Nhằm chủ động ứng phó, phòng, chống dịch sốt xuất huyết lây lan trên địa bàn Thủ đô, Uỷ ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã có công văn số 4906/UBND-VX yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố với các nội dung cụ thể như sau: khẩn trương huy động nguồn lực, triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn; ban, ngành, đoàn thể, Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu địa phương phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy - loăng quăng; tăng cường giám sát, phát hiện ca bệnh sớm để kịp thời khoang vùng xử lý ổ dịch; tăng cường thông tin, truyền thông phòng chống sốt xuất huyết với các loại hình đa dạng, phong phú theo khuyến cáo của Bộ Y tế để người dân nhận thức đúng về dịch bệnh, chủ động phối hợp với ngành y tế phòng chống sốt xuất huyết cho gia đình và cộng đồng.
Về công tác phòng chống sốt xuất huyết 04 tháng cuối năm 2015, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu gia tăng tần suất giám sát phát hiện ca bệnh nghi sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế, phòng khám đa khoa, trạm y tế đã được phân cấp, đảm bảo tần suất 4 đến 5 lần mỗi tuần. Trung tâm Y tế quận, huyện, phường, xã bố trí nhân viên trực dịch hàng ngày tại các đơn vị để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo cho các đơn vị, các khoa, phòng có liên quan nhằm triển khai các biện pháp đáp ứng cần thiết. Khi phát hiện ca bệnh phải thông báo ngay cho Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội có nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm nhanh sốt xuất huyết cho các Trung tâm Y tế quận, huyện, phường, xã, đảm bảo 100% các đơn vị có thể thực hiện chẩn đoán nhanh dịch bệnh sốt xuất huyết. Các Trung tâm Y tế tổ chức ngay chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy - loăng quăng, tập trung chú ý tới các hộ gia đình có phòng cho thuê trọ ở khu vực nội thành; có người đi học, công tác, làm ăn tại nội thành về; nhà không có người ở, các khu công trường xây dựng, trường học, nhà trẻ mầm non hoặc nơi thiếu nước sạch, vệ sinh môi trường kém… Trung tâm y tế tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời, các đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các buổi truyền thông tại các cụm dân cư có ổ dịch hoặc nguy cơ bùng phát dịch dưới hình thức họp tổ dân phố; sử dụng loa cầm tay tuyên truyền tại chỗ; tăng thời lượng, tần xuất phát thanh; phát tờ rơi tuyên truyền trực tiếp đến tận các hộ gia đình… Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các bệnh viện của Hà Nội chuẩn bị, đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế và giường bệnh để kịp thời tiếp nhận và điều trị sớm cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, hạn chế tối đa tử vong do sốt xuất huyết.
TS. Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ sẽ triển khai công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch sốt xuất huyết tại 50 xã, phường trọng điểm trong tháng 9 và 52 xã, phường vào tháng 10. Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tổ chức 140 chiến dịch vệ sinh môi trường và 100 chiến dịch phun hoá chất phòng dịch. Để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Sở Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng, bọ gậy như: bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, thùng, xô, chậu, các dụng cụ khác như lon, chai, lọ,… để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt bọ gây bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như bát kê chân chạn, lọ hoa, khay nước của tủ lạnh hay điều hòa, máng thoát nước, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình bông/bình hoa; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng; hàng tuần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…; ngủ màn, mặc quần áo dài tay phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi bị sốt nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị.
Bài: Như Hiển