Tại buổi làm việc với lãnh đạo Vườn Quốc gia Cúc Phương, PGS.TS. Phạm Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên dược liệu, Viện Dược liệu, Bộ Y tế cho biết: Trong những năm qua, Trung tâm Tài nguyên dược liệu đã có nhiều bề dày kinh nghiệm về thu thập, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu trong nước. Bên cạnh đó, với việc ứng dụng công nghệ thông tin, Trung tâm đã xây dựng được hệ thống dữ liệu quốc gia về nguồn dược liệu tại Việt Nam. Song song đó, Trung tâm đã thực hiện các hoạt động bảo tồn, phát triển cũng như các hoạt động xuất bản của Viện…
Kết quả điều tra từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã hoàn thành điều tra cơ bản của 13 tỉnh thành trong cả nước, tại các vùng sinh thái khác nhau. Trung tâm đã có những đề xuất về danh mục cây thuốc, những cây thuốc cần được bảo tồn, phát triển cũng như quy hoạch phát triển của từng tỉnh. Hiện đã có 5 tỉnh được Trung tâm tư vấn để hoàn thiện kế hoạch, chương trình phát triển dược liệu của tỉnh trong giai đoạn 2030 và tầm nhìn 2045. Kết quả, tại Hà Giang, Trung tâm đã phát hiện được 565 loài cây thuốc; Lạng Sơn 933 loài; Đà Nẵng là 1.117 loài cây thuốc…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Phương Triều, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật, Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết, Vườn Quốc gia Cúc Phương với đa dạng thực vật. Về bảo tồn cây thuốc, với Dự án AP4- ICBG: Hợp tác giữa Viện CNSH, Viện STTNSV, VQG CPO và Đại học Illinois, năm 2008 xuất bản cuốn sách những cây thuốc và bài thuốc người Mường sử dụng. Vườn tập hợp được 394 loài cây thuốc, chữa trị 19 nhóm bệnh và mỗi bài thuốc sử dụng vài đến 15 loài cây khác nhau. Đề tài Bảo tồn cây dược liệu với việc điều tra thống kê được trên 700 loài cây thuốc có trong khu vực, chữa trị 21 nhóm bệnh và sưu tập, trồng, bảo tồn 296 loài và một số đề tài về bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen cây thuốc như: Trà hoa vàng Cúc Phương, bổ béo, khôi tía, Hoàng đằng, đà nam…
Trao đổi về các hướng có thể hợp tác sắp tới, PGS.TS. Phạm Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên dược liệu cho biết, trong hơn 30 năm thực hiện nhiệm vụ Bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc, Viện Dược liệu được Bộ Y tế giao là đơn vị đầu mối để triển khai chương trình bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc của ngành Y tế. Hiện, Viện đã xây dựng được mạng lưới và bảo tồn hơn 1.500 nguồn gen của gần 900 loài cây thuốc. Vườn quốc gia Cúc Phương thật sự là một trung tâm đa dạng sinh học và có tiềm năng phát triển thành vườn cây thuốc quốc gia tại vùng đồng bằng Bắc bộ của Việt Nam. Nguồn tài nguyên cây thuốc của Vườn chắc chắn sẽ còn tăng nếu tiếp tục điều tra, đánh giá chuyên sâu về các loài cây thuốc.
Theo PGS.TS. Phạm Thanh Huyền, để bảo tồn và phát triển tài nguyên cây thuốc của Vườn, sẽ cần điều tra tiềm năng và hiện trạng nguồn tài nguyên dược liệu; đề xuất các giải pháp nhằm quản lý, bảo tổn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu tại đây; điều tra về thành phần loài và phân bố của một số chi có tiềm năng khai thác và phát triển; nghiên cứu xây dựng quy trình khai thác bền vững và trồng một số loài có tiềm năng phát triển tạo nguồn nguyên liệu và sản phẩm; xây dựng vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc…
PGS.TS. Phạm Thanh Huyền hy vọng, qua buổi tham quan và làm việc với Vườn Quốc gia Cúc Phương sẽ góp phần nâng cao nhận thức về sự đa dạng cũng như tầm quan trọng của việc bảo tồn, sử dụng, phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam trong thời gian tới.
Hoàng Hiền