Ngành dược phát triển quá chậm
Đó là đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại buổi họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Dược (sửa đổi) chiều 18/9. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân. Sản xuất thuốc ở trong nước mới đáp ứng được 50% nhu cầu, riêng nguyên liệu, bao bì sử dụng để sản xuất thuốc trong nước vẫn phải nhập tới 90% từ nước ngoài.
Thực tế trên khiến giá thuốc trong nước phụ thuộc nhiều vào thị trường nguyên liệu và giá thuốc quốc tế. Cũng theo Bộ trưởng Tiến, Việt Nam hiện có hơn 25.000 mặt hàng thuốc, với gần 1.000 hoạt chất, mỗi hoạt chất lại có rất nhiều chủng loại, hàm lượng, quy cách đóng gói, dạng bào chế, nhà sản xuất khác nhau nên việc xác định mức giá tối đa cho tất cả các mặt hàng là “không khả thi”.
Từ thực tế đó, dự thảo Luật Dược (sửa đổi) lần này quy định việc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch giá thuốc khi lưu hành thuốc trên thị trường. Ngoài thực hiện đấu thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu và pháp luật về dự trữ quốc gia, các mặt hàng thuốc cũng phải kê khai giá trước khi lưu hành trên thị trường.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, dự thảo luật chưa làm rõ được tiêu chí để đảm bảo tính khả thi đối với việc thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với thuốc thiết yếu khi có biến động bất thường về giá, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế- xã hội theo quy định tại Luật Giá. Bà Mai đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể tiêu chí này trong dự thảo luật, làm cơ sở để Nhà nước can thiệp khi giá thuốc có biến động bất thường.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt câu hỏi: Khi cơ chế quản lý giá có điều chỉnh thì nhà nước sẽ can thiệp như thế nào để đảm bảo giá thuốc không tăng đột biến? Trước sự ảnh hưởng, tác động đến đời sống kinh tế - xã hội, ông Lưu yêu cầu phải quy định về mặt nguyên tắc vào trong luật, để khi có biến động giá sẽ kiểm soát được, từ đó mới giao Chính phủ quy định cụ thể.
Phải có tầm nhìn
Phản ánh thực trạng điều kiện hành nghề, kinh doanh, lưu hành thuốc… thủ tục còn rườm rà, nhiêu khê, song theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, dự thảo luật lại chưa có đổi mới, cải cách khi có quy định cần thời gian tới 18 tháng. Không thể chấp nhận điều này, bà Ngân yêu cầu phải rà soát lại, quy định cho đúng với các cam kết hội nhập quốc tế.
Đặt ra câu hỏi, liệu sau khi luật sửa đổi, ngành Dược Việt Nam có đảm bảo phát triển bứt phá không? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, ngành Dược trong 10 năm qua không có bứt phá gì khi 90% nguyên liệu vẫn nhập khẩu. Công nghệ sản xuất thuốc còn lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thuốc là mặt hàng không cấm, do vậy khi sửa đổi Luật Dược phải mở ra cơ hội làm ăn cho mọi người, từ trồng nguyên liệu, sản xuất đến chế biến thuốc. “Luật có đảm bảo như thế không? “Ôm” của người ta 18 tháng mới cấp giấy phép, trong khi bây giờ người ta chỉ một ngày đã cấp giấy phép làm ăn rồi. Tôi còn chưa kể phí, rồi tiêu cực nằm trong đó”, Chủ tịch Quốc hội nói và yêu cầu phải tạo điều kiện thông thoáng để việc sản xuất kinh doanh thuốc được dễ dàng.
Mặt khác, ngành Dược cũng cần tận dụng tối đa những thành tựu khoa học tiến bộ trên thế giới. “Ở đâu có thuốc tốt thì ta hợp tác với họ, mua về cho dân dùng, rồi mua công nghệ đó về áp dụng. Nhưng tôi chưa thấy được điều này. Không có ngành nào ở nước ta lại phát triển chậm như ngành Dược”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng là phải xây dựng nền sản xuất dược phẩm có tầm nhìn, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, buôn bán thuốc trên cơ sở áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật. Bộ Y tế phải tập trung nghiên cứu, khắc phục được những tồn tại của ngành Dược trong 10 năm qua. (Tiền phong (trang 3), Tuổi trẻ (trang 3), An ninh thủ đô (trang 1).
Sẽ điều chỉnh phương thức đào tạo sinh viên y khoa
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh khung trình độ, thời gian đào tạo đại học, sau đại học của ngành y bảo đảm hội nhập quốc tế, khắc phục những bất cập trong thời gian qua và bảo đảm quyền lợi của người học. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, khung trình độ, thời gian đào tạo đại học, sau đại học của ngành y phải điều chỉnh theo hướng:
Đối với trình độ đại học, phải xác định thời gian cần thiết để đào tạo trình độ đại học y khoa và văn bằng sau khi tốt nghiệp đại học y khoa.
Đối với trình độ sau đại học, phải xác định rõ chương trình, thời gian đào tạo theo 2 hướng: hướng hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (đào tạo bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa) và hướng nghiên cứu (đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ); đồng thời thiết kế các chương trình để bảo đảm người học có thể liên thông được giữa 2 hướng này khi có nhu cầu.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo, chuyên gia có kinh nghiệm trong đào tạo y khoa về đề xuất nêu trên của Bộ; gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp báo cáo tại phiên họp Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo và Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực.
Đồng thời, Bộ Y tế đề xuất thời gian chuyển tiếp và phương án bảo đảm chất lượng đào tạo trình độ đại học, sau đại học và trình độ chuyên khoa của ngành y, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. (Công an nhân dân (trang 2).
Khan hiếm vaccine dịch vụ
Tình trạng khan hiếm vaccine dịch vụ, đặc biệt là vaccine “5 trong 1” và “6 trong 1” tại Hà Nội đã kéo dài gần 1 năm nay. Dự kiến, phải đến đầu tháng 11-2015 tới đây mới có những liều vaccine “5 trong 1” dịch vụ được đưa ra thị trường. Vaccine cháy hàng, dân chờ mỏi mắt
Tại điểm tiêm chủng của Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế dự phòng, thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (131 Lò Đúc, Hà Nội) sáng 16-9, rất đông phụ huynh đưa trẻ đến tiêm chủng dịch vụ. Nhiều trường hợp đến hỏi vaccine dịch vụ loại tổng hợp “5 trong 1” hoặc “6 trong 1” đều nhận được câu trả lời “đã hết hàng” và chưa biết bao giờ mới có.
Trên bảng thông báo cập nhật các loại vaccine của trung tâm ngày 16-9, nhiều loại vaccine khác cũng đã hết như: vaccine tổng hợp TETRAXIM của Pháp phòng 4 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt (vaccine “4 trong 1”); vaccine “3 trong 1” phòng 3 bệnh sởi, quai bị, rubella cũng chỉ còn duy nhất loại M.M.R của Mỹ, trong khi loại TRIMOVAC của Pháp và PRIORIX của Bỉ hết hàng; tất cả các loại vaccine dịch vụ phòng bệnh cúm mùa (type A, H1N1, H3N2 và type B) đều hết hàng…
Ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1 cho biết, tính từ đầu năm 2015 đến nay, điểm tiêm chủng của công ty chỉ được Công ty Hồng Thúy – đơn vị chuyên nhập khẩu và phân phối vaccine “5 trong 1”, “6 trong 1” cho khu vực miền Bắc - cung cấp rất hạn chế lượng vaccine “5 trong 1”. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng xác nhận, điểm tiêm chủng tại 70 Nguyễn Chí Thanh hiện không có vaccine dịch vụ “5 trong 1” và “6 trong 1”.
Nhiều loại vaccine sẽ tăng giá
Ngày 16-9, bà Đặng Hồng Thúy, Giám đốc Công ty Hồng Thúy cho biết, nhu cầu tiêm vaccine dịch vụ của người dân tăng nhanh, trong khi từ cuối năm ngoái, các hãng sản xuất vaccine ở nước ngoài có nhiều biến động, thay đổi về công nghệ nên lượng vaccine sản xuất ra không đủ cung cấp. “Riêng vaccine 5 trong 1 PENTAXIM, chúng tôi đã đặt hàng từ cuối năm ngoái nhưng mãi đến cuối tháng 5 vừa qua mới nhập được lô vaccine đầu tiên với 5.800 liều. Số lượng này không thể đáp ứng được nhu cầu rất lớn của người dân ở Hà Nội chứ chưa nói tới toàn miền Bắc” – bà Đặng Hồng Thúy nói.
Một tin vui là dự kiến vào tháng 10 tới đây, sẽ có khoảng 15.000-16.000 liều vaccine “5 trong 1” được nhập về. Theo quy định, số vaccine này sẽ được kiểm định chất lượng tại Trung tâm Kiểm định quốc gia về vaccine và sinh phẩm trong khoảng 14 ngày làm việc. Như vậy, nhanh nhất vào tháng 11 tới, các điểm tiêm chủng sẽ được cung cấp vaccine “5 trong 1” PENTAXIM để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Bà Đặng Hồng Thúy chia sẻ: “Chúng tôi dự kiến sẽ chia đều ra, phân phối cho Hà Nội khoảng 1.000 liều, các tỉnh còn lại mỗi tỉnh chỉ được khoảng 200-300 liều”.
Đến tháng 12 năm nay, dự kiến sẽ tiếp tục có khoảng 50.000 liều vaccine “5 trong 1” nữa được nhập về song hiện phía cung cấp chưa hứa chắc thời gian cũng như số lượng vaccine sẽ bán cho Việt Nam. Ngay cả khi đủ số lượng như vậy thì mới đáp ứng được khoảng 1/4 nhu cầu.
Dự kiến, từ tháng 11 tới đây, giá một số loại vaccine dịch vụ sẽ được điều chỉnh tăng. Công ty Hồng Thúy đã trình Bộ Y tế hồ sơ kê khai tăng giá 6 vaccine dịch vụ nhập khẩu và đã được Bộ Y tế đồng ý cho tăng giá từ 1-6 năm nay. Tuy nhiên, phía công ty đã đàm phán được với đối tác nước ngoài giãn thời gian tăng giá đến tháng 11-2015. (An ninh thủ đô (trang 8).