Tới dự buổi Lễ, đại diện Lãnh đạo Bộ Công An có Thiếu tướng Đinh Huy Hiệu, Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Công an Nhân dân; đại diện lãnh đạo Bộ Y tế có GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo một số vụ, cục, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; đại diện Đảng ủy, Ban giám đốc cùng đông đảo cán bộ bệnh viện.
Phát biểu khai mạc buổi Lễ, GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết: Bệnh viện là trung tâm hàng đầu cả nước về ghép tạng với hàng nghìn ca ghép thận, hầu hết các trường hợp ghép tim, gan tại Việt Nam được thực hiện tại đây. Bệnh viện cũng là trung tâm đào tạo, chuyển giao kỹ thuật về ghép tạng cho các trung tâm trong cả nước như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phú Thọ, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Quốc tế Vimec…
Bên cạnh đó, nhu cầu về lưu trữ, bảo quản các mô và tổ chức cũng hết sức quan trọng. Hiện nay nhu cầu sử dụng mô và tổ chức cơ thể trong điều trị ở trong nước và nước ngoài là rất lớn. Tại Viện Chấn thương chỉnh hình từ năm 2011 đến nay đã ghép xương đồng loại cho 120 người bệnh, mổ nội soi tái tạo dây chằng khớp gối bằng móng, gân đồng loại cho 263 người bệnh. Tại Trung tâm phẫu thuật thần kinh hàng năm hàng nghìn ca ghép mảnh xương sọ. Trong khi đó, cho tới gần đây tại Việt Nam chỉ có 02 phòng thí nghiệm nghiên cứu bảo quản mô tại Trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, mà chưa có một ngân hàng mô thực sự nào được thành lập để thực hiện các hoạt động chuyên môn phục vụ điều trị cho người bệnh mặc dù cho tới nay có trên 300,000 ngân hàng mô ở 46 Quốc gia trên Thế giới đã được thực hiện.
Tại buổi lễ, ông Trần Bình Giang cho biết, tại Việt Nam, có một khó khăn thể hiện rõ trong ghép mô, tạng, đó chính là cầu lớn hơn cung. Rất nhiều bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng nhưng nguồn nguyên liệu phần lớn đều không sẵn có, phần nhiều phải nhập từ nước ngoài rất đắt đỏ. Điển hình, nhu cầu bệnh nhân cần ghép van tim, mạch máu hàng năm đều lên tới hàng nghìn ca, nhưng nguồn nguyên liệu đều phải nhập từ nước ngoài. Đặc biệt, Việt Nam hiện chưa có ngân hàng mô chính thống, mặc dù đã có luật hiến ghép mô, tạng, có quy định cho phép thành lập ngân hàng mô của Bộ Y tế. Chính vì vậy, việc ra đời Ngân hàng mô là một nhu cầu cấp bách và thực sự cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, đáp ứng đòi hỏi ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, chuyên sâu tại cả nước. “Sau hơn một năm chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị với căn cứ cơ sở pháp lý, Ngân hàng mô Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức chính thức được công nhận là Ngân hàng mô đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép và đi vào hoạt động”, ông Trần Bình Giang nhấn mạnh.
Theo đó, Ngân hàng mô hoạt động với chức năng nhiệm vụ: Tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển mô; Cung ứng mô cho các cơ sở y tế, cơ sở nghiên cứu, đào tạo y học; Cung ứng, trao đổi mô với ngân hàng mô khác; Hợp tác với cơ quan tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc trao đổi mô nhằm mục đích khám bệnh, chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu y học”, GS. TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết.
Tại buổi Lễ, Bộ Công An đã trao tặng Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức 5 tỷ đồng để trang bị 6 thùng đựng tạng chuyên dụng và các thiết bị chuyên biệt phục vụ cho ngân hàng mô.
Với chủ trương của Bệnh viện trong việc đa dạng hóa các mô hình hoạt động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh, thực hiện chủ trương của Bộ Y tế đổi mới phong cách, thái độ hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã khai trương Khu Khám bệnh theo yêu cầu, đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao của người dân. Dù mới đi vào hoạt động nhưng trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận gần 500 người khám bệnh theo yêu cầu.
Hoàng Hiền