Cảnh giác với virus cúm A (H7N9) độc lực cao
Ngày 2-11, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tháng 2-2013, tại Trung Quốc đã ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H7N9) đầu tiên ở người. Đến nay, tại Trung Quốc đã ghi nhận 1.622 trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người, trong đó có 619 trường hợp tử vong (tỷ lệ chết/mắc 38,2%). Số lượng người mắc thường tăng cao vào những tháng mùa đông - xuân do điều kiện thời tiết thuận lợi và nhu cầu tiêu thụ gia cầm tăng cao. Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT triển khai giám sát chặt chẽ ở người và gia cầm để phát hiện sớm sự xâm nhập của chủng virus cúm A(H7N9) vào nước ta; đồng thời triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống cúm A(H7N9), sẵn sàng đáp ứng kịp thời khi phát hiện chủng virus cúm A(H7N9) tại Việt Nam.
Đến nay, nước ta vẫn chưa phát hiện virus cúm A(H7N9) trên gia cầm cũng như ở người. Thời gian tới, 2 bộ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh cúm A(H7N9) và triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (An ninh Thủ đô, trang 2; Hà Nội mới, trang 3).
Những căn bệnh nguy hiểm có nguy cơ gây tử vong phổ biến nhất
Đối với phụ nữ trung niên, bệnh ung thư và bệnh tim đứng đầu trong danh sách các nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). Theo số liệu cho thấy phụ thuộc vào tuổi của phụ nữ, hai bệnh này chiếm từ 30 đến 55% tổng số ca tử vong. Ngoài bệnh tim và ung thư, 5 bệnh dưới đây cũng có nguy cơ gây tử vong cao nhất.
Bệnh gan mãn tính
Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), gan chịu trách nhiệm về một số chức năng sinh học quan trọng, thải chất độc để giúp cơ thể hấp thụ các vitamin, chất dinh dưỡng và năng lượng từ thực phẩm bạn ăn. Bệnh gan mạn tính - còn được gọi là xơ gan - là sự suy giảm dần dần chức năng gan. Các triệu chứng bao gồm cảm thấy yếu ớt hoặc mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, và đầy hơi. Bệnh gan mãn tính gây ra do virus như viêm gan, thói quen uống nhiều rượu, nhiễm trùng và một số bệnh khác. Để bảo vệ cơ thể, bạn nên kiểm soát cân nặng, ăn uống lành mạnh, tập thể dục, và hạn chế uống rượu.
Bệnh đường hô hấp dưới
Bệnh đường hô hấp mãn tính thường gọi là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh bao gồm một số vấn đề sức khỏe liên quan tới phổi, bao gồm khí phế thũng và viêm phế quản. Gần 5% số người trưởng thành ở Mỹ đã được chẩn đoán là mắc bệnh phổi, số liệu thống kê của CDC cho thấy.
Yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với COPD là hút thuốc lá. Hút thuốc có thể gây ra hoặc làm trầm trọng hơn tất cả những triệu chứng COPD. Những dấu hiệu của bệnh phổi thường không rõ ràng, do đó đây là lý do bệnh thường không được chẩn đoán cho đến giai đoạn muộn.
Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường gây ra do khả năng không kiểm soát lượng đường trong máu của cơ thể, theo thời gian, tình trạng này có thể dẫn đến bệnh tim, tổn thương thần kinh, bệnh thận hoặc các vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác.
Bệnh tiểu đường có hai dạng: tuýp 1 và tuýp 2. Chỉ có 5% bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 1, là một bệnh tự miễn dịch phá hủy khả năng sản xuất insulin của cơ thể. Bệnh tiểu đường tuýp 2 - 95% người mắc phải khi cơ thể không còn có thể sử dụng insulin tuyến tụy nữa. Theo NIH, gần 10% người Mỹ mắc bệnh tiểu đường. Thậm chí, khoảng 1 trong 4 người mắc bệnh nhưng không biết. Hiệp hội Bệnh Tiểu đường Hoa Kỳ cho biết những triệu chứng của bệnh tiểu đường sớm bao gồm đi tiểu nhiều lần, khát nước, mệt mỏi quá mức, các vấn đề về thị giác và cảm thấy đói ngay cả khi bạn ăn nhiều.
Các chuyên gia cho biết, trong khi bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể là do sự kết hợp của các gene và một số tác nhân kích hoạt thì tiểu đường tuýp 2 có thể ngăn ngừa bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh và duy trì cân nặng khỏe mạnh có thể làm giảm nguy cơ.
Bệnh cúm
Là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài. Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy) đặc biệt ở trẻ em. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.
Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, cúm cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng phổi gọi là viêm phổi, có thể gây tử vong nếu bạn có một hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Cách tốt nhất để ngăn ngừa cúm là tiêm vaccine phòng cúm hàng năm. Những người mắc bệnh viêm phổi và người cao tuổi nên tiêm phòng để phòng ngừa bệnh.
Nhiễm trùng máu
Nhiễm khuẩn huyết hay còn gọi nhiễm trùng máu là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến tính mạng, nhưng rất khó chẩn đoán. Theo NIH, nhiễm trùng máu thường bắt đầu như một bệnh nhiễm trùng ở một phần khác của cơ thể như phổi, đường niệu, da, hoặc thận. Nhiễm trùng lan ra trong máu dẫn tới cục máu đông.
Những người có hệ thống miễn dịch yếu hoặc các vấn đề sức khỏe có nguy cơ cao nhất. Những triệu chứng nghiêm trọng: cơn sốt đột ngột, ớn lạnh, thở nhanh, và nhịp tim tăng. Các triệu chứng này cũng liên quan đến cảm lạnh khiến bệnh khó phát hiện sớm (An ninh Thủ đô, trang 15).
Bác sĩ bị đòi 350 triệu tiền chuyển giao công nghệ
Công ty nói bác sĩ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nên phải thanh toán tiền chuyển giao công nghệ. Ngày 1/11, Tòa Lao động TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm vụ Công ty CP GSH Việt Nam (chuyên về chăm sóc sắc đẹp, gọi tắt là công ty) yêu cầu ông Danh Thanh Liêm (bác sĩ) thanh toán 350 triệu đồng.
Trước đó, TAND quận Bình Tân xử sơ thẩm đã tuyên ông Danh thua kiện, phải trả tiền cho công ty vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái pháp luật.
Yêu cầu trả tiền chuyển giao công nghệ
Theo đơn khởi kiện của công ty, ngày 9/2/2015, công ty và ông Liêm ký HĐLĐ, hợp đồng chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề và thỏa thuận bảo mật thông tin. Ngoài ra, ông Liêm còn ký văn bản thỏa thuận làm việc đảm nhận vị trí bác sĩ tư vấn và chăm sóc chuyên sâu các vấn đề về da mặt… tại các chi nhánh của công ty ở TP.HCM.
HĐLĐ nói trên giữa hai bên có thời hạn ba năm. Ông Liêm cam kết về thời gian làm việc tại công ty, cam kết không đơn phương chấm dứt hợp đồng sau khi đã được cử đi học các khóa đào tạo từ nguồn kinh phí của công ty. Sau đó, ông Liêm đã được công ty đưa đi học các khóa đào tạo tại Singapore trong hai đợt, mỗi đợt bốn ngày.
Ngày 9/9/2016, ông Liêm gửi đơn xin nghỉ việc bằng thư điện tử cho công ty với lý do: “Cá nhân gặp khó khăn và cần nơi làm việc để có thâm niên công tác, xin giấy phép hành nghề”.
Ngay sau đó, công ty có thông báo mời ông Liêm họp xem xét lý do xin nghỉ việc nhưng ông Liêm không đến. Công ty đã có phản hồi không chấp thuận đơn xin nghỉ việc nhưng đến ngày 3/10/2016, ông Liêm vẫn tự ý thôi việc.
Vì vậy, công ty khởi kiện yêu cầu TAND quận Bình Tân (nơi ông Liêm sinh sống) buộc ông Liêm phải thanh toán số tiền chuyển giao công nghệ là 350 triệu đồng do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.
Trong khi đó, làm việc với tòa, ông Liêm trình bày trong giai đoạn ông làm việc tại công ty, thực chất ông không hề được cử đi Singapore đào tạo như công ty đã trình bày.
Trong thời gian làm việc, để tăng liệu trình điều trị và tăng doanh thu, công ty triển khai thêm các liệu trình để phục vụ khách hàng và sử dụng chuyên môn, kiến thức của bác sĩ rồi đưa sang Singapore du lịch mang danh nghĩa đào tạo để làm marketing. Việc chuyển giao công nghệ như công ty trình bày chỉ là một buổi hướng dẫn sử dụng và vận hành máy.
Từ đó, ông Liêm cho rằng việc công ty đòi ông bồi thường 350 triệu đồng là không hợp lý. Cũng theo ông Liêm, do môi trường làm việc không đủ ôxy khiến ông bị bệnh, mặt khác ông đang nuôi con nhỏ nên không có khả năng bồi thường số tiền lớn như thế theo yêu cầu của công ty. Ông chỉ đồng ý bồi thường 50 triệu đồng vì lý do danh dự.
Ngoài ra, ông Liêm còn đề nghị tòa xem xét tính pháp lý của HĐLĐ và hợp đồng chuyển giao công nghệ vì người ký hợp đồng chỉ là giám đốc điều hành công ty…
Không thuộc trường hợp được đơn phương chấm dứt HĐLĐ?
Tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 7 của TAND quận Bình Tân, đại diện VKS nhận định trường hợp của ông Liêm không thuộc một trong các trường hợp người lao động được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn theo quy định tại Điều 37 BLLĐ nên đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu của công ty.
HĐXX nhận định theo hợp đồng chuyển giao công nghệ, công ty sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ là “bí quyết, kỹ thuật thẩm mỹ da bằng thiết bị laser và ánh sáng” của công ty cho người nhận chuyển giao, thời gian từ ngày 9/2/2015 đến hết ngày 8/3/2015. Phía công ty thừa nhận do không sắp xếp được lịch nên không tiến hành đào tạo đúng thời gian quy định của hợp đồng.
Tuy nhiên, công ty đã sắp xếp đưa ông Liêm đi đào tạo tại Singapore trong hai đợt như trên. Dựa vào lịch đào tạo công ty cung cấp và sự thừa nhận của các đương sự về việc cấp chứng chỉ đào tạo cho ông Liêm thì HĐXX xét thấy lời khai của phía công ty là phù hợp.
Cạnh đó, hợp đồng chuyển giao công nghệ quy định người nhận chuyển giao đơn phương nghỉ trước thời hạn sẽ thanh toán giá chuyển giao công nghệ là 350 triệu đồng. Từ đó, HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu của công ty, buộc ông Liêm phải thanh toán cho công ty 350 triệu đồng.
Sau đó, ông Liêm kháng cáo toàn bộ bản án. Tại phiên xử phúc thẩm của Tòa Lao động TAND TP.HCM hôm qua, ông cho biết ông không được bố trí đúng công việc đã thỏa thuận. Cụ thể, theo HĐLĐ, ông được tuyển vào vị trí bác sĩ thực tập nhưng lại được bố trí với vai trò chính là bác sĩ điều trị…
Ông Liêm cũng cho rằng việc đưa bác sĩ từ Việt Nam sang Singapore đào tạo phải được Bộ Nhân lực và Bộ Y tế Singapore cấp phép vì lý do thực hành y khoa trên người. Công ty không đăng ký cho ông Liêm được phép thực tập tại Singapore nên việc chuyển giao công nghệ không thể diễn ra do ông không được phép thực hiện thủ thuật y khoa trên người.
HĐXX đã động viên hai bên hòa giải. Phía công ty cho biết sẽ giảm số tiền yêu cầu thanh toán xuống còn 300 triệu đồng nhưng ông Liêm không đồng ý.
Sau một buổi xét xử, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên tòa để yêu cầu công ty bổ sung một số tài liệu trong vòng bảy ngày.
• Đại diện công ty: “Công ty rất thiện chí, luôn tôn trọng bác sĩ và mong muốn hai bên hòa giải. Điều này thể hiện qua việc trong suốt phiên tòa, công ty đã rất cẩn trọng và luôn dùng từ “yêu cầu hoàn lại” thay vì “đòi bồi thường” chi phí chuyển giao công nghệ. Công ty cũng chấp nhận giảm số tiền yêu cầu xuống”...
• Ông Danh Thanh Liêm: “Khi đặt bút ký các HĐLĐ, hợp đồng chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề và văn bản thỏa thuận làm việc với công ty, bản thân tôi đã có sơ suất là không đọc kỹ các điều khoản của hợp đồng. Tranh chấp với công ty là một bài học lớn đối với tôi và sẽ theo tôi suốt cuộc đời này” (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 7).
Cập nhật dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường
Chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng giúp bệnh nhân bị tiểu đường luôn bình ổn lượng đường huyết. Ngày 28-10 tại Hà Nội, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) phối hợp với Hội Nội tiết đái tháo đường (ĐTĐ) tổ chức hội nghị khoa học với chủ đề “Cập nhật điều trị và dinh dưỡng cho bệnh nhân ĐTĐ”. Hoạt động diễn ra nhân ngày Đái tháo đường thế giới 14-11 nhằm cập nhật cho các nhân viên y tế kiến thức về điều trị và dinh dưỡng cho bệnh nhân ĐTĐ. Chương trình có sự tham dự của GS.TS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết ĐTĐ Việt Nam cùng hơn 100 bác sĩ, nhân viên y tế ở các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội.
Ngăn ngừa biến chứng
Theo GS.TS Thái Hồng Quang, tính đến cuối năm 2016, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ người mắc bệnh ĐTĐ tăng rất nhanh, chiếm gần 5% dân số. Trong đó, lối sống thiếu khoa học, lười vận động, chế độ dinh dưỡng không hợp lý là nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ người bệnh ĐTĐ típ 2 gia tăng nhanh chóng. Nếu không kiểm soát đường huyết tốt, bệnh dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tim mạch, thận, mắt, thần kinh, nhiễm trùng…
Tại hội nghị, PGS.TS.BS Vũ Bích Nga, Tổng thư ký Hội Nội tiết ĐTĐ, Viện trưởng Viện ĐTĐ và Rối loạn chuyển hóa đã cập nhật các xu hướng mới trong điều trị ĐTĐ cho bệnh nhân. Việc tuân thủ liệu trình điều trị bằng thuốc là cực kỳ quan trọng, giúp người bệnh kiểm soát glucose máu, tăng tiết insulin, tăng sức đề kháng… Từ đó, giảm rủi ro xảy ra biến chứng cấp và mãn tính. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò hết sức quan trọng giúp bệnh nhân bình ổn lượng đường huyết. Nếu phát hiện bệnh sớm ở giai đoạn tiền lâm sàng thì chỉ cần phối hợp chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực hợp lý, bệnh nhân có thể không cần sử dụng đến liệu pháp điều trị bằng thuốc.
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Chò, nguyên Chủ nhiệm bộ môn dinh dưỡng Bệnh viện 103, Học viện Quân y, chia sẻ các nguyên tắc điều trị bằng dinh dưỡng cho bệnh nhân ĐTĐ như cân bằng “đạm – béo - đường” để cân đối tổng lượng calo hàng ngày theo nhu cầu cơ thể; nên chia nhỏ bữa ăn (5-6 bữa/ngày), đặc biệt cần lựa chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.
Phát triển sản phẩm chuyên biệt
ĐTĐ là căn bệnh nguy hiểm nhưng nếu có kiến thức cùng việc áp dụng chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt lành mạnh thì bệnh sẽ không đáng ngại. Với hơn 40 năm hình thành, phát triển cùng với các giải pháp dinh dưỡng mang tính đột phá, Vinamilk không ngừng nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chuyên biệt giúp ngăn ngừa, khắc phục các vấn đề sức khỏe của người cao tuổi.
Dịp này, BS Mai Thanh Việt, Giám đốc ngành hàng Sữa bột Vinamilk chia sẻ thông tin về Vinamilk Sure Diecerna, dinh dưỡng đặc chế cho bệnh nhân ĐTĐ. Sản phẩm được Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện kiểm nghiệm lâm sàng, có chỉ số đường huyết thấp GI = 27.6, giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả cho bệnh nhân ĐTĐ. Công thức sản phẩm được xây dựng theo khuyến nghị của Hội ĐTĐ Hoa Kỳ (ADA) với thành phần dinh dưỡng đáp ứng khuyến nghị dinh dưỡng quốc tế Codex, tuân thủ các tiêu chuẩn của châu Âu và Hoa Kỳ (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 7).
Bộ Y tế: Ngành y tế các địa phương khẩn cấp triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ
Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do thiên tai, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố trên theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, phát huy phương châm bốn tại chỗ, đối phó kịp thời những diễn biến bất thường của mưa lũ.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, ngày 2/11, Bộ Y tế đã có công điện khẩn số 1178/CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố: Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng; Các tỉnh/thành phố ven biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận và các tỉnh khu vực Tây Nguyên và các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và phía Nam đề nghị ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ
Công văn của Bộ Y tế cho biết, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đang di chuyển về vùng biển Nam Cà Mau, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Bến Tre đến Cà Mau và Kiên Giang, sức gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, kèm theo lốc xoáy, mưa lớn và nước biển dâng cao.
Tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên đã có mưa to, nguy cơ lũ lớn trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, gập lụt cục bộ ở vùng trũng. Đồng thời, một áp thấp nhiệt đới khác đang di chuyển vào biển Đông, có khả năng mạnh lên thành bão, dự báo sẽ đổ bộ vào nước ta, kết hợp không khí lạnh sẽ gây mưa, lũ lớn, nguy cơ gập lụt cục bộ tại các vùng trũng, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Trị đến Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên trong những ngày tới.
Các hình thế thời tiết nguy hiểm trên xảy ra trong thời gian chuẩn bị diễn ra sự kiện quốc tế đặc biệt quan trọng là Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng.
Do đó, để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do thiên tai, không để ảnh hưởng đến các hoạt động của Hội nghị cấp cao APEC, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố trên theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, phát huy phương châm bốn tại chỗ, đối phó kịp thời những diễn biến bất thường của mưa lũ.
Chỉ đạo cùng cấp, ban ngành kiểm tra rà soát để chủ động sơ tán khẩn các hộ dân ra các khu vực nguy hiểm nhất là những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống, lũ quét hoặc vùng thấp trũng dễ bị ngập sau khi mưa lớn để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhà nước, của nhân dân.
Đồng thời, Sở Y tế các tỉnh/thành phố chủ động sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân ảnh hưởng của mưa, bão gây ra. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh.
Khẩn trương triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, lên kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống và sạt lở đất.
Về phía các đơn vị trực thuộc Bộ, Bộ Y tế yêu cầu chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Quảng Nam: Nghi vấn không minh bạch tài chính, cán bộ khởi kiện TTYT
Trung tâm y tế (TTYT) huyện Tiên Phước, Quảng Nam được hình thành sau khi sáp nhập 2 đơn vị là TTYT dự phòng huyện và BVĐK huyện Tiên Phước.
Đơn vị thực hiện thu chi theo quy chế chi tiêu nội bộ ngay từ đầu năm. Kế toán của đơn vị có nhiệm vụ phải báo cáo công khai tài chính cho toàn bộ viên chức của đơn vị trước mỗi kỳ đại hội. Báo cáo tài chính phải hoàn thành trước ngày 15/2 của năm sau. Nhưng qua nhiều năm, việc báo cáo tài chính công khai chỉ được làm qua loa, hình thức, các con số thu chi không rõ ràng. Cho rằng đơn vị không minh bạch trong việc công khai tài chính, chi sai nhiều hạng mục... 12 cán bộ viên chức TTYT huyện Tiên Phước đã gửi đơn khiếu nại các ngành chức năng về sự việc trên.
“Tiền hậu bất nhất” trong báo cáo tài chính
Tháng 10/2016, kế toán trưởng của TTYT huyện Tiên Phước là bà Trương Thị Mỹ Ái nghỉ sinh nhưng không tiến hành bàn giao công việc kế toán trưởng cho bất kỳ kế toán viên nào. Ngày 6/1/2017, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Tiên Phước thông báo điều chỉnh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT năm 2014 và 2015 là 10.022.000.000 đồng, trong đó bà Ái đã nhận 641.014.059 đồng (tháng 4/2016) và 1.750.000.000 đồng (tháng 10/2016) nhưng đến thời điểm nghỉ sinh vẫn không bàn giao lại.
Đến tháng 12/2016, BHXH huyện chuyển trả tiếp 1,9 tỷ đồng do kế toán viên Nguyễn Thị Mai nhận. Số tiền 1,9 tỷ đồng này kế toán Mai đã báo cáo giám đốc và được chỉ đạo chi lương tăng thêm cho cán bộ theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP. Đến ngày 16/2/2017, kế toán Mai đã tham mưu giám đốc chi tiếp lương tăng thêm số tiền 2.391.014.059 đồng nhưng không được kho bạc huyện Tiên Phước giải quyết. Số tiền còn lại cho đến nay lãnh đạo đơn vị vẫn chưa có một trả lời thỏa đáng cho CBNV trung tâm. Qua các buổi giao ban từ ngày 16/2/2017 đến nay, các cán bộ của trung tâm liên tục có ý kiến về việc này nhưng lãnh đạo bệnh viện đã có những trả lời không thống nhất, giải trình mỗi lần khác nhau.
Ngày 3/5/2027, Công đoàn cơ sở TTYT đã có tờ trình gửi Ban Giám đốc TTYT huyện Tiên Phước yêu cầu tổ chức họp đối thoại với CBVC để công khai tài chính của đơn vị, giải thích một số hạng mục chi không đúng theo quy chế chi tiêu nội bộ; cách giải quyết số kinh phí bổ sung hơn 10 tỷ đồng của BHYT cuối năm 2016; một số sai phạm của kế toán trưởng.
Ngày 11/5/2017, Ban Giám đốc TTYT huyện Tiên Phước đã tổ chức cuộc họp lãnh đạo mở rộng. Tại cuộc họp này, do các thành viên không thống nhất với những giải trình thu chi của kế toán trưởng Trương Thị Mỹ Ái nên ngày 16/5/2017, Ban Giám đốc lại tổ chức họp với thành phần như cũ. Lần này, kế toán trưởng đã trình bày một báo cáo tài chính khác biệt rất nhiều so với các báo cáo trước, cụ thể: Số tiền nợ kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm chuyển trả cho năm 2013 là 2.772.384.127 đồng, số tiền chênh lệch được xác định là 792.969.653 đồng. Tương tự số tiền chênh lệch năm 2014 còn lại là 1.089.676.970 đồng (báo cáo lần đầu của bà Ái âm 1.127.085.054 đồng). Số tiền chênh lệch năm 2015 còn lại là 1.969.624.604 đồng. Số tiền chênh lệch năm 2016 còn lại là 4.373.166.478 đồng (báo cáo lần đầu là 3.964.328.907 đồng).
Đáng nói là, sau cuộc họp trên, kế toán trưởng đã gửi lên email công khai của đơn vị một báo cáo khác (Báo cáo tài chính lần III). Lần này số tiền chênh lệch các năm còn lại là: Năm 2014: 1.014.204.352 đồng (thay đổi); năm 2015: 1.922.588.287 đồng (thay đổi); năm 2016: 3.877.890.296 đồng (thay đổi). Trong đó có các mục chi trùng nhau rất nhiều. Chi sai nguồn theo quy chế chi tiêu nội bộ…
Kế toán dự sinh sai ngày, nên chưa kịp bàn giao?
Do việc báo cáo tài chính của kế toán Ái mỗi lần một khác về các con số, có nhiều dấu hiệu khuất tất về tài chính, nên đến nay đơn vị vẫn chưa đưa ra được một con số cuối cùng để tính lương thu nhập tăng thêm cho CBVC toàn đơn vị. “Chính việc không khớp giữa các con số trong mỗi lần báo cáo, cộng với việc thu chi không rõ ràng, nhiều khoản trùng lặp nên chúng tôi không thể biết được số tiền lương thu nhập tăng thêm của mình thực nhận được bao nhiêu. Chính vì vậy, chúng tôi có đơn kiến nghị các ngành chức năng làm rõ những thắc mắc đối với việc quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn thu chi... để công khai minh bạch về nguồn tài chính của đơn vị, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các nhân viên chúng tôi”- chị Trương Thị Mỹ Yến, cán bộ TTYT huyện Tiên Phước bức xúc.
Để làm rõ sự việc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hường - Giám đốc TTYT huyện Tiên Phước về các vấn đề liên quan. Theo ông Hường, về việc công khai tài chính của đơn vị, trong năm 2014-2015 đã có báo cáo về tài chính đầy đủ các nội dung báo cáo về tài chính. Trong đó, đã quy định về báo cáo nguồn ngân sách nhà nước và nguồn thu viện phí, các hoạt động dịch vụ, kinh phí đồng chi trả của người bệnh theo BHYT. Riêng trong năm 2016, Phòng tài vụ chưa thực hiện được do kế toán phụ trách (bà Trương Thị Mỹ Ái) nghỉ sinh chưa bàn giao cụ thể nên phải chờ cán bộ phụ trách kế toán đi làm việc trở lại mới có báo cáo tài chính 2016 đầy đủ. “Chắc là do kế toán Ái dự đoán sai ngày sinh nở của mình nên chưa kịp bàn giao công việc thì đã đi sinh rồi, nên chưa có văn bản bàn giao cụ thể”- ông Hường nói.
Về các kiến nghị của CBVC, ông Hường cho rằng, do bộ phận tài chính chưa tính được phần chênh lệch giữa các năm để xác định phần còn dư ra (lãi) để chia lương thu nhập tăng thêm cho cán bộ trung tâm. “Đối với các khoản chi bị trùng, tôi đã phát hiện và yêu cầu Phòng tài vụ tiếp tục rà soát, làm lại báo cáo chính thức. Những bản báo cáo vừa qua chỉ là để tham khảo” - ông Hường cho biết thêm.
Được biết, Thanh tra Sở y tế Quảng Nam đã thành lập đoàn để thanh, kiểm tra theo đơn khiếu nại của cán bộ của trung tâm. Đại diện Thanh tra Sở Y tế cho biết, hiện đoàn đang tập trung kiểm tra, rà soát số liệu của các năm, sau đó mới có thể kết luận được là có sai phạm hay không. Báo Sức khỏe&Đời sống sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Đào tạo bác sĩ gia đình ở Nghệ An
Chiều 1/11/2017, Bộ Y tế, Sở Y tế Nghệ An và huyện Nam Đàn tổ chức khai mạc lớp đào tạo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh các bệnh mãn tính theo nguyên lý y học gia đình tại Trung tâm y tế huyện.
Tham dự lễ khai mạc lớp học có PGS.TS Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Khám chữa Bệnh, TS Dương Đình Chỉnh, Quyền Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, đồng chí Bùi Đình Long, Bí thư huyện ủy cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Nam Đàn, các giảng viên là bác sĩ đầu ngành của nhiều bệnh viện tuyến Trung ương và Trường Đại học Y Hà Nội.
hực hiện Công văn 1343/KCB-CĐT ngày 19/9/2017 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế về việc hướng dẫn thực hiện mô hình bác sĩ gia đình, Nghệ An là một trong những tỉnh đầu tiên của tỉnh triển khai. Theo đó, ngày 3/10, Sở Y tế Nghệ An đã có công văn 2417/SYT-NVY chỉ đạo việc triển khai thực hiện mô hình bác sĩ gia đình tại huyện Nam Đàn.
Bắt đầu đi vào triển khai, Sở Y tế Nghệ An và huyện Nam Đàn đã đề nghị Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho phép được mở khóa đào tạo đầu tiên cho đội ngũ cán bộ là các bác sĩ đang công tác tại 24 xã, thị trấn huyện Nam Đàn và Trung tâm y tế huyện.
Khóa đào tạo đầu tiên này kéo dài 3 tháng, mở đầu với lớp đào tạo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh các bệnh mãn tính theo nguyên lý y học gia đình. Ngành y tế Nghệ An và huyện Nam Đàn mong muốn, qua lớp đào tạo này, các bác sĩ của Nam Đàn sẽ được cập nhật các kiến thức mới, đầy đủ hơn về quản lý sức khỏe cộng đồng mà trước hết là các bệnh liên quan về nội tiết, tim mạch (tăng huyết áp), Đông y và các bệnh thông thường của chuyên ngành Lão khoa.
Phát biểu khai mạc lớp đào tạo, PGS.TS Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế đã biểu dương, đánh giá cao quyết tâm của tỉnh Nghệ An trong việc nhanh chóng triển khai mô hình bác sĩ gia đình. PGS.TS Phạm Lê Tuấn khẳng định: Việc phát triển mô hình bác sĩ gia đình tại Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm tải bệnh viện tuyến trên, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng khám chữa bệnh BHYT tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh gần nhất và hiệu quả cao. Phát biểu tại lớp học, TS. BS Dương Đình Chỉnh – Quyền Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nêu rõ: Triển khai mô hình bác sĩ gia đình, ngành y tế Nghệ An sẽ đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực y học gia đình với việc cử các bác sĩ đa khoa tham gia các khóa học bồi dưỡng, định hướng chuyên khoa về y học gia đình. Đồng thời, ngành sẽ phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình theo lộ trình để bảo đảm đến năm 2020 có ít nhất 80% trạm y tế xã, thị trấn triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Trạm y tế xã, Trung tâm y tế huyện (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).
Cứu sống du khách Pháp bị tắc mạch vành, ngưng tim, ngưng thở
Các y bác sĩ của Bệnh viện T.Ư Huế vừa cứu sống một bệnh nhân là du khách người Pháp, bị tắc mạch vành, nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, tụt huyết áp. Sau khi được can thiệp cấp cứu, đặt stent và điều trị, hôm nay (2.11), Bernard Henneau, khách du lịch Pháp (71 tuổi), đã hoàn toàn bình phục và xuất viện trong niềm vui của người thân.
Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện T.Ư Huế vào sáng ngày 13.10 do có những cơn đau vùng bụng và ngực từ 2 giờ sáng.
Ban đầu, người thân và bạn bè trong đoàn du khách chỉ muốn đăng kí khám ngoại trú cho ông Bernard Henneau. Song, qua quan sát trực quan thấy những dấu hiệu đáng lo ngại, nhân viên tiếp đón của bệnh viện đã ngay lập tức hướng dẫn bệnh nhân nhập viện Khoa Hồi sức Cấp cứu (Thanh niên, trang 2; Tiền phong, trang 2).