Mục đích của Hội thảo nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách về việc mở rộng chi trả của BHYT đối với dụng cụ trợ giúp thiết yếu cho người khuyết tật; trong đó cung cấp thông tin về thực trạng nhu cầu, sự cần thiết của việc mở rộng chi trả của BHYT đối với các dụng cụ trợ giúp thiết yếu đối với người khuyết tật; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và trong nước về cơ chế chi trả và chi phí lợi ích các dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, hoạt động chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng (PHCN) cho người khuyết tật đã được Bộ Y tế quan tâm phát triển với nhiều cải thiện rõ rệt trên phạm vi toàn quốc. Hoạt động Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng thuộc Chương trình Mục tiêu Y tế-Dân số giai đoạn 2016-2020. Mạng lưới chăm sóc y tế về PHCN đã được củng cố: Ngành Y tế với 01 Bệnh viện PHCN thuộc Bộ Y tế, 01 Trung tâm PHCN trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, 39/63 tỉnh có bệnh viện PHCN; 100% các bệnh viện đa khoa trung ương và 98% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có khoa PHCN. Các khoa/đơn nguyên/tổ PHCN ở các bệnh viện/TTYT tuyến huyện ngày càng được củng cố. Các Bộ, ngành khác có 04 bệnh viện, 16 trung tâm PHCN. Hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng cũng được triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương.Ngày càng có nhiều kỹ thuật PHCN được ứng dụng phục vụ người bệnh và NKT, góp phần làm giảm tỷ lệ khuyết tật, tăng khả năng hòa nhập và tái hòa nhập cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật.
Sự hỗ trợ về tài chính trong chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật (NKT) thuộc diện chính sách được thực hiện thông qua chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí mua thẻ BHYT. Hiện có hơn 3 triệu NKT trong số 6,2 triệu NKT đã được cấp thẻ BHYT miễn phí và không phải đồng chi trả khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB). Phạm vi chi trả BHYT đối với các dịch vụ y tế, phục hồi chức năng liên tục được mở rộng (năm 2011: 33 bệnh và 47 KT PHCN; năm 2016: 252 KT (Tất cả các DV PHCN BYT ban hành đều đựơc chi trả BHYT). Tuy nhiên, trong thực tế vẫn đang tồn tại một số rào cản trong cung cấp dịch vụ KCB, PHCN cũng như trong trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ. của NKT, đó là: Vẫn còn trên 3 triệu NKT phải tự mua BHYT và phải đồng chi trả phí dịch vụ KCB. Đặc biệt các dịch vụ về dụng cụ trợ giúp trong vận động rất cần đối với NKT nhưng lại chưa được BHYT chi trả.
Trong khi đó, tỷ lệ khuyết tật có xu hướng tăng dần theo tuổi, trong tương lai không xa tỷ lệ khuyết tật sẽ tiếp tục gia tăng do Việt Nam đang chuyển sang quá trình già hóa dân số với tốc độ nhanh. Bởi vậy, cần thiết phải có nguồn tài chính bền vững chi trả cho các dụng cụ trợ giúp NKT.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê mong muốn, thông qua Hội thảo, các đại biểu sẽ cùng nhau chia sẻ thông tin và thảo luận về thực trạng nhu cầu, sự cần thiết của việc mở rộng chi trả của BHYT đối với các dụng cụ trợ giúp NKT; kinh nghiệm quốc tế về chi phí lợi ích của việc hỗ trợ các dụng cụ trợ giúp cho NKT nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách về việc mở rộng chi trả của BHYT đối với dụng cụ trợ giúp NKT. Những hoạt động quan tâm chăm sóc của cộng động đối với NKT có ý nghĩa to lớn, mang tính nhân văn sâu sắc, giúp người khuyết tật Việt Nam có thêm cơ hội hòa nhập cộng đồng tốt hơn.
Nam Nguyên