Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã tham dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức Cán bộ, Văn phòng Bộ, Cục Y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương, Viện Paster TP. HCM và Lãnh đạo các Sở Y tế, các Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) của 34 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Báo cáo thực trạng công tác truyền thông giáo dục sức khỏe (TTGDSK) sau khi sáp nhập vào CDC theo thông tư số 26/2017/TT-BYT ngày 26/6/2017, đại diện Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe, cho biết: Tính đến hết tháng 9/2023 đã có 61/63 tỉnh sát nhập vào CDC thành Khoa/Phòng Truyền thông GDSK. Tỉnh Bình Phước, công tác truyền thông được đưa vào Chi Cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình Tỉnh và từ 01/11/2023 sẽ được chuyển về CDC tỉnh Bình Phước. Như vậy, vẫn chỉ còn duy nhất Trung tâm TTGDSK tỉnh Tuyên Quang vẫn giữ nguyên.
Sau khi sát nhập, các Khoa TTGDSK được giao nhiệm vụ phụ trách, chỉ đạo, hướng dẫn công tác truyền thông chung cho toàn mạng lưới truyền thông y tế của tỉnh nhưng đều gặp khó khăn về biến động nhân lực, năng lực cán bộ, trang thiết bị, chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác TTGDSK. Điều này đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và tác động đến tâm, tư, nguyện vọng của cán bộ làm công tác truyền thông.
Trước những vấn đề khó khăn trong quá trình triển khai hoạt động của hệ thống TTGDSK, Trung tâm TT-GDSK kiến nghị Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho một số đơn vị chức năng ban hành các văn bản chính sách làm cơ sở kiện toàn mạng lưới, đầu tư trang thiết bị và kinh phí truyền thông… để khắc phục khó khăn cho địa phương.
Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe đại diện CDC các tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh khác cùng chia sẻ những khó khăn, thuận lợi về phát triển nguồn kinh phí, phát triển truyền thông qua mạng xã hội, đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến…
ThS. Nguyễn Thế Thiêm, Phụ trách khoa TTGDSK, CDC Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm về việc kêu gọi nguồn kinh phí thực hiện công tác truyền thông GDSK thông qua 3 nguồn: Đầu tư công từ nguồn ngân sách (Ủy ban ND tỉnh - Sở Y tế và CDC Quảng Ninh); Dịch vụ công (Xây dựng kinh phí dịch vụ công thực hiện nhiệm vụ chuyên môn); Hợp đồng dịch vụ (Ký HĐ dịch vụ truyền thông với các đơn vị trong và ngoài công lập). Để có được kinh phí hoạt động từ các nguồn trên, đội ngũ cán bộ truyền thông của Khoa đã không ngại khó khăn để vượt qua, làm việc nhiệt huyết, yêu nghề tạo ra những sản phẩm có giá trị, khẳng định thương hiệu của đơn vị.
ThS. Nguyễn Hữu Quý, Trưởng khoa TTGDSK, CDC Đà Nẵng cho biết, qua nghiên cứu và đánh giá sự thói quen của sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam năm 2020 cho thấy, hơn 40% bệnh nhân cho rằng mạng xã hội ảnh hưởng đến cách chăm lo sức khỏe của họ; 41% cho rằng ảnh hưởng tới việc lựa chọn bác sĩ, cơ sở y tế; 60% người sử dụng mạng xã hội thường tin tưởng vào những bài viết và hoạt động của bác sĩ trên các nhóm; 90% số người ở độ tuổi từ 18-24 tin tưởng những thông tin y tế được bạn bè chia sẻ trên mạng xã hội… Với kết quả nghiên cứu trên, Khoa TTGDSK đã triển khai xây dựng các trang Fanpage trên Facebook để cung cấp thông tin, truyền tải thông điệp, tư vấn cộng đồng; mở kênh Youtobe, thành lập nhóm Zalo; Gửi thông tin đăng trên tổng đài 1022 của thành phố Đà Nẵng…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã đánh giá cao những nỗ lực của công tác TTGDSK trong thời gian qua, đặc biệt là trong phòng chống dịch Covid - 19. Nếu không có cán bộ truyền thông trong Ngành Y tế chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan báo, đài ngoài Ngành Y tế để cùng nhau chiến thắng dịch bệnh, động viên khuyến khích người dân và truyền tải thông tin để lãnh đạo thấu hiểu và chỉ đạo sát sao.
Ghi nhận, tiếp thu những khó khăn và vướng mắc hiện nay của các đơn vị như chế độ phụ cấp, ưu đãi nghề, trang thiết bị..., Thứ trưởng đề nghị các đơn vị từ trung ương tới địa phần cần tiếp tục phối hợp cùng nhau giải quyết. Đồng thời cũng chỉ ra 3 vấn đề cần phải thực hiện trong thời gian tới.
Một là: Công tác TTGDSK trong thời gian qua không đồng nhất, mỗi đơn vị, mỗi lĩnh vực, loại hình như khám chữa bệnh, dân số, an toàn thực phẩm đều có sự khác nhau dẫn đến mô hình truyền thông khác nhau. Thứ trưởng đề nghị, cần xây dựng hướng dẫn và phải định hình được mô hình truyền thông cho từng lĩnh vực…
Hai là: Công tác chỉ đạo tuyến còn bị động, chưa có sự chủ động đặc biệt là sự phối hợp giữa các đơn vị còn yếu kém. Ngay bản thân trong CDC, các khoa phòng cũng chưa phối hợp, hỗ trợ chuyên môn cho nhau… Vậy sau khi thành lập được hệ thống từ Trung ương đến địa phương cần phải xây dựng quy trình phối hợp, cách xử lý thông tin khi có vấn đề xẩy ra.
Ba là: Các địa phương có rất nhiều các tài liệu truyền thông nhưng các tỉnh chưa tận dụng, chia sẻ tài liệu cho nhau thông qua kho dữ liệu mà chủ yếu chỉ là tài liệu của Trung ương chia sẻ cho tuyến dưới. Đề nghị xây dựng kho dữ liệu truyền thông.
Hoài Phương