Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 09/7/2017

  • |
T5g.org.vn - Ung thư, chuyện không ai giống ai!; Những điều cần biết về bệnh dại; Gắp tiền xu 500 đồng khỏi thực quản bé gái 5 tuổi; ...

 

Ung thư, chuyện không ai giống ai!

Câu hỏi thực tế là làm sao cầm chân ung thư trong vòng kiểm soát, để nếu chưa bệnh thì phòng tránh, nếu đã bệnh thì ngăn ngừa di căn thừa nước đục thả câu. Dưới góc nhìn bi quan của nhiều người, ung thư là chuyện may rủi trời kêu ai nấy dạ. Sai vì trong cùng bối cảnh sinh hoạt không hẳn ai cũng bị mắc bệnh như nhau. Bên cạnh yếu tố di truyền, cơ tạng, các căn bệnh đòn bẩy như viêm gan, loét dạ dày…, ung thư tuy là chuyện không của riêng ai nhưng rõ ràng là chuyện không ai giống ai.

Diệt ung thư mới nửa đường điều trị

May cho người bệnh là thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu diệt tế bào ung thư, cho dù nhiều khi người bệnh lăn quay trước khi khối u chịu chết, là các nhà nghiên cứu đã phát hiện hoạt chất “kháng ung thư” trong nhiều cây thuốc với công năng “2 trong 1”, vừa hưng phấn hoạt tính của thực bào và bạch cầu trên đường truy sát tế bào ung thư, vừa lột trần tế bào ung thư vốn khéo léo ngụy trang để hệ miễn dịch sớm nhận diện đâu là bạn đâu là thù. Không lạ gì nếu nhân sâm, linh chi, lộc nhung, bán chi liên… đã từ lâu có mặt trong danh sách các chất chống ung thư của tổ chức FDA, Hoa Kỳ. Đi xa hơn nữa, càng lúc càng có nhiều nhà điều trị kết hợp hoạt chất sinh học, từ sinh tố D bước qua khoáng tố vi lượng như selen, kẽm, crôm cho đến men bromalin trong thơm, papain trong đu đủ… cho trong phác đồ hậu hóa-xạ trị vì tác dụng chống thiếu máu, rụng tóc, nhược cơ, tăng kháng thể… đã được xác minh qua nghiên cứu lâm sàng theo tiêu chí khách quan và thực nghiệm.

Bệnh khó thắng trong hiệp một

Hiệu quả của liệu pháp chống ung thư, từ thao tác ngoại khoa bước qua hóa trị cho đến xạ trị, rõ ràng đã hơn xa rất nhiều nhờ tiến bộ nhảy vọt trong kỹ thuật chẩn đoán và phương tiện điều trị. Nếu trong vài thập niên trước đây mục tiêu điều trị hầu như chỉ là chữa cháy cầm canh, còn nước còn tát, ít nhiều may rủi thì thầy thuốc hiện nay không còn thất thế khi phải đối đầu với ung bướu ác tính. Trong nhiều trường hợp, nếu được phát hiện sớm, càng sớm càng tốt, không quá nhiêu khê để cầm chân ung thư. Nói một cách lạc quan hơn, ung thư không còn là căn bệnh khiến bệnh nhân phải sớm thất vọng, thầy thuốc phải bẽ bàng khi bắt tay vào việc. Khác với quan điểm sớm muộn cũng thua, thống kê của ngành y trong thập niên gần đây cho thấy tỉ lệ sống còn sau khi được điều trị bằng liệu pháp đặc hiệu đang và sẽ tiếp tục được cải thiện.

Điều đáng nói là tỉ lệ tử vong vì ung thư rõ ràng không đồng nhất nếu so sánh nơi này với nơi khác. Con số trường hợp đau buồn tất nhiên tùy thuộc mức độ bệnh lý trước đó, loại ung bướu, cơ tạng của bệnh nhân khi phát hiện bệnh cũng như kinh nghiệm điều trị của thầy thuốc. Bên cạnh đó, yếu tố quyết định chính là liệu pháp hỗ trợ trong giai đoạn hậu ung thư.

Nhờ nhiều công trình thống kê kéo dài hàng chục năm với cả trăm ngàn đối tượng, có thể khẳng định bệnh nhân không chỉ sống còn, sống lâu mà sống với chất lượng cuộc sống như mong muốn, nếu nạn nhân, sau khi qua cơn cấp bách, được tiếp tục theo dõi định kỳ để thầy thuốc can thiệp đúng lúc. Hay hơn nữa nếu bệnh nhân được hỗ trợ sức đề kháng bằng hoạt chất sinh học có công năng bảo vệ cấu trúc của tế bào trước tia tử ngoại trong ánh nắng gay gắt, trước độc chất sinh ung thư trong phụ gia của thực phẩm công nghệ, trong môi trường ô nhiễm vì khói thuốc lá, khói xăng dầu, chất thải kỹ nghệ…

Khéo hơn nhiều nếu dược liệu thiên nhiên thuộc nhóm “phòng ngừa ung thư” được kết hợp trong phác đồ điều trị đặc hiệu, càng sớm càng tốt, để vừa nâng đỡ tổng trạng của người bệnh, vừa giới hạn phản ứng phụ khó tránh của hóa-xạ trị. Kết quả nghiên cứu đối chứng ở Đức, nơi chắc chắn không thiếu thuốc hóa chất đặc hiệu, cho thấy điều trị ung thư kết hợp với hoạt chất sinh học có hiệu quả nhanh hơn và thời gian trị liệu ngắn hơn. Đáng nói là tỉ lệ di căn trong giai đoạn hậu ung thư rõ ràng thấp hơn.

Chuyển bại thành thắng trong hiệp hai

Trận chiến chống ung thư không thể ngày một ngày hai. Sức đề kháng của người bệnh, ngay cả trong trường hợp chữa chạy hiệu quả, khó tránh không bị xói mòn vì bệnh, vì sợ bệnh, vì phản ứng phụ của thuốc, vì tác hại khó tránh của hóa trị. Giai đoạn hậu ung thư vì thế là thời điểm vô cùng nhạy cảm không chỉ vì đòn đánh nguội, đánh lén của tế bào ác tính. Đó là cơ hội để nhiều bệnh chứng nghiêm trọng khác thừa nước đục thả câu vì sức kháng bệnh của nạn nhân chẳng khác nào ngọn đèn leo lét trước gió. Đó chính là lý do tại sao thầy thuốc coi trọng quan điểm điều trị toàn diện đang đặt mục tiêu tăng cường sức đề kháng trong giai đoạn hậu ung thư ngang hàng với liệu pháp đặc hiệu để vừa bọc lót các cơ quan trọng yếu về mặt giải độc như lá gan, trái thận, khung ruột vừa mài nhọn sức đề kháng, thay vì phó mặc may rủi cho định mệnh.

Phòng ngừa ung thư có điểm tương đồng với kinh tế. Tất nhiên thuận tiện nếu có được ngoại viện. Nhưng khéo hơn nhiều nếu khỏe nhờ nội lực. Cho dù ung thư có trăm mưu ngàn chước vẫn có thể ngăn chặn căn bệnh này nếu biết cách tận dụng sức bật của hệ thống phòng vệ bằng cách tiếp hơi đúng lúc. Vỏ quýt dù mỏng thế nào vẫn là quá dày nếu móng tay không đủ nhọn. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 10).

 

Những điều cần biết về bệnh dại

Nhận biết nguồn lây, tiêm dự phòng, xử trí đúng cách khi bị vật nghi dại cắn... các động tác kết hợp sẽ giúp bạn phòng bệnh dại hiệu quả.

Tiêm phòng không thể đảm bảo 100%

Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận bé trai 3 tuổi, bị dại nghi lây từ vật nuôi trong nhà (chó, mèo), tuy nhiên vật nuôi không thấy biểu hiện dại. Đây cũng là câu hỏi mà nhiều gia đình băn khoăn: Có khi nào chó, mèo không có biểu hiện gì là mắc bệnh, nhưng vẫn trở thành nguồn lây dại sang người?

Về vấn đề này, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết thông thường thời kỳ lây truyền bệnh dại ở chó nhà là từ 3 - 7 ngày trước khi chết, và trong khoảng thời gian từ 1 - 3 ngày trước khi có biểu hiện dại thì vi rút dại đã thải ra đến tuyến nước bọt của con vật. Vì vậy, nếu bị cắn trong giai đoạn này vẫn có thể mắc bệnh, mặc dù tại thời điểm bị cắn thấy chó vẫn bình thường.

Về câu hỏi nếu cho chó, mèo tiêm phòng dại thì có thể ngừa bệnh tuyệt đối? Các chuyên gia khẳng định là không thể. “Cho đến nay vẫn chưa có loại vắc xin nào (kể cả vắc xin cho người) đạt hiệu quả bảo vệ 100% số đối tượng được tiêm phòng. Do đó, khi bị chó, mèo cắn vẫn nên được tư vấn bởi nhân viên y tế để có xử trí phù hợp”, ông Phu cho hay.

Nhanh chóng xử trí vết thương

PGS-TS Trần Đắc Phu lưu ý, khi bị con vật nghi mắc bệnh dại cắn, cần sơ cứu rửa ngay vết thương bằng cách: xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong vòng 15 phút với nước và xà phòng, sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc cồn i ốt để giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Tiếp theo, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị dự phòng bệnh dại bằng huyết thanh và vắc xin dại. Nếu được xử lý tất cả các vết thương bằng huyết thanh kháng dại và tiêm vắc xin dại ngay trong ngày bị cắn sẽ cho kết quả tốt nhất.

Dấu hiệu và triệu chứng

Theo Chương trình phòng chống bệnh dại quốc gia, người mắc bệnh dại có các dấu hiệu và triệu chứng như: đau hoặc ngứa ở vết cắn (trên 80% các trường hợp); sốt, mệt mỏi, đau đầu; sợ nước; sợ tiếng ồn, ánh sáng hoặc gió; tức giận, bứt rứt và trầm cảm; tăng động...

Ở giai đoạn sau, chỉ thoáng nhìn thấy hình ảnh nước đã có thể gây co thắt ở cổ và họng. Thời gian bị bệnh thường là 2 - 3 ngày, nhưng có thể kéo dài đến 5 - 6 ngày hoặc dài hơn nếu được chăm sóc tích cực. Tuy nhiên, hiện chưa có phương pháp điều trị đặc biệt nào một khi đã phát bệnh. Hầu như không thể làm được gì ngoài việc giữ cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái, giảm đau đớn và lo lắng bồn chồn.

Để phần nào ngừa bệnh, có thể tiêm dự phòng cho những người có nguy cơ bị nhiễm vi rút dại do công việc hoặc nghề nghiệp như: cán bộ thú y, kiểm lâm, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với vi rút dại, người làm nghề chế biến thực phẩm động vật... (Thanh niên, trang 16).

 

Tiền Giang sẽ có bệnh viện 1.000 giường bệnh 

Chính phủ vừa phê duyệt Dự án Bệnh viện đa khoa Tiền Giang mới với quy mô 1.000 giường, cao 10 tầng, có tổng kinh phí xây dựng 2.300 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2020-2021.

Ông Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, cho biết trong tổng số vốn 2.300 tỷ đồng của Dự án Bệnh viện đa khoa Tiền Giang vừa được phê duyệt thì nguồn vốn từ ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ 1.750 tỉ đồng, phần còn lại là từ ngân sách địa phương. 

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm tỉnh Tiền Giang sẽ hoàn tất các thủ tục cần thiết để đầu năm 2018 sẽ khởi công dự án.

Thời gian hoàn thành của dự án có quy mô nhóm C này dự kiến sẽ vào năm 2020 hoặc 2021. 

Vị trí xây dựng bệnh viện đa khoa mới nằm trên Quốc lộ 1, đoạn qua xã Phước Thạnh, thành phố Mỹ Tho, cách ngã tư Đồng Tâm (đoạn rẽ vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương) khoảng 400m về hướng ngã ba Trung Lương.

Cũng theo ông Trần Thanh Thảo, ngoài công trình bệnh viện đa khoa 1.000 giường (10 tầng), tại khu vực này còn có các bệnh viện khác như Chấn thương chỉnh hình, Mắt, Trung tâm giám định y khoa…

Khi bệnh viện mới hoàn thành, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm hiện tại sẽ chuyển thành Trung tâm điều trị kỹ thuật cao của tỉnh Tiền Giang. (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11-7): Nâng cao vị thế con người và chú trọng sức khỏe phụ nữ

Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới năm nay, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) lựa chọn chủ đề “Kế hoạch hóa gia đình: nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh”. Theo UNFPA, ý nghĩa của chủ đề là trao quyền cho phụ nữ thông qua việc thực hiện đầy đủ các quyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.

Đầu tư mang lại nhiều lợi ích kép

Đầu tư vào công tác kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) chính là cải thiện sức khỏe, góp phần thực hiện các quyền cho phụ nữ và các cặp vợ chồng trên toàn thế giới. Sự đầu tư này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế và các lợi ích khác. Công tác KHHGĐ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự thành công của “Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” và 17 Mục tiêu Phát triển bền vững được ban hành kèm theo chương trình nghị sự này.

Hội nghị thượng đỉnh Luân Đôn (Anh) về KHHGĐ năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 11- 7, trùng với ngày Dân số thế giới. Đây là lần thứ hai Hội nghị này được tổ chức với sự tham gia của các nhà tài trợ và các bên liên quan sau khi chung tay xây dựng Sáng kiến về KHHGĐ đến năm 2020, trong đó tập trung vào việc mở rộng cung cấp dịch vụ KHHGĐ tự nguyện cho thêm 120 triệu phụ nữ và trẻ em gái.

Tiếp cận các dịch vụ KHHGĐ an toàn và tự nguyện là một quyền con người, là vấn đề giữ vị trí trung tâm trong bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ, đồng thời là yếu tố then chốt trong xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, khoảng 225 triệu phụ nữ có nhu cầu tránh thai chưa được sử dụng các biện pháp KHHGĐ an toàn và hiệu quả. Hầu hết số phụ nữ này hiện sinh sống tại 69 quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng sẽ góp phần cứu sống rất nhiều phụ nữ thông qua việc tránh được 60 triệu ca mang thai ngoài ý muốn trên toàn thế giới đồng thời giảm một phần ba tỷ lệ tử vong mẹ. Ước tính năm 2016, số tử vong mẹ là khoảng 303 nghìn ca. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng gần gấp hai lần trên toàn thế giới, từ 36% tại thời điểm năm 1970 lên 64% vào năm 2016. Tuy nhiên, vẫn còn phải vượt qua một chặng đường dài để có thể bảo đảm rằng tất cả phụ nữ đều có quyền tự quyết định số con, thời điểm sinh và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp.

Cần quan tâm đặc biệt tới sức khỏe sinh sản phụ nữ

Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Trong đó tập trung nâng cao vị thế, trao quyền cho phụ nữ thông qua việc thực hiện đầy đủ các quyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ. Khi phụ nữ lựa chọn thực hiện KHHGĐ sẽ có sức khỏe tốt hơn và có thể giảm các rủi ro liên quan tới tử vong mẹ. Khi người mẹ giãn khoảng cách giữa các lần sinh thì trẻ sinh ra sẽ mạnh khỏe hơn và có thể giảm các nguy cơ tử vong trong 5 năm đầu đời.

Khi có nhiều lựa chọn hơn và được chăm sóc sức khỏe sinh sản tốt hơn, phụ nữ sẽ có năng lực và vị thế cao hơn, có thể tìm kiếm và duy trì các công việc thỏa đáng hơn, đóng góp được nhiều hơn cho gia đình, xã hội. Gia đình sẽ phát triển hơn về kinh tế, con cái họ sẽ được hưởng các cơ hội học tập tốt hơn và đây chính là tiền đề tạo nên sự thịnh vượng cho các thế hệ tương lai.

Trong những năm qua, kết quả của công tác Dân số - KHHGĐ do Đảng, Nhà nước ta lãnh đạo đã thu được thắng lợi rất quan trọng trong việc phấn đấu giảm sinh, hạ thấp tỷ lệ tăng dân số. Tổng số dân nước ta năm 2016 ước tính khoảng 92,7 triệu người, tăng 1,08% so với năm 2015. Tổng tỷ suất sinh năm 2016 ước tính đạt 2,09 con/phụ nữ; tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh là 113,3 bé trai/100 bé gái; tỷ suất sinh thô là 15,74 phần nghìn; tuổi thọ trung bình của người dân là 73,4 tuổi, trong đó nam là 70,8 tuổi và nữ là 76,1 tuổi.

Việt Nam là quốc gia có quy mô dân số lớn, đứng thứ 14 thế giới, thứ tám châu Á và thứ ba trong khu vực Đông - Nam Á; mật độ dân số cao và phân bố mất cân đối lớn, chủ yếu tập trung ở đô thị và đồng bằng chật hẹp; đặc biệt tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn đang ở mức báo động. Trong khi đó, chất lượng dân số có được cải thiện nhưng còn thấp, các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản còn hạn chế, tình trạng nhiễm HIV/AIDS có nguy cơ tăng đáng lo ngại nhất là trong nhóm thanh niên độ tuổi 20-39 chiếm gần 90% tổng số người nhiễm HIV.

Nhiệm vụ đặt ra là cần duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số; điều chỉnh phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số... vì sự phát triển bền vững của đất nước. (Nhân dân, trang 5).

Gắp tiền xu 500 đồng khỏi thực quản bé gái 5 tuổi

Trong lúc chơi đùa, cháu bé 5 tuổi đã ngậm và nuốt một đồng tiền xu 500 đồng vào họng dẫn đến khó thở, nôn nhiều. Chiều 8-7 bệnh viện đa khoa Quảng Nam cho biết vừa thực hiện thành công ca gắp đồng tiền xu mệnh giá 500 đồng ra khỏi thực quản của một bé gái.

Trước đó khoảng 9h cùng ngày, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân N.T.T. V. (5 tuổi, trú TP Tam Kỳ, Quảng Nam) trong tình trạng khó thở, nuốt đau, nôn nhiều. Theo người nhà bệnh nhân, trước đó cháu bé có ngậm một đồng xu trong miệng. Trong lúc đang chơi đùa thì không may nuốt vào.

Sau khi thăm khám chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện có dị vật cản quang nằm ở vùng cổ (đốt cổ 6) của bệnh nhân.

Cháu V. được chuyển lên khoa gây mê hồi sức để soi gắp dị vật. Các bác sĩ đã tiến hành gắp nội soi ở cổ bệnh nhân và lấy ra ngoài một đồng tiền xu mệnh giá 500 đồng, đường kính 22 mm.

Hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, ăn uống tốt và có thể xuất viện. (Tuổi trẻ, trang 4).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang