Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; toàn ngành y tế từ trung ương đến địa phương đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả. Ước thực hiện 11 chỉ tiêu cơ bản Ngành Y tế. Tổ chức bộ máy các đơn vi y tế cả trung ương và địa phương tiếp tục được sắp xếp theo hướng theo hướng tinh gọn đầu mối, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vắc xin, sinh phẩm, thiết bị y tế có chất lượng và giá hợp lý cho khám, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh, thiên tai. Đẩy mạnh đấu thầu tập trung thuốc, thí điểm đấu thầu tập trung vật tư y tế, góp phần giảm giá thuốc và giảm chênh lệch giá thuốc giữa các địa phương, cơ sở y tế. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý bệnh án, theo dõi hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý quỹ bảo hiểm y tế, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, đổi mới cơ chế tài chính y tế.
Về công tác phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã chủ động và quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng; Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, huy động sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch, tập trung vào các hoạt động giám sát, truyền thông, quản lý và kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để bùng phát, lan rộng; Thực hiện các giải pháp tăng số ngày tiêm chủng tại trạm y tế xã, triển khai tiêm chủng lưu động. Theo thống kê của ngành Y tế, trong 10 tháng đầu năm 2019, hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2018; riêng sốt xuất huyết theo chu kỳ nên số mắc, số chết tăng so với cùng kỳ; số mắc tay chân miệng tăng 0,5%.
Báo cáo tại Hội nghị, ThS. Đặng Quang Tấn, Phó Cục Trưởng Phụ trách quản lý và điều hành Cục Y tế dự phòng cho biết, các bệnh truyền nhiễm hay gặp trong mùa Đông-Xuân là: cúm, sởi, ho gà, liên cầu lợn, tiêu chảy cấp, cúm gia cầm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu, rubella… Đặc biệt, về bệnh sốt xuất huyết, tính đến thời điểm này cả nước đã có hơn 250.000 trường hợp mắc, trong đó 49 trường hợp tử vong. Sở dĩ các bệnh truyền nhiễm gia tăng trong mùa Đông-Xuân bởi thời điểm trên là mùa lễ hội, thường tập trung đông người và gia tăng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ gia cầm; thời tiết ẩm ướt kéo dài; gia tăng đi lại nên có nguy cơ xâm nhập các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; tỷ lệ tiêm chủng thấp khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các điểm vùng sâu, vùng xa.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe để phòng chống dịch bệnh; Để phòng bệnh sốt xuất huyết, cần tăng cường diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy. Phòng muỗi đốt, người dân cần ngủ màn, mặc quần áo dài; tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Như Hiển