Nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 từ hoạt động xuất nhập cảnh trái phép
Từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) phối hợp các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hơn 50 nghìn người xuất nhập cảnh trái phép (XNCTP). Tuy nhiên, càng gần Tết Nguyên đán, số người nhập cảnh trái phép (NCTP) tại các tỉnh biên giới như Hà Giang, An Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn... tăng cao bất thường. Nguyên nhân là do những người lao động Việt Nam ở các nước láng giềng về quê đón Tết Nguyên đán nhưng không muốn cách ly y tế; các nước bạn và nước ta đóng cửa biên giới do dịch bệnh... Trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nếu không có những biện pháp quyết liệt và kịp thời thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch.
Vừa qua, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái (Hà Giang) liên tiếp phát hiện xử lý ba vụ NCTP, đồng thời đưa 20 công dân để đưa đi cách ly y tế theo quy định. Phần lớn các công dân đều có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Ninh đi lao động bên Trung Quốc dài ngày và NCTP qua biên giới về Việt Nam đón Tết Nguyên đán... Sau khi phát hiện, các trường hợp NCTP đã được các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái tiến hành phun thuốc khử trùng đồ đạc, đo thân nhiệt và điều tra, xác minh ban đầu. Lấy khăn lau vội những giọt nước mắt trên khuôn mặt xương gầy, chị Huỳnh Thị P, trú tại tỉnh Tây Ninh tâm sự: "Tôi đã xuất cảnh trái phép (XCTP) đi lao động bên Trung Quốc từ năm 2019. Hiện nay, do lực lượng chức năng bên nước bạn tiến hành kiểm tra gắt gao để phòng, chống dịch Covid-19 cho nên những người lưu trú bất hợp pháp như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Xa nhà hơn một năm, nhớ người thân cho nên tôi quyết định thuê người dẫn đường để về Việt Nam sớm đón Tết Nguyên đán cùng gia đình". Hiện những trường hợp này đã được các cơ quan chức năng cách ly y tế, xử lý theo quy định.
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, đã xuất hiện chủng mới của vi-rút có khả năng lây lan nhanh, mạnh hơn trước. Do vậy, các nước có chung đường biên giới với Việt Nam đang tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. Các doanh nghiệp ở các nước bạn cũng điều chỉnh mật độ sản xuất và cắt giảm nhân công một số dây chuyền, bộ phận tại các nhà máy. Việc cơ cấu lại sản xuất khiến rất nhiều lao động Việt Nam bị mất việc làm cho nên buộc phải xuất cảnh về nước. Nhiều người trong số này là người dân tộc thiểu số, cư dân sống ở gần biên giới XCTP sang các nước láng giềng để làm thuê. Các địa phương có đông người XCTP là Bắc Kạn, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Đồng Tháp, An Giang... Ngoài ra, còn có rất nhiều người NCTP từng ra nước ngoài để lao động, học tập, du lịch, chữa bệnh... nhưng đã hết hạn cư trú nên phải về nước; hoặc vì lý do phòng tránh dịch bệnh phải trở về Việt Nam nhưng không muốn cách ly y tế. Một số khác là người nước ngoài có hoàn cảnh khó khăn muốn NCTP vào Việt Nam để tìm kiếm việc làm; hoặc là tội phạm nguy hiểm đang bị truy nã ở các nước bạn...
Để thực hiện trót lọt hành vi vi phạm pháp luật, các đối tượng cầm đầu các đường dây tổ chức XNCTP thường sử dụng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook,... nhằm móc nối, lôi kéo những người có nhu cầu. Sau đó tuyển dụng, phân công những người cư trú ở khu vực biên giới thông thạo địa bàn, không có việc làm ổn định để đưa, đón và dẫn đường cho những người XNCTP. Một số người kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, vận tải hành khách... cũng tranh thủ kết nối với người nước ngoài để tổ chức đưa, dẫn người XNCTP. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường sử dụng xe máy, ta-xi đón, đưa những người này từ biên giới vào nội địa và ngược lại. Tiền công cho mỗi trường hợp XNCTP được các đối tượng giao dịch qua tài khoản cá nhân; được trả trực tiếp cho các đối tượng đưa, đón, dẫn đường hoặc trừ vào tiền lương lao động hằng tháng...
Đại tá Đinh Xuân Thiệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, hoàn cảnh kinh tế nhiều gia đình còn khó khăn; người dân không có việc làm ổn định; thiếu thông tin về chính sách xuất khẩu lao động và về pháp luật nhập cư, cư trú. Những điều đó đã khiến một số người biết rõ việc XCTP sang bên kia biên giới là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình vi phạm...
Về vấn đề này, Đại tá Bùi Văn Lua, Phó Cục trưởng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP) cho rằng, để tăng cường công tác phòng, chống XNCTP, Bộ Tư lệnh BĐBP thường xuyên chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng, chống hoạt động XNCTP và phòng, chống dịch Covid-19, thông qua việc duy trì nghiêm quân số các tổ, chốt trên biên giới. Tăng cường cán bộ xuống địa bàn, phối hợp trao đổi thông tin với các đơn vị liên quan tình hình XNCTP. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở các địa phương để mọi người dân hiểu rõ hành vi XNCTP là vi phạm pháp luật.
Theo Đại tá Trần Đình Liên, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, Công an thành phố đã áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi trường hợp NCTP và tiếp tay cho hành vi NCTP vào Việt Nam. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, khởi tố các vụ án tổ chức đưa người XNCTP. Tăng cường kiểm tra các phương tiện vận chuyển hành khách từ các tỉnh phía bắc, phía nam đi qua TP Đà Nẵng để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp NCTP.
Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ thì hành vi tổ chức, môi giới hoặc đưa dẫn người khác XNCTP qua biên giới sẽ bị phạt tiền đến 40 triệu đồng. Nếu đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự thì theo Điều 348 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) người phạm tội tổ chức, môi giới cho người XNCTP bị phạt đến 15 năm tù. Trong trường hợp người thực hiện hành vi này làm lây lan dịch Covid-19 thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)... (Nhân dân, trang 8).
Nâng cảnh báo phòng dịch ở sân bay lên mức cao nhất
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, trong ngày 7-2, ghi nhận 20 ca mắc Covid-19 lây nhiễm ở cộng đồng, trong đó tại Hải Dương 19 ca và tỉnh Gia Lai một ca.
Trong tổng số 19 ca ghi nhận tại Hải Dương có 15 ca là F1 liên quan ổ dịch ở khu công nghiệp TP Chí Linh và đã được cách ly tập trung; các ca còn lại liên quan ổ dịch tại huyện Cẩm Giàng và huyện Kinh Môn. Đối với ca mắc Covid-19 ở tỉnh Gia Lai (người bệnh 1.982) liên quan ổ dịch ở huyện Ia Pa, đã được cách ly tập trung ngày 3-2. Hiện, các người bệnh được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa, Bệnh viện dã chiến TP Chí Linh, Bệnh viện dã chiến Trường đại học Kỹ thuật y tế tỉnh Hải Dương.
Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19) cho biết, trong ngày, có bốn người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh (người bệnh 1.547, 1.526, 1.478, 1.505).
Sáng 7-2, tại Trung tâm Quản lý điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị Covid-19, GS, TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn người bệnh Covid-19 nặng, GS, TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam cùng các thành viên Tiểu ban Điều trị đã hội chẩn cho những người bệnh Covid-19 nặng đang điều trị ở các bệnh viện trong cả nước. GS, TS Nguyễn Gia Bình cho biết, tỷ lệ người bệnh nặng trên tổng số người bệnh giai đoạn này không cao, nhưng chúng ta không được lơ là, chủ quan. Trường hợp khó thở phải được coi là ca bệnh nặng để phòng ngừa những diễn biến xấu. Các bác sĩ điều trị trực tiếp cần bám sát hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế. Đề nghị các sở y tế bố trí thuốc đầy đủ trong danh mục thuốc theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế.
Ngày 7-2, Bộ Y tế có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung để bảo đảm lưu thông hàng hóa thuận lợi và an toàn PCD. Theo đó, yêu cầu người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa ghi chép lại hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; bảo đảm thông thoáng phương tiện, thường xuyên mở cửa sổ phương tiện; hạn chế tiếp xúc với người khác; thực hiện đầy đủ các biện pháp PCD (đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa, sát khuẩn tay thường xuyên, khai báo y tế, khử khuẩn phương tiện vận chuyển hằng ngày...). Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 hai lần cho người điều khiển phương tiện vận chuyển đi ra từ khu vực phong toả hoặc khu vực ổ dịch (vào thời điểm trước khi đi và khi quay về). UBND các tỉnh, thành phố tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc PCD Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa; giám sát y tế đối với người điều khiển phương tiện.
UBND thành phố Hải Phòng đã điều chỉnh quy định PCD Covid-19 được ban hành ngày 6-2. Theo đó, công dân ra vào thành phố sẽ không phải xuất trình giấy xác nhận của UBND cấp phường, xã, chỉ thực hiện khai báo y tế tại các chốt kiểm soát ra, vào thành phố (trong đó nêu rõ lý do, lịch trình ra, vào thành phố); khai báo y tế tại các tổ kiểm soát PCD Covid-19 ở thôn, tổ dân phố; chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung khai báo và phải thực hiện nghiêm các biện pháp PCD Covid-19.
Tiếp tục xét nghiệm tầm soát cho nhân viên sân bay
Ngày 7-2, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) ban hành chỉ thị khẩn về tăng cường các biện pháp cấp bách về cách ly và phòng, chống dịch Covid-19, nâng cảnh báo phòng dịch ở sân bay lên mức cao nhất.
Theo đó, Cục HKVN yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải. Tất cả các cơ quan, đơn vị ngành hàng không dân dụng nâng mức phòng, chống dịch lên mức cảnh báo cao nhất, nhất là tại sân bay và tại các cơ sở điều hành bay, toàn thể cán bộ, nhân viên không được lơ là, mất cảnh giác; giám sát, nhắc nhở tất cả nhân viên và hành khách đeo khẩu trang đúng cách trong sân bay; sát khuẩn tay đúng cách; kiểm tra thân nhiệt hành khách nghiêm ngặt; thường xuyên vệ sinh, khử trùng các trang thiết bị và khu vực có nguy cơ lây nhiễm để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Các hãng hàng không yêu cầu tất cả hành khách tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch trước khi lên tàu bay và trong suốt chuyến bay. Đồng thời, rà soát lại quy trình, có biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm cách ly y tế và nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khắc phục việc lây lan dịch ra cộng đồng thông qua các thành viên tổ bay,...
Chiều 7-2, Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh cho biết, thông tin về 20 trường hợp nhiễm Covid-19 tại sân bay đang lan truyền trên mạng xã hội là không chính xác. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, đêm 6-2, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lấy mẫu khẩn cho khoảng 1.400 nhân viên làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là nhóm đang chờ lấy mẫu trong hoạt động lấy mẫu giám sát toàn bộ nhân viên làm việc tại sân bay của thành phố. Xét nghiệm được thực hiện theo phương pháp gộp năm mẫu. Kết quả xét nghiệm sáng 7-2 cho kết quả bốn mẫu gộp (mỗi mẫu gồm năm người) có kết quả nghi ngờ. 20 trường hợp này đã được lấy lại mẫu để xét nghiệm lại. Trong khi chờ kết quả cuối cùng, 20 trường hợp này đã được cách ly tập trung tạm thời, đồng thời vẫn tiến hành cách ly và lấy mẫu tiếp xúc trong gia đình.
Sáng cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng phối hợp Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ lực lượng đang làm việc tại cảng. Theo đó, gần 1.300 người là cán bộ, nhân viên, người lao động của tất cả các đơn vị được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
Sau hơn 15 giờ thần tốc triển khai, Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đã hoàn thành để phục vụ điều trị cho người bệnh Covid-19. Bệnh viện đặt tại Trung tâm Y tế TP Điện Biên Phủ, với quy mô 300 giường bệnh, trong đó có 30 giường hồi sức. Hàng loạt vật tư, trang thiết bị y tế như máy tim phổi nhân tạo (ECMO), bình khí nén, bình ô-xy trung tâm... được vận chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai. Hiện, đoàn công tác của Bộ Y tế gồm: Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đang chia nhóm nhỏ, triển khai hàng loạt công tác về chuyên môn, đào tạo tại chỗ, khảo sát thực địa thêm các địa điểm khác... để chủ động với các tình huống có thể xảy ra.
Vừa qua, Đoàn kiểm tra công tác PCD thành phố Hải Dương kiểm tra tại các xã, phường trên địa bàn thành phố phát hiện nhiều nơi cán bộ còn lơ là, chưa thực hiện đúng những quy định của thành phố trong PCD, như: Chưa thực hiện tốt công tác PCD ở các khu chợ; chưa lập chốt kiểm soát đo thân nhiệt; vi phạm về an toàn thực phẩm; bày bán hàng ăn tại chỗ...
Những ngày gần đây, các lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt những người không đeo khẩu trang nơi công cộng. Tại quận Hoàn Kiếm, từ cuối tháng 1 đến nay, các đơn vị đã xử phạt 69 trường hợp, với số tiền 139 triệu đồng. Tại quận Bắc Từ Liêm, Công an quận đã xử phạt 36 trường hợp, với số tiền là 36 triệu đồng. Lực lượng chức năng quận Đống Đa đã lập biên bản xử phạt hành chính 46 trường hợp, với số tiền 69 triệu đồng... (Nhân dân, trang 8).
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 3: “Nâng cảnh báo phòng dịch ở sân bay lên mức cao nhất”.
Hỗ trợ tài chính với nhân viên y tế mắc Covid-19
Công đoàn Y tế (CĐYT) Việt Nam có công văn gửi các công đoàn y tế cơ sở trực thuộc về việc thống kê và hỗ trợ tài chính cho nhân viên y tế mắc Covid-19 đợt dịch thứ ba.
Trong hai đợt bùng phát dịch trước, đã có 42 nhân viên y tế được trao kinh phí với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ trường hợp.
Để tiếp tục “Chương trình hỗ trợ đặc biệt dành cho y bác sĩ tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19” đợt thứ ba, CĐYT phối hợp Bộ Y tế tiếp tục tổ chức rà soát, tổ chức xét nghiệm Covid-19 tổng thể nhân viên y tế tại các cơ sở y tế.
Sau khi có kết quả xét nghiệm, những cán bộ nhân viên y tế bị mắc Covid-19 sẽ được trợ cấp khi nhiễm bệnh với kinh phí 10 triệu đồng, hỗ trợ khi có tử vong là 100 triệu đồng đối với mỗi cán bộ y tế tử vong do nhiễm SARS-CoV-2.
Đối tượng được hỗ trợ là các y bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, kỹ thuật viên, dược sĩ, nhân viên dược, nhân viên nhà thuốc, nhân viên hành chính, lái xe cấp cứu, bảo vệ, nhân viên phục vụ, tình nguyện viên đang công tác tại bệnh viện/cơ sở y tế/cơ sở xét nghiệm/bệnh viện dã chiến có tham gia xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị Covid-19.
Các nhân viên y tế được hưởng hỗ trợ kinh phí là người phải có hợp đồng lao động trực tiếp với bệnh viện/cơ sở xét nghiệm/bệnh viện dã chiến. Đối với trường hợp tình nguyện viên, cần có văn bản xác nhận của bệnh viện/cơ sở y tế/cơ sở xét nghiệm/bệnh viện dã chiến nơi tình nguyện viên công tác.
Chương trình được áp dụng từ ngày 1-1 đến hết ngày 30-6-2021. (Nhân dân, trang 3).
Ứng phó COVID-19 chủng mới: Khóa chặt các ổ dịch
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, 2 ổ dịch của Quảng Ninh là Vân Đồn và Đông Triều cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, nguy cơ xuất hiện một số ca bệnh ở tỉnh này luôn thường trực và hiện hữu.
Tôi được biết có nhiều đồng chí đã gần 1 năm qua chưa được về nhà, nhiều đồng chí phải gác lại việc riêng để chuyên tâm điều trị cho người bệnh COVID-19. Các đồng chí chấp nhận rủi ro để nhận khó khăn về mình. Chúng tôi rất cảm động và đánh giá cao sự hy sinh đó”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói sáng 7/2 khi đến thăm, trò chuyện, động viên các y bác sĩ Bệnh viện Phổi Quảng Ninh.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết, từ ngày 27/1, khi xuất hiện ca dương tính đầu tiên lây nhiễm trong cộng đồng là bệnh nhân 1553 (nhân viên an ninh Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn), đến nay, tỉnh Quảng Ninh ghi nhận tổng cộng 47 ca dương tính trên địa bàn (chưa kể các ca dương tính là người Quảng Ninh là công nhân Công ty Poyun đang được cách ly tại Hải Dương). Tỉnh đang đào tạo, bổ sung lực lượng, phương tiện đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch cấp bách tại 4 địa bàn trọng điểm: Đông Triều,Vân Đồn, Hạ Long, Cẩm Phả; thiết lập Bệnh viện số 3 tại Bệnh viện đa khoa Hạ Long với quy mô 250 giường bệnh, đảm bảo công tác thu dung, cách ly, điều trị các đối tượng F1 có triệu chứng.
F1 là nguồn lây tiềm tàng nhất
PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, người trực tiếp tham gia Đoàn công tác chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Hải Dương, nhận định, tình hình các ổ dịch nguy hiểm nhất cơ bản đã được khống chế và được “khóa” chặt, không còn khả năng lây lan cho cộng đồng như ổ dịch tại sân bay Vân Đồn, ổ dịch tại công ty Poyun (Chí Linh, Hải Dương). Các ổ dịch xâm nhập ở các địa phương khác cũng đã được khoanh vùng xử lý triệt để. “Tuy nhiên, chống dịch chưa bao giờ là đơn giản, luôn có những tình huống mới nảy sinh phức tạp. Chính vì vậy, tất cả chúng ta đều nhận thức được rằng, không được phép lơ là, chủ quan và phải cùng nhau chống dịch với những nỗ lực cao nhất”, TS Dương nói.
Trước những băn khoăn về việc có thể để F1 cách ly tại nhà, ông Dương cho rằng, F1 là người đã tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh dương tính nên nguy cơ mắc bệnh là rất cao, có thể nói F1 chính là nguồn lây tiềm tàng nhất. Nếu để cách ly F1 tại nhà có 2 nguy cơ lớn mà chúng ta phải đối mặt. “Thứ nhất, việc cách ly tại nhà thường rất khó triệt để và khó kiểm soát, chỉ cần người F1 lơ là, vi phạm quy định cách ly thì nguồn bệnh sẽ lây ra cộng đồng.
Nhưng nguy cơ thứ hai còn nguy hiểm hơn rất nhiều và thuộc phạm vi y đức. Đó là khi để F1 tại nhà cùng với các thành viên khác trong gia đình thì nguy cơ F1 sẽ làm lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình là rất lớn. Các tổng kết của thế giới thấy, nếu để F1 trở thành F0 ở trong cùng một nhà thì có thể làm lây cho 80% đến 100% thành viên trong gia đình. Đó là chưa kể, các gia đình ở Việt Nam có nhiều thế hệ cùng sinh sống khi bị lây nhiễm sẽ gây bệnh nặng và tử vong cho những người trong cùng gia đình, ông nói.
Xây bệnh viện dã chiến trong gần 16 tiếng
Kỹ sư chuyên nghiệp của Bệnh viện Bạch Mai làm việc xuyên đêm, từ 14h ngày 6/2 tới 5h sáng 7/2, hoàn thành cơ bản bệnh viện dã chiến ở TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, sau chưa đầy 16 giờ triển khai (từ 14 giờ ngày 6/2 đến 5 giờ sáng 7/2), Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ điều trị bệnh nhân COVID-19 đã cơ bản hoàn thành, quy mô 300 giường bệnh trong đó có 30 giường hồi sức chức năng cao. Bệnh viện dã chiến này được đặt tại Trung tâm Y tế TP Điện Biên Phủ.
PGS Cơ cho biết, hàng loạt vật tư, trang thiết bị y tế, máy tim phổi nhân tạo (ECMO), bình khí nén, bình oxy trung tâm được vận chuyển trực tiếp từ Bệnh viện Bạch Mai lên Điện Biên. Khu vực hồi sức tích cực đã sẵn sàng vận hành... Hơn 30 chuyên gia, cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Cục Quản lý khám chữa bệnh và Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có mặt tại Điện Biên từ chiều 5/2 để hỗ trợ địa phương phòng chống COVID-19. Đội ngũ tinh nhuệ do Bộ trưởng Bộ Y tế cử đi sẽ hỗ trợ về sàng lọc, truy vết, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân COVID-19...
Ngày 7/2, Việt Nam ghi nhận thêm 20 ca mắc trong cộng đồng,trong đó có 19 ca ở Hải Dương và 1 ca ở Gia Lai. Cụ thể, Hải Dương ghi nhận 3 bệnh nhân (BN1983-BN1985), nam, có độ tuổi từ 21 đến 34, liên quan ổ dịch huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. 15 trường hợp (BN1986-BN2000) là các F1, liên quan ổ dịch tại khu công nghiệp TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Trường hợp BN2001 là F1 của BN1711, liên quan ổ dịch ở xã Lê Ninh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Tại Gia Lai, bệnh nhân nam, 50 tuổi, trú tại thị xã Ayun Pa, liên quan ổ dịch huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. (Tiền phong, trang 1).
Cùng chủ đề báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Áp dụng biện pháp phòng dịch phù hợp, hạn chế tối đa bất lợi cho nhân dân”.
Hội chẩn quốc gia những ca bệnh nặng
Chiều 7/2, các giáo sư hàng đầu Việt Nam hội chẩn toàn quốc bàn hướng điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng theo đề nghị của Bệnh viện dã chiến số 2 tại Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và Bệnh viện dã chiến số 2 Quảng Ninh.
Tham dự hội chẩn có các điểm cầu từ các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong 2 tuần qua, Tiểu ban Điều trị, Tổ hội chẩn liên tục tổ chức trực tuyến toàn quốc, vừa cập nhật thông tin bệnh nhân sớm và chính xác nhất, vừa kịp thời đưa ra những nhận định, bàn thảo hướng điều trị phù hợp và hiệu quả.
Tại buổi hội chẩn, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng nhấn mạnh, trong đợt dịch COVID-19 lần này, tỷ lệ bệnh nhân nặng không cao nhưng các thầy thuốc không được chủ quan. “Bệnh nhân khó thở phải được coi là bệnh nhân nặng để phòng ngừa những diễn biến xấu" - GS Bình nói.
Hiện Bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đang điều trị 116 bệnh nhân. Trong số này có 2 bệnh nhân nặng, 2 bệnh nhân còn sốt. Đây cũng là nơi đã điều trị thành công và công bố khỏi bệnh cho 3 bệnh nhân đầu tiên trong đợt dịch bùng phát tại Hải Dương.
Tại buổi hội chẩn, Bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương xin ý kiến hội chẩn BN1965 (52 tuổi).
BN1965 vào bệnh viện ngày 4/2. Hai ngày sau, do khó thở, trở nặng nhanh, bệnh nhân được đưa vào Hồi sức tích cực. Hiện tại bệnh nhân tỉnh, không đau ngực, không phù, bạch cầu có xu hướng tăng dần lên. Bệnh nhân đang được thở oxy kính.
Theo ý kiến của Hội đồng chuyên môn, do biễn biến nhanh, bệnh nhân đã có tổn thương phổi, Bệnh viện cần xem xét có thêm một số xét nghiệm, bổ sung máy HFNC (máy thở oxy dòng cao - một dạng thở máy không xâm nhập); xem xét tăng thêm liều thuốc; vỗ rung, nằm sấp, thay đổi tư thế cho bệnh nhân; xem xét tình trạng hô hấp xâm lấn. Cùng đó, cần tăng sử dụng thuốc kháng virus, nếu thiếu bất kỳ loại thuốc nào phải báo cáo lãnh đạo Sở Y tế Hải Dương ngay.
"Trong trường hợp không được, các thầy thuốc có thể xem xét đặt nội khí quản cho bệnh nhân này" - Tổ hội chẩn đưa ra nhận định.
Trường hợp thứ 2 được Bệnh viện dã chiến số 2 ở Hải Dương báo cáo hội chẩn là BN1863, nam giới, 58 tuổi. Nam bệnh nhân này có tiền sử viêm gan B, đã được chuyển vào Hồi sức tích cực do khó thở tăng lên vào ngày 6/2. Hình ảnh chụp CT phổi cho thấy tổn thương phổi tăng lên nhiều hơn, bạch cầu tăng. Hiện bệnh nhân tỉnh, được thở HFNC.
Theo Hội đồng chuyên môn, nam bệnh nhân có diễn biến nhanh song các thầy thuốc tại Bệnh viện dã chiến số 2 ở Hải Dương đang đi đúng hướng trong phác đồ điều trị.
Tại Bệnh viện dã chiến số 1 đặt tại Trung tâm Y tế Chí Linh hiện có 30 bệnh nhân có tổn thương phổi. Các bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh nhân ổn định và được các chuyên gia tăng cường từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương theo dõi sát.
Bệnh viện dã chiến số 2 Quảng Ninh hiện có 24 bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện đã báo cáo và xin ý kiến Hội đồng về BN1562, nữ 55 tuổi, ngày thứ 9 điều trị.
Hiện bệnh nhân đã đỡ mệt, cắt sốt, thở HFNC. Hội đồng chuyên môn đề nghị Bệnh viện duy trì điều trị, thay đổi tư thế nằm sấp cho bệnh nhân.
Bệnh viện Phổi Đà Nẵng báo cáo BN1536 đã trải qua 25 ngày điều trị và tiếp tục duy trì an thần, giãn cơ liều thấp, dinh dưỡng tĩnh mạch…
Theo đánh giá của Hội đồng chuyên môn, BN đã được áp dụng tất cả các biện pháp điều trị, kể cả ECMO ngày thứ 5. Đây là cụ bà 79 tuổi nhập cảnh từ Mỹ, có bệnh nền tăng huyết áp... Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã có chiến lược điều trị theo đúng phác đồ. Hiện bệnh nhân vẫn trong tình trạng rất nặng, nguy kịch. (Tiền phong, trang 6).
Hải Dương: Tìm người đến 12 quán karaoke liên quan ca mắc COVID-19
Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) thông báo tìm người từng tới 12 quán karaoke trên địa bàn.
Sau một tuần phát hiện các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, UBND huyện Cẩm Giàng đã phát 4 thông báo khẩn về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Trong thông báo mới nhất, ông Trần Văn Quyết – Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng thông tin, tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, đặc biệt tại KĐT Việt Mỹ, thị trấn Lai Cách và xã Tân Trường.
Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 huyện yêu cầu người dân từng đến hàng chục địa điểm có liên quan các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 cần liên hệ ngay cơ quan y tế để khai báo. Trong số những địa điểm này có 12 quán karaoke trên địa bàn huyện Cẩm Giàng.
Cụ thể tại xã Tân Trường có 10 quán gồm: Karaoke Men, từ 20h50-21h55 ngày 26/1; Karaoke Thành Nhung từ 20h50-22h07 ngày 27/1; Karaoke Victory lúc 22h16-23h08 ngày 27/1; Karaoke Phú Trường, lúc 10h30-12h05 ngày 28/1; Karaoke Anh Em từ 20h-22 ngày 25/1; Karaoke Ngây Ngất từ 22h -24h ngày 25/1; Karaoke Phương An từ 20h40-22h30 ngày 21/1.
Riêng các quán karaoke Tre Vàng, Hồ Sen Quý và Thanh Thủy tại xã Tân Trường, những người tới đây trong vòng 21 ngày trở lại, cần ra trạm y tế khai báo khẩn.
Lực lượng chức năng cũng tìm người đến Karaoke Minh Soạn từ 14h35-16h48 ngày 26/1 và Karaoke Hương Sen từ 15h50-21h55 ngày 27/1. Các quán hát này tại KĐT Việt Mỹ, thị trấn Lai Cách.
Trong thông báo mới nhất của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 huyện Cẩm Giàng, lực lượng chức năng tiếp tục phong tỏa quán karaoke Thiên Hà, tại thôn Chùa, xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng, Hải Dương) để phòng chống dịch bệnh. (Tiền phong, trang 6).
Sẽ xét nghiệm lại toàn bộ nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất
Tối 7-2, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, sẽ phối hợp với các trung tâm y tế quận, huyện làm lại xét nghiệm cho nhân viên làm trong sân bay trước khi vào phục vụ hành khách.
Tối 7-2, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, sẽ phối hợp với các trung tâm y tế quận, huyện làm lại xét nghiệm cho nhân viên làm trong sân bay trước khi vào phục vụ cho hành khách.
Nhân viên làm trong sân bay, cần liên hệ các trung tâm y tế gần nhất để làm lại xét nghiệm.
* Tối cùng ngày, HCDC cho biết, TP triển khai xét nghiệm giám sát chủ động toàn bộ nhân viên làm việc tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất từ ngày 30-1.
Đến ngày 6-2, TP đã hoàn tất việc lấy mẫu xét nghiệm cho 7.300 nhân viên làm việc tại sân bay. Kết quả xét nghiệm có 7.295 trường hợp âm tính, 1 trường hợp nhiễm là bệnh nhân 1.979 và 4 trường hợp nghi nhiễm mới được xác định.
Tính đến thời điểm này đã xác định được 16 trường hợp âm tính, 4 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2. Bệnh nhân 1.979 và 4 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 làm việc chung một đội ở khâu bốc dỡ, giám sát hàng hóa tại một công ty phục vụ mặt đất, không tiếp xúc hành khách.
Hiện ngành y tế TPHCM đã tiến hành truy vết, khoanh vùng tất cả các trường hợp F1, F2 tại sân bay, đã kiểm soát được chuỗi lây nhiễm này. Sân bay vẫn hoạt động bình thường.
Trong tình hình hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định.
HCDC khuyến cáo người dân tới sân bay nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và TP, tuân thủ nghiêm các quy định của sân bay. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Bộ Y tế hướng dẫn đeo khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19
Bộ Y tế vừa có Quyết định số 1053/QĐ-BYT ngày 6-2-2021 về việc ban hành Hướng dẫn đeo khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi công cộng nhằm phòng, chống sự lây lan của dịch tại cộng đồng, thực hiện sống chung với dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới (khi chưa phát hiện ổ dịch Covid-19).
Hướng dẫn quy định cụ thể về địa điểm, thời điểm, đối tượng đeo khẩu trang nơi công cộng: Nơi có nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh, nơi có không gian kín, nơi tập trung đông người, nơi có sự giao tiếp gần dưới 2m, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người đi từ vùng có dịch trở về trong thời gian cách ly khi tiếp xúc gần với người khác đeo khẩu trang; người nhận thấy có nguy cơ bị lây nhiễm dịch Covid-19 phải đeo khẩu trang.
Hướng dẫn này không áp dụng cho các khu vực và địa điểm đang có ổ dịch Covid-19; người đang thực hiện các hoạt động sinh hoạt, vệ sinh cá nhân (ngủ, ăn, đánh răng, tắm rửa...). Cụ thể:
Tại nơi có nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh
* Tại cơ sở y tế, khu cách ly tập trung:
- Người bệnh, người chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế, người quản lý, người lao động, người đến cơ sở y tế, người nghi ngờ mắc bệnh bắt buộc phải đeo khẩu trang y tế.
- Người cách ly trong phòng đơn, người bệnh đang tiến hành các thủ thuật y tế theo chỉ định của bác sĩ không phải đeo khẩu trang.
* Tại hộ gia đình có người thực hiện cách ly y tế tại nhà:
- Người đang thực hiện cách ly y tế tại nhà, người sinh sống trong cùng một nhà phải đeo khẩu trang y tế.
- Khách khi đến, rời khỏi và trong suốt thời gian thăm, làm việc tại hộ gia đình có người cách ly y tế tại nhà phải đeo khẩu trang.
Tại nơi có không có gian kín.
* Tại quán bar, vũ trường; karaoke; cơ sở phòng tập thể dục, thể hình:
- Khách hàng khi đến, rời khỏi quán bar, vũ trường; karaoke; cơ sở phòng tập thể dục, thể hình phải đeo khẩu trang.
- Khuyến khích khách hàng đeo khẩu trang trong những lúc không cản trở việc sử dụng dịch vụ và thực hiện các hoạt động không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động tại quán bar, vũ trường; karaoke; cơ sở phòng tập thể dục, thể hình phải đeo khẩu trang khi đến, rời khỏi và trong suốt thời gian làm việc.
* Tại trụ sở làm việc, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh:
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải đeo khẩu trang khi đi đến, khi ra về và khi tiếp xúc với người đến thăm, làm việc.
- Khách khi đến thăm, rời khỏi và trong suốt quá trình làm việc tại trụ sở làm việc, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đeo khẩu trang.
* Tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ (bao gồm cả kinh doanh thức ăn đường phố):
- Khách hàng khi đến, rời khỏi và trong lúc xếp hàng, chờ dịch vụ chờ phải đeo khẩu trang.
- Nhân viên phục vụ, người bán hàng, người quản lý, người lao động khi đến, rời khỏi và trong suốt thời gian làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ phải đeo khẩu trang.
* Tại cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn:
- Người tham gia và người tổ chức cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình họp.
- Người đang trình bày, phát biểu ý kiến không phải đeo khẩu trang.
- Đối với các cuộc họp cấp cao, có tính chất nghi lễ, ngoại giao, cuộc họp nội bộ của cơ quan, đơn vị mà kiểm soát được nguy cơ lây nhiễm của những người tham gia thì việc đeo khẩu trang do Ban tổ chức xem xét, quyết định.
Tại nơi tập trung đông người
* Tại chung cư:
- Tất cả cư dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi căn hộ của gia đình.
- Khách khi đến thăm, rời khỏi và làm việc phải đeo khẩu trang ở không gian bên ngoài căn hộ của gia đình.
- Nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động trong chung cư phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc.
* Tại trường học:
+ Tại trường mầm non, trường mẫu giáo:
- Người đưa đón trẻ (cha, mẹ, người giám hộ) phải đeo khẩu trang cho mình và cho trẻ khi đưa trẻ đến trường, khi đón trẻ về.
- Giáo viên, nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động tại trường phải đeo khẩu trang khi đi đến trường, khi ra về, khi tiếp xúc với khách đến thăm và làm việc, tiếp xúc với người đưa đón trẻ.
- Khách khi đến thăm, rời khỏi và trong suốt quá trình làm việc tại trường phải đeo khẩu trang.
+ Tại trường tiểu học:
- Người đưa đón học sinh (cha, mẹ, người giám hộ) phải đeo khẩu trang cho mình khi đưa học sinh đến trường, khi đón học sinh về và nhắc nhở học sinh phải đeo khẩu trang.
- Học sinh phải đeo khẩu trang khi đi đến trường và khi ra về.
- Giáo viên, nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động tại trường phải đeo khẩu trang khi đi đến trường, khi ra về, khi tiếp xúc với khách đến thăm và làm việc, tiếp xúc với người đưa đón học sinh.
- Khách khi đến thăm, rời khỏi và trong suốt quá trình làm việc tại trường phải đeo khẩu trang.
+ Tại trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục tập trung:
- Học sinh, sinh viên, học viên phải đeo khẩu trang khi đến trường, khi ra về và khi tiếp xúc với khách đến thăm, làm việc.
- Giáo viên, giảng viên, nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động tại trường phải đeo khẩu trang khi đi đến trường, khi ra về và khi tiếp xúc với khách đến thăm, làm việc.
- Khách khi đến thăm, rời khỏi và trong suốt quá trình làm việc tại trường phải đeo khẩu trang.
* Tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ, trên phương tiện giao thông công cộng và đối với người điều khiển phương tiện giao hàng hóa:
- Hành khách khi đến, rời khỏi và trong suốt quá trình chờ đợi, làm thủ tục tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ và trên các phương tiện giao thông công cộng phải đeo khẩu trang.
- Người điều khiển phương tiện và người phục vụ trên phương tiện giao thông công cộng phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc.
- Người điều khiển phương tiện giao hàng hóa phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khách hàng.
- Nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động khi đến, rời khỏi và trong suốt thời gian làm việc tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ phải đeo khẩu trang.
* Tại trung tâm thương mại, siêu thị, nơi giao dịch:
- Khách hàng khi đến, rời khỏi và trong suốt thời gian ở trung tâm thương mại, siêu thị, nơi giao dịch phải đeo khẩu trang.
- Nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động khi đến, rời khỏi và trong suốt thời gian làm việc tại trung tâm thương mại, siêu thị, nơi giao dịch phải đeo khẩu trang.
* Tại chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng cung cấp các dịch vụ thiết yếu (bán hàng, sửa chữa...):
- Người mua hàng khi đến, rời khỏi và trong lúc mua bán tại chợ, cửa hàng cung cấp các dịch vụ thiết yếu phải đeo khẩu trang.
- Người bán hàng, người quản lý, người lao động khi đến, rời khỏi và trong suốt thời gian bán hàng, làm việc tại chợ, cửa hàng cung cấp các dịch vụ thiết yếu phải đeo khẩu trang.
* Tại đám tang, đám giỗ, đám cưới, đám hỏi, tiệc mừng:
- Tất cả những người tham gia khi đến, rời khỏi và trong suốt thời gian diễn ra đám tang, đám giỗ, đám cưới, đám hỏi, tiệc mừng phải đeo khẩu trang trừ những người đang phát biểu, biểu diễn.
- Ban tổ chức, nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động khi đến, rời khỏi và trong suốt thời gian làm việc tại đám tang, đám giỗ, đám cưới, đám hỏi, tiệc mừng phải đeo khẩu trang.
* Tại địa điểm tham quan, du lịch, giải trí; khu tâm linh:
- Tất cả những người tham gia khi đến, rời khỏi và trong suốt thời gian ở địa điểm tham quan, du lịch, giải trí; khu tâm linh phải đeo khẩu trang trừ những người đang phát biểu, biểu diễn.
- Nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động khi đến, rời khỏi và trong suốt thời gian làm việc tại địa điểm tham quan, du lịch, giải trí; khu tâm linh phải đeo khẩu trang.
* Tại sự kiện tập trung đông người trong nhà (rạp chiếu phim, rạp hát, rạp xiếc, nhà thi đấu, trường quay...):
- Tất cả những người tham gia khi đến, rời khỏi và trong suốt thời gian diễn ra sự kiện phải đeo khẩu trang trừ những người đang biểu diễn, thi đấu, phát biểu.
- Ban tổ chức sự kiện, nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động khi đến, rời khỏi và trong suốt thời gian làm việc tại sự kiện tập trung đông người trong nhà phải đeo khẩu trang.
* Tại sự kiện tập trung đông người ngoài trời (sự kiện thi đấu thể dục thể thao, âm nhạc, mít tinh...):
- Tất cả những người tham gia khi đến, rời khỏi và trong suốt thời gian diễn ra sự kiện phải đeo khẩu trang; trừ những người đang biểu diễn, thi đấu, phát biểu và những sự kiện bảo đảm được khoảng cách giãn cách tối thiểu 2m cho người tham gia.
- Ban tổ chức sự kiện, nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động khi đến, rời khỏi và trong suốt thời gian làm việc tại sự kiện tập trung đông người ngoài trời phải đeo khẩu trang.
* Tại khu vui chơi, rèn luyện sức khỏe, khu vực hoạt động ngoài trời (vườn hoa, công viên, quảng trường...); điểm dừng khi tham gia giao thông:
- Tất cả những người tham gia phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần dưới 2m với những người không tiếp xúc thường xuyên.
- Nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động khi đến, rời khỏi và trong suốt thời gian làm việc tại khu vui chơi, rèn luyện sức khỏe, khu vực hoạt động ngoài trời phải đeo khẩu trang. (Hà Nội mới, trang 1).
Chặn thông tin xuyên tạc thành quả phòng, chống dịch Covid-19
Năm 2020, với những biện pháp quyết liệt “chống dịch như chống giặc”, thực hiện đồng bộ “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đạt được những thành tựu toàn diện. Nổi bật là tăng trưởng kinh tế đạt 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Với Thủ đô, dù là địa bàn chịu tác động lớn, nhưng Hà Nội vẫn là một trong những địa phương đi đầu về phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch của cả nước. Các ổ dịch nhanh chóng được xử lý, các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm được truy vết và đưa đi cách ly, điều trị triệt để. Đây là tiền đề để thành phố Hà Nội đạt tăng trưởng 3,98% trong năm 2020.
Tuy nhiên, sau những ngày yên bình, khi người dân đang háo hức chờ đón Tết Tân Sửu sung túc, đoàn viên thì dịch Covid-19 quay lại ở một số địa phương với tốc độ lây nhiễm nhanh. Ngay lập tức, Chính phủ, các ngành chức năng, các địa phương - trong đó có Hà Nội, nhanh chóng kích hoạt lại phương án phòng, chống dịch. Một lần nữa, cả hệ thống chính trị và nhân dân đồng lòng với quyết tâm nỗ lực cao nhất nhằm khoanh vùng, dập dịch.
Ấy thế mà, vẫn xuất hiện những kẻ đưa những thông tin xuyên tạc tình hình. Nhiều tài khoản mạng xã hội thi nhau tung tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng. Ví như, chiều 2-2, sau khi Hà Nội ghi nhận 20 ca bệnh và có 9 khu vực nhỏ bị phong tỏa tạm thời; hoặc sau khi sân bay Nội Bài xác định có 16 người thuộc diện F1 thì trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn sẽ “đóng cửa” sân bay Nội Bài, “phong tỏa Thủ đô”, gây hoang mang dư luận.
Những tin đồn “ăn theo” Covid-19, đặc biệt là phản ánh không khách quan, trung thực về tình hình phòng, chống dịch lan truyền nhanh chóng, khiến không ít người lo lắng. Riêng trong 10 ngày trở lại đây, Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội đã xử phạt 7 trường hợp với mức phạt 7,5 triệu đồng/người do sử dụng mạng xã hội đăng thông tin giả về dịch Covid-19. Đáng tiếc, có một số cán bộ, đảng viên thiếu thông tin, thiếu thận trọng kiểm chứng nhưng đã vội vàng chia sẻ, bình luận về những thông tin sai sự thật này.
Trước hết, phải khẳng định, những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước thực hiện thời gian qua luôn nhận được sự đồng thuận lớn của nhân dân. Các giải pháp đưa ra dựa trên bằng chứng khoa học cụ thể đã, đang mang lại hiệu quả thiết thực, tạo niềm tin với toàn xã hội. Các nước trên thế giới đánh giá rất cao kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam và coi đây là một hình mẫu để tham khảo, học hỏi.
Để không bị chi phối bởi những thông tin trôi nổi, thiếu căn cứ trên internet, những luồng tin có ý bôi xấu, chia rẽ, gây tâm lý hoang mang, bi quan trong phòng, chống dịch, mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu, nêu cao cảnh giác, có trách nhiệm trong tiếp nhận và xử lý thông tin. Trước hết, cần chủ động và tích cực tẩy chay những đối tượng cố tình tung tin giả nhằm mục đích “đánh bóng” tên tuổi hoặc để quảng cáo bán hàng; chủ động đấu tranh, ngăn ngừa thông tin xấu độc, những thủ đoạn lợi dụng tin giả để chống phá của các thế lực thù địch. Cùng với đó, sự đi trước một bước của cơ quan chức năng bằng cách cung cấp kịp thời thông tin về các sự việc đang diễn ra là rất cần thiết. Các cơ quan quản lý báo chí, mạng xã hội cũng cần tiếp tục xử lý nghiêm khắc, kịp thời các cá nhân, đơn vị cố tình đưa thông tin thiếu khách quan, thông tin sai về công tác phòng, chống dịch Covid-19, gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và kết quả sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tập thể...
Đồng thời, mỗi người, trước hết là cán bộ, đảng viên, cần chủ động, bình tĩnh phòng tránh dịch Covid-19 bằng các biện pháp đã được cơ quan chức năng khuyến cáo thay vì hoang mang, lo lắng. Đặc biệt là không nhận và chia sẻ những tin đồn, thông tin trên mạng xã hội nếu không có căn cứ. Tiếp đó là tự giác thực hiện tốt các khuyến cáo và thông điệp “5K” (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế) của Bộ Y tế để cùng lan tỏa ý thức phòng, chống dịch ra cộng đồng dân cư; hạn chế tối đa đi lại, tiếp xúc, tụ tập đông người, kể cả trong những ngày Tết; chủ động khai báo y tế trung thực để góp phần tạo điều kiện nhanh chóng truy vết, ngăn chặn dịch lan ra cộng đồng.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ, phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái cũng là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; việc hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng là một trong những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Thế nên, ngoài việc thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị, địa phương, đây là thời điểm rất cần đến tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống dịch cũng như tuyên truyền để người thân trong gia đình và những người xung quanh tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Cùng với đó là kịp thời giúp cơ quan chức năng phát hiện, xử lý những đối tượng kém ý thức, phá hoại công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chủ động tham gia đấu tranh với những đối tượng này trên internet.
Năm 2020 với nhiều sóng gió, thử thách đã qua và cũng là năm bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần đoàn kết của Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ thế giới. Để công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta trong năm mới 2021 tiếp tục đạt hiệu quả hơn, mỗi cán bộ, đảng viên cần tham gia tích cực hơn, đấu tranh mạnh mẽ, kiên quyết hơn với "bệnh" tin giả, tin đồn, đặc biệt là ngăn ngừa cho được những thông tin xuyên tạc, hạ thấp, phủ nhận thành quả phòng, chống dịch. Thống nhất trong nhận thức, quyết tâm trong hành động, chúng ta chắc chắn sẽ không chỉ chiến thắng đại dịch mà còn tiếp tục phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, một lần nữa khẳng định ý chí và bản lĩnh Việt Nam. (Hà Nội mới, trang 1).
Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “khuyến cáo thận trọng khi đưa thông tin dịch Covid-19 lên mạng xã hội”.
Chống dịch, không có chuyện “ngăn sông, cấm chợ”
Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương hiện nay diễn ra chiều ngày 5/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, 11 tỉnh, thành phố đang có dịch COVID-19 nhưng không có nghĩa tất cả người dân đều thuộc diện cách ly, không được phép di chuyển, đặc biệt không có chuyện “ngăn sông cấm chợ”.
Liên quan đến băn khoăn của người dân trong việc “cách ly y tế khi về quê đón Tết”- Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tất cả những đối tượng trở về từ khu vực có ổ dịch (ca F1) phải đưa đi cách ly tập trung, đối tượng F2 phải cách ly theo dõi tại nhà.
Những đối tượng còn lại được sàng lọc, giám sát y tế, được ra khỏi khu phong tỏa, khoanh vùng nếu có sự cho phép của chính quyền địa phương. Nếu được về nơi cư trú, những đối tượng này bắt buộc phải khai báo và tự theo dõi, tự cách ly tại nhà, có sự giám sát chặt chẽ như các ca F2 tại nơi phong tỏa.
Tại cuộc họp, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương trong việc khai báo y tế; vận động người dân tự giác thông báo kịp thời cho chính quyền và y tế địa phương về những người từng đi qua các vùng có dịch bệnh.
Cùng với đó, Bộ Y tế theo dõi sát công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, thực hiện phong tỏa trên tinh thần “hẹp nhất, gọn nhất có thể”.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, những người được phép di chuyển trong kỳ nghỉ Tết tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang- Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập-Khai báo y tế).
Bên cạnh đó, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo nhận định tình trạng đáng lo ngại, nguy cơ từ chuyến xe khách, chuyến xe đường dài di chuyển từ vùng dịch về các địa phương, điển hình, Điện Biên đã phát hiện các ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương tăng cường chỉ đạo, xử phạt nghiêm tất cả các phương tiện xe khách vi phạm, khuyến cáo, đề nghị tất cả người dân trên các chuyến xe khách đeo khẩu trang suốt hành trình di chuyển, để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Y tế địa phương sẵn sàng vừa chống dịch vừa đảm bảo khám chữa bệnh ngày Tết
Cùng với việc áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, ngành y tế các địa phương cũng xác định việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong những ngày Tết là quan trọng. Cơ sở vật chất và nhân lực được khẩn trương chuẩn bị, sẵn sàng.
Phải luôn trong tinh thần chủ động
BS. Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đăk Lăk cho biết: Ngành y tế luôn luôn phải chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là trong những ngày Tết. Vậy nên chúng tôi chỉ đạo không được lơ là với COVID-19 nhưng các cơ sở y tế cũng phải chuẩn bị đầy đủ để chăm sóc, chữa trị các bệnh khác phát sinh trong dịp Tết. Mỗi người dân phải thực hiện thông điệp 5K trong phòng chống COVID-19, xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang đúng quy định. Thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường, tiêu trùng, khử độc, hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người.
BS. Nguyễn Đại Phong, Giám đốc BVĐK vùng Tây Nguyên cũng khẳng định đã sẵn sàng phòng chống COVID-19 và cấp cứu, chăm sóc, điều trị các loại bệnh cho người dân Tây Nguyên trong dịp Tết. Bệnh viện bố trí trực cấp cứu theo đúng quy định của Bộ Y tế, đảm bảo trực theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính và trực bảo vệ. Danh sách cán bộ trực được niêm yết tại các khoa, phòng để bệnh nhân dễ dàng liên hệ khi cần thiết. Bệnh viện còn lập thêm bảng trực dự bị, thành phần trực tương tự như bảng trực chính phòng trường hợp khẩn cấp có nhiều bệnh nhân hoặc tai nạn hàng loạt thì lãnh đạo bệnh viện sẽ huy động đội ngũ này để cứu chữa bệnh nhân. Bệnh viện cũng quán triệt trong và sau Tết Nguyên đán, tất cả cán bộ nhân viên của bệnh viện từ lãnh đạo đến bảo vệ không được nghỉ phép để đảm bảo tất cả đều ở vị trí trực. Tất cả trên tinh thần chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt nhất.
Là địa phương có nhiều ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, ngành y tế Gia Lai với sự hỗ trợ của Trung ương, của các bệnh viện tuyến trên đã cơ bản khoanh vùng, khống chế các ổ dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế trong toàn tỉnh này đã khẩn trương chuẩn bị nhân lực, vật lực phục vụ việc chăm sóc sức khỏe nhân dân trong những ngày Tết.
UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Khoanh vùng và truy vết thần tốc là nhiệm vụ đầu tiên. Đến nay cơ bản hoàn thành Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 từ tỉnh đến các huyện, xã. Phân công nhiệm vụ rõ ràng và tổ chức các đội phản ứng nhanh để không bị động. Để đảm bảo đời sống nhân dân trong tình hình dịch bệnh, tỉnh Gia Lai cũng chỉ đạo dừng bắn pháo hoa và các chương trình văn nghệ mừng xuân Tân Sửu; Dừng kỷ niệm 250 khởi nghĩa Tây Sơn... Tất cả tập trung cho việc bố trí các kíp trực tại các cơ sở y tế để phục cấp cứu, điều trị.
Đảm bảo mọi đối tượng được chăm sóc tốt
Theo lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế, Đà Nẵng đã chủ động dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh dịp Tết Tân Sửu. Bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời. Mọi đối tượng đều được chăm sóc tốt, tuyệt đối không phân biệt, đối xử. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng, chống COVID-19 thực hiện chặt chẽ từ các khu dân cư đến các cơ sở y tế từ tuyến cơ sở đến tuyến thành phố.
Đại diện ngành y tế Quảng Ninh cho biết, phải thực hiện tốt nhiệm vụ kép là phòng chống COVID-19 và túc trực cấp cứu, chữa bệnh ngày Tết cho nhân dân.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành Văn bản số 616/UBND-DL1 chỉ đạo triển khai kiểm tra, khai báo sức khỏe toàn dân và củng cố các tổ tự quản phòng chống dịch COVID-19. Đến nay, UBND các huyện, thị xã tích cực phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế và các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ khai báo y tế để lập hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe cho người dân một cách có hệ thống.
Bên cạnh đó, huy động các cơ sở y tế trên địa bàn như: Bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế, cơ sở y tế tư nhân phối hợp tổ chức rà soát, kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt để lập hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe đối với 100% người dân đang cư trú trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với đó, các cơ sở y tế Quảng Ninh cũng chuẩn bị đảm bảo sẵn sàng phục vụ trong dịp Tết, phân công trực 24/24 giờ...
Tại các địa phương như Khánh Hòa; Bình Thuận... ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng cơ số máy móc, thuốc men, trang thiết bị phục vụ công tác cấp cứu, đáp ứng với từng cấp độ số lượng bệnh nhân nhập viện. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).