5 bệnh có thể trầm trọng hơn với nắng nóng mùa hè, phòng ngừa thế nào?
Mùa hè với nắng nóng ngày càng gia tăng có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nếu bạn mắc các bệnh tự miễn dịch..
Khi hoạt động bình thường, hệ thống miễn dịch của cơ thể giúp chống lại các mầm bệnh lạ. Tuy nhiên ở người mắc bệnh tự miễn dịch, tình trạng hệ thống miễn dịch hoạt động bất thường, tự tấn công chính tế bào trong cơ thể. Tình trạng này có thể trở nên tồi tệ hơn do cái nóng gay gắt của mùa hè, làm trầm trọng thêm các triệu chứng của những người mắc bệnh tự miễn dịch.
1.Các bệnh có thể trầm trọng hơn do nắng nóng
1.1.Bệnh Lupus
Lupus là một bệnh tự miễn dịch khiến hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức và tấn công các mô khỏe mạnh theo thời gian. Lupus ban đỏ hệ thống (SLE), lupus da (như lupus ban đỏ dạng đĩa -DLE), lupus do thuốc -DIL và lupus sơ sinh... là một số loại lupus.
Nắng nóng có thể gây ra các cơn bùng phát như sưng khớp, mệt mỏi, phát ban, loét miệng, rụng tóc bất thường... Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh lupus, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid và hydroxychloroquine, có thể gây nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.
1.2.Bệnh vẩy nến
Bệnh vẩy nến là một bệnh tự miễn dịch gây ra sự tích tụ nhanh chóng của các tế bào da (các tế bào xếp chồng lên nhau trên bề mặt da).
Xung quanh vảy, tình trạng viêm và tấy đỏ trở nên phổ biến. Vảy vẩy nến thường có màu trắng bạc và xuất hiện thành từng mảng dày đặc, màu đỏ. Tuy nhiên, chúng có thể xuất hiện màu tía, nâu sẫm với vảy xám trên tông màu da sẫm hơn. Những mảng này thỉnh thoảng sẽ nứt vỡ ra và chảy máu.
Thời tiết ấm áp, kèm theo nhiều ánh sáng mặt trời và độ ẩm tự nhiên, thường có thể cải thiện bệnh vẩy nến. Tuy nhiên, chấn thương da như cháy nắng có thể gây bùng phát với các triệu chứng bao gồm các mảng nổi lên trên da, ngứa, đỏ, sưng, cứng và đau khớp..
1.3.Viêm khớp
Viêm khớp là một chứng rối loạn khớp gây đau do viêm một hoặc nhiều khớp. Mỗi loại viêm khớp đều có các vấn đề, nguyên nhân và tiên lượng khác nhau.
Viêm xương khớp (OA) và viêm khớp dạng thấp là hai loại viêm khớp phổ biến nhất. Các loại phổ biến khác bao gồm viêm khớp vẩy nến, bệnh gout (bệnh do tăng axit uric máu làm lắng đọng tinh thể urat vào mô, thường ở trong và xung quanh các khớp)…
Thời tiết nắng nóng cũng là nguyên nhân gây trầm trọng thêm các bệnh này.
1.4. Bệnh tuyến giáp
Tuyến giáp là một tuyến hình con bướm nhỏ ở phía trước cổ, sản xuất ra một loại hormone ảnh hưởng đến mọi tế bào, mô và cơ quan trong cơ thể, giúp nó hoạt động bình thường.
Tuyến giáp ảnh hưởng đến quá trình sửa chữa và trao đổi chất của tế bào, điều chỉnh mức năng lượng và tâm trạng.
Những người bị cường giáp và suy giáp có thể bị ảnh hưởng khi nhiệt độ cao.
1.5.Đa xơ cứng
Hiện vẫn chưa biết nguyên nhân gây đa xơ cứng (MS), nhưng nó được coi là một bệnh tự miễn dịch.
Rối loạn chức năng hệ thống miễn dịch trong MS làm cho chất béo bao bọc và bảo vệ các sợi thần kinh trong não và tủy sống (myelin) bị phá hủy.
Cái nóng gay gắt của mùa hè có thể làm trầm trọng thêm vấn đề và dẫn đến các biến chứng như cứng cơ, tê liệt, các vấn đề về bàng quang, rối loạn chức năng tình dục, các vấn đề sức khỏe tâm thần, trầm cảm và động kinh…
2.Phòng ngừa thế nào?
-Nhiệt và mồ hôi cũng có thể gây bùng phát bệnh, vì vậy người bệnh nên cố gắng giữ mát cơ thể bằng điều hòa nhiệt độ hoặc quạt... Do điều hòa không khí có thể làm khô da, nên cần sử dụng thêm kem dưỡng ẩm.
-Khi ra nắng, người bệnh nên thoa kem chống nắng phổ rộng; mặc quần áo dài tay, đội mũ rộng vành, mang kính râm… Những biện pháp này có thể giúp bảo vệ, giúp ngăn ngừa các bệnh bùng phát do ánh nắng mặt trời.
-Chọn thời điểm mát mẻ hơn trong ngày (sáng sớm hoặc chiều tối) để hoạt động ngoài trời và tắm nước mát để hạ nhiệt độ cơ thể sau các hoạt động trong môi trường nóng cũng có thể ngăn ngừa bệnh bùng phát. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 4).
Đăk Lăk ghi nhận một bệnh nhi nhiễm bệnh Whitmore
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương này vừa ghi nhận 01 nữ bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore.
Bệnh nhân là N.T.V (nữ, SN 2013, trú tại thôn Chiềng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp). Ngày 04/6, bệnh nhân được người nhà đưa vào khám tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, nhập viện tại khoa Nhi Tổng hợp trong tình trạng tỉnh táo, sốt 39 độ C, tuyến mang tai 02 bên sưng to, cứng chắc không di động.
Góc hàm trái có điểm ấn mềm hóa mủ, đau nhiều. Há miệng hạn chế. Họng đỏ nhẹ loét chợt đầu lưỡi 01 nốt; Ăn uống kém, không nôn; Bụng mềm; Gan lách không lớn; Cổ mềm.
Kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei với chẩn đoán hậu phẫu áp xe tuyến mang tai 02 bên/ Nhiễm trùng huyết do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei/ Viêm màng não.
Theo người nhà bệnh nhân, bệnh nhân khởi phát bệnh cách ngày nhập viện khoảng 10 ngày với triệu chứng sốt cao, kèm sưng, đau vùng mang tai 02 bên. Người nhà đã đưa bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư nhân, uống thuốc 03 ngày (không rõ loại) nhưng không giảm nên đưa bệnh nhân vào khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Sau khi ghi nhận trường hợp mắc bệnh Whitmore, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng phản hồi thông tin cho đơn vị liên quan, đồng thời tổ chức điều tra và giám sát tại cộng đồng để phòng tránh bệnh lây lan. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).