm hiểu vụ việc, Công an phường Tân Phú lại tiếp tục mời nhân viên y tế bị hành hung về phường để khai báo.
Mới đây, vào lúc 23 giờ 15 phút, ngày 22-11, tua trực đêm tại bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân tên N.T.T. nhập viện có vết thương hở do té ngã. Nhân viên y tế bệnh viện tiếp nhận, tư vấn khâu vết thương và được sự đồng thuận từ phía bệnh nhân.
Tuy nhiên, người thân bệnh nhân không chịu ra ngoài để nhân viên y tế làm việc mà có những lời nói và hành vi chửi bới, nhục mạ, khiến bác sĩ L.T.P. buộc phải tạm ngưng công việc và rời khỏi phòng tiểu phẫu. Người nhà bệnh nhân sau đó đuổi theo đánh vào vùng mặt trái bác sĩ. Sự việc đã được bệnh viện báo ngay đến Công an phường Tân Phú. Sau 20 phút thì Công an phường Tân Phú đến và lại yêu cầu bác sĩ trực của bệnh viện về trụ sở phường để khai báo sự việc (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Xem xét, đề xuất chỉnh sửa, bổ sung chiến lược phòng, chống ung thư phù hợp
Tại hội thảo hằng năm phòng, chống ung thư TP.HCM lần thứ 26 diễn ra trong hai ngày 7 - 8.12, TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nhận định bệnh lý ung thư đến nay đã và đang là gánh nặng cho gia đình, xã hội và nhất là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trên thế giới, trong đó VN cũng không là ngoại lệ.
Riêng tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, trung bình mỗi năm có khoảng 20.000 ca ung thư mới đến khám, điều trị, nhưng năm 2023 đến tháng 11 đã có 30.000 ca ung thư mới, tăng 50%.
Theo TS-BS Dũng, dù cần theo dõi và có thêm những nghiên cứu nhưng đã có những chứng cứ cho thấy khuynh hướng một số bệnh nhân ung thư có độ tuổi trẻ hơn, như ung thư vú, đại tràng và một số ung thư có xu hướng tăng như ung thư tuyến giáp, dạ dày, tiền liệt tuyến.
Cùng nhìn nhận, PGS-TS Bùi Diệu, Chủ tịch Hội Ung thư VN, cho rằng ung thư đã và đang thách thức không nhỏ của ngành y tế đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho khoảng 100 triệu dân và khoảng 180.000 ca mắc ung thư mới hằng năm. Các loại ung thư đứng đầu là gan, phổi, tiêu hóa, vú đang là thách thức cho ngành y nói chung và chuyên ngành ung thư nói riêng.
Một trong những nguyên nhân khiến ung thư gia tăng trên toàn cầu được lý giải là do đại dịch Covid-19 khiến việc điều trị, tầm soát phát hiện bệnh bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, điều đáng mừng là những nghiên cứu gần đây cho thấy có những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nên một số bệnh lý ung thư đã được phát hiện sớm và điều trị tốt hơn.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị Hội Ung thư VN phối hợp Bệnh viện K, các đơn vị đầu ngành về ung bướu xem xét, đề xuất với Bộ Y tế, với Chính phủ để chỉnh sửa, bổ sung chiến lược phòng chống ung thư phù hợp với tình hình hiện tại của VN.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc ứng dụng các kỹ thuật mới vào điều trị cho bệnh nhân ở VN như xạ trị proton (phương pháp điều trị ung thư tiên tiến nhất hiện nay). Cần sớm xây dựng đề án về xạ trị proton để trình Bộ Y tế phê duyệt (Thanh niên, trang 4).