Giáo sư Hoàng Đình Cầu trở thành bác sĩ y khoa năm 1944, khóa học cuối cùng do người Pháp đào tạo. Mang trong mình nhiệt huyết cách mạng và truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông đã tham gia cách mạng từ những buổi đầu kháng chiến cho đến lúc hòa bình lập lại. Từ đó cho đến cuối đời ông toàn tâm, toàn ý dành trọn tài năng, trí lực cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân. Năm 1997, trong dịp mừng Giáo sư thượng thọ tuổi 80, Giáo sư Phạm Song, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế đã viết: "Giáo sư Hoàng Đình Cầu là một lão thần trụ cột của ngành Y học Việt Nam". Giáo sư đã vinh dự được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động, được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. Tên tuổi của Giáo sư còn được Trung tâm Tiểu sử quốc tế Cambridge (Vương quốc Anh) ghi vào Từ điển Tiểu sử quốc tế và Hội đồng xuất bản tiểu sử danh nhân Marquis (Hoa Kỳ) ghi vào tiểu sử danh nhân. Trong trả lời phỏng vấn bằng điện thoại ngày 4.4.2005 cho Hội đồng biên tập cuốn Danh nhân Y học thế giới của Hội Y học thế giới (World Mediacal Asociation), GS. Hoàng Đình Cầu đã nói bằng tiếng Pháp: "Trong 60 năm hành nghề y khoa của tôi, đối tượng mà tôi luôn phấn đấu để phục vụ là những người nghèo khổ, những trẻ em mồ côi, những nạn nhân chiến tranh". Khi trả lời câu hỏi: "Nhân vật lịch sử nào mà ông ngưỡng mộ nhất và có ảnh hưởng đến cuộc đời hoạt động của ông?" GS. Cầu đã không ngần ngại trả lời ngay là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã xúc động khi nói về người thầy của mình, GS. Cầu không những tự tay chữa bệnh cho người dân mà còn là người thầy đã đào tạo nên một đội ngũ đông đảo bác sĩ tài năng. Các thế hệ học trò đã kế thừa kinh nghiệm, học vấn và y đức của ông để cùng chung tay thay đổi chất lượng và dịch vụ y tế, hướng tới sự hài lòng của người dân, nâng sự nghiệp y học của Việt Nam bắt kịp với thế giới.
Trước đó Bộ Y tế đã tổ chức các hoạt động dâng hương, viếng mộ và thăm gia đình cố GS. Hoàng Đình Cầu.
Trung Thành