Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 09/8/2021

  • |
T5g.org.vn - Vaccine “made in Vietnam” Nanocovax và trách nhiệm của Hội đồng đạo đức y khoa; TP.HCM cạn vắc xin, Bộ Y tế nói còn nhiều; Tháng 8-2021 cần thêm 5 - 5,5 triệu liều; Vắc xin "made in Việt Nam" còn những bước nào?; Bình Dương: nhiều nơi hoãn tiêm do thiếu vắc xin; TP.HCM vẫn còn vắc xin, cần rà soát lại; Cho tự lấy mẫu, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid- 19; ...


Vaccine “made in Vietnam” Nanocovax và trách nhiệm của Hội đồng đạo đức y khoa

Ngay sau khi Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Nanogen gửi công văn hoả tốc tới Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, Bộ Y tế, ngày 7.8, Bộ Y tế đã tổ chức họp khẩn xem xét dữ liệu thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax- vaccine “made in VietNam” đầu tiên đang thử nghiệm giai đoạn 3 hiện nay. Vậy chức năng, hoạt động của Hộ đồng đạo đức thế nào và tiếng nói thế nào trong việc cấp phép vaccine?

Chức năng, trách nhiệm của Hội đồng đạo đức

Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y học không phải là khái niệm mới, tuy nhiên trong bối cảnh việc nghiên cứu và thử nghiệm vaccine của Việt Nam đang rất cần kíp thì hoạt động và đánh giá của Hội đồng này được cho là rất có giá trị. Theo Thông tư 04/TT- BYT có hiệu lực từ ngày 15.3.2020 Quy định việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học thì Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp quốc gia do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định thành lập.
Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học có chức năng tư vấn cho người đứng đầu tổ chức thành lập Hội đồng đạo đức xem xét, thẩm định về khía cạnh đạo đức và khoa học của các nghiên cứu y sinh học liên quan đến con người làm cơ sở phê duyệt, triển khai và nghiệm thu nghiên cứu y sinh học.
Hội đồng cũng có chức năng thẩm định hồ sơ nghiên cứu trước khi triển khai về khía cạnh đạo đức, khoa học, năng lực của nghiên cứu viên và điểm nghiên cứu đối với: Thử nghiệm lâm sàng thuốc, trang thiết bị và sản phẩm khác chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam; thử nghiệm lâm sàng thuốc, trang thiết bị và sản phẩm khác chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam; thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm; nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng kỹ thuật, phương pháp mới lần đầu tiên trên người tại Việt Nam; nghiên cứu khoa học  công nghệ cấp bộ, cấp quốc gia liên quan đến con người trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam; nghiên cứu hợp tác quốc tế có chuyển mẫu sinh học của đối tượng nghiên cứu ra nước ngoài hoặc kết quả nghiên cứu có ý nghĩa đại diện cho người Việt Nam và các nghiên cứu y sinh học khác theo yêu cầu của Bộ Y tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ trì nghiên cứu.
Về quyền hạn, Hội đồng đạo đức có quyền chấp thuận, yêu cầu sửa đổi đề cương nghiên cứu hoặc không chấp thuận hồ sơ nghiên cứu y sinh học làm cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép triển khai nghiên cứu.
Cho phép miễn việc thực hiện yêu cầu phải có văn bản chấp thuận tự nguyện tham gia nghiên cứu của đối tượng nghiên cứu trong trường hợp cần bảo mật thông tin tuyệt đối cho đối tượng nghiên cứu hoặc trong trường hợp nghiên cứu trên bệnh nhân cấp cứu mà không thể lấy sự chấp thuận của đối tượng nghiên cứu hoặc người đại diện hợp pháp của đối tượng nghiên cứu, trên cơ sở cân nhắc đầu đủ các lợi ích, nguy cơ của nghiên cứu đến đối tượng nghiên cứu và các biện pháp bảo vệ các quyền, sự an toàn của đối tượng nghiên cứu. chấp thuận hoặc không chấp thuận những thay đổi về nội dung nghiên cứu trong quá trình triển khai.

Hội đồng đạo đức đánh giá thế nào về Nanocovax

Căn cứ tài liệu, hồ sơ các tổ chức nhận thử (Học viện Quân y và Viện Pastuer TPHCM), Công ty cổ phần công nghệ sinh học được Nanogen gửi Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu sinh y học quốc gia (Hội đồng) ngày 3.8.2021, Hội đồng đã tổ chức họp khẩn để nghiệm thu kết quả thử nghiệm lâm sàng (TNLS) giai đoạn 1, đánh giá kết quả giữa kỳ TNLS giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại và ghi nhận tiến độ triển khai TNLS giai đoạn 3 (hiện chưa có báo cáo kết quả chính thức của giai đoạn 3)
Theo đó, TNLS giai đoạn 1, 2 vaccine Nanocovax đánh giá bước đầu an toàn, khả năng dung nạp và thăm dò đáp ứng sinh miễn dịch của vaccine nghiên cưu, chưa đánh giá hiệu lực bảo vệ của vaccine.
Đánh giá kết quả giữa kỳ giai đoạn 2 là đánh giá trong ngắn hạn tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine nghiên cứu để xác định liều lượng dùng tối ưu của vaccine trong TNLS giai đoạn 3.
Theo đề cương, nghiên cứu TNLS gia đoạn 2 kéo dài đến tháng 2.2022, tuy nhiên, nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển vaccine, Hội đồng đã họp khẩn cấp để đánh giá kết quả giữa kỳ TNLS giai đoạn 2 và cho phép thực hiện TNLS giai đoạn 3, trong khi vẫn tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2 và tiếp tục triển khai giai đoạn 2 theo đề cương được duyệt.
Đối với TNLS giai đoạn 3, để sớm có kết quả về tính sinh miễn dịch, Hội đồng chỉ cho phép thực hiện các xét nghiệm về tính sinh miễn dịch ở giai đoạn 3a trên 1.000 người tình nguyện.
Tính đến ngày 6.8.2021, Hội đồng chưa nhận được hồ sơ, báo cáo chính thức nào từ các nghiên cứu viên chính và tổ chức nhận thử về hiệu lực bảo vệ của vaccine Nanocovax.
Kết quả cuộc họp sáng 7.8, Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu kết quả TNLS giai đoạn 1 vaccine Nanocovax với dữ liệu theo dõi đến tháng thứ 6, kể từ liều tiêm đầu tiên của giai đoạn 1 trên 60 người tình nguyện với 3 mức liều 25 mcg, 50 mcg, 75 mcg.
Trên cơ sở cập nhật kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại, Hội đồng quyết định tiếp tục  cho phép triển khai TNLS giai đoạn 3 với mức liều 25 mcg theo đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt.
Tại cuộc họp hôm 7.8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã có một số ý kiến đối với Hội đồng đạo đức, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, các cơ sở nghiên cứu, nêu rõ đây là cuộc họp Hội đồng đạo đức đánh giá  kết quả thử nghiệm lâm sàng pha 1 và giữa kỳ pha 2 hết sức khẩn trương, nghiêm túc, thể hiện rõ sự ủng hộ, quyết tâm, quyết liệt của Bộ Y tế đối với việc nghiên cứu phát triển vaccine phòng chống Covid- 19 trong nước, chúng ta khẩn trương nhưng cần phải khoa học, chặt chẽ để đảm bảo số liệu đưa ra đủ tin cậy.
Tại cuộc họp, với đầy đủ các cơ quan nghiên cứu, Bộ Y tế cũng đề nghị cân nhắc xem xét có tiến hành thêm 1 nghiên cứu bổ sung về việc tiêm mũi 3 vaccine Nanocovax, bên cạnh đó xem xét bổ sung các chủng mới của virus Corona vào nghiên cứu ở thời điểm thích hợp.
Thứ trưởng đề nghị Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo có văn bản trả lời các tỉnh có công văn gửi Chính phủ, gửi Bộ Y tế xin phép tiêm thử vaccine Nanocovax, với quan điểm rõ rằng, Bộ Y tế rất ủng hộ, tạo mọi điều kiện để các tỉnh tham gia thử nghiệm lâm sàng, tuy nhiên phải tuân thủ đúng các quy trình, quy định về thử nghiệm lâm sàng. Bộ Y tế không đồng ý việc lợi dụng ưu tiên thử nghiệm lâm sàng vào mục đích thương mại (Lao động, trang 2).  

