Xử phạt nhà thuốc nào bán kháng sinh không có đơn
Dù đã có quy định xử phạt từ 200.000-500.000 đồng đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc, song đến nay hầu như chưa có trường hợp nào bị xử phạt. Nhằm phòng chống tình trạng kháng thuốc kháng sinh, ở nước ta đã có các quy định về việc nhà thuốc chỉ được bán thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ, thế nhưng dường như chẳng mấy nhà thuốc nào quan tâm.
Mua thuốc kháng sinh: Dễ như mua rau
Chúng tôi tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ bằng cách đóng vai người bệnh bị viêm đường hô hấp đi hỏi mua thuốc kháng sinh Amoxicillin 500mg (một loại thuốc kháng sinh được dùng phổ biến để điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp) tại 5 nhà thuốc ở đường Giải Phóng (đối diện cổng Bệnh viện Bạch Mai), không một nhà thuốc nào yêu cầu phải xuất trình đơn thuốc do bác sĩ kê.
Tại nhà thuốc L.T gần ngã 3 đường Giải Phóng - Lê Thanh Nghị, nhân viên nhà thuốc hỏi: “Anh cho xem đơn thuốc?”, đáp: “Tôi bị sốt, ho nhẹ thôi nên không muốn đi khám, mọi lần bị sốt tương tự đều mua thuốc này uống vài ngày là khỏi, phiền chị bán cho liều uống 3 ngày”, nhân viên nhà thuốc lập tức lấy thuốc bán cho, chỉ yêu cầu “anh phải mua uống tối thiểu 7 ngày, không sau này dễ nhờn thuốc”.
Tại nhà thuốc M. cách đó hơn chục số nhà, đặt vấn đề mua thuốc Amoxicillin 500mg vì có bác sĩ quen biết hướng dẫn uống thuốc đó tốt, nhân viên bán thuốc chỉ hỏi: “Anh mua dùng cho người lớn hay trẻ em?”, rồi lấy thuốc bán cho và dặn uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên sau ăn. Tương tự ở các nhà thuốc khác, tôi đều dễ dàng mua được loại thuốc kháng sinh này dù không có đơn của bác sĩ.
Hiện tại ở Việt Nam phần lớn kháng sinh được bán đều không có đơn, theo khảo sát gần đây của Bộ Y tế, tỷ lệ này ở thành thị là 88% và 91% ở nông thôn. Như vậy, bình quân cứ đi 10 nhà thuốc mới có… 1 nhà thuốc bán thuốc kháng sinh yêu cầu đơn của bác sĩ. Không ngạc nhiên với con số trên, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ, 2/3 số bệnh nhân khi vào viện đã mua, sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị trước đó.
Thậm chí có không ít người thấy bác sĩ chưa kê kháng sinh hoặc kê kháng sinh nội còn chủ động yêu cầu bác sĩ phải kê kháng sinh ngoại liều cao vì cho rằng uống kháng sinh để khỏi nhanh. Điều này cũng có nguyên nhân do ở các nhà thuốc tư nhân, người bán thuốc thường chủ động bán thuốc kháng sinh liều cao cho người dùng...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận: “Người dân nước ta hiện nay vẫn có thói quen dùng kháng sinh khá bừa bãi, hễ đau đầu, cảm cúm đều tự ra nhà thuốc mua thuốc về dùng, đặc biệt là kháng sinh”.
Chế tài xử phạt: Khó khả thi vẫn phải làm đến cùng
Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc, bán thuốc kê đơn.
Mục tiêu đề án phấn đấu đến năm 2020, 100% nhà thuốc bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc của bác sĩ, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, việc bán thuốc kháng sinh bừa bãi, không đúng bệnh sẽ để lại những hậu quả vô cùng nặng nề trong tương lai gần. Do đó, cùng với Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, sắp tới Bộ Y tế sẽ xử phạt thật nặng những nhà thuốc bán thuốc kháng sinh không có đơn.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát hiện và xử phạt kịp thời các nhà thuốc cố tình vi phạm, bởi số lượng nhà thuốc tư nhân rất lớn, thậm chí chỉ riêng một thành phố con số nhà thuốc đã lên tới hàng chục nghìn, trong khi thanh tra y tế, đặc biệt là thanh tra dược của mỗi địa phương chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thực tế thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản quy định về bán thuốc kê đơn, trong đó các hành vi bán lẻ thuốc mà không có đơn thuốc đã bị nghiêm cấm, nhưng việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán thuốc chưa nghiêm. Chúng ta cũng đã có quy định xử phạt cụ thể, hành vi bán lẻ loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000-500.000 đồng, thế nhưng đến nay hầu như chưa có nhà thuốc nào bị xử phạt…
Trước băn khoăn này, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết, tới đây Bộ Y tế sẽ bắt buộc các nhà thuốc phải quản lý thuốc, việc bán thuốc bằng công nghệ thông tin và có lưu đơn. Đối với các bác sĩ phải tuân thủ kê đơn thuốc điện tử và có lưu lại đơn để theo dõi việc sử dụng thuốc cho bệnh nhân. Bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh cho bệnh nhân nếu không cần dùng sẽ bị nêu tên, giảm lương, cắt thưởng…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thêm, các nhà thuốc cần ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị hệ thống camera, tiêu chuẩn nhà thuốc đạt GPP (thực hành nhà thuốc tốt), phải bán thuốc theo đơn. Cục Quản lý Dược sẽ tiến hành thí điểm việc giám sát bán thuốc theo đơn tại một số nơi, đặc biệt là các thành phố lớn. Bộ Y tế kỳ vọng, với việc ứng dụng công nghệ thông tin, bắt buộc lắp đặt camara tại các nhà thuốc, cơ quan quản lý sẽ biết đơn thuốc đó được kê ở bệnh viện nào, thuốc gì, nhà thuốc bán có theo đơn hay không để xử lý.
“Ước tính mỗi năm thế giới có khoảng 700.000 người tử vong liên quan kháng thuốc, dự báo năm 2050 con số này sẽ tăng nhiều hơn nữa. Tại Việt Nam, hầu hết cơ sở khám chữa bệnh đang phải đối mặt với sự lan rộng của vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng ở mức báo động. Nếu không muốn các loại kháng sinh không còn hiệu lực trong tương lai thì Việt Nam cũng như các nước cần phải có hành động mạnh mẽ”.
TS. Kidong Park (Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam)
“Bộ Y tế sẽ bắt buộc các nhà thuốc phải quản lý thuốc, việc bán thuốc bằng công nghệ thông tin và có lưu đơn. Đối với các bác sĩ phải tuân thủ kê đơn thuốc điện tử và có lưu lại đơn để theo dõi được việc sử dụng thuốc cho bệnh nhân. Bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh cho bệnh nhân nếu không cần dùng sẽ bị nêu tên, giảm lương, cắt thưởng…”.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê (Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế)
(An ninh Thủ đô, trang 6)
Trẻ đột nhiên biếng ăn có phải là bệnh?
Trên thực tế, mỗi đứa trẻ đều ít nhất một lần trải qua tình trạng đột nhiên biếng ăn. Và nếu không tìm cách khắc phục nhanh chóng, biếng ăn dễ trở thành mãn tính và khó khắc phục.
Theo TS. Nguyễn Hoàng, với nguyên nhân xuất phát từ bệnh lý thì các mẹ có thể dễ dàng nhận biết hơn, vì bệnh lý thường biểu hiện ra bên ngoài. Thế nhưng, với 2 nguyên nhân còn lại thì rất khó nhận ra. Thế nên, khi thấy trẻ tự nhiên biếng ăn, việc đầu tiên chúng ta cần làm là thay đổi thực đơn, đổi cho bé sang một món mới lạ miệng hơn.
Nếu đã làm vậy mà vẫn không cải thiện được tình trạng, bạn nên đưa trẻ đến thăm khám tại các bệnh viện chuyên khoa để có thể tìm ra chính xác nguyên nhân. Bạn cũng nên lưu ý rằng: không nên để tình trạng biếng ăn diễn ra quá lâu, bởi nó có thể khiến cơ thể trẻ quen dần với tình trạng dinh dưỡng nghèo nàn và ngày càng trở nên lười ăn hơn.
Biếng ăn không phải là bệnh
Nhiều người cho rằng, biếng ăn là bệnh, nhưng điều đó chưa thực sự chính xác. Về bản chất, biếng ăn là hệ quả của một căn bệnh nào đó. Chẳng hạn, nhiều bé do viêm họng, viêm amidan… mới dẫn tới đau họng, không muốn ăn; hoặc đường bị táo bón dẫn đến đầy bụng cũng không muốn ăn…
Những ngày sau khỏi bệnh, nếu bố mẹ không chú ý đến chế độ dinh dưỡng, bé rất dễ dẫn đến biếng ăn. Và nếu tình trạng này kéo dài, nó dễ trở thành mãn tính. Thế nên, nếu muốn chữa dứt điểm hiện tượng này, chúng ta cần phải tìm ra nguyên nhân chính xác. Chỉ có thể trị từ gốc thì mới có thể giúp trẻ thoát ra khỏi tình trạng này.
Ở những gia đình có trẻ biếng ăn, mỗi bữa đều là một “trận chiến”. Thế nên, có nhiều người thà phải nấu cơm, rửa bát, quét nhà… còn hơn là ngồi cho con ăn. Và nếu không muốn bị rơi vào cảnh này, ngay khi thấy con có hiện tượng biếng ăn, bạn cần để ý, theo dõi và nhanh chóng tìm cách khắc phục để có thể trị dứt điểm.
Nguyên nhân khiến trẻ chán ăn
Thực chất, những trường hợp bé tự nhiên chán ăn khá phổ biến. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng: mỗi đứa trẻ đều ít nhất một lần phải đối mặt với chứng biếng ăn. Bác sĩ nhi khoa người Mỹ Jennifer Shu khẳng định: “Bé đột ngột chán ăn thực phẩm từng yêu thích có thể làm cha mẹ bối rối. Tuy nhiên, chán ăn không có gì bất thường”. Bàn về vấn đề này, lương y, TS. Nguyễn Hoàng, nguyên giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội cho biết: “Nguyên nhân thứ nhất khiến trẻ biếng ăn là do bệnh lý, chẳng hạn như viêm amidan, đau họng..., nguyên nhân thứ hai có thể là do dịch vị kém, tiêu hóa kém, dẫn đến biếng ăn. Nguyên nhân thứ ba phổ biến hơn, là do bữa ăn của trẻ đơn điệu quá”.
“Nguyên nhân thứ nhất khiến trẻ biếng ăn là do bệnh lý, chẳng hạn như viêm amidan, đau họng..., nguyên nhân thứ hai có thể là do dịch vị kém, tiêu hóa kém, dẫn đến biếng ăn. Nguyên nhân thứ ba phổ biến hơn, là do bữa ăn của trẻ quá đơn điệu”.
Lương y, TS. Nguyễn Hoàng (Nguyên giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội)
(An ninh Thủ đô, trang 6)
Bệnh sốt xuất huyết tăng vọt, diễn biến bất thường ở ĐBSCL
Ngày 7.10, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh An Giang cho biết theo thống kê từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 3.924 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng 67% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó có 3 ca tử vong là trẻ em và hơn 150 ca trong tình trạng nặng. Điều đáng lo ngại là bệnh đang có chiều hướng tăng mạnh và diễn biến phức tạp.
Tại TP.Cần Thơ, Trung tâm y tế dự phòng thành phố cho biết bệnh SXH vẫn đang tăng mạnh, chưa có dấu hiệu chững lại. Thống kê cho thấy, trong 9 tháng năm 2017, tỷ lệ mắc SXH tại Cần Thơ tăng 66% so với cùng kỳ năm 2016, riêng tháng 9 tăng đến 101%. Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, tính đến tháng 9.2017, bệnh viện này tiếp nhận điều trị gần 2.500 ca SXH điều trị ngoại trú và gần 1.500 ca nội trú.
Tại Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay đã có trên 2.600 ca mắc SXH, trong đó 3 trường hợp tử vong gồm 2 trẻ em và 1 người lớn (Thanh niên, trang 3).
Xu hướng phẫu thuật ít xâm lấn trong chấn thương chỉnh hình
Sáng 7-10, tại Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phối hợp Hội chấn thương chỉnh hình (CTCH) Đông Nam Á (AOA) và Hội CTCH Việt Nam tổ chức Đại hội CTCH Đông Nam Á lần thứ 37 và Hội nghị khoa học thường niên Hội CTCH Việt Nam lần thứ 16. |
Hơn 1.000 đại biểu đến từ các nước trong khu vực, cũng như các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này đến từ nhiều nước trên thế giới đã tập trung thảo luận về các vẫn đề liên quan “Phẫu thuật ít xâm lấn trong CTCH”, một chủ đề mang tính thực tiễn và ứng dụng rất cao. Chính vì vậy, đây là cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu học hỏi giữa các phẫu thuật viên và điều dưỡng chuyên ngành CTCH áp dụng những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao chất lượng cứu chữa, nâng cao tỷ lệ cứu sống người bệnh, hơn hết là hạn chế hậu quả nặng nề các di chứng do chấn thương để lại. Các chuyên gia trong lĩnh vực này đều cho rằng phẫu thuật ít xâm lấn trong CTCH được xem là xu thế hiện nay của ngành CTCH trên thế giới vì có nhiều ưu điểm: Đường mổ – sẹo nhỏ hơn, ít mất máu, thời gian nằm viện ngắn, hồi phục nhanh, đau sau mổ ít hơn và ít biến chứng hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của các phẫu thuật này là phẫu thuật viên phải được đào tạo bài bản, chuyên sâu và cần đầu tư cơ sở vật chất lớn, trang thiết bị phức tạp, kỹ thuật tốn kém, đắt tiền, đây là một thách thức lớn đối với hầu hết các bệnh viện. Tại Việt Nam, lĩnh vực phẫu thuật CTCH trong những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn và chiếm được niềm tin yêu của người bệnh. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phẫu thuật, trong đó phẫu thuật ít xâm lấn và can thiệp chính xác đã thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận của các nhà lâm sàng trong khám và điều trị cho người bệnh, mở ra một hướng đi mới cho chuyên ngành chấn thương chỉnh hình của chúng ta với mục tiêu nâng cao chất lượng điều trị ngang tầm quốc tế với chi phí điều trị Việt Nam. GS,TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á triển khai ứng dụng robot trong phẫu thuật cột sống. Bệnh viện đã được các chuyên gia thế giới ghi nhận là trung tâm phẫu thuật cột sống ứng dụng định vị robot hỗ trợ chính xác Renaissance cho người bệnh đầu tiên và nhiều nhất Đông Nam Á. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là đơn vị thứ hai ở châu Á (sau Nhật Bản) thực hiện phẫu thuật cột sống bằng robot định vị chính xác Renaissance. Đến nay, hơn 600 ca bệnh được phẫu thuật cột sống bằng robot không bị xảy ra tai biến (Nhân dân, trang 5). |
Hội nghị khoa học tim mạch toàn quốc năm 2017
Trong 2 ngày 6-7/10, tại TP Thanh Hóa, Hội Tim mạch học Việt Nam tổ chức hội nghị khoa học tim mạch toàn quốc năm 2017 với chủ đề “Tiếp cận toàn diện trong chẩn đoán và điều trị suy tim”.
Hội nghị năm nay thu hút hơn 1.000 đại biểu là các giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ… tham dự, cập nhật nhiều vấn đề mới về những thành tựu và thách thức trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị suy tim với nhiều báo cáo của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước. Ngoài các phiên toàn thể nhằm thảo luận những vấn đề chính trong chẩn đoán và điều trị suy tim, trong khuôn khổ hội nghị còn có nhiều hội thảo chuyên đề, hội thảo vệ tinh, các diễn đàn, các phiên báo cáo nghiên cứu… Bên cạnh đó, Hội Tim mạch học Việt Nam còn tổ chức các khóa đào tạo liên tục có cấp chứng chỉ dành cho các bác sĩ và điều dưỡng.
Hội nghị khoa học tim mạch toàn quốc năm 2017 được tổ chức với mục đích thúc đẩy hơn nữa tinh thần giao lưu học hỏi và cập nhật những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực tim mạch. Phú Yên có 5 bác sĩ tham dự hội nghị này (Nhân dân, trang 5).