Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 09/12/2019

  • |
T5g.org.vn - Bệnh truyền nhiễm gia tăng khi thời tiết lạnh; Diễn tập cứu 4 người mắc kẹt trong đám cháy giả định tại Bệnh viện; Tìm thấy vi khuẩn Whitmore trong mẫu đất vườn của gia đình có 3 trẻ tử vong…

 

Trời lạnh, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao: Người già, trẻ em nhập viện tăng đột biến

Hơn 1 tuần nay, miền Bắc đón đợt không khí lạnh nhất từ đầu mùa đông. Nhiệt độ giảm mạnh, trời rét đậm vào đêm và sáng, khiến nhiều người dễ mắc bệnh, nhất là những đối tượng có sức đề kháng kém như người già và trẻ nhỏ. Việc chăm sóc cơ thể đúng cách khi trời lạnh sẽ giúp phòng tránh bệnh tật, tăng cường sức đề kháng.

Dễ bị cúm, bệnh phổi, đột quỵ... tấn công

Điều trị tại Khoa Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, Bệnh viện Phổi trung ương được 10 ngày, ông Cao Xuân K. (60 tuổi ở Hà Nội) thấy sức khỏe đã tốt hơn. Ông K. kể: "Tôi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 2 năm nay. Từ đầu mùa rét, đây cũng là lần kịch phát cơn khó thở đầu tiên. Do dùng thuốc không đều đặn, nên các cơn ho, khó thở, tức ngực tăng lên, nên tôi phải nhập viện".

Khoảng 1 tháng nay, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp: Viêm phổi, viêm phế quản cấp, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... điều trị tại Bệnh viện Phổi trung ương tăng lên rõ rệt, ước khoảng 300 người (gấp 1,5 lần so với những tháng khác trong năm). Bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính của bệnh viện cho biết, thời tiết nóng, lạnh đột ngột, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm, khiến cơ thể của bệnh nhân, nhất là người cao tuổi và người có sẵn bệnh mạn tính sẽ không đủ sức đề kháng để kịp thời thích ứng.

Theo PGS.TS Chu Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), thời tiết lạnh là yếu tố thuận lợi làm gia tăng đợt kịch phát của bệnh nhân hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tại Trung tâm Hô hấp, mỗi năm tiếp nhận khoảng 7.000 bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp nhập viện, trong đó có khoảng 30% bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính. Mùa đông rét mướt, có những ngày tiếp nhận tới 15-20 bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính nhập viện và đa phần là những cơn kịch phát diễn biến nặng, phải thở máy…

Nhiệt độ giảm mạnh còn là nguyên nhân khiến bệnh đột quỵ gia tăng. Qua thống kê của Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Thanh Nhàn cho thấy, trung bình số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh tăng 15-30%. Đột quỵ do nhiều yếu tố nguy cơ như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, loạn nhịp tim, bệnh van tim...

Tại Bệnh viện Bạch Mai đã từng tiếp nhận những bệnh nhân đột quỵ do đi tập thể dục quá sớm. PGS.TS Mai Duy Tôn, Trưởng phòng Cấp cứu 1, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, khi trời lạnh, nhiều người vẫn tập thể dục vào lúc 4-5h sáng là rất nguy hiểm.

Còn theo thống kê của Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương, từ giữa tháng 11-2019 đến nay, mỗi tuần, tại đây tiếp nhận 100-130 bệnh nhi được chẩn đoán cúm với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Đơn cử như trường hợp của bé Nguyễn Minh K. (6 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện do cúm A, đến nay đã gần 1 tuần. Trước đó, buổi trưa đi học về, bé K. bỗng nhiên lên cơn sốt cao tới 39-40 độ. Gia đình cho bé uống thuốc hạ sốt, nhưng không đỡ. Tại Bệnh viện Nhi trung ương, kết quả xét nghiệm cho thấy, bé K. dương tính với vi rút cúm A.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết, thông thường cúm mùa diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch…, thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Cần phòng bệnh đúng cách

Để phòng bệnh cho trẻ trong điều kiện thời tiết như hiện nay, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương, nên giữ ấm cơ thể cho trẻ, nhất là bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu... Khi trẻ chơi đùa bị toát mồ hôi, cần cởi áo, hoặc dùng khăn mềm lau mồ hôi cho trẻ, vì nếu không sẽ rất dễ bị cảm lạnh, viêm họng, viêm phổi…

Ngoài ra, cần cho trẻ ăn uống bảo đảm dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Đồng thời, vệ sinh đường hô hấp bằng cách hằng ngày nhỏ dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 9‰ vào mắt, mũi cho trẻ và súc miệng. Đối với bệnh cúm, cách phòng bệnh hiệu quả là cho trẻ tiêm vắc xin.

Không chỉ có trẻ em, người già cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều khi thời tiết thay đổi. Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn khuyến cáo, trời rét, người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh: Cảm lạnh, cúm, viêm phổi… Các bệnh mạn tính như: Hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thấp khớp, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp... cũng dễ tiến triển nặng, đặc biệt tăng huyết áp dễ gây đột quỵ. Để phòng bệnh hiệu quả, người cao tuổi cần phải bảo đảm ăn uống đúng giờ, đúng bữa, đi ngủ và thức dậy đúng giờ, thường xuyên tập thể dục, nhưng tuyệt đối không ra ngoài trời lúc 4-5h sáng. Với những người mắc bệnh mạn tính cần tuân thủ việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

PGS.TS Mai Duy Tôn, Trưởng phòng Cấp cứu 1, Bệnh viện Bạch Mai đặc biệt lưu ý đến “thời gian vàng” cấp cứu đột quỵ là khoảng 3-5 giờ, tính từ lúc bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu: Méo miệng, nhìn mờ, đột ngột yếu, tê mặt và tay chân, đau đầu, chóng mặt dữ dội… Khi phát hiện người bị đột quỵ nên gọi cấp cứu và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm, càng tốt. Tuyệt đối không để bệnh nhân ở nhà, dùng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng phương pháp dân gian trị bệnh. (Hà Nội mới, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Trẻ bị viêm đường hô hấp tăng đột biến”.

 

Diễn tập cứu 4 người mắc kẹt trong đám cháy giả định tại Bệnh viện

Ngày 7-12, Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã phối hợp với Bệnh viện Việt Pháp, Hà Nội tổ chức phương án diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2019. Buổi diễn tập có sự tham gia của hơn 70 cán bộ PCCC chuyên nghiệp và các lực lượng chữa cháy cơ sở, công an, y tế của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội.

Mục tiêu của buổi diễn tập nhằm nâng cao hơn nữa kỹ năng chữa cháy, cứu hộ và cứu nạn cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp và  PCCC cơ sở trước các sự cố cháy nổ xảy ra; đồng thời cũng là những kinh nghiệm quý báu cho cán bộ công nhân viên công tác tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra.

Tình huống giả định là ngọn lửa bất ngờ bùng phát tại tầng 6 của tòa nhà thuộc Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội. Khi phát hiện ra cháy, cán bộ làm việc tại các tầng của tòa nhà đã được hệ thống loa thông báo sự cố và hướng dẫn thoát ra ngoài. Một số bảo vệ nhanh chóng ngắt cầu dao điện. Lực lượng PCCC tại chỗ đã thông tin đến cơ quan Cảnh sát PCCC quận Đống Đa, đồng thời tiến hành chữa cháy và tổ chức sơ tán mọi người đến khu vực an toàn; di chuyển tài sản quan trọng...

Tuy nhiên đám cháy lớn, tỏa ra nhiều khói độc nên đã có 4 người mắc kẹt tại tầng 6 không thể tự thoát nạn. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở đã tiếp cận bằng hướng cầu thang bộ và đưa được 2 nạn nhân ra ngoài bằng cáng.

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC quận Đống Đa đã huy động 5 phương tiện gồm xe chữa cháy, xe thang, xe cứu thương đến hiện trường, phối hợp với lực lượng PCCC cơ sở khẩn trương triển khai công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Bằng hệ thống xe thang hiện đại, các cán bộ PCCC và CNCH đã tiếp cận và đưa được 2 nạn nhân mắc kẹt ở tầng cao xuống khu vực an toàn.

Theo chỉ huy Đội Cảnh sát PCCC Công an quận Đống Đa: “Buổi diễn tập kết thúc an toàn, đúng chương trình, kế hoạch, yêu cầu đặt ra. Nhiệm vụ quan trọng này được thực hiện thường niên theo kế hoạch của đơn vị, nằm trong kế hoạch chung của của CATP Hà Nội. Đây không chỉ là cách thức tuyên truyền trực quan mà còn là cách kiểm tra sự phối hợp lực lượng chữa cháy cơ sở, kiểm tra phương tiện, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp và lực lượng tại chỗ. Theo đánh giá của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội là một trong những đơn vị trang bị phương tiện PCCC hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn hiện hành, chấp hành tốt các quy định về PCCC". (An ninh Thủ đô, trang 4).

 

Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đạt 75,6 tuổi, đứng thứ 56 thế giới

Thông tin mới nhất từ Bộ Y tế cho biết, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện nay đã tăng cao, vươn lên đứng thứ hai trong khu vực và đứng thứ 56 thế giới.

Ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ, Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, với đời sống kinh tế xã hội và hệ thống y tế phát triển, tuổi thọ người Việt Nam đã tăng cao.Cụ thể, hiện tuổi thọ bình quân của người dân nước ta đã đạt 75,6 tuổi. Con số này đứng thứ hai trong khu vực và đứng thứ 56 trên thế giới.Hiện tại, Việt Nam được cho là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh. Cả nước hiện có hơn 10 triệu người cao tuổi, dự báo đến năm 2030 sẽ có gần 19 triệu và năm 2050 là hơn 28 triệu người cao tuổi.

Ông Mai Xuân Phương cũng cho biết, tuy tuổi thọ bình quân của người Việt Nam ngày càng tăng nhưng gánh nặng bệnh tật của người cao tuổi nước ta là rất lớn. Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh với khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính.Bên cạnh đó, đời sống vật chất của người cao tuổi Việt Nam còn thấp. Có tới 68% người cao tuổi nước ta sống ở nông thôn, làm nông nghiệp; 72,3% số người cao tuổi sống cùng con cháu.Tình trạng người cao tuổi sống không có vợ/chồng chiếm tỷ lệ cao, trong đó số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông; phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân gấp 2,2 lần so với nam giới. (An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Tìm thấy vi khuẩn Whitmore trong mẫu đất vườn của gia đình có 3 trẻ tử vong

Các chuyên gia dịch tễ đã tìm thấy một mẫu đất lấy ở độ sâu 90 cm trong vườn của gia đình có 3 trẻ nhỏ tử vong liên tiếp tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) chứa vi khuẩn Whitmore.

Thời gian qua, sau khi cả 3 con nhỏ của một cặp vợ chồng ở xã Bắc Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) liên tiếp tử vong trong vòng 7 tháng, trong đó 2 trẻ xác định dương tính với vi khuẩn Whitmore, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành lấy mẫu đất, nước tại các khu vực có nguy cơ cao của hộ gia đình này để xét nghiệm.

Kết quả mới nhất vừa được công bố cho thấy, các chuyên gia dịch tễ đã phát hiện 1 mẫu đất có vi khuẩn Whitmore. Mẫu đất này được lấy ở độ sâu dưới 90cm trong khu vực sinh hoạt của gia đình.

TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội cho biết, việc lây nhiễm Whitmore không dễ dàng và cũng chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người. Dù vậy, để chủ động phòng bệnh Whitmore, người dân cần hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng. Sử dụng giày, dép, ủng và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, nhất là những người có nguy cơ cao.

Như Báo ANTĐ đã đưa tin trước đó, đầu tháng 4-2019, con gái lớn 7 tuổi của vợ chồng anh C. (ở xã Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội) tử vong với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột chỉ sau 3 ngày có biểu hiện sốt.

Sau đó trong vòng 20 ngày (từ ngày 27-10 đến ngày 16-11-2019), 2 con trai của anh C. tiếp tục tử vong, cũng với biểu hiện ban đầu là sốt. Hai trường hợp sau được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore. (An ninh Thủ đô, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 11: “Phát hiện khuẩn Whitmore tại gia đình có 3 con tử vong ”; Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Phát hiện 1 mẫu đất có vi khuẩn whitmore tại gia đình có 3 trẻ em tử vong ở Sóc Sơn”; Báo Tiền phong, trang 2: “Gia đình có 3 trẻ tử vong ở Sóc Sơn - Hà Nội: Phát hiện mẫu đất chứa vi khuẩn whitmore”.

 

Trời rét, số người nhập viện vì viêm phổi tăng gấp rưỡi

Ước tính, tại Bệnh viện Phổi trung ương, số bệnh nhân nhập viện trong những ngày thời tiết chuyển lạnh vừa qua đã tăng gấp rưỡi so với tháng trước đó (khoảng 300 bệnh nhân)...

Những ngày qua, gió mùa về khiến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang trải qua những ngày có nhiệt độ xuống thấp nhất từ đầu mùa đông 2019 đến nay. Thời tiết chuyển mùa cộng với ô nhiễm không khí là nguyên nhân làm nhiều người mắc các bệnh hô hấp như viêm phế quản cấp, viêm phổi, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...

Ước tính, tại Bệnh viện Phổi trung ương, số bệnh nhân nhập viện đã tăng gấp rưỡi so với tháng trước đó (khoảng 300 bệnh nhân) do ảnh hưởng của không khí lạnh và khói bụi. ThS.BS Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính – Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, những khi thời tiết có sự thay đổi đột ngột hoặc không khí ô nhiễm thì phổi, đường hô hấp chính là cơ quan bị tác động trực tiếp, dễ cảm nhiễm và hay bị bệnh nhất.Đặc biệt, những người có sức đề kháng kém, tuổi cao, hoặc có bệnh mãn tính thì rất dễ xuất hiện các cơn cấp tính trong điều kiện thời tiết chuyển lạnh như hiện nay.

“Thời tiết thay đổi, có gió mùa, gió lạnh thì những người có các yếu tố như trên nên hạn chế ra ngoài đường. Nếu ra ngoài thì phải có biện pháp bảo vệ sức khỏe như giữ ấm, đeo khẩu trang. Đồng thời phải ăn uống điều độ, thường xuyên vận động để nâng cao thể trạng…” – bác sĩ Thành khuyến cáo.

Tương tự, PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh lý hô hấp rất hay gặp trong thời điểm thời tiết thay đổi bất thường. Lý do vì các loại virus, vi khuẩn gây bệnh luôn có sẵn trong cộng đồng và khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.

Với những người mắc bệnh hô hấp mạn tính, khi trời lạnh dễ gặp các đợt cấp của bệnh, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo các giai đoạn bệnh và tái khám định kỳ để có hướng dẫn điều trị cụ thể, không tự ý sử dụng đơn cũ đã được bác sĩ kê và không tự ý mua kháng sinh về điều trị. PGS.TS Vũ Văn Giáp khuyến cáo, tùy theo từng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc gì cho phù hợp. Bệnh nhân không nên tùy tiện uống thuốc kháng sinh, kháng viêm bởi sẽ nguy hiểm đối với sức khỏe.

Cùng với nhóm người cao tuổi thì trẻ em cũng là đối tượng dễ nhiễm bệnh liên quan đến đường hô hấp trong điều kiện thời tiết thay đổi, giá rét như hiện nay.Theo PGS.TS Lê Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, trung bình một trẻ dưới 5 tuổi có thể bị viêm đường hô hấp cấp từ 4 - 6 lần trong một năm. Trong các bệnh hô hấp trẻ hay mắc phải, viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. (An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Đột quỵ ở người trẻ tuổi gia tăng báo động

Một con số báo động được chuyên gia Bệnh viện Việt Đức thông tin, đó là có tới 25% ca đột quỵ não xảy ra ở những người trẻ tuổi và cứ 4 người sống sót sau đột quỵ thì sẽ có 1 người tái phát trong 5 năm tiếp theo.

Ngày 4-12, cung cấp thông tin đến báo chí, Bệnh viện Việt Đức cho biết, tai biến mạch máu não (đột quỵ não) đang có xu hướng trẻ hóa rất mạnh cùng với sự thay đổi lối sống của người dân nước ta những năm gần đây.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội - Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Việt Đức cho biết, trước đây đột quỵ não thường xảy ra ở những người cao tuổi, nhưng ngày nay có khoảng 25% ca đột quỵ lại xảy ra ở những người trẻ tuổi (dưới 45 tuổi).

“Đột quỵ ở người trẻ đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động: Tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua. Đặc biệt đối với những người lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tình trạng “béo phì văn phòng”...” – TS Tuấn nói.

Vị chuyên gia này phân tích, có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ não nhưng đột quỵ thường gặp ở những người bị đái tháo đường (nguy cơ gấp 4 lần so với người bình thường), tăng huyết áp (nguy cơ gấp 3 lần so với người bình thường), bệnh tim mạch (gấp 6 lần), béo phì, rối loạn mỡ máu..Cùng đó, những người làm việc văn phòng trong tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài, ít vận động, chế độ ăn uống không điều độ… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, mặc dù đột quỵ là bệnh gây tử vong và tàn phế cao nhưng chúng ta có thể phòng ngừa được. Phòng bệnh đột quỵ não tốt nhất bằng cách duy trì thói quen sống tích cực, kiểm soát và điều trị tốt các bệnh mãn tính, nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Đồng thời cần hạn chế biến chứng, tìm nguyên nhân đột quỵ não để dự phòng đột quỵ tái phát và phục hồi thần kinh bằng tập phục hồi chức năng sớm, bởi tỷ lệ tái phát đột quỵ trong 5 năm đầu tiên là 25%, nghĩa là cứ 4 bệnh nhân sống sót sau đột quỵ sẽ có 1 bệnh nhân từng đột quỵ bị tái phát.

Đột quỵ là tình trạng máu cung cấp cho một phần não bị gián đoạn hoặc giảm nặng khiến cho vùng não đó bị thiếu oxy và dinh dưỡng. Mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị chết. Nếu vùng tế bào não bị tổn thương nặng hoặc lan rộng, đột quỵ có thể đưa đến tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề. (An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Tạm giữ lô tân dược nghi vấn trị giá hơn 1,7 tỷ đồng

Ngày 6-12, đội QLTT số 1 – Cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tân dược (địa chỉ phòng 12A05 tòa nhà Hà Nội Center Point), đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Chủ cơ sở là ông Lê Văn Tuấn (SN 1984, quê quán Bình Giang, Hải Dương). Thời điểm kiểm tra, ông Tuấn thừa nhận không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và toàn bộ hàng hóa tân dược đang kinh doanh là do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc. Ông Tuấn khai mua trôi nổi tại khu vực Trung tâm dược phẩm HAPU.

Lực  lượng QLTT đã lập biên bản tạm giữ lô hàng tân dược có dấu hiệu vi phạm, gồm thuốc kháng sinh, thuốc trị tiểu đường, thuốc chữa viêm loét dạ dầy, điều trị timmachj, tăng huyết áp...tổng số 143.062 đơn vị thuốc, trị giá hơn 1,7 tỷ đồng, theo trình bày của chủ lô hàng.

Ông Hoàng Đại Nghĩa – đội trưởng đội QLTT số 1 cho biết, đây là vụ việc điển hình kinh doanh thuốc tân dược được nhập lậu (mua trôi nổi không có hóa đơn chứng từ tại Trung tâm thuốc HAPU), sau đó lợi dụng các căn hộ trong khu chung cư để cất giấu, sử dụng giao dịch chào bán trên mạng xã hội. (An ninh Thủ đô, trang 9).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Tạm giữ lô thuốc tân dược nhập lậu trị giá hơn 1,7 tỷ đồng”.

 

Bệnh truyền nhiễm gia tăng khi thời tiết lạnh

Thời tiết đêm lạnh, ngày hửng nắng đã khiến bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển, nhất là những bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh sởi, cúm A (H5N1), cúm A (H1N1), ho gà, rubella, viêm não do mô cầu, tiêu chảy do virut Roota, tay chân, miệng. Tiêm chủng là biện pháp tối ưu đề phòng ngừa một số bệnh, song nhiều người vẫn chủ quan bỏ qua.

Bệnh nhi nhập viện tăng

Có mặt ở Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vào sáng 6-12, tại các dãy ghế ngồi chờ khám bệnh đều chật ních bệnh nhi. Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh của bệnh viện khám cho khoảng hơn 300 bệnh nhi, tăng hơn so với trước khoảng 10% -15%.

Chị Hoàng Thị Minh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, hôm nay là ngày thứ 2 con gái 4 tuổi của chị sốt cao. “Chiều qua đi trẻ về phát hiện con sốt, chúng tôi đã cho cháu khám ở phòng khám tư tại nhà, bác sĩ nói cháu viêm đường hô hấp nhẹ, kê thuốc giảm sốt. Nhưng sáng nay cháu sốt gần 40 độ, tôi cho cháu vào bệnh viện, bác sĩ vừa cho xét nghiệm máu, chưa có kết quả” - chị Minh cho biết.

Tại các Phòng khám dịch vụ Nhi theo yêu cầu, lượng bệnh nhân đến khám rất đông, các cháu nhỏ trong cảnh chờ đợi tới lượt khám quấy khóc, nôn, trớ. Một người mẹ trẻ bế con trên đầu dán miếng giảm sốt, cầm phiếu xét nghiệm máu lo lắng khi con mắc cúm A. Cháu bé phải nhập viện theo dõi. Theo ghi nhận của chúng tôi, bệnh nhi tới khám chủ yếu là sốt, viêm đường hô hấp, tiêu chảy, sốt xuất huyết, cúm mùa.

Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi tuần tiếp nhận từ 130-150 bệnh nhi đến khám và điều trị vì cúm mùa. Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, tác nhân gây bệnh chủ yếu là các chủng virus cúm A và cúm B. Bệnh khiến trẻ bị sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Đây là bệnh dễ lây thông qua đường hô hấp, từ dịch tiết mũi họng khi hắt hơi, ho khạc.

Tại Trung tâm Y học lâm sàng và Các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) đang điều trị cho trên 30 bệnh nhi mắc cúm mùa. Đa số các ca nhập viện đều biến chứng sang viêm phổi, có cháu nhỏ chỉ vài tháng đến 1–2 tuổi mắc cúm biến chứng rất đáng thương. Theo bác sĩ, cúm mùa có thể tự khỏi sau 2-7 ngày, tuy nhiên bệnh dễ biến chứng gây viêm phổi, nặng có thể tử vong.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời tiết mùa đông xuân có một số chủng cúm xuất hiện. Do vậy, những đối tượng nguy cơ như trẻ em, người già phải được tiêm vaccine cúm, tuy nhiên việc tiêm này phải thực hiện hằng năm mới đủ miễn dịch phòng bệnh.

Phòng bệnh trong cộng đồng

PGS.TS Trần Minh Điển cũng cho biết, thời tiết hiện nay đêm và sáng lạnh sâu, ngày hửng nắng, trẻ em, người già dễ mắc các bệnh như viêm mũi họng, viêm phổi, vì vậy người dân phải hết sức chú ý đảm bảo vệ sinh sạch sẽ mũi, họng cho trẻ, đặc biệt chú ý đến quần áo mặc cho trẻ trong khi thay đổi môi trường nóng – lạnh.

Ông Điển cũng cho biết thêm, tuy thời điểm này, bệnh sởi có xu hướng giảm so với tháng 5, 6, 7, nhưng bệnh nhân nhập viện điều trị vẫn còn rải rác. Hiện Bệnh viện có khoảng 5-7 bệnh nhi điều trị nội trú, chủ yếu đều bị biến chứng và đều chưa tiêm chủng. Tương tự, bệnh ho gà vẫn có xu hướng tăng, gặp nhiều ở trẻ dưới 3 tháng tuổi do chưa tới tuổi tiêm chủng.

“Chính vì vậy các bà mẹ trước khi mang thai hãy tiêm phòng sởi, ho gà đầy đủ để truyền miễn dịch cho con. Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, các bà mẹ cho con tiêm phòng sởi, ho gà đầy đủ và cách ly khi có người bệnh để tránh nguy cơ lây lan” - PGS.TS Trần Minh Điển khuyến cáo.

Theo PGS Điển, từ nay đến cuối năm, các bệnh lý đường hô hấp trẻ em như: cúm, virus hợp bào hô hấp, tiêu chảy do virus Rota sẽ gia tăng. Do vậy các bậc phụ huynh phải chú ý phòng tránh cho trẻ bằng tiêm phòng đầy đủ, trẻ đến tuổi phải uống thuốc phòng virus Rota, vệ sinh tay, chân cho trẻ sạch sẽ.

Theo Cục Y tế dự phòng, 11 tháng năm 2019, cả nước có gần 85 nghìn người mắc tay chân miệng ở tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Có hơn 41 nghìn người sốt phát ban nghi sởi, trong đó 8.209 trường hợp mắc sởi dương tính và 3 người tử vong tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Nam... Ngoài ra, tại các địa phương vẫn tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh như: bạch hầu, liên cầu lợn ở người, viêm màng não do não mô cầu, ho gà, viêm não Nhật Bản, viêm não virus...

TS Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng, phụ trách Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mùa đông - xuân, với điều kiện thời tiết ẩm, ướt, nhất là gia tăng sự giao lưu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội mùa xuân là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát, nhất là các bệnh như: cúm, sởi, liên cầu lợn, tiêu chảy cấp, cúm gia cầm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu, rubella, lỵ... Ngoài ra, đây là thời gian nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ gia cầm của người dân tăng cao và nguy cơ xâm nhập các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi.

Đây cũng là thời điểm các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người có xu hướng gia tăng, trong khi đó việc giải quyết mầm bệnh trên vật nuôi còn nhiều bất cập. Các bệnh như sởi, bạch hầu, ho gà... có nguy cơ xảy ra các ổ dịch tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Chính quyền tại một số địa phương chưa thật sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với ngành Y tế trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng...

Vì vậy, để phòng ngừa bệnh dịch truyền nhiễm trong mùa đông – xuân, thiết nghĩ các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ danh sách tiêm chủng để phân loại và tuyên truyền phụ huynh cho trẻ tiêm chủng đầy đủ. Người dân nên thực hiện tốt các khuyến cáo phòng bệnh, nhằm chống dịch bệnh bùng phát, nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng. (Công an Nhân dân, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Trời lạnh, gia tăng trẻ em nhập viện vì mắc cúm”.

 

Mua xe chuyển bệnh miễn phí

Đó là nghĩa cử của ông Nguyễn Văn Hạnh, 69 tuổi, ngụ ấp Thạnh Lợi A1, xã Tân Long, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang.

Nhờ bán tạp hóa tại chợ nên gia đình ông Hạnh có cuộc sống khấm khá. Khi tuổi cao, ông giao việc kinh doanh lại cho con để dành thời gian tham gia các hoạt động từ thiện tại địa phương. Năm 2010, ông Hạnh cùng nhóm bạn bán tạp hóa tại chợ hùn tiền hỗ trợ chi phí thuê xe máy chở người bệnh đến bệnh viện. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu chuyển bệnh nhiều, di chuyển bằng xe máy nguy hiểm nên ông kêu gọi người thân, bạn bè góp tiền mua ô tô cũ với giá 98 triệu đồng để chuyển bệnh an toàn, nhanh chóng hơn; trong đó ông Hạnh góp hơn một nửa số tiền.

Nghĩa cử cao đẹp của ông Hạnh được nhiều người biết đến, đặc biệt trong 4 tài xế chuyển bệnh miễn phí có 2 người là con ông Hạnh. Tuy không biết lái xe nhưng hầu như ca bệnh nào ông cũng đi cùng tài xế để vừa bầu bạn vừa động viên tinh thần và phụ một số công việc khác. Anh Võ Hoàng Hiển (30 tuổi, ngụ ấp Phụng Sơn A, xã Tân Long), 1 trong 4 tài xế tham gia đội xe cấp cứu từ thiện của ông Hạnh từ những ngày đầu, cho biết: “Cảm phục trước tấm lòng thiện nguyện của ông Hạnh nên tôi xin tham gia. Nhà tôi cách nơi để xe từ thiện khoảng 2 km, khi có nhu cầu tài xế là tôi lập tức có mặt. Không có tiền đóng góp mua xe thì mình góp công để duy trì hoạt động đầy tính nhân văn này”.

Năm 2015, chiếc xe cũ thường xuyên trục trặc, hư hỏng nên ông Hạnh mua chiếc xe mới, giá 100 triệu đồng. Đến tháng 9.2019, ông đổi sang chiếc xe khác giá 140 triệu đồng. Xe được thiết kế có băng ngồi cho người nhà bệnh nhân, băng ca chuyển bệnh, còi hụ xin quyền ưu tiên khi cần thiết... Trung bình mỗi ngày đội xe của ông Hạnh chuyển từ 2 - 4 ca bị bệnh hoặc tai nạn. Những ca bệnh gọi xe lúc 1 - 2 giờ thì đội xe của ông Hạnh vẫn luôn có mặt kịp thời để chuyển bệnh khiến ai cũng cảm phục. Để chiếc xe cấp cứu hoạt động thường xuyên không phải chuyện đơn giản. Ngoài chi phí mua xe còn kèm theo đổ xăng, bảo hành sửa chữa, thay thế… đa phần đều do ông Hạnh bỏ tiền túi ra làm. May mắn công việc thiện nguyện ngày một lan tỏa, nhiều nhà hảo tâm đến tận nhà hỗ trợ thêm chi phí. Điều đó khiến ông Hạnh càng có thêm động lực để tiếp tục.

Ở tuổi gần 70, lẽ ra được an hưởng, vui vầy bên con cháu, nhưng niềm vui của ông Hạnh lại là những hành trình chuyển bệnh đầy gian nan. “Rồi con người cũng trở về với cát bụi. Vật chất có thêm hay bớt đi lúc này cũng không khiến tôi vui hay buồn. Tôi chỉ sợ rằng tuổi tác đã cao, thời gian giúp đỡ những người thiệt thòi, có hoàn cảnh khó khăn cũng không còn nhiều được nữa nên tôi cố gắng làm. Làm nhiều việc thiện tôi cảm thấy vui vẻ và cuộc sống có ý nghĩa hơn”, ông Hạnh chia sẻ. (Thanh niên, trang 12).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang