Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Ngành ghép tạng Việt Nam: thành công nối tiếp thành công

  • |
T5g.org.vn - Ghép tạng là kỹ thuật công nghệ cao, chỉ thực hiện được ở những nước có nền y học tiên tiến. Ngành ghép tạng Việt Nam đi sau thế giới đến gần nửa thế kỷ và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm. Tuy nhiên, với những nỗ lực phi thường của các thầy thuốc - nhà khoa học, Việt Nam đã dần rút ngắn được thời gian tụt hậu, từng bước vươn đến đỉnh cao y học. Đến ngày hôm nay, ngành ghép tạng Việt Nam đã tiệm cận với trình độ ghép tạng thế giới, thực hiện được mong muốn của bao thế hệ thầy thuốc trước đây.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên tặng quà cho các y, bác sĩ thực hiện ca ghép tim, ghép gan tại Bệnh viện Việt Đức

Nỗ lực vươn đến đỉnh cao y học

Cũng như các nước trên thế giới, ghép tạng Việt Nam bắt đầu với việc ghép thận. ngày 2/2/1991, Bộ Y tế đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Ghép thận Quốc gia do GS.BS. Phạm Song, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế giai đoạn 1988-1992 làm Trưởng ban. Bộ Y tế đã cử 10 bác sĩ, chuyên gia sang Cu Ba học ghép thận. Ghép thận thời điểm này gặp rất nhiều khó khăn do đất nước mới thoát khỏi “thời kỳ bao cấp”, cơ sở hạ tầng y tế xuống cấp, trang thiết bị y tế thiếu thốn. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Ngày 4/6/1992, Bệnh viện Quân Y 103 đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên cho thiếu tá Vũ Mạnh Đoan, 40 tuổi, bệnh nhân suy thận mạn tính giai đoạn cuối, người cho thận là em trai ruột Vũ Mạnh Toàn, 28 tuổi. Sự kiện này đã đánh dấu sự ra đời của ngành ghép tạng Việt Nam. Sau ca ghép này, nhiều bệnh viện trên cả nước như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức… tiếp tục thực hiện thành công ghép thận cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nối tiếp chuỗi thành công, ngày 31/1/2004, Học viện Quân y đã thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam. Giai đoạn này, các thầy thuốc Việt Nam đã làm chủ các kỹ thuật ghép thận, gan từ người cho sống. Đây là thành tựu đáng ghi nhận của ngành ngoại khoa, cũng như y học nước nhà.Với thành tích này, cụm công trình ghép tạng đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cao nhất về khoa học công nghệ do Đảng, Nhà nước trao tặng. Năm 2010 là dấu mốc của ngành ghép tạng Việt Nam nhờ thực hiện thành công nhiều công trình nghiên cứu về ghép tạng từ người cho chết não. Ca ghép tạng từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện thành công tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 11/2/2010. Hai quả thận được lấy từ người cho chết não được ghép thành công cho hai bệnh nhân suy thận mạn. Ngày 22/5/2010, Bệnh viện Việt Đức thực hiện thành công ca ghép gan, thận từ người cho chết não. Đây là ca ghép gan từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam và cũng là ca lấy đa tạng để ghép cho nhiều bệnh nhân. Ngày 17/6/2010, Học Viện Quân Y đã tạo nên một mốc son cho ngành ghép tạng Việt Nam, khi thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên với sự giúp đỡ của chuyên gia Đài Loan. Đến ngày 2/3/2011, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế đã thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên mà không có sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài (ca ghép tim thứ 2 tại Việt Nam). Ngày 1/3/2014, Bệnh viện Quân Y 103 đã tự lập ghép tụy, thận thành công trên người đầu tiên và cũng là ca ghép đa tạng - cùng một lúc ghép nhiều tạng trên một người đầu tiên tại Việt Nam.

Ngày 12/9/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm hai bệnh nhân ghép tim, gan tại Bệnh viện Việt Đức. Đây tiếp tục là dấu mốc thành công của ngành ghép tạng Việt Nam khi các đơn vị ngành Y tế đã phối hợp tốt vận chuyển mô tạng từ Nam ra Bắc với quãng đường 1.700 km để ghép cho người bệnh. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức cho biết, đến thời điểm hiện tại, các chỉ số xét nghiệm của 2 bệnh nhân đã gần như bình thường, sức khỏe ổn định và có thể xuất viện trong 7 đến 10 ngày tới. PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết cũng cho biết, có được thành công nói trên là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa 03 đơn vị gồm: Bênh viện Chợ Rẫy, Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng quốc gia và Bệnh viện Việt Đức. PGS. Quyết nói: "Chúng tôi đã vô cùng lo lắng khi phải vận chuyển tạng quãng đường xa như vậy nhưng khi thử sinh thiết, không có bất kỳ tế bào nào hoại tử. Đây chính là nhờ công tác hồi sức tuyệt vời của Bệnh viện Chợ Rẫy". Tại Cuộc họp với Ban lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, trình độ bác sĩ Việt Nam trong lĩnh vực ghép tạng đã ngang bằng với thế giới. Tuy nhiên, song song với thành công trong lĩnh vực ghép tạng, chúng ta vẫn cần giải quyết nhằm tháo gỡ một số khó khăn tồn tại để giúp ngành ghép tạng tiếp tục phát triển hơn nữa.

Tháo gỡ khó khăn cho ngành ghép tạng trong nước

Khó khăn lớn nhất của ngành ghép tạng Việt Nam là sự khan hiếm nguồn tạng, trong khi nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn. Cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép thận, trên 1.500 người được chỉ định ghép gan và khoảng hơn 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc, trong đó có khoảng 6.000 đang chờ được ghép giác mạc cùng hàng trăm người đang chờ được ghép tim, phổi...  Việc thiếu hụt nguồn hiến tạng là do chúng ta còn thiếu một hệ thống hoàn chỉnh cung cấp thông tin, tư vấn và đăng ký hiến tặng mô, tạng; công tác tuyên truyền về hiến mô, tạng sau khi chết, chết não còn nhiều hạn chế dẫn đến nhận thức của một số cấp chính quyền, người dân về việc hiến tặng mô, tạng chưa cao.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tháng 10 tới, Bộ Y tế sẽ họp với các bệnh viện để xây dựng quy trình đăng ký, điều phối hiến tạng. Bộ trưởng yêu cầu, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người phối hợp với Hội vận động hiến mô tạng tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đến nhân dân để mọi người hiểu rõ ý nghĩa cao đẹp của việc hiến tạng. Công bố rộng rãi số điện thoại, tiêu chuẩn hiến tạng và cấp thẻ đăng ký hiến tạng cho người dân. Bên cạnh đó, cập nhật danh sách người chờ ghép và người đăng ký hiến tạng bằng phần mềm tin học; xây dựng khung giá cho từng loại ghép tạng theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí để đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả và có biện pháp hỗ trợ người nghèo bằng các nguồn quỹ nhân đạo.

Đối với khó khăn về phương tiện vận chuyển mô tạng khi ở xa được PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết nêu ra trong Cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: trong tương lai không xa, nếu có nhiều người hiến tạng thì chúng ta phải nghĩ tới việc trang bị xe chuyên dụng vận chuyển tạng, cũng có thể là trang bị máy bay để vận chuyển. Bộ trưởng cũng đề nghị, trong thời gian tới, các đơn vị y tế đầu ngành trong lĩnh vực ghép tạng cần thành lập các đề tài cấp Bộ để sớm thực hiện việc ghép phổi và tụy.

Bài, ảnh: Như Hiển

 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang