Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 08/8/2019

  • |
T5g.org.vn - Gắn tinh giản biên chế với nâng cao chất lượng cán bộ y tế; Hơn 500 người ngộ độc thực phẩm, 4 người tử vong trong tháng 7; Rác thải Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch bị… đánh cắp!; Bác sĩ bỏ mặc 'quy trình', quyết mổ để cứu sống hai mẹ con…

 

Gắn tinh giản biên chế với nâng cao chất lượng cán bộ y tế

Thực hiện các nghị quyết hội nghị lần thứ 6, lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XII), thời gian qua, ngành y tế trên cả nước đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy từ T.Ư đến địa phương, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị công lập và thu được những kết quả bước đầu. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị T.Ư 6, khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập, thời gian qua, toàn ngành y tế đã tích cực triển khai thực hiện việc kiện toàn, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức xây dựng bộ máy từ T.Ư đến địa phương và bước đầu thu được một số kết quả quan trọng được Đảng, Chính phủ nghi nhận. Đến nay, số lượng phòng trong các vụ, cục trực thuộc Bộ Y tế được sắp xếp, thu gọn từ 94 phòng xuống còn 59 phòng, giảm 35 phòng và 105 cán bộ lãnh đạo cấp phòng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã thực hiện đúng lộ trình tinh giản biên chế từ năm 2016, mỗi năm giảm 1,6 đến 2%, đến năm 2021 đạt tỷ lệ giảm 10% biên chế hành chính so với năm 2015...

Đối với hệ thống tổ chức y tế địa phương, hiện nay các tỉnh, thành phố đang thực hiện mô hình Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) trên cơ sở sáp nhập các trung tâm có cùng chức năng theo Thông tư số 26/2017/TT- BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của CDC tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Theo đó, việc kiện toàn, sắp xếp các đơn vị trên địa bàn thuộc thẩm quyền của địa phương, có lộ trình thực hiện và hoàn thiện mô hình CDC trước ngày 1-1-2021. Như vậy, nếu như trước đây, mỗi tỉnh, thành phố có từ năm đến chín đơn vị trung tâm (nếu tính bình quân mỗi tỉnh có sáu đơn vị, trung tâm) sáp nhập lại thành một trung tâm, cả nước sẽ giảm 315 đơn vị đối với tuyến tỉnh. Tính đến tháng 7- 2019, đã có 53 tỉnh, thành phố có quyết định thực hiện mô hình CDC, với số đơn vị tuyến tỉnh sáp nhập là 266 đơn vị. Khi 63 tỉnh, thành phố hoàn thành việc thực hiện mô hình CDC tuyến tỉnh sẽ giảm được 1.260 vị trí lãnh đạo, ước tính giảm chi ngân sách nhà nước khoảng hơn 90 tỷ đồng/năm.

Nhân lực y tế ở các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh cũng đã được thực hiện sắp xếp gắn với việc thực hiện tự chủ kinh phí thường xuyên ở các địa phương. Hiện nay có khoảng 70 đơn vị (chiếm 3,43% số đơn vị sự nghiệp y tế tuyến tỉnh) với khoảng 35 nghìn biên chế không phải chi lương từ ngân sách nhà nước, mà đã đưa vào giá dịch vụ, qua đó giảm chi cho Nhà nước khoảng 2.520 tỷ đồng/năm. Việc thực hiện tự chủ kinh phí thường xuyên và tự chủ nhân lực y tế tại 51 tỉnh, thành phố trong cả nước đã giảm chi ngân sách nhà nước gần 15 nghìn tỷ đồng...

Không chỉ tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã cũng được ngành y tế các địa phương tiến hành kiện toàn, sắp xếp lại. Đến nay 100% số xã trên địa bàn toàn quốc có trạm y tế xã, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và các nhiệm vụ y tế cơ sở. Hiện có 62 tỉnh, thành phố quy định trạm y tế xã là đơn vị y tế trực thuộc trung tâm y tế huyện, cho nên các trạm y tế xã không phải là một đơn vị sự nghiệp y tế. Do không phải là đơn vị sự nghiệp y tế hoàn chỉnh cho nên không cần bố trí hàng chục nghìn nhân viên để thực hiện các công việc hành chính như: văn thư, kế toán, tổ chức tại các trạm y tế mà do trung tâm y tế huyện quản lý toàn diện để luân phiên cán bộ thuận lợi khi có dịch xảy ra, đồng thời để cán bộ có điều kiện thực hành, nâng cao trình độ...

Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy việc sắp xếp, thu gọn đầu mối sẽ dôi cán bộ lãnh đạo, quản lý, ảnh hưởng nhiều đến tâm tư của những cán bộ không còn tiếp tục giữ chức vụ. Như vậy cần có thời gian sắp xếp, bố trí, phân công để ổn định hoạt động của đơn vị cũng như ổn định tinh thần của cán bộ. Tại tuyến huyện, việc sáp nhập trung tâm y tế và bệnh viện thành trung tâm y tế đa chức năng chưa được cấp ủy, lãnh đạo một số địa phương thống nhất và quyết tâm triển khai thực hiện. Đáng chú ý, có địa phương giao trung tâm y tế huyện cho UBND huyện quản lý đã gây khó khăn cho việc chỉ đạo ngành dọc có tính đặc thù của ngành y tế, chưa đưa ra phương án thu gọn, giải thể phòng khám đa khoa khu vực hoạt động kém hiệu quả. Mặt khác, các quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ chậm được ban hành, cho nên ngành y tế chưa có cơ sở ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ...

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Hội nghị T.Ư; nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ, của Bộ Y tế về công tác tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về công tác tổ chức, công tác cán bộ theo quy định của pháp luật và quyết định phê duyệt của các cấp có thẩm quyền. Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với UBND các tỉnh, thành phố và các địa phương về việc kiện toàn cơ cấu bộ máy tổ chức của hệ thống y tế địa phương. Toàn ngành tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ gắn với đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế quản lý, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm để mỗi cán bộ y tế từ tình trạng phải làm mang tính bắt buộc, sang trạng thái tự giác thực hiện khi gắn liền với quyền lợi, lợi ích của tập thể và cá nhân.

Bộ Y tế cũng sẽ sớm hoàn thiện và phê duyệt đề án phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 từ y tế T.Ư đến y tế cơ sở để triển khai đồng bộ các giải pháp từ khâu tuyển chọn, tuyển dụng, quản lý, đào tạo, phát triển và duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao ở tất cả các tuyến. Qua đó, tạo ra bước đột phá nhằm thực hiện tốt chiến lược cán bộ y tế thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực y tế. (Nhân dân, trang 5).

 

Hơn 500 người ngộ độc thực phẩm, 4 người tử vong trong tháng 7

Chỉ tính riêng trong tháng 7 vừa qua, cả nước xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 506 người mắc, 503 người đi viện, 4 trường hợp tử vong...

Bộ Y tế vừa có báo cáo về công tác y tế tháng 7-2019 gửi Văn phòng Chính phủ. Theo đó, về lĩnh vực an toàn thực phẩm, trong tháng 7 vừa qua, cả nước đã xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm làm 506 người mắc, 503 người đi viện, 04 trường họp tử vong.

Qua điều tra, có 3/6 vụ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật, 1/6 vụ do độc tố tự nhiên, còn lại 2/6 vụ chưa xác định được nguyên nhân gây ngộ độc. Tích lũy từ đầu năm đến nay toàn quốc đã xảy ra 42 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.372 người mắc, 1.361 người đi viện, 9 người tử vong.

Hiện tại, Bộ Y tế đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, tiếp tục xây dựng Thông tư truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Y tế; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm- Chất tạo ngọt tổng họp; Thông tư hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm (thay thế Thông tư số 27/2012/TT-BYT và Thông tư số 08/2015/TT-BYT)…

Cũng trong báo cáo của Bộ Y tế, về công tác phòng chống dịch bệnh, trong tháng 7 vừa qua, số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết được ghi nhận trên cả nước tăng gấp 2 lần so với tháng trước đó và gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Tích lũy từ đầu năm đến hết tháng 7, cả nước ghi nhận hơn 96.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp đã tử vong. (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

Rác thải Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch bị… đánh cắp!

Một số bệnh viện có đặt camera ở khu vực tập kết rác thải nhằm tránh tình trạng cá nhân tự ý thu gom và phân loại rác thải y tế.

Sáng 6-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Lân, Giám đốc Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, nhận định: “Rác thải y tế trong BV bị đánh cắp”.

Xử lý người giám sát rác thải

Theo ông Lân, người đàn ông mặc đồng phục xanh đang lựa chai nhựa, lon nhôm lẫn trong túi màu vàng đựng chất thải lây nhiễm mà PV ghi hình là công nhân ngoại cảnh của một đơn vị bên ngoài hợp đồng với BV. “Nhiệm vụ của ông này là chăm sóc cây cảnh, không liên quan đến việc xử lý chất thải. Ông này đã đánh cắp rác thải y tế trong BV” - ông Lân nói.

Theo ông Lân, BV ký hợp đồng xử lý rác thải với Công ty TNHH Môi trường đô thị TP.HCM và phân công người giám sát việc thu gom chất thải ở các khoa, phòng. Xảy ra tình trạng đánh cắp rác thải trong BV thuộc trách nhiệm người giám sát. Do đó, BV đang trong quá trình xử lý người này. “Ngoài chấm dứt hợp đồng lao động với người đánh cắp rác thải, BV còn yêu cầu bảo vệ không cho bà Võ Thị Ngọc, ở huyện Bình Chánh, TP.HCM (người mua chai nhựa, lon nhôm thu gom trong BV Phạm Ngọc Thạch), ra vào BV nữa” - ông Lân trình bày.

Liên quan đến bà Ngọc, ông Phạm Trường Nhật, phụ trách môi trường UBND xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, cho biết UBND huyện này đã ra quyết định xử phạt bà Ngọc 50 triệu đồng do lưu giữ chất thải nguy hại không đúng quy định, ảnh hưởng môi trường. UBND huyện Bình Chánh còn buộc bà Ngọc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. “Bà Ngọc đã thuê đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý dây truyền dịch dính máu, túi đựng dung dịch phục vụ phẫu thuật… tại điểm chứa phế liệu của mình” - ông Nhật cho biết thêm.

Đặt camera khu vực lưu chứa chất thải y tế

Điều 30 Nghị định 38/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu có nội dung: “Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường (gồm cả chất thải tái chế) ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý”.

BS Nhan Tô Tài, Giám đốc BV quận 12, TP.HCM, cho biết BV ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải lây nhiễm, rác thải sinh hoạt với Công ty TNHH Môi trường đô thị TP.HCM. “Riêng rác thải tái chế, BV đã ký hợp đồng với một đơn vị được cấp phép” - BS Tài nói.

BS Tài còn cho biết BV thường xuyên tập huấn phân loại rác thải tại nguồn cho những nhân viên vệ sinh hợp đồng bên ngoài.

Tương tự, BS Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết ngoài hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế, BV còn đặt camera ở khu vực tập kết rác thải để giám sát. Việc làm này nhằm tránh tình trạng cá nhân tự thu gom và phân loại rác thải y tế.

Theo BS Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định TP.HCM, những thùng chứa rác lây nhiễm, nguy hại, sinh hoạt, tái chế đều có bảng hướng dẫn rõ ràng. “Ngày bốn lần, rác thải được phân loại riêng và đưa xuống nhà chứa rác. Sau đó, Công ty TNHH Môi trường đô thị TP.HCM đến chở và xử lý. BV còn xây dựng quy trình xử lý sự cố do rác thải y tế gây ra và tập huấn cho nhân viên vệ sinh. Các sự cố xử lý bao gồm: Tổn thương do kim tiêm hoặc vật sắc nhọn, máu hoặc dịch bắn lên mắt, hít phải hơi thủy ngân…” - BS Tuyết nói thêm.

Một số bệnh viện chưa thực hiện tốt quản lý chất thải y tế

Qua kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải y tế tại các BV trên địa bàn TP.HCM, Sở Y tế nhận thấy một số BV chưa thực hiện tốt. Đặc biệt là trong công tác tổ chức, giám sát, thực hiện các quy trình phân loại, thu gom, chuyển giao chất thải rắn y tế.

Để đảm bảo công tác quản lý chất thải y tế thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch 58/2015 của Bộ Y tế và Bộ TN&MT, Sở Y tế TP.HCM vừa ban hành công văn đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn xây dựng và triển khai thực hiện quy trình phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn y tế tại mỗi khoa, phòng; giám sát chặt công tác phân loại, thu gom, chuyển giao chất thải rắn y tế trong suốt thời gian, kể cả ngày nghỉ và lễ. Cần thiết lắp đặt camera giám sát, đảm bảo không để chất thải rắn y tế vận chuyển ra ngoài sai quy định.

Bà NGUYỄN THỊ HUỲNH MAIChánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM

Quy trình tái chế chai nhựa không đúng quy định thì hóa chất vẫn còn trong bao bì. Đựng thực phẩm nóng, hóa chất dễ nhiễm vào thức ăn. Đựng thực phẩm nguội hoặc lạnh, hóa chất ít nhiễm hơn.

Chai nhựa nằm lẫn lộn chất thải lây nhiễm dễ bị nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao trong quá trình tái chế thành bao bì. Thế nhưng ngoài vi khuẩn thông thường, chai nhựa có thể nhiễm những loại virus gây bệnh khó bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao. Khi sản xuất thành hộp đựng bánh, những virus này có thể tồn tại và nhiễm vào thức ăn. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 1).

 

Bác sĩ bỏ mặc 'quy trình', quyết mổ để cứu sống hai mẹ con

Đến ngày 7.8, nhoẻn miệng cười nhìn đứa con đang lim dim ngủ, sản phụ Hồ Thị Hình mới tin rằng chị và con mình đã sống sót. Câu chuyện các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị bỏ qua các thủ tục để mổ gấp, cứu sống hai mẹ con chị Hình khiến dân mạng rơi nước mắt.

Mạng sống là trên hết

Khuya 5.8, một chiếc xe cấp cứu đỗ gấp trước phòng cấp cứu của Khoa Sản BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị, chở theo chị Hồ Thị Hình (21 tuổi, ở xã Đakrông, H.Đakrông) vượt đường 40 km từ BV đa khoa huyện về, trong tình trạng vỡ ối, sa dây rốn...

Linh tính một ca sinh khó, kíp trực của Khoa Sản BV đa khoa tỉnh Quảng Trị đã thăm khám ngay tại băng ca và nhận thấy búi dây rốn đã sa hẳn ra ngoài, dây rốn còn đập, tim thai rời rạc nên lập tức chuyển thẳng lên phòng mổ sản. Mọi thứ diễn ra nhanh đến mức chỉ mấy phút sau, em bé sơ sinh nặng 2,7 kg được đưa ra ngoài bụng mẹ. Tiếng khóc chào đời của em bé trong đêm khiến các bác sĩ (BS) thở phào. Sản phụ Hình cũng được kịp thời cứu sống một cách kỳ diệu.

BS Trần Trung Hoành (khoa sản, người trực tiếp tham gia ca mổ) cho hay thai nhi khi đang ở trong bụng mẹ được nuôi bởi dây rốn; khi vỡ ối, dây rốn sa hẳn ra ngoài sẽ làm giảm tuần hoàn và cắt đứt việc nuôi thai, thông thường thai sẽ chết sau một thời gian ngắn. “Đầu tiên phải khen BV tuyến huyện đã làm tốt trong suốt 40 phút di chuyển. Còn đối với kíp mổ, khi đó đã nghi đứa bé gần như đã chết nhưng vẫn cố làm với tư tưởng “còn nước còn tát”. Và chúng tôi đã may mắn”, BS Hoành không giấu nổi hạnh phúc.

Để cứu sống hai sinh mạng ấy, ít ai biết rằng khi thực hiện ca mổ khẩn cấp, cả ê kíp đã “đánh cược” sự nghiệp của mình khi bỏ qua toàn bộ các quy trình: phẫu thuật không có hồ sơ, không hội chẩn, không xét nghiệm, không phiếu cam đoan... Tất cả đi thẳng từ băng ca xe cứu thương lên bàn mổ. Nhiều người tự hỏi, giả dụ ca mổ định mệnh đó có điều gì bất trắc xảy ra, số phận của ê kíp mổ đó sẽ thế nào trước áp lực dư luận xã hội và luật pháp?

“Quy trình đạo đức”

Trả lời PV Thanh Niên về điều gì đã thôi thúc cả ê kíp đồng lòng thực hiện ca mổ mà tỷ lệ sống còn rất thấp lại bỏ mặc hết mọi “quy trình” ấy, BS Hoành không do dự: “Tình huống nguy cấp nên cả ê kíp mổ chỉ tập trung vào việc cứu người. Không có thời gian để nghĩ đến chuyện liệu dư luận, áp lực gia đình, xã hội có chấp nhận nếu lỡ em bé tử vong hay không?”.

Trong khi đó, BS Trần Quốc Tuấn, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Quảng Trị, chia sẻ rằng khi được báo cáo lại vụ việc, ông cũng... hoảng hồn. Nhưng khi bình tâm lại, ông đã rất vui.

“Gần đây, nhiều vụ việc BS phải chịu trách nhiệm cho những cái chết của bệnh nhân bất kể vô ý hay do khách quan. Nói thật, điều này khiến nhiều y BS cũng chùn tay. Tôi là quản lý cũng luôn yêu cầu tất cả y BS cấp dưới phải làm theo quy trình, nhưng rõ ràng có một quy trình mà không ai có thể sắp xếp được đó là “quy trình của tình người”. Ca mổ vừa rồi có sai về quy trình của BV, của ngành y nhưng đúng về quy trình đạo đức của người thầy thuốc”, BS Tuấn kết luận.

“Quy trình tình người” kỳ diệu ấy đã nhận được cơn mưa tim, cùng hàng trăm chia sẻ và lời chúc mừng từ cư dân mạng đến các BS đã tạo nên câu chuyện cảm động này. (Thanh niên, trang 8).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang