Theo đó, căn cứ quy mô giường bệnh, điều kiện về nhân lực, kinh phí và phạm vi hoạt động chuyên môn, giám đốc bệnh viện quyết định thành lập hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Phòng Công tác xã hội thuộc bệnh viện hoặc Tổ Công tác xã hội thuộc Khoa khám bệnh hoặc Phòng điều dưỡng hoặc Phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện.
Theo Thông tư, công tác xã hội trong bệnh viện có nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về công tác xã hội cho người bệnh và người nhà người bệnhtrong quá trình khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi chung là người bệnh), Thông tin, truyền thông và phổ biến, giáo dục pháp luật; Vận động tiếp nhận tài trợ; Hỗ trợ nhân viên y tế; Cung cấp thông tin về người bệnh cho nhân viên y tế trong trường hợp cần thiết để hỗ trợ công tác điều trị; Đào tạo, bồi dưỡng. Tổ chức đội ngũ cộng tác viên làm công tác xã hội của bệnh viện và tổ chức các hoạt động từ thiện, công tác xã hội của bệnh viện tại cộng đồng (nếu có).
Thông tư cũng hướng dẫn Phòng Công tác xã hội có Tổ Hỗ trợ người bệnh (do Trưởng phòng hoặc Phó Trưởng phòng trực tiếp phụ trách) đặt ở khoa Khám bệnh của bệnh viện. Ngoài Tổ Hỗ trợ người bệnh, Phòng Công tác xã hội còn có các bộ phận nghiệp vụ cần thiết khác.
Nhân lực của Phòng Công tác xã hội bao gồm các viên chức, nhân viên chuyên ngành công tác xã hội; chuyên ngành truyền thông, y tế hoặc ngành khoa học xã hội khác được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công tác xã hội.
TS Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh cho biết: Hiện nay, với sự quá tải ở các bệnh viện, áp lực công việc nặng nề đối với người thầy thuốc, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình khám, chữa bệnh cho nhân dân, nếu có sự tham gia của nhân viên công tác xã hội hoặc cán bộ y tế được trang bị tốt kỹ năng công tác xã hội sẽ làm tăng sự hài lòng của người bệnh, khiến họ tuân thủ điều trị và chất lượng khám chữa bệnh sẽ được tăng lên, góp phần nâng cao uy tín và thương hiệu của bệnh viện.
Tin: Hoàng Hảo