Việt Nam là 1 trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất
Nhờ những thành quả của phát triển kinh tế - xã hội và công tác y tế, tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng lên. Từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số và sẽ trở thành nước có dân số già năm 2035. Điều đáng chú ý, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Quá trình già hóa của nước ta chỉ diễn ra trong 23 năm (2012-2035); trong khi đó, Pháp là 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Úc 73 năm, Mỹ 69 năm và Nhật Bản 26 năm. Tuổi thọ của người Việt Nam tăng lên là minh chứng cho sự phát triển của hệ thống y tế và an sinh xã hội tại Việt Nam… Tuy nhiên, khi số lượng người cao tuổi gia tăng nhanh chóng đòi hỏi mỗi quốc gia cũng cần có sự chuẩn bị tốt để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người cao tuổi cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống.
GS.TS. Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, già hóa dân số là thách thức đối với hệ thống y tế Việt Nam, làm gia tăng các bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thoái khớp… và phải điều trị suốt đời. Ngoài ra, già hóa dân số làm gia tăng nguy cơ tàn phế, giảm hoạt động chức năng hàng ngày chủ yếu do các bệnh mạn tính, đặc biệt khi thay đổi môi trường sống.
Theo nghiên cứu mới đây của Bệnh viện Lão khoa Trung ương và Bộ môn Y học gia đình Đại học Y Hà Nội năm 2016, cứ trên 610 người cao tuổi trên 80 tuổi tại Sóc Sơn, Hà Nội, trung bình một người mắc 6,9 bệnh, trong khi đó, khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi hiện nay tại nước ta còn nhiều hạn chