Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau và được xếp vào hàng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Sử dụng rượu, bia còn tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực kinh tế- xã hội như: bạo lực gia đình, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm, đói nghèo và các gánh nặng về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội do liên quan đến các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả lao động khác.
Tại Việt Nam, sản lượng rượu, bia và đổ uống có cồn khác được sản xuất và tăng nhanh qua các năm trong khi thế giới đang giảm dần. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở nước ta đang ở mức báo động. Việc sử dụng rượu, bia không phù hợp dẫn đến hậu quả bất lợi về sức khỏe và xã hội cho cá nhân người uống cũng như những người xung quanh và cộng đồng.
Bộ Y tế được giao chủ trì xây dựng Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia. Dự thảo đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu và hiện đang được tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 trong kỳ họp lần thứ 7 của Quốc hội dự kiến và tháng 5/2019. Hiện Bộ Y tế vẫn đang nỗ lực xin ý kiến các đoàn đại biểu quốc hội về dự thảo Luật, đặc biệt là các giải pháp để kiểm soát, ngăn ngừa sử dụng rượu, bia ở giới trẻ.
Hội thảo là dịp để các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp bằng chứng về ảnh hưởng của quảng cáo với sự gia tăng sử dụng rượu, bia ở giới trẻ và những khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia.
Quang Nguyễn