Người dân không nên tự mua Remdesivir điều trị COVID-19

Ngày 8/8, Bộ Y tế đã phân bổ lô thuốc Remdesivir đầu tiên với 10.000 lọ cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19. Dự kiến có khoảng 8-10 bệnh viện trên địa bàn TPHCM tiếp nhận, đưa vào điều trị. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lưu ý, người dân tuyệt đối không săn lùng và tự ý sử dụng thuốc này. Việc chỉ định, liều lượng sử dụng thuốc Remdesivir phải do các bác sĩ tại các cơ sở điều trị ra y lệnh.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Remdesivir là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt khẩn cấp để điều trị bệnh nhân COVID-19. Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ và EU... đưa vào phác đồ điều trị từ tháng 5/2020. Thông qua nguồn tặng, viện trợ, thời gian qua, Việt Nam cũng đã sử dụng Remdesivir để điều trị cho một số bệnh nhân COVID-19 tại một số cơ sở y tế. Kết quả bước đầu cho thấy, thuốc Remdesivir giúp bệnh nhân giảm lượng virus nhanh.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Remdesivir là thuốc hỗ trợ điều trị, không phải là thuốc đặc trị COVID-19. Đây là thuốc mới nên việc sử dụng thuốc cho người bệnh phải được bác sĩ chỉ định. Liều dùng của thuốc tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Trong quá trình điều trị, các cơ sở y tế cũng cần theo dõi chặt chẽ chất lượng, hiệu quả của thuốc. Toàn bộ lô thuốc kháng virus Remdesivir điều trị COVID-19 về Việt Nam sẽ được chuyển cho các cơ sở y tế ở TPHCM và các tỉnh phía Nam sử dụng hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở thể trung bình và nặng. Trước đó, lô thuốc Remdesivir đầu tiên do Vingroup nhập khẩu đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất. Lô thuốc sản xuất tại Ấn Độ và chuyến hàng đầu tiên đã được bên mua thuê chuyên cơ chuyển thuốc về Việt Nam. Đây là lô đầu tiên thuốc Remdesivir trong số 500.000 lọ mà tập đoàn đặt mua để trao tặng cho Bộ Y tế nhằm góp phần đẩy nhanh phục hồi cho bệnh nhân COVID-19. Với 500.000 lọ, số thuốc trên có khả năng hỗ trợ điều trị cho khoảng 80.000 đến 100.000 bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam (Tiền phong, trang 13).

 

TP.HCM cạn vắc xin, Bộ Y tế nói còn nhiều

Trong vòng 17 ngày, TP.HCM tiêm được hơn 2,1 triệu liều vắc xin trong gần 2,6 triệu liều được Bộ Y tế phân bổ. TP đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn vắc xin tiêm nhưng Bộ Y tế lại nói TP còn tới 1,7 triệu liều.
TP.HCM đang tăng tốc tiêm vắc xin, tiến tới 70 - 80% dân số trên 18 tuổi được bao phủ vắc xin trong tháng 8 này để sớm tạo miễn dịch cộng đồng. 

Tuy vậy, kế hoạch này có thể bị "đứt đoạn" khi tiến độ tiêm nhanh mà vắc xin chưa được phân bổ kịp thời, hoặc số liệu không khớp? 

Quận, huyện trông chờ vắc xin

Ông Trần Phi Long - chủ tịch UBND quận 11 - cho hay tính đến sáng 8-8, quận đã tiêm được hơn 140.000 liều cho các nhóm đối tượng ưu tiên (đợt 5) và người trên 18 tuổi. Bình quân mỗi ngày, quận tiêm được khoảng 13.000 - 14.000 liều tại 20 điểm tiêm cố định và 16 điểm tiêm lưu động. 

Hiện quận 11 còn 14.000 liều vắc xin chỉ đủ dùng cho ngày 9-8. "Kế hoạch của chúng tôi là trong vòng 14 ngày sẽ phủ trên 85% dân số quận 11 được tiêm vắc xin. Tiến độ tiêm vắc xin của quận rất đều và đảm bảo" - ông Long nói.

Vậy việc chưa được phân bổ tiếp vắc xin ảnh hưởng gì đến kế hoạch tiêm trên địa bàn quận? Ông Long cho biết quận đã lên kế hoạch tiêm vắc xin chi tiết, cụ thể từng ngày, trong đó có nhắn tin thông báo cho từng người dân để đi tiêm vắc xin. 

"Trong trường hợp quận hết vắc xin, kế hoạch sẽ bị chậm lại, nhiều người dân đang rất trông chờ vắc xin" - ông Long chia sẻ.

Tương tự, đại diện UBND quận Phú Nhuận cho biết tính đến hết ngày 7-8, quận đã tiêm được hơn 100.000 liều, tăng hơn 12.000 liều so với ngày 6-8. Hiện quận vẫn tiêm cho người dân trên 18 tuổi nhưng số vắc xin chỉ đủ tiêm trong vài ngày tới. 

Đến cuối tuần sau, nếu quận được phân bổ vắc xin và tiếp tục duy trì tốc độ tiêm này, toàn bộ người dân trên 18 tuổi trên địa bàn quận sẽ được tiêm vắc xin. Trường hợp nếu không được "châm" vắc xin, mục tiêu trên sẽ bị chậm lại.

Khó tránh khỏi cạn vắc xin, nếu...

Không chỉ các địa phương, nhiều bệnh viện tại TP cho biết đã tiêm xong các loại vắc xin phòng COVID-19 được Sở Y tế phân bổ như Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Bình Dân... 

Đại diện Bệnh viện Y học cổ truyền cho biết trong chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 5, bệnh viện đã được Sở Y tế phân bổ 1.653 liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm ngừa cho người bệnh trên 65 tuổi, mắc các bệnh mãn tính... Đến ngày 4-8 bệnh viện đã tiêm hết số vắc xin này.

Trong thời gian tới nếu được Sở Y tế phân bổ vắc xin, bệnh viện sẽ tiếp tục tiêm cho các đối tượng là bệnh nhân nội ngoại trú đang điều trị tại bệnh viện và các đối tượng khác theo kế hoạch của Sở Y tế. 

Còn PGS.TS.BS Trần Vĩnh Hưng, giám đốc Bệnh viện Bình Dân, cho biết Bệnh viện Bình Dân cũng đã tiêm hết khoảng 4.300 liều vắc xin phòng COVID-19 được Sở Y tế phân bổ trong chiến dịch tiêm vắc xin đợt 5 của TP vừa qua. Mỗi ngày bệnh viện Bình Dân tiêm được từ 450 - 500 liều vắc xin.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết những ngày qua, tốc độ tiêm vắc xin của các quận, huyện và TP Thủ Đức khá cao. 

Theo đó Sở Y tế đã phối hợp với các địa phương huy động tất cả các nguồn lực, bao gồm y tế công lẫn tư, quân đội của các tỉnh hỗ trợ. Hiện TP.HCM đảm bảo được 1.200 đội tiêm, phấn đấu đạt 300.000 mũi/ngày.

Theo ông Nam, nếu Bộ Y tế không kịp thời tiếp tục phân bổ vắc xin thì dự kiến ngày 9-8, TP sẽ đối diện thiếu vắc xin tiêm diện rộng như thời gian qua. Như vậy mục tiêu của TP sẽ khó đạt được như kỳ vọng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ngày 6-8 đã ký văn bản khẩn đến các tỉnh thành về việc khẩn trương tiếp nhận vắc xin phòng COVID-19. 

Theo đó, hiện vẫn còn một số đơn vị rất chậm trễ trong việc tiếp nhận vắc xin, tổ chức triển khai tiêm chủng và báo cáo tiến độ.

Đến ngày 10-8, nếu đơn vị nào triển khai tiêm chủng chậm, Bộ Y tế sẽ công bố công khai kết quả tiêm chủng của đơn vị trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, điều phối vắc xin cho các đơn vị khác và sẽ tạm dừng việc phân bổ vắc xin cho đơn vị trong các đợt tiếp theo (Tuổi trẻ, trang 2).

 

Tháng 8-2021 cần thêm 5 - 5,5 triệu liều

Báo cáo ngày 8-8 của Sở Y tế TP.HCM cho thấy bắt đầu từ đợt 5 (từ ngày 22-7) đến hết ngày 7-8, TP đã tiêm hơn 2,1 triệu liều.

Số vắc xin TP.HCM đã nhận từ Bộ Y tế tính từ ngày 22-7 đến nay gần 2,6 triệu liều. Như vậy số vắc xin còn lại chỉ 487.304 liều.

Để có thêm vắc xin, cách đây gần một tuần, UBND TP đã đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế trong tháng 8 cấp cho TP.HCM khoảng 5 - 5,5 triệu liều vắc xin. TP đặt mục tiêu trong tháng 8 này sẽ có 70-80% dân số trên 18 tuổi được tiêm vắc xin để đạt được tỉ lệ bao phủ vắc xin diện rộng (Tuổi trẻ, trang 2).

 

Vắc xin "made in Việt Nam" còn những bước nào?

Sau khi Bộ Y tế đã họp nghiệm thu giai đoạn 1 và đánh giá giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 ngày 7-8, nhóm nghiên cứu cho biết hiện đang chờ thêm báo cáo về chỉ số trung hòa virus sống của thử nghiệm lâm sàng pha 3a, dự kiến ngày 11-8 toàn bộ báo cáo pha 3a sẽ được đệ trình lên Bộ Y tế như yêu cầu.

Ngày 15-8, Bộ Y tế sẽ tiếp tục có một cuộc họp đánh giá thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc xin.

Hiện vắc xin Nano Covax được đánh giá đạt yêu cầu về tính an toàn, tính sinh miễn dịch, chỉ số thứ 3 cũng rất quan trọng trong quá trình phát triển vắc xin là hiệu quả bảo vệ của vắc xin cần thêm thời gian theo dõi.

Thông thường, thời gian này có thể kéo dài hàng năm, nhưng trong đại dịch, nếu Bộ Y tế có hướng dẫn để cấp phép khẩn cấp theo hướng vừa sử dụng vừa theo dõi tiếp tục về chỉ số này, vắc xin Nano Covax có thể sớm ra thị trường phục vụ tiêm chủng, nhất là trong điều kiện Việt Nam đang rất thiếu vắc xin.

Trong trường hợp Bộ Y tế yêu cầu báo cáo hoàn thiện cả 3 chỉ số: tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ, vắc xin sẽ phải chờ theo dõi thêm.

Qua trao đổi với công chúng trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tuyến vừa diễn ra, ông Đỗ Minh Sĩ, đại diện nhóm nghiên cứu vắc xin Nano Covax (Công ty Nanogen), cho biết ông đã tiêm vắc xin này cách đây 6 tháng, khi gửi mẫu huyết thanh đánh giá độc lập tại Hà Nội gần đây, mẫu huyết thanh này cho thấy vắc xin có thể bảo vệ người được tiêm trước nhiều chủng virus gây COVID-19.

Cho đến nay đã có gần 14.000 người được tiêm vắc xin này, tỉ lệ gặp các phản ứng nặng sau tiêm là thấp (có 1 trường hợp gặp phản ứng phản vệ độ 2), còn lại các phản ứng thường gặp là phản ứng thông thường như sưng, đỏ, đau vị trí tiêm, sốt nhẹ sau tiêm... Vắc xin này cũng đã trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm, giai đoạn 1, 2, 3a và 3b.

Theo thông tin từ nhóm nghiên cứu vắc xin Nano Covax, vắc xin nội có tiến độ sản xuất nhanh nhất cho đến nay (Tuổi trẻ, trang 2).

 

Bình Dương: nhiều nơi hoãn tiêm do thiếu vắc xin

Ngày 8-8, ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - đã ký văn bản hỏa tốc gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long để "cầu cứu", đề nghị phân bổ vắc xin phòng COVID-19.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, với quy mô dân số 2,6 triệu người; trong thời gian tới (tháng 8 và 9-2021), tỉnh phải tiêm vắc xin cho khoảng 2 triệu người trên địa bàn nhằm đảm bảo đủ lao động.

Đặc biệt tại 4 địa phương phía nam của tỉnh Bình Dương giáp hoặc gần với TP.HCM (Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Thủ Dầu Một) là vùng kinh tế quan trọng, cũng là những khu vực có tỉ lệ ca mắc không thua kém gì TP.HCM.

UBND tỉnh Bình Dương cho biết đã khắc phục việc tiêm chậm và có kế hoạch nâng tốc độ tiêm vắc xin với quy mô tối đa 100.000 liều/ngày nên cam kết sẽ tiến hành tiêm vắc xin đúng tiến độ và đối tượng.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ trong ngày 8-8, hàng loạt xã, phường tại Bình Dương thông báo tạm hoãn tiêm do hết vắc xin khiến nhiều người dân hụt hẫng.

Mặc dù tỉnh Bình Dương có số ca mắc nhiều thứ hai cả nước, với tỉ lệ ca mắc trên quy mô dân số xấp xỉ TP.HCM nhưng vắc xin phân bổ cho Bình Dương chưa tương xứng với ca bệnh.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần ưu tiên vắc xin cho vùng đang có dịch bệnh nóng và ở "tuyến đầu sản xuất" để có nguồn vắc xin tiêm cho công nhân, người lao động yên tâm thực hiện "3 tại chỗ".

Số vắc xin mà tỉnh Bình Dương được phân bổ hiện tại là hơn 544.000 liều (Tuổi trẻ, trang 2).

 

TP.HCM vẫn còn vắc xin, cần rà soát lại

Trước thông tin TP.HCM sắp tạm hết vắc xin với tốc độ hiện nay, bà Nguyễn Minh Hằng - phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết tính đến ngày 3-8, Bộ Y tế đã có 18 đợt phân bổ vắc xin.
Tổng 18 đợt cho đến nay TP.HCM 4.075.270 liều, Hà Nội 2.943.770 liều, số này bao gồm cả lượng vắc xin phân bổ cho các đơn vị trung ương trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM và cũng dùng tiêm chủng cho công dân, người cư trú tại 2 TP này. 

Tính theo tỉ lệ phân bổ vắc xin/dân số 18 tuổi trở lên, TP.HCM đã đạt 29%, Hà Nội 26%. Đây là tỉ lệ cao so với các tỉnh thành khác trong cả nước.

"Vẫn còn"…

* Tuy nhiên có thông tin TP.HCM gần hết vắc xin, người dân cũng rất lo lắng. Hiện tình hình vắc xin đã phân bổ cho TP.HCM như thế nào, thưa bà?

- Theo số liệu chúng tôi nhận được, TP.HCM mới tiêm được khoảng 2,3 triệu liều, số lượng vắc xin được cấp là hơn 4 triệu liều. Số lượng này được cấp theo đợt, rất rõ ràng, cấp bao nhiêu có số liệu rõ bấy nhiêu. 

Với số đã tiêm và số đã được phân bổ, TP.HCM còn khoảng 1,7 triệu liều (tính số liệu ngày 7-8), như vậy TP.HCM có thể rà soát lại các kho vắc xin của mình, vì thực chất số vắc xin TP.HCM được cấp vẫn còn.

Không giữ dự phòng

* Theo bộ trưởng Bộ Y tế, TP.HCM đang nỗ lực để tiêm được 70% số người có chỉ định tiêm ngừa trong tháng 8. Nếu dùng 1,7 triệu liều thì cuối tháng này cũng hết. Tới đây có thêm vắc xin về và có tiếp tục phân bổ cho TP.HCM cũng như các tỉnh thành vùng dịch?

- Đương nhiên vắc xin về chúng tôi sẽ phân bổ, Bộ Y tế không giữ một liều nào hết. Vắc xin về đến nơi là phân bổ cho các địa phương, không giữ cho dự phòng. Nhưng số lượng vắc xin về sắp tới thì chúng tôi không dự báo trước được, vì họ không báo cho mình biết trước 1 tháng hay 2 tuần, mà sát ngày về mới biết số lượng. 

Nhưng khi vắc xin về thì TP.HCM sẽ được ưu tiên phân bổ vì TP đang là vùng dịch, các tỉnh khu vực phía Nam cũng như vậy, lượng cấp cũng theo số lượng vắc xin về ở tỉ lệ cao hơn tỉ lệ chung vì đang là vùng dịch.

* Cách đây vài ngày Bộ Y tế lại cho biết còn nhiều tỉnh vẫn để vắc xin trong kho, nếu ngày 8-8 không đến nhận thì 10-8 sẽ bị công khai danh sách và điều chuyển vắc xin cho tỉnh khác. Vậy có chuyện các tỉnh thành tiêm chậm vắc xin không?

- Số liệu TP.HCM đến nay là đã tiêm hơn 50% số vắc xin đã được phân bổ, có thể TP.HCM đã tiêm được nhiều nhưng so với vắc xin được cấp thì vẫn còn. 

Các tỉnh khác cũng thế, so với số đã về và số đã tiêm thì vẫn còn nhiều vắc xin, nhưng ngoại trừ tiến độ tiêm còn chậm và cả cập nhật chậm, không báo kịp số lượng đã tiêm, thì còn một lượng vắc xin các tỉnh thành đang trữ sử dụng cho người tiêm mũi 2 để đảm bảo miễn dịch, vì nhiều loại vắc xin trong số vắc xin đã có phải tiêm cả 2 mũi cùng loại, mà cho đến nay chúng ta chưa ký hợp đồng mua/chưa có nguồn loại vắc xin đó. 

Tôi cho rằng số lượng đã tiêm cho đến nay cao hơn số đã thông báo là 8,9 triệu liều cho đến 7-8 vì các tỉnh thành báo không kịp.

* Trong thông báo gần đây, Bộ Y tế có cho biết tháng 8 và 9 này nguồn cung vắc xin sẽ hạn chế, với tốc độ tiêm chủng hiện nay liệu có xảy ra tình hình thiếu vắc xin nói chung không, thưa bà?

- Vấn đề vắc xin về như tôi đã nói ở trên là khó dự báo trước, do các nhà cung cấp không có kế hoạch 2 tháng sắp tới. Vì thế tốc độ tiêm sẽ phụ thuộc vào lượng vắc xin được phân bổ và linh hoạt trong từng thời điểm. Nhưng Bộ Y tế đã nỗ lực đàm phán và quý 4 tới vắc xin sẽ về nhiều, vắc xin mua thông qua VNVC và Pfizer cũng đang về đều (Tuổi trẻ, trang 2).

 

Cho tự lấy mẫu, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid- 19

Bộ Y tế vừa ban hành công điện đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid- 19. Theo đó, Bộ Y tế cho phép mọi F0 không triệu chứng, tải lượng virus thấp được cách ly tại nhà. Nếu vào viện, sau 7 ngày cũng được về nhà nếu đủ điều kiện.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương triển khai ngay, trong thời gian nhanh nhất có thể phải thực hiện thần tốc xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng, trước tiên tại các khu vực phong toả, có nguy cơ cao, có nguy cơ rất cao và với người có nguy cơ lây nhiễm cao, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời phát hiện và đưa các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất. Đồng thời tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm kịp thời trong vòng 24 giờ đối với RT- PCR. Tại khu vực nguy cơ  rất cao (khu vực phong toả): lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 3- 5 ngày/lần tại nhà ở/hộ gia đình, theo mẫu gộp cả hộ với RT-PCR hoặc gộp 3- 5 với test nhanh kháng nguyên; khu vực nguy cơ cao: lấy mẫu toàn bộ người dân 7 ngày/lần tại nhà ở/hộ gia đình, tương tự các nguyên tắc trên. Các khu vực khác: thực hiện giám sát, xét nghiệm tầm soát lấy mẫu đại diện thành viên gia đình nguy cơ nhất, di chuyển nhiều nhất (Lao động, trang 2; Công an nhân dân, trang 1).

 

Ứng dụng Telehealth sẽ ngăn chặn dịch bệnh từ xa

Chiều 8-8, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố Kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% tuyến huyện và ra mắt Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid- 19 quốc gia. Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã chứng kiến các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện kết nối hệ thống Telehealth với Bệnh viện Cần giờ TPHCM, Bệnh viện đa khoa Hậu Nghĩa (Long An), Bệnh viện Thuận An (Bình Dương) để hội chẩn, tư vấn điều trị cho các trường hợp mắc Covid- 19 đang chuyển biến nặng. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất, phân lớp, 3 tầng 5 lớp. Nếu chữa bệnh tại nhà có thêm tầng trệt. Các bộ KH-CN, TT-TT cần hoàn chỉnh công nghệ để thúc đẩy hội chẩn, tư vấn điều trị các trường hợp mắc Covid-19.

Điều này góp phần kịp thời cứu chữa người bệnh, giảm quá tải tuyến trên, tận dụng “giờ vàng” điều trị cho bệnh nhân ngay từ tuyến cơ sở. Tiến tới có trung tâm cấp cứu ở tuyến huyện, bất cứ ở cơ sở nào, để các ca bệnh nặng không phải chuyển lên tuyến trên, giảm tối đa ca tử vong, ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh. Thủ tướng tin tưởng với Telehealth, tuyến huyện có thêm kiến thức, sự tự tin để xử lý công việc nhuần nhuyễn hơn, góp phần cứu chữa, cứu sống thêm người bệnh.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ ra mắt Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia. Trung tâm đã phát triển và cung cấp các nền tảng công nghệ dùng chung, áp dụng thống nhất trên toàn quốc, đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ y tế trong phòng, chống dịch. 

Trong hơn 2 ngày, các doanh nghiệp công nghệ gồm Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam đã hoàn thành lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành. Với sự kiện này, 100% cơ sở y tế tuyến huyện đã được kết nối, góp phần xóa giới hạn giữa các tuyến (Sài Gòn giải phóng, trang 7). 

 

Tăng tốc tiêm chủng để tạo “vùng xanh”

 Ngày 8-8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long có công điện đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19, tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn cho người được tiêm; tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên; ưu tiên cho các địa bàn, khu vực đang có dịch và tiêm ngay cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi...

Các địa phương cần huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng, tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động phù hợp, tránh để người dân phải di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng, tuyệt đối không để xảy ra lãng phí trong tiêm chủng vaccine, không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng.

Việc tiêm chủng thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, khu vực nào xong khu vực đó để tạo ra “vùng xanh” an toàn trong khu vực đang bùng phát dịch.

Theo Bộ Y tế, đến ngày 8-8, cả nước có hơn 8,8 triệu người được tiêm vaccine Covid-19, trong đó khoảng 8 triệu người đã tiêm mũi 1. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hầu hết vaccine Covid-19 đều phải tiêm 2 liều, khoảng cách giữa 2 liều tùy thuộc vào từng loại vaccine và hướng dẫn của nhà sản xuất, như: vaccine AstraZeneca mũi 1 cách mũi 2 khoảng 8-12 tuần; vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNtech mũi 1 cách mũi 2 là 3 tuần; vaccine Moderna mũi 1 cách mũi 2 khoảng 4 tuần. 

Về việc có nhiều người đã được tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca đến nay đã quá thời hạn tiêm mũi thứ 2, theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, người tiêm không phải tiêm lại từ đầu. Qua một số nghiên cứu, với vaccine AstraZeneca, mũi thứ 2 tiêm sau 12 tuần, “đôi khi” miễn dịch còn tốt hơn là tiêm trước.

Đến nay, chưa có quy định thời gian tối đa của việc chậm tiêm mũi 2 là bao nhiêu. Trong trường hợp bị tiêm chậm mũi 2, các cá nhân, đơn vị cần khẩn trương làm công văn đề nghị tiêm mũi 2 gửi đến các đơn vị đã thực hiện tiêm mũi 1 trước đó để nhanh chóng thực hiện tiêm mũi 2 (Sài Gòn giải phóng, trang 7). 

 

Chia lửa cùng thành phố - Bài 1: Chuyên nghiệp & tận tâm

L.T.S: Những ngày qua, tại TPHCM, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao, các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 đều quá tải. Đáp lời kêu gọi của thành phố và Bộ Y tế, các y bác sĩ bệnh viện tư nhân đã sẵn sàng “chia lửa”, tham gia điều trị bệnh nhân nhằm giảm bớt một phần gánh nặng cho hệ thống y tế công lập.

“Máu chảy kìa, cứu tôi với…”, tiếng bệnh nhân N.V.Đ. (56 tuổi, ngụ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) tại phòng hồi sức 1, khu điều trị Covid-19 dã chiến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (Củ Chi), gọi bác sĩ. Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Thảo vừa lấy khăn ấm lau nhẹ lên gương mặt đang tái nhợt vì sợ của bệnh nhân, vừa nhẹ nhàng: “Chú ơi, không sao đâu. Do hết dịch truyền và chú vận động mạnh nên máu chảy ngược ra dây truyền dịch, con thay ngay đây ạ!”. 

“Người bệnh đang cần chúng ta”

Bằng thao tác chuyên nghiệp, mất khoảng 2 phút, điều dưỡng Thu Thảo đã thay xong bịch truyền dịch mới cho bệnh nhân Đ. Chị kể: Chú Đ. được chuyển đến đầu giờ chiều 6-8. Ban đầu chú chỉ ho, không sốt, không khó thở. Tuy nhiên, gần 5 giờ sau, tình trạng bệnh tiến triển nặng, sốt cao, tức ngực. Được chỉ định thở oxy, điều trị bằng kháng sinh và thuốc phòng chống huyết khối, tình trạng suy hô hấp của chú đã được cải thiện.

“Từ chiều qua tới nay (ngày 7-8), bệnh nhân nhập viện ồ ạt, nhiều trường hợp phải cho thở máy gấp. Do mặc đồ bảo hộ kín mít và làm việc xuyên đêm…, nhiều đồng nghiệp bị sốc nhiệt do mất nước, tụt huyết áp, nhưng ai cũng nỗ lực vượt qua”, chị Thu Thảo chia sẻ.

Cũng với ánh mắt thân thiện, những lời thăm hỏi động viên bệnh nhân và chạy như thoi đưa trên 20 phòng để dặn dò kỹ lưỡng từng đồng nghiệp trong việc thay dịch truyền, đo huyết áp, nhất là kiểm tra kỹ từng di biến động các chỉ số trên hệ thống trang thiết bị, máy móc trợ thở cho bệnh nhân tại 3 phòng hồi sức…, bác sĩ CKII Vũ Lệ Anh, Trưởng khu điều trị Covid-19 dã chiến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á, cho biết, sau gần 18 giờ tiếp nhận, số bệnh nhân lên tới 66 người. Trong đó, có 4 bệnh nhân thở máy, 2 bệnh nhân phải thở máy không xâm nhập HFNC và 33 bệnh nhân phải hỗ trợ thở oxy qua canula mũi…

“Ngay trong đêm qua, chúng tôi phải tập trung hết nguồn lực giỏi nhất để hồi sức cấp cứu một cụ ông bất ngờ trở nặng, hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Bệnh nhân này có bệnh lý nền tim mạch, tăng huyết áp, suy tim độ 3, 4, từng đặt máy tạo nhịp, bị rung nhĩ”, bác sĩ Vũ Lệ Anh kể. 

Theo bác sĩ Ngô Quốc Việt (Bệnh viện đa khoa Xuyên Á), bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng đa dạng, âm thầm và tiến triển qua các giai đoạn rất nhanh nên trong quá trình tiếp nhận, nhân viên y tế tập trung ngay ở khâu sàng lọc, phân tầng bệnh nhân vào các khu vực khác nhau để điều trị. Riêng khu vực hồi sức được bố trí ngay sát khu vực nhân viên y tế nội trú để theo dõi 24/7. Bệnh viện cũng lắp đặt hệ thống camera quan sát tình trạng bệnh nhân tại các phòng bệnh, chuẩn bị thêm giường cấp cứu, dự trù nhiều máy thở nhằm điều trị các bệnh nhân diễn biến nặng của bệnh.

“Chúng tôi luôn kiên trì nguyên tắc: Ổn định tâm lý người bệnh rồi mới trị bệnh. Tâm lý người bệnh có tốt, suy nghĩ tích cực thì việc chữa trị mới thuận lợi và đưa đến hiệu quả tốt nhất. Vì thế, tất cả y bác sĩ trong khu dã chiến đều được phổ biến kỹ năng tiếp xúc, an lòng người bệnh khi vừa được chuyển đến”, bác sĩ Quốc Việt bộc bạch.

“Sáng nay (ngày 8-8), khu dã chiến đã lấp đầy 125 giường. Cuộc họp trực tuyến ngay sau đó với ban tổng giám đốc bệnh viện được nhanh chóng quyết định: lấy tiếp toàn bộ khuôn viên của khu E (nơi tách rời với các khu khác) để cải tạo, chuyển đổi công năng thành nơi điều trị tầng 2 cho bệnh nhân với quy mô 200 giường. Ngay hôm nay, chúng tôi sắp xếp lại các khoa để cải tạo nhanh khu E vì người bệnh đang cần”, bác sĩ Nguyễn Phú Định, Giám đốc Chuyên môn hệ thống Bệnh viện đa khoa Xuyên Á, thông tin.

Có mặt ở điểm nóng

Từ đầu tháng 6, khi số ca mắc Covid-19 bắt đầu tăng cao tại TPHCM, chiến lược tầm soát cộng đồng đã được thành phố triển khai. Ngay lập tức, hệ thống y tế tư nhân được kích hoạt đến các vùng nguy cơ lấy mẫu cộng đồng. Và cũng như đội ngũ y bác sỹ thuộc hệ thống công lập, các đơn vị y tế tư nhân cũng được lệnh “tham chiến” lấy mẫu tầm soát.

Song song đó, chiến dịch tiêm chủng vaccine lần thứ 4 và thứ 5 cũng được TPHCM triển khai từ đầu tháng 7 nhằm đạt mục tiêu sớm tăng độ bao phủ vaccine trong cộng đồng, và y tế tư nhân cũng không nằm ngoài cuộc. Bên cạnh các đội tiêm chủng của bệnh viện công và trung tâm y tế quận huyện, mỗi ngày hàng trăm đội của các bệnh viện tư nhân có mặt khắp các điểm tiêm vaccine cho người dân thành phố. 

Ra quân với 10 đội tiêm chủng, trong hơn 1 tháng qua, đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Mỹ Đức đã có mặt ở nhiều nơi. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Mỹ Đức tiêm vaccine cho hơn 1.500 người, vừa ở các điểm tiêm cộng đồng, vừa tại bệnh viện; thậm chí có ngày hoàn thành hơn 3.600 mũi tiêm. Xa nhất và khó khăn nhất là việc tiêm chủng ở huyện đảo Cần Giờ.

“Dù việc tiêm chủng ở các địa bàn đặc thù như Cần Giờ gặp nhiều khó khăn khi mất nhiều thời gian di chuyển, chúng tôi phải dậy từ rất sớm và về nhà rất muộn nhưng tinh thần của anh em vẫn rất hăng hái. Chỉ mong sao ngày càng có nhiều người được tiêm vaccine để đại dịch sớm qua đi”, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Bệnh viện Mỹ Đức, chia sẻ. 

Cũng tham gia vào đội hình tiêm chủng vaccine từ rất sớm, các đội tiêm chủng của BV Thẩm mỹ JW Hàn Quốc đã có mặt trọn vẹn 2 chiến dịch tiêm chủng “thần tốc” của TPHCM. “Tình hình dịch hiện tại rất căng thẳng, mặc dù là bệnh viện nhỏ nhưng chúng tôi rất sẵn sàng, nếu được tạo điều kiện, chúng tôi có thể tiêm được 1.000 người chỉ trong 1 ngày”, TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc BV Thẩm mỹ JW Hàn Quốc, khẳng định. 

BS Tú Dung kể lại: Công việc tiêm vaccine với cường độ cao tuy rất vất vả nhưng mỗi tối, khi các bạn hoàn thành nhiệm vụ trở về, tôi đều hỏi: “Công việc tiêm vaccine hôm nay thế nào rồi em? Có cần người khác thay phiên để nghỉ ngơi dưỡng sức không? Có lo lắng khi tình hình dịch ngày càng căng thẳng không?”.

Đáp lại là những lời khẳng định chắc nịch: “Tụi em không sợ gì cả. Vì một cộng đồng an toàn, ở đâu gọi thì tụi em sẵn sàng tới” của các bạn trẻ. Thương nhất là trong đợt này có nhiều bạn rời xa gia đình, đến bệnh viện ở lại vài tuần cho tiện tham gia chiến dịch tiêm vaccine và tránh nguy cơ lây cho gia đình. Có bạn đã hơn cả tháng rồi không được về thăm nhà, có bạn phải gửi con nhỏ cho gia đình để cùng ra tiền tuyến với đồng nghiệp. 

Theo Sở Y tế TPHCM, hiện có hơn 60 bệnh viện tư nhân và 200 phòng khám tư nhân đã cử bác sĩ, điều dưỡng tham gia lực lượng chống dịch, nhất là trong việc tham gia chiến dịch tiêm vaccine cho cộng đồng. Dù không công tác trong hệ thống y tế công lập nhưng họ luôn ý thức về trách nhiệm của mình với cộng đồng. Và họ sẵn sàng rời bỏ những cơ sở y tế tư nhân khang trang, sạch đẹp thường ngày, khoác lên mình những bộ đồ bảo hộ nóng bức xông lên tuyến đầu với mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân (Sài Gòn giải phóng, trang 6).

 

Đêm trắng ở tuyến đầu khốc liệt: Giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19

Khi số lượng ca mắc COVID-19 ở TPHCM tăng cao cũng là lúc các bệnh viện quá tải, nhân viên y tế dần kiệt sức sau thời gian dài giành giật sự sống cho bệnh nhân nặng. Phóng viên Tiền Phong đã có mặt tại các điểm nóng điều trị COVID-19 từ khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến đến trung tâm hồi sức để ghi nhận những nỗ lực không biết mệt mỏi của các chiến binh áo trắng.

Ròng rã gần 3 tháng qua, Khu hồi sức bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Chợ Rẫy là tuyến đầu khốc liệt khi các bác sĩ, điều dưỡng phải cố hết sức để giúp người bệnh thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Ám ảnh

Một đêm đầu tháng 8, chúng tôi theo chân các điều dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy vào Khu hồi sức bệnh nhân COVID-19. Dù từng đến nhiều điểm nóng như Bệnh viện Dã chiến, Bệnh viện Hồi sức COVID-19, nhưng chúng tôi vẫn có cảm giác ngộp thở, ám ảnh bởi hàng trăm giường bệnh nằm san sát nhau, bởi âm thanh của cả trăm chiếc máy thở hòa lẫn mùi thuốc, mùi hóa chất khử khuẩn và tiếng vỗ lưng trợ thở cho bệnh nhân.

Dáng mảnh khảnh, khoác bộ đồ bảo hộ y tế đã gần 3 tiếng, điều dưỡng Trương Thị Kim Dung, khoa Ngoại Thần Kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, lọt thỏm giữa hàng chục giường bệnh với những chiếc máy thở, ống truyền và bệnh nhân đang nằm thoi thóp. Cẩn thận theo dõi từng thông số trên máy thở, chỉnh từng bình truyền, bơm từng lọ thuốc cho bệnh nhân đang nằm bất động, từng hơi thở mệt nhọc hiện lên trên bụng theo nhịp của chiếc máy thở. Cứ thế, xong người này đến người khác, chỉ cần nghe tiếng máy trợ thở kêu khác thường, chị lại vội chạy đến kiểm tra, liên lạc với bác sĩ trưởng ca trực để trao đổi, xin y lệnh.

Chị cẩn thận ghi chú lên bình thuốc chuẩn bị truyền cho bệnh nhân, chỉnh lại tấm chăn mỏng che bớt những nơi nhạy cảm của người bệnh. Chị cho hay, biến chủng Delta khiến bệnh nhân diễn biến xấu quá nhanh, đôi khi đang bình thường nhưng quay đi quay lại đã suy hô hấp rồi qua đời ngay trước mắt. “Ca trực kéo dài 10 tiếng xuyên đêm, áp lực kinh hoàng lắm. Mình chỉ sơ sẩy một chút thôi là nguy cơ lây nhiễm cực cao. Có những bệnh nhân có thể đang tỉnh táo nhưng diễn biến nặng lên rồi không thở được, tử vong lúc nào không hay”, chị Dung nói.

Chị Dung được điều động tăng cường cho khoa Bệnh Nhiệt đới để chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng gần 3 tháng qua. Cũng chừng ấy thời gian chị phải sống xa gia đình, xa chồng và hai con nhỏ; chồng chị cũng là bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Xác định cuộc chiến chống COVID-19 kéo dài, vợ chồng chị gửi hai con nhỏ về quê cho ông bà trông từ giữa tháng 5. Nhắc đến chồng, đến con nhỏ, đôi mắt chị bỗng đỏ hoe. “Em gần 3 tháng rồi chưa gặp các con. Mỗi khi có chút thời gian rảnh lại gọi điện về hỏi thăm, động viên, nói ba mẹ trên này khỏe, tụi con ráng nghe lời ông bà rồi sau này hết dịch mẹ về mẹ thăm, mẹ rước lên”, chị nấc nghẹn.

Gần 3 tháng trực chiến, hằng ngày đối diện hàng trăm bệnh nhân đang nằm thoi thóp, dù cố gắng đến đâu thì cũng không thể cứu chữa được tất cả. Đã không ít lần chị Dung chứng kiến bệnh nhân xấu số ra đi ngay trước mắt. Hơn chục năm trong nghề, từng trải qua nhiều đợt dịch bệnh nhưng chị chưa bao giờ gặp đợt dịch nào khủng khiếp như hiện nay. Có những hôm mệt lả sau ca trực, ngồi chợp mắt trong phòng nghỉ nhưng chị Dung vẫn ám ảnh bởi tiếng thở hổn hển của bệnh nhân. “Còn gia đình, còn công việc, còn rất nhiều thứ. Con cái, gia đình, cha mẹ già ở nhà mà dịch bệnh như vậy không biết đến khi nào mới được về. Ở đây tụi em ráng làm, ráng chăm sóc các bệnh nhân, mong ngoài cộng đồng hết dịch bệnh, ở trong này bệnh nhân cũng mau khỏe để về với gia đình”, chị nói.

Phép màu

Gần 12 giờ đêm, khi các điều dưỡng vẫn đang lặng lẽ chăm sóc, thăm nom bệnh nhân, tiếng chuông cửa lại vang lên, một bệnh nhân nặng vừa được chuyển từ khoa Cấp cứu đến. Các bác sĩ, điều dưỡng lại cấp tập sắp xếp giường bệnh, lắp đặt ống thở, chuẩn bị thuốc men, giúp bệnh nhân hô hấp.

Công việc nối tiếp công việc, các điều dưỡng, bác sĩ, hộ lý không có thời gian nghỉ ngơi. Sự mệt mỏi hiện trên từng khuôn mặt, nhưng không ai chùn bước; họ hỗ trợ, quán xuyến công việc cho nhau một cách trọn vẹn, để không bệnh nhân nào thiếu sự chăm sóc.

Từng nhập viện trong tình trạng mắc COVID-19 nặng, 6 lần bất tỉnh, diễn viên đóng thế Lữ Đắc Long được các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy giành lấy từ lưỡi hái tử thần. Sau hơn 20 ngày điều trị, anh đã hồi phục và có thể xuất viện. “Đây là một phép màu, phép màu này là từ các bác sĩ, một đội ngũ hùng hậu đã giành giật cho mình từng phút, từng giây, từng hơi thở. Nếu mình nhớ không lầm thì mình 6 lần bất tỉnh trên giường chỉ vì thiếu hơi thở. Nếu không có bác sĩ thì coi như là phép màu không đến với mình”, anh Long chia sẻ.

Anh Long cùng vợ và hai con được phát hiện mắc COVID-19 từ hôm 20/6, đến ngày 13/7, anh trở nặng và được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Sau khi hồi phục, ngồi trên giường bệnh nhìn các điều dưỡng, bác sĩ tất bật chăm sóc bệnh nhân, anh tự hứa sau khi xuất viện sẽ trở lại làm một điều gì đó thật đặc biệt để tri ân các thầy thuốc. “Hầu như 24/24 giờ, mình không thấy bác sĩ ăn, không thấy bác sĩ ngồi nghỉ mệt. Nhất là về đêm, khi mà bệnh nhân được chuyển đến, hầu như bác sĩ chạy chứ không phải đi”, anh Long nói (Tiền phong, trang 8).

 

Hư cấu chuyện bác sĩ rút ống thở của mẹ cứu sản phụ

Ngày 8/8, Sở Y tế TPHCM khẳng định, thông tin lan truyền trên mạng về “bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ mắc COVID-19 để cứu sản phụ sắp sinh” là hư cấu. Sở này cũng cho biết, đang phối hợp với Công an TPHCM để làm rõ nguồn gốc bài đăng này để xử lý theo quy định của pháp luật. Bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, qua rà soát tại nhiều bệnh viện có khoa sản tại TPHCM đều khẳng định không có ca mổ cho sản phụ song thai nào diễn ra trong ngày 7/8 cũng như không có “bác sĩ Khoa” nào rút ống thở của mẹ để cứu sản phụ như thông tin lan truyền trên mạng. Trước đó, từ tối 7/8 đến sáng 8/8, mạng xã hội lan truyền chóng mặt thông tin một vị “bác sĩ tên Khoa” được cho đã rút ống thở khi mẹ mắc COVID-19 diễn tiến nặng để cứu một sản phụ chuẩn bị sinh, gây xôn xao dư luận. Theo thông tin trên mạng xã hội và từ facebook của bác sĩ tên Khoa thì bác sĩ này đang chăm sóc bố và mẹ cùng một sản phụ mắc COVID-19 nặng, đang chuẩn bị sinh đôi. Thông tin cho biết, ba mẹ của “bác sĩ Khoa” cũng làm trong ngành y tế đã về hưu nhưng tham gia đi phát thuốc và không may mắc COVID-19 rồi trở nặng, được đưa vào nơi anh điều trị.

Tuy nhiên, theo chia sẻ từ những đồng nghiệp của “bác sĩ Khoa” và mạng xã hội thì vị bác sĩ này đã quyết định rút ống thở của mẹ để nhường lại sự sống cho sản phụ và thực hiện cuộc mổ bắt con thành công. Trên các facebook ngập tràn hình ảnh bác sĩ thực hiện ca mổ thành công, hai con trai của sản phụ khỏe mạnh. “Đồng nghiệp nói bác sĩ Khoa đừng rút ống thở, còn nước còn tát nhưng Khoa dứt khoát rút ống thở của mẹ để cứu người sản phụ và hai con”- nhiều facebook thông tin.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 8/8 về hình ảnh bác sĩ mổ bắt con được cho là của “bác sĩ Khoa” trên mạng xã hội, bác sĩ Cao Hữu Thịnh từng công tác tại BV Từ Dũ, khẳng định đó là hình ảnh của ông mổ cho một sản phụ vào ngày 21/7 và một tấm hình mổ cho sản phụ vào ngày 1/4. “Tôi không hiểu sao hình trên facebook cá nhân của mình lại bị lấy để gán ghép cho những thông tin sai sự thật là “bác sĩ Khoa” nào đó rút ống thở để cho sản phụ thở và giúp bác sĩ mổ bắt con thành công. Đây là thông tin bịa đặt vô đạo đức”- bác sĩ Thịnh nói.

TS-BSCKII Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, việc rút ống thở của người đang điều trị không chỉ liên quan đến những quy định pháp luật mà còn liên quan đến tính nhân đạo. Theo bác sĩ Thức, bác sĩ là một nghề cao quý, công việc của họ mỗi ngày là chữa bệnh, cứu người. Đây là một nghề nghiệp được quy định rất khắt khe về quyền và nghĩa vụ với hàng tá các quy định pháp luật, hơn nữa mỗi một sinh viên trường y trước khi tốt nghiệp còn phải tuyên thệ Lời thề Hippocrates. Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TPHCM cho biết, Hiến pháp Việt Nam chỉ mới thừa nhận công dân có quyền được sống, quyền được hiến mô, hiến tạng... còn quyền được chết thì chưa có cơ sở để thừa nhận. Do đó, cũng không có một bộ luật nào quy định về quyền được chết cả. Suy ra, hành động rút ống thở để chấm dứt sự sống của một người là hành vi trái pháp luật. “Chính vì pháp luật không có cơ chế để thực hiện quyền an tử nên người nào thực hiện hành vi này có thể sẽ bị truy cứu tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015”- luật sư Chánh nói (Tiền phong, trang 8).

 

Bình Dương xin chi viện để 'hạ nhiệt' dịch bệnh

Do số ca mắc COVID-19 và tử vong tăng cao, Bình Dương đã đề nghị Bộ Y tế chi viện nhân lực, trang thiết bị để “hạ nhiệt” dịch bệnh tại địa phương này.

“Cầu cứu”

Bình Dương tiếp tục là “điểm nóng” dịch COVID-19 của cả nước khi số ca mắc và tử vong tăng trong những ngày qua. Tính đến nay, địa phương này ghi nhận 25.244 ca mắc COVID-19, trong đó có 516 người có diễn biến nặng và 175 người tử vong. Địa phương này thành lập 20 khu điều trị bệnh nhân COVID-19 với 18.000 giường. Ngoài ra, địa phương cũng vừa đưa vào hoạt động 3 bệnh viện dã chiến quy mô hơn 10.000 giường. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhận định, dịch bệnh đang phức tạp, số ca mắc sẽ vượt quá 30.000 trong những ngày tới. “Tỉnh đang đối mặt tình trạng quá tải. Trên thực tế bệnh nhân có diễn biến nặng đến nguy kịch ngày càng tăng, tỉnh rất cần tiếp tục có sự chi viện của Bộ Y tế về bác sĩ và trang thiết bị”- ông Võ Văn Minh nói.

Để hạn chế bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vừa có công văn gửi Bộ Y tế hỗ trợ thành lập thêm Bệnh viện Hồi sức cấp cứu quy mô 500 giường đặt tại Trường ĐH Miền Đông. Cùng với đó, Bình Dương xin chi viện hơn 1.000 y, bác sĩ, kỹ thuật viên, đồng thời hỗ trợ trang thiết bị để phòng chống dịch. “Địa phương đang thiếu nhiều máy thở, máy oxy dòng cao, máy chụp X-quang và các trang bị bảo hộ như khẩu trang N95, quần áo bảo hộ cho nhân viên y tế. Chúng tôi đã lên phương án mua sắm thiết bị bằng ngân sách nhưng số tiền lên tới cả ngàn tỷ đồng nên cần thời gian, trước mắt rất cần sự chi viện và hỗ trợ của nhà hảo tâm”- TS. Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã ký văn bản hỏa tốc đề nghị Bộ Y tế xin tham gia chương trình tiêm thí điểm vắc- xin Nano Covax giai đoạn 3 với số lượng 200.000 liều. “Bình Dương xin hỗ trợ thí điểm tiêm vắc -xin Nano Covax trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh COVID-19. Số lượng này ưu tiên tiêm cho người lao động nhằm tránh đứt gãy chuỗi sản xuất”, ông Minh nói.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, tỉnh đang chủ trương triển khai chiến dịch tiêm vắc- xin cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trong tỉnh . Trong đó, “mỗi công nhân ít nhất được tiêm một mũi vắc- xin ngừa COVID-19”. Tuy nhiên, trong khi dân số tỉnh này trên 2,5 triệu người, lượng vắc- xin được Bộ Y tế phân bổ cho Bình Dương đến nay mới khoảng 500.000 liều.

Quyết tâm sớm trở về tình trạng bình thường mới

Mặc dù dịch bệnh ở Bình Dương “nóng” nhưng địa phương này đang dồn lực với quyết tâm hết tháng 8, toàn tỉnh trở về trạng thái bình thường mới. Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, Thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khẩn trương thiết lập “vùng xanh” và “vùng đỏ” để tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phù hợp với từng vùng, quyết tâm đến ngày 15/8 đưa “vùng xanh” trở lại hoạt động, đến ngày 30/8 đưa “vùng đỏ” và toàn bộ tỉnh Bình Dương về trạng thái hoạt động bình thường trong điều kiện mới.

Ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương được giao làm Tổ trưởng Tổ đặc biệt chỉ đạo “vùng đỏ”. Trong khi đó, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương làm Tổ trưởng Tổ đặc biệt chỉ đạo “vùng xanh”. Hai Tổ trưởng Tổ đặc biệt có toàn quyền quyết định trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp để sớm dập dịch, cắt dịch đạt được mục tiêu đã đề ra.

Để sớm đẩy lùi dịch bệnh, những ngày qua, Bình Dương đã dồn lực triển khai xét nghiệm toàn dân để loại hoàn toàn F0 ra khỏi cộng đồng. Bên cạnh đó, tỉnh này đã siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần “ai ở đâu, ở yên đấy”. “Song song với việc loại F0 ra khỏi cộng đồng, triển khai tiêm vắc- xin phòng ngừa cho người dân. Người lao động của doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” được ưu tiên tiêm vắc- xin, triển khai bằng cách xã hội hóa. Tỉnh tiếp tục đề xuất với Trung ương cấp thêm nguồn vắc- xin, cho phép tỉnh chi ngân sách để mua lượng vắc- xin đủ để tiêm cho người dân Bình Dương sớm miễn dịch toàn dân”, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương nói (Tiền phong, trang 13).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang