Phát biểu tại hội thảo TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam nhấn mạnh, đồ uống có đường không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 mà còn tăng tỷ lệ sâu răng, thừa cân, béo phì. Bên cạnh đó, đồ uống có đường có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và các tình trạng bệnh khác bao gồm ung thư.
WHO khuyến cáo việc tiêu thụ đường đồ uống có đường nên được giới hạn dưới mắc 10% tổng năng lượng, lý tưởng là dưới 5%, đó là khoảng 25 gram đường trung bình mỗi ngày cho một người trưởng thành.
Đồ uống có đường là đồ uống có chứa đường tự do, chúng có thể là nước ngọt có ga hoặc không ga, nước ép rau quả, hoặc dạng cô đặc hay dạng bột, nước có hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà uống liền , cà phê uống liền và sữa có thêm đường.
Tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh, đặc biệt ở những người trẻ tuổi. Ở các thành phố , cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15- 19 thì có hơn một người bị thừa cân béo phì.
Ở Việt Nam, trong 10 năm qua, người dân đã uống đồ uống có đường nhiều hơn. Trung bình, người Việt Nam tiêu thụ một lít đồ uống có đường mỗi tuần.
Theo TS.Angela Pratt, một biện pháp phổ biến để giảm tác hại từ đồ uống có đường là tăng giá của chúng bằng thuế. Tín hiệu giá- chi phí cao hơn- rất có tác dụng để giúp giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Hơn 100 quốc gia hiện đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm này.
Ngoài thuế, WHO cũng khuyến nghị đưa ra các biện pháp bao gồm ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước đồ uống, hạn chế quảng cáo, hạn chế đồ uống có đường trong trường học và giáo dục về dinh dưỡng lành mạnh.
Trọng Tiến