Chăm sóc sống còn cho bệnh nhân ung thư
Đây là tên bài trình bày của Giáo sư Yeol Kim đến từ Trung tâm ung thư quốc gia Hàn Quốc. Theo Giáo sư, sống còn ở đây được hiểu là cơ hội sống lần thứ hai trong cuộc đời. Vì vậy, việc chăm sóc không chỉ cải thiện các chỉ số sinh học cho người bệnh mà còn giúp họ có cuộc sống tinh thần vui vẻ, đảm bảo sự lành mạnh về tâm lý cho người bệnh. Để làm được điều đó, các trung tâm ung thư tại Hàn Quốc đã thiết lập cho mỗi người bệnh một kế hoạch chăm sóc sống còn phù hợp với tình hình sức khỏe, tinh thần, điều kiện sống… của từng người. Kế hoạch này được thống nhất trong nhóm hỗ trợ bao gồm bác sĩ chuyên khoa ung bướu, các bác sĩ thuộc các chuyên khoa liên quan, điều dưỡng, các tình nguyện viên, người nhà người bệnh. Một nghiên cứu được giáo sư chia sẻ đã chia quá trình chiến thắng ung thư thành 3 giai đoạn là: sống với ung thư (living with cancer), sống qua ung thư (living through can cer) và sống trên ung thư (living beyon cancer). Chiến thắng ung thư là danh hiệu dành cho những người bệnh vượt qua căn bệnh ung thư từ 5 năm trở lên kể từ khi được chẩn đoán xác định. Giáo sư nhấn mạnh rằng, cả những người thân trong gia đình người bệnh cũng xứng đáng được nhận danh hiệu này vì sự đồng hành của họ với người bệnh là một quá trình khó khăn đòi hỏi phải vững niềm tin, có kiến thức và kỹ năng trong chăm sóc người bệnh. Giáo sư không đề cập đến chiến công của các nhân viên y tế trong cuộc chiến chống ung thư vì ông cho rằng chăm sóc sống còn cho người bệnh là nghĩa vụ và trách nhiệm mà những người công tác trong ngành y nói chung, chuyên ngành ung thư nói riêng phải thực hiện và hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ của mình. Kế hoạch chăm sóc sống còn được lập ra một cách cụ thể và chi tiết cùng với sự tận tâm đã mang lại điều kỳ diệu cho người bệnh ung thư.
Cải thiện và duy trì hoạt động tình dục cho người bệnh ung thư
Nội dung này do TS. Catalina Lawsin – Trung tâm Y khoa trường Đại học New York, Hoa Kỳ trình bày một cách sinh động, hài hước, gần gũi và dễ hiểu. Bà tỏ ra là người có kiến thức tâm lý sâu rộng, phong phú, là người có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc tâm lý cho người bệnh đặc biệt là người bệnh ung thư. Theo bà, người bệnh ung thư thường tỏ ra bi quan khi nhận được chẩn đoán xác định, họ coi đó là bản án tử hình. Cảm giác chán nản, tuyệt vọng khiến họ suy sụp tinh thần, không còn hứng thú với bất kỳ điều gì, trong đó đa số người bệnh ung thư nói không với hoạt động tình dục và làm ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc của chồng/vợ hoặc bạn tình. Bên cạnh đó, nhiều người bệnh tự ti vì bị cắt bỏ một bộ phận nào đó của cơ thể ảnh hưởng đến tâm lý, khó đạt cực khoái. Bác sĩ không thể khuyên người bệnh “hãy quên bệnh tật đi mà vui sống” một cách chung chung mà phải làm những điều thiết thực. Chẳng hạn như bắt đầu việc tư vấn bằng cách đề cập đến stress là điều rõ nhất mà người bệnh cảm nhận là họ đang phải chịu đựng trước khi gợi ý người bệnh nói về chủ đề rất tế nhị này. TS. Catalina Lawsin chia sẻ một số cách thức hướng người bệnh vào sự trao đổi về tình dục như: xin phép người bệnh nói về những vấn đề liên quan đến hoạt động tình dục; cung cấp thông tin để người bệnh thấy rằng việc gặp trục trặc trong vấn đề tình dục là chuyện xảy ra ở rất nhiều người bệnh ung thư, họ không phải là ngoại lệ; đưa ra lời khuyên để giải quyết trục trặc cho những trường hợp tương tự để người bệnh lựa chọn giải pháp cho mình; giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ để cải thiện tình trạng của họ. Bà cũng lưu ý các nhân viên y tế khi tư vấn cho người bệnh về vấn đề tình dục cần chọn không gian riêng tư, hỏi xem người bệnh có muốn mời vợ/chồng hoặc bạn tình của họ cùng nói chuyện không và tuyệt đối không đánh giá hay đưa ra nhận định chủ quan khi trò chuyện.
Tầm quan trọng của truyền thông trong phòng chống ung thư
Hầu hết các diễn giả trong hội thảo đều đề cao vai trò của truyền thông trong công tác phòng chống ung thư. Truyền thông có thể tác động đến các nhà hoạch định chính sách để đưa ra những quyết sách phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho việc sàng lọc phát hiện sớm và điều trị ung thư. Truyền thông tạo sự ủng hộ mạnh mẽ tới các cơ quan, đoàn thể và huy động cộng đồng tham gia vào các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ người bệnh ung thư. Quan trọng hơn cả, truyền thông truyền tải thông tin về việc phòng tránh nguy cơ ung thư và hướng dẫn thực hiện các hành vi có lợi cũng như từ bỏ những hành vi có hại tới đông đảo người dân.
Bài trình bày của đại diện Cục Y tế dự phòng đưa ra một kết quả nghiên cứu nêu rõ những hành vi nguy cơ có thể dẫn đến bệnh ung thư, đó là: ăn mặn (trên 5g muối/ngày), ít vận động, lạm dụng rượu bia, hút thuốc (chủ động và bị động), chế độ ăn thiếu rau và trái cây. Kết quả nghiên cứu về xu hướng yếu tố nguy cơ cho thấy các hành vi nguy cơ ít vận động và ăn thiếu rau đã được cải thiện. Trong khi đó, hành vi hút thuốc giảm không đáng kể, lạm dụng rượu bia có xu hướng tăng lên. Kết quả này chính là gợi ý có căn cứ trong việc xây dựng và thực hiện các hoạt động truyền thông phòng chống ung thư trong thời gian tới. Điều trị đúng cách và kịp thời có thể chữa cho từng ca bệnh cụ thể, còn truyền thông hiệu quả có thể chữa cho cả một cộng đồng.
Đào Tuyết (Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương)