Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 08/6/2018

  • |
T5g.org.vn - Nhiễm giun chỉ, bệnh nhân đi tiểu ra “sữa”; Bé gái sinh non tuần 26, chỉ nặng 5 gram, nhịp tim rời rạc được cứu sống thần kỳ; Cảnh báo nguy cơ dịch sốt xuất huyết gia tăng ở Hà Nội; Đình chỉ lưu hành và ngừng sử dụng 3 loại thuốc

 

Nhiễm giun chỉ, bệnh nhân đi tiểu ra “sữa”

 Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang điều trị cho bệnh nhân 70 tuổi bị đi tiểu ra nước trắng như sữa. Bác sĩ Nguyễn Đình Liên - Khoa Ngoại (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, suốt thời gian dài bệnh nhân này đi khám để điều trị ở nhiều nơi nhưng không khỏi bệnh. Sau đó, bệnh nhân bị đi tiểu buốt, tiểu ra máu, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng đi tiểu ra nước có màu trắng như sữa. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội qua thăm khám lâm sàng. Kết quả xét nghiệm cho thấy nước tiểu của bệnh nhân không bị nhiễm khuẩn nhưng chỉ số mỡ và dưỡng chấp (protein) trong nước tiểu rất cao. Nội soi bàng quang phát hiện thấy nhịp co bóp của bàng quang phun ra nước trắng. Bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị ký sinh trùng giun chỉ khu trú bên trong. Phối hợp với bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh cho kết quả bệnh nhân bị nhiễm giun chỉ và dòng nước trắng mà bệnh nhân đi tiểu ra, chính là dưỡng chấp của giun chỉ.

Theo các bác sĩ giun chỉ khu trú ở hệ thống tiết niệu rất hiếm. Bác sĩ Liên cho hay, khi giun chỉ khu trú trong đường tiết niệu sẽ làm thông thương ống mạch bạch huyết vào bể thận và từ đó gây ra hiện tượng đái ra dưỡng chấp của giun chỉ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ bị suy kiệt sức khỏe do giun chỉ hấp thu hết dưỡng chất gây tổn hại sức khỏe cũng như chất lượng sống của bệnh nhân.

Bệnh nhân được phẫu thuật bằng phương pháp nút mạch bạch huyết, đồng thời uống thuốc diệt ký sinh trùng giun. Trước đây, nếu mắc bệnh này bệnh nhân sẽ phải mổ phanh với vết mổ dài khoảng 20cm. Tuy nhiên, bệnh nhân này sử dụng phương pháp nút mạch bạch huyết với mức độ xâm lấn chỉ là 0,5cm. Ngay sau khi phẫu thuật bệnh nhân đã có thể đi lại được, trong lần đi tiểu đầu tiên, nước tiểu không còn màu trắng như sữa (Tiền phong, trang 6).

 

Bé gái sinh non tuần 26, chỉ nặng 5 gram, nhịp tim rời rạc được cứu sống thần kỳ

Chiều 7-6, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã tổ chức xuất viện cho bé Nguyễn Vân Đ. (hơn 4 tháng tuổi, ở Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) sau hơn 4 tháng điều trị. TS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, bệnh viện vừa cứu sống một bé gái sinh cực non tháng, với cân nặng chỉ 500gram (5 lạng).

Bé gái được sinh vào ngày 26-1-2018, là con gái đầu lòng của chị V.T.D. (ở Trung Hòa – Hà Nội). Theo chia sẻ của gia đình, sau nhiều năm điều trị hiếm muộn, vợ chồng chị D. vui mừng khi biết mình mang thai. Thế nhưng, khi thai nhi ở tuần thứ 26, chị D. có dấu hiệu chuyển dạ và bị sinh non, em bé Nguyễn Vân Đ. chào đời chỉ nặng 5 lạng.

Do sinh non, cân nặng quá thấp nên ngay khi chào đời, bé Đ. có hệ thống hô hấp rất yếu ớt, chưa hoàn thiện, xuất hiện hiện tượng thở thoi thóp, nhịp tim rời rạc và phản xạ yếu.

Ngay sau khi sinh, cháu bé đã được các bác sĩ tại Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh điều trị, theo dõi và chăm sóc kết hợp dinh dưỡng từ sữa mẹ. Hiện sau hơn 4 tháng nuôi dưỡng, chăm sóc và điều trị đặc biệt, cân nặng của cháu đã đạt 2700gram, bú tốt, vận động tốt và có thể xuất viện.

PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, đây không phải là lần đầu tiên bệnh viện cứu sống trẻ sinh non, nhẹ cân. Từ năm 2010, trung tâm đã nuôi dưỡng thành công trẻ sơ sinh có cân nặng thấp nhất Việt Nam là 500gram, hiện cháu bé đã đi học và khỏa mạnh bình thường.

Ngoài ra, năm 2016 trung tâm cũng đã cứu sống bé Trần Gấu, thai 27 tuần, nhẹ cân, phù thai, đây là con của sản phụ Đậu Thị Huyền Trâm, bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Đặc biệt từ đầu năm 2018 đến nay, đã có 3 trẻ sinh non tháng, có cân nạng 500gram, trong đó có 2 trẻ sinh đôi được cứu sống.

Được biết, hiện tại ở Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Trung ương đang điều trị cho khoảng 70 trẻ sinh non, cân nặng dưới 1kg, trong đó có khoảng 20 trẻ có cân nặng chỉ 600 – 700 gram (6-7 lạng).

TS Lê Minh Trác cho biết thêm, là trung tâm đứng đầu cả nước về nuôi dưỡng, điều trị trẻ nhẹ cân, sinh non tháng, hiện những trẻ nhẹ sinh ra cân nặng từ 1 đến 1,5kg điều trị tại Trung tâm có tỷ lệ nuôi sống thành công là gần 90%. Với những trẻ dưới 1kg, tỷ lệ nuôi sống cũng đang tăng nhanh qua những năm gần đây, hiện đạt tỷ lệ 31%...

“Để có được thành công trên, bệnh viện đã áp dụng những thành tựu y học hiện đại nhất vào chăm sóc trẻ như hồi sức ngay từ phòng đẻ, chống suy hô hấp, chống tắc nghẽn đường thở, lồng ấp cách ly môi trường, nuôi dưỡng tĩnh mạch sớm, chiến lược ăn sữa mẹ sớm tăng dần từng ngày…” - TS Trác chia sẻ (An ninh thủ đô, trang 4).

 

Cảnh báo nguy cơ dịch sốt xuất huyết gia tăng ở Hà Nội

Dù số ca mắc sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu gia tăng trong các tháng đầu năm nay, tuy nhiên Bộ Y tế nhận định, khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên đang bắt đầu vào mùa mưa, miền Bắc vào mùa hè, đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển mạnh. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại một số quốc gia trong khu vực châu Á và châu Mỹ Latinh, từ đầu năm 2018 đến nay, mặc dù sốt xuất huyết đã giảm so với cùng kỳ năm 2017, song gần đây lại bắt đầu có dấu hiệu gia tăng.

Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước đã phát hiện 20.522 trường hợp mắc sốt xuất huyết và đã có 4 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 41,4%, số tử vong giảm 8 trường hợp. Riêng tại Hà Nội, tuần qua, ghi nhận thêm 17 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tính từ đầu năm  đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 126 trường hợp mắc và không có tử vong.

Để chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân diệt loăng quăng/bọ gậy, ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt không tự ý điều trị tại nhà.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết và vệ sinh môi trường khử khuẩn phòng chống tay chân miệng, đồng thời tiến hành điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh ghi nhận trong tuần như sốt phát ban nghi sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà, liên cầu lợn (An ninh thủ đô, trang 4).

 

Đình chỉ lưu hành và ngừng sử dụng 3 loại thuốc

Trong hai ngày 5 và 6-6, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành văn bản thông báo đến các đơn vị y tế trong ngành và các quận, huyện, thị xã về việc đình chỉ lưu hành và ngừng sử dụng 3 loại thuốc điều trị dạ dày, viêm da dị ứng và rối loạn tiêu hóa. Cụ thể, quyết định đình chỉ lưu hành được đưa ra với thuốc điều trị dạ dày Nexium 20mg và Nexium 40mg ghi mạo danh doanh nghiệp nhập khẩu là Công ty cổ phần Armephaco (ở số 118 Vũ Xuân Thiều, quận Long Biên, Hà Nội). Thuốc Nexium nhập lậu ghi tên Nexium 20mg và Nexium 40mg, còn loại đã được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành ghi tên là Nexium mups 20mg và Nexium mups 40mg. Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu phòng y tế các quận, huyện, thị xã kiểm soát chặt chẽ và ngừng kinh doanh kem bôi Shinpoong Gentri-sone điều trị viêm da dị ứng vì nghi ngờ đây là thuốc giả. Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội có văn bản thông báo đình chỉ lưu hành thuốc viên nang cứng Neopeptine điều trị rối loạn tiêu hóa do Công ty Raptokos Brett & Co.Ltd (India) sản xuất do không đạt tiêu chuẩn chất lượng (Hà Nội mới, trang 5).

 

Tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2018

Hưởng ứng Ngày Quốc tế người hiến máu 14-6, Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện phối hợp với Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tổ chức họp báo giới thiệu các hoạt động tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc và chiến dịch Hành trình Đỏ 2018.  Theo thống kê của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, năm 2017, nước ta đã vận động và tiếp nhận được gần 1,4 triệu đơn vị máu, trong đó 98% lượng máu tiếp nhận được từ những người hiến máu tình nguyện.

Với thông điệp “Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống”, ngày Quốc tế người hiến máu năm 2018 nhấn mạnh đến tinh thần đoàn kết, giá trị nhân ái và sự thấu hiểu của cộng đồng với những người bệnh cần máu, để từ đó thể hiện sự quan tâm, sẻ chia sâu sắc thông qua nghĩa cử cao đẹp - hiến máu cứu người, góp phần mang lại sự sống cho người bệnh.

100 người hiến máu được tôn vinh lần này đại diện cho 63 tỉnh, thành phố và các bộ, ban, ngành Trung ương, trong đó nhiều người đã hiến máu hơn 60 lần như: ông Hồ Văn Thúc (Đồng Nai, hiến máu 63 lần và vận động 1.800 người lượt người tham gia hiến máu), ông Nguyễn Ngọc Thành, ông Phạm Thiện Hiền, ông Nguyễn Đình Tiến (đều ở TP.HCM, hiến máu 63 lần), ông Trương Huỳnh Đức (TP.HCM, hiến máu 62 lần)…

Đại diện Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cũng cho biết, chương trình vận động hiến máu xuyên Việt “Hành trình Đỏ” lần thứ VI năm nay sẽ khởi động vào ngày 14-6 tới tại tỉnh Cà Mau, với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt”. Chương trình kéo dài đến 15-7 và dự kiến tiếp nhận tối thiểu 30.000 đơn vị máu, tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước (An ninh thủ đô, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang