21 người nhập viện do ăn bánh mì nhiễm khuẩn
Tối 6.4, ông Nguyễn Văn Oai - Chi cục trưởng Chi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: "Đến thời điểm này, chúng tôi ghi nhận được tất cả 21 trường hợp ở huyện Bình Sơn bị ngộ độc do ăn bánh mì mua tại một tiệm ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn".
Trước đó, ngày 5.4 tại huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm 21 người phải nhập viện cấp cứu. 21 trường hợp bị ngộ độc ở nhiều lứa tuổi và đều có triệu chứng khá giống nhau, như: Nhức đầu, buồn nôn, đau bụng...sau khi ăn bánh mì kẹp thịt tại cửa hàng bánh mì A.Thiện ở tổ dân phố 6, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng Quảng Ngãi nhanh chóng tiến hành kiểm tra và lấy mẫu để đưa đi kiểm nghiệm, đồng thời tạm dừng hoạt động tiệm bánh mì này. Qua điều tra ban đầu, 21 trường hợp đều ăn bánh mì có nhân ô nhiễm, nghi nhiễm vi sinh.
Hiện có 2 người đang được điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh, 2 người ở Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam, số còn lại đang được theo dõi tại Bệnh viện huyện Bình Sơn. (Đời sống & Pháp luật, trang 2).
Tiếp tục ghi nhận 2 ca ngộ độc cồn methanol
Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đang điều trị cho nam bệnh nhân (52 tuổi) bị ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Bệnh nhân này ở Hà Nội, nhập viện hôm 6.4.
Trước nhập viện khoảng 24 giờ, bệnh nhân đã uống rượu tại khu vực Kim Mã, La Thành (Q.Ba Đình), sau đó vào viện trong tình trạng hôn mê sâu. Chụp chẩn đoán cho thấy hình ảnh tổn thương cả hai bên bán cầu não, nồng độ methanol cao (45 mg/dl).
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cũng đang điều trị cho bệnh nhân nam (41 tuổi) có nồng độ methanol cao, đồng thời có biểu hiện sốc nhiễm trùng.
Các bác sĩ cho hay cả hai bệnh nhân trên đều đã được cấp cứu tích cực, lọc máu, điều trị giải độc, nhưng tình trạng đều rất nặng, tiên lượng xấu.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, sau khoảng một tháng tạm lắng thì lại xuất hiện các ca ngộ độc methanol. Nguyên nhân có thể do cơ quan chức năng chưa giải quyết được phần gốc, rượu chứa methanol vẫn có mặt trên thị trường. Chi phí điều trị bệnh nhân nhiễm độc methanol từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng nhưng vấn đề lớn hơn là các bệnh nhân đều bị nặng, nhiều người hôn mê, ảnh hưởng thị lực, số hồi phục hoàn toàn rất ít ỏi.
Đa số bệnh nhân nhiễm độc methanol thời gian qua đều uống rượu trắng không rõ nguồn gốc trong khoảng 24 - 48 giờ trước khi vào viện. Trước đó, họ không có biểu hiện rõ rệt để có thể phát hiện sớm tình trạng ngộ độc methanol. (Thanh niên, trang 4).
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Đừng để giáo sư phải ra ngoài mở phòng khám riêng
Sáng nay, 8-4, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động 3 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 9 tháng cuối năm và trao tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú cho các thầy thuốc của Thủ đô. Đến dự và phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, những kết quả mà ngành y tế Thủ đô đạt được thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của thành phố trong quý 1 năm 2017.
Tuy vậy, Chủ tịch UBND TP cũng bày tỏ trăn trở về chất lượng của các bệnh viện Hà Nội và chỉ rõ 3 yếu tố cần phải làm trong thời gian tới để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thứ nhất là ngành y tế, các bệnh viện của thành phố cần xây dựng chương trình kế hoạch nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cả kế hoạch dài hạn và kế hoạch cụ thể. Thứ 2, phải đầu tư một cách bài bản để nâng cao cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng. Thứ 3 là đào tạo nguồn nhân lực.
Đi sâu vào lĩnh vực thứ ba, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều bệnh viện trung ương, có đội ngũ giáo sư, bác sĩ chuyên gia hàng đầu cả nước nên phải có cơ chế để tận dụng, huy động tối đa được nguồn chất xám vô cùng quý báu này vào đào tạo nhân lực và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho ngành y tế Thủ đô. Không những vậy mà còn phải hướng đến tận dụng mọi nguồn lực, chất xám của ngành Y tế trong khu vực và các nơi tiên tiến nhất trên thế giới.
Nói thêm về mô hình quản lý trong các bệnh viện, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phân tích, hiện nay, các nước tiên tiến trên thế giới không áp dụng mô hình như chúng ta đang làm, họ không đưa những người giỏi chuyên môn lên làm quản lý bệnh viện. Người ta coi trọng chuyên môn của các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành, coi trọng trưởng khoa, y tá trưởng, điều dưỡng viên. Với họ, đội ngũ này quyết định chất lượng bệnh viện.
Trong khi đó tại nước ta, hiện tại giữa cơ sở y tế công lập và tư nhân đang có một khoảng cách, ngay trong bệnh viện công cũng chia hai mảng khám chữa bệnh thông thường và tự nguyện, theo yêu cầu. Vấn đề đặt ra là phải làm sao để tận dụng được năng lực của đội ngũ giáo sư, bác sĩ giỏi, để họ không phải ra mở phòng khám tư?. Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, Nghị định 43 của Chính phủ đã khuyến khích các cơ sở y tế tự chủ hoàn toàn về mặt tài chính nhưng vấn đề là chúng ta chưa có cơ chế minh bạch.
“Vậy tại sao chúng ta không để các giáo sư, trưởng khoa được một phòng khám riêng ngay trong bệnh viện, thực hiện khám chữa bệnh theo yêu cầu và họ được hưởng chi phí này một cách minh bạch. Làm được điều này sẽ giúp các giáo sư sư, chuyên gia giỏi làm toàn thời gian với bệnh viện, vừa đáp ứng được yêu cầu mà người bệnh khát khao vừa không cần phải ra ngoài mở phòng khám riêng nữa. Chúng ta cần phải huy động tối đa chất xám ngay trong bệnh viện. Thành phố sẵn sàng ủng hộ ngành y tế thí điểm đề án này” – Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị ngành y tế Thủ đô, bản thân các bệnh viện cần tuyên truyền, giáo dục, để làm sao mỗi một nhân viên, cán bộ ngành y tế phải ý thức tự giác được tinh thần phục vụ nhân dân, phục vụ người bệnh, chia sẻ với nỗi đau của người bệnh, hướng tới sự hài lòng người bệnh. (An ninh Thủ đô, trang 3).
Phía sau chuyện cha hiến gan cứu con gái suy gan thập tử nhất sinh
Chiều ngày 3/4, BS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng (BV Việt Đức) cho biết, BV Việt Đức vừa phối hợp với BV Đa khoa Quốc tế Vinmec thực hiện thành công ca ghép gan cho bệnh nhi D.T.P.M (15 tuổi, ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Người hiến gan cho bé là ông D. V.T. (39 tuổi), bố của bệnh nhân.
Theo BS Nghĩa, trước khi được thực hiện ca ghép, bệnh nhi bị rối loạn chuyển hóa đồng (bệnh Wilson); suy gan cấp trên nền bệnh gan mạn tính, xơ gan, đã hôn mê độ II, III; rối loạn đông máu nặng. BV đã phải tiến hành hồi sức lọc gan, thay huyết tương và chờ ghép gan cấp cứu. Tiên lượng bệnh nhân tử vong nếu không được ghép gan gấp. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất là không có gan từ người hiến.
Trước tình hình đó, BV đã trao đổi với gia đình bệnh nhân và cho biết chỉ có cách ghép gan mới cứu được bé. Sau khi bàn bạc, ông D. đã tình nguyện hiến gan để cứu con. Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành các xét nghiệm, cho thấy các chỉ số giữa bố con bệnh nhi tương đồng nhau nên có thể thực hiện được ca ghép.
Tuy nhiên, trước ca phẫu thuật, bệnh nhi bị suy hô hấp nên bác sĩ phải nhanh chóng tiến hành phẫu thuật. Ngày 29/3, BV đã tiến hành thực hiện ca ghép. Theo đó, các bác sĩ đã lấy 60% gan phải từ người bố và tiến hành phẫu thuật…
Sau 9 tiếng thực hiện, ca ghép đã thành công. Sau ghép, bệnh nhi đã tỉnh, tự ngồi dậy và ăn uống được, không sốt, các chỉ số sinh tồn ổn định. Chức năng gan phục hồi tốt. (Chi tiết xem báo) (Đời sống & Pháp luật, trang 2).
Gần 1.000 viên sỏi trong túi mật nữ bệnh nhân
Ngày 8.4, thông tin từ Bệnh viện 115 Nghệ An cho biết vừa phẫu thuật thành công, cắt bỏ túi mật chứa khoảng 1.000 viên sỏi cho một bệnh nhân nữ.
Theo đó, bệnh nhân là chị Nguyễn Thị Toàn (SN1967), trú tại xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An được phẫu thuật theo phương pháp nội soi.
Trước đó, vào ngày 6.4, bà Toàn bị đau lưng và 2 bên hông dữ dội nên đã nhập viện 115 Nghệ An để cấp cứu.
Bác sỹ Hoàng Cảnh Tùng – Phó Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện 115 Nghệ An cho biết: Sau khi khám sàng lọc cho bệnh nhân, bệnh viện đã thực hiện ca phẫu thuật với kíp mổ là 7 người và đã thành công vào chiều 7.4”.
Được biết, sau khi cắt bỏ túi mật, phía bên trong túi có khoảng gần 1.000 viên sỏi.
Hiện sức khỏe bệnh nhân đang dần hồi phục, sẽ xuất viện trong thời gian sắp tới.
Ngày 8/4, theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị Trương Xuân Nhuận, bệnh nhân Phan Thị Thu Thủy (30 tuổi, ở thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã thoát khỏi nguy kịch, đang nằm điều trị ở khoa Hồi sức tích cực chống độc của bệnh viện.
“Chiều 6/4, sản phụ Thủy được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến BVĐK tỉnh trong tình trạng nguy kịch với chẩn đoán bị băng huyết sau đẻ thai lưu và rối loạn chức năng đông máu. Bệnh viện có kho máu song bệnh nhân Thủy cần máu tươi toàn phần nên phải huy động người hiến máu phù hợp. Nhận được thông tin này, 2 người là cán bộ y tế công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh cùng 1 người nhà của sản phụ Thủy có chung nhóm máu AB lập tức đề nghị được hiến máu. Sau khi hiến máu cho sản phụ Thủy, chị Võ Thị Hồng Yến (cán bộ phòng tổ chức cán bộ của bệnh viện) biết bệnh nhân cần thêm máu nên đã điện chồng mình đến hiến thêm 1 đơn vị máu giúp người bệnh. Nhờ 4 đơn vị máu này, sản phụ Thủy hiện đã qua cơn nguy kịch" ông Nhuận cho hay.
Theo chị Trần Thị Vân-Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ, Trưởng phòng điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, trường hợp sản phụ Thủy không phải là lần đầu các nhân viên ở bệnh viện này hiến máu cứu bệnh nhân. “Đã 10 năm nay, bệnh viện đã hoạt động nhóm hiến máu tình nguyện nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu cấp thiết về máu tươi cho bệnh nhân lúc cấp cứu với 50 đến 70 thành viên là các y, bác sĩ và nhân viên công tác tại đây. Họ tự nguyện vào nhóm, mỗi khi bệnh nhân cần máu tươi là sẵn sàng chìa tay hiến máu”, chị Vân nói. (Tiền phong, trang 2).
Hiến máu cứu sản phụ qua khỏi cơn nguy kịch
Ngày 8/4, theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị Trương Xuân Nhuận, bệnh nhân Phan Thị Thu Thủy (30 tuổi, ở thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã thoát khỏi nguy kịch, đang nằm điều trị ở khoa Hồi sức tích cực chống độc của bệnh viện.
“Chiều 6/4, sản phụ Thủy được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến BVĐK tỉnh trong tình trạng nguy kịch với chẩn đoán bị băng huyết sau đẻ thai lưu và rối loạn chức năng đông máu. Bệnh viện có kho máu song bệnh nhân Thủy cần máu tươi toàn phần nên phải huy động người hiến máu phù hợp. Nhận được thông tin này, 2 người là cán bộ y tế công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh cùng 1 người nhà của sản phụ Thủy có chung nhóm máu AB lập tức đề nghị được hiến máu. Sau khi hiến máu cho sản phụ Thủy, chị Võ Thị Hồng Yến (cán bộ phòng tổ chức cán bộ của bệnh viện) biết bệnh nhân cần thêm máu nên đã điện chồng mình đến hiến thêm 1 đơn vị máu giúp người bệnh. Nhờ 4 đơn vị máu này, sản phụ Thủy hiện đã qua cơn nguy kịch" ông Nhuận cho hay.
Theo chị Trần Thị Vân-Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ, Trưởng phòng điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, trường hợp sản phụ Thủy không phải là lần đầu các nhân viên ở bệnh viện này hiến máu cứu bệnh nhân. “Đã 10 năm nay, bệnh viện đã hoạt động nhóm hiến máu tình nguyện nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu cấp thiết về máu tươi cho bệnh nhân lúc cấp cứu với 50 đến 70 thành viên là các y, bác sĩ và nhân viên công tác tại đây. Họ tự nguyện vào nhóm, mỗi khi bệnh nhân cần máu tươi là sẵn sàng chìa tay hiến máu”, chị Vân nói. (Tiền phong, trang 2); Thanh niên, trang 5).