Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác an toàn tiêm chủng năm 2020

  • |
T5g.org.vn - Ngày 21/9/2020, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020 với 63 điểm cầu tỉnh/thành phố. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tham dự và chủ trì Hội nghị.
Thứ  trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đại dịch Covid-19 đã lây lan rộng đến 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, ở nước ta, các bệnh dịch lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu vẫn ghi nhận số ca mắc cao, gây tăng gánh nặng trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận các biện pháp phòng dịch, tuyệt đối không để dịch chồng dịch, đặc biệt trong thời tiết mùa Đông Xuân rất thuận lợi cho dịch bệnh phát triển.

TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính từ đầu năm đến giữa tháng 9/2020, nước ta ghi nhận 70.585 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 64,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó tập trung nhiều tại miền Trung  và miền Nam, không ghi nhận sự bất thường về diễn biến dịch, tuýp lưu hành chủ yếu vẫn là D1, D2 (chiếm 90%). Tuy nhiên, TS. Đặng Quang Tấn cũng  lưu ý, thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức 8 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các địa phương, qua kiểm tra cho thấy, nguyên nhân gia tăng sốt xuất huyết tại một số địa phương là do sự chủ quan, chưa huy động được sự phối hợp, chủ động của các ban, ngành, đoàn thể. Các chiến dịch diệt bọ gậy mang tính hình thức và không duy trì được lâu dài, bền vững. Ngoài ra, công tác phòng, chống dịch còn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí bị cắt giảm.

TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng báo cáo tình hình một số dịch bệnh truyền nhiễm và công tác phòng dịch

TS. Đặng Quang Tấn khuyến cáo, để phòng, chống dịch sốt xuất huyết quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức tự phòng bệnh của người dân tại các hộ gia đình, đẩy mạnh chiến dịch diệt bọ gậy, loăng quăng để cắt nguồn truyền bệnh là muỗi vằn. Cần tổ chức chiến dịch theo quy mô lớn, duy trì hoạt động diệt bọ gậy hàng tuần ở các khu vực có nguy cơ cao và tại các khu vực.

Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 198 ca mắc bạch hầu, trong đó, khu vực Tây Nguyên có 172 trường hợp, với nhiều ca tử vong cả ở người lớn và trẻ em. PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khuyến cáo, tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.

PGS.TS Trần Như Dương cho biết thêm, đối với các bệnh truyền nhiễm, việc tiến hành khoanh vùng, dập dịch càng sớm càng tốt; trong vòng 24 giờ khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ, cần phải cách ly ngay, điều tra, xét nghiệm, triển khai ngay các biện pháp phòng dịch. Khi có ca bệnh truyền nhiễm xuất hiện, các địa phương phải có hệ thống giám sát, tăng cường cắm chốt ngay tại ổ dịch chứ không chỉ qua điện thoại. Qua kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 cho thấy, hoạt động của các tổ chống dịch cộng đồng cực kỳ hiệu quả. Đây là cầu nối đến từng hộ gia đình, giúp người dân yên tâm tin tưởng thực hiện các biện pháp phòng dịch”.

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hướng dẫn các tuyến kỹ thuật giám sát, xử lý và phòng dịch

Về công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng, Thứ trưởng tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, việc duy trì và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng mở rộng và đảm bảo an toàn tiêm chủng phòng bệnh cũng vô cùng quan trọng, với các dịch bệnh đã có vắc xin, công tác tiêm chủng được đánh giá là yếu tố quan trọng hàng đầu để phòng bệnh. Như vừa qua, dịch bạch hầu xảy ra ở một số địa phương đa số là ở “vùng lõm tiêm chủng”. Do vậy, vấn đề đặt ra là các biện pháp duy trì tỷ lệ tiêm chủng và nâng cao tỷ lệ này, đặc biệt tại các “vùng lõm”.

Thứ trưởng  Đỗ Xuân Tuyên nhận định, nguy cơ bùng phát dịch tại mỗi khu vực, vùng miền là khác nhau, theo đó, ngành Y tế cần đánh giá kỹ lưỡng tình hình và yếu tố nguy cơ bùng phát dịch tại từng khu vực, từng thành phố và làm rõ những tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân tiềm ẩn bùng phát dịch trong thời gian qua. Trên cơ sở phân tích này sẽ đề xuất các hoạt động, biện pháp trọng tâm trong phòng dịch để nâng cao hiệu quả chống dịch. Thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế xã hội vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, bạch hầu và sốt xuất huyết…

Hình ảnh một số điểm cầu

Như Hiển

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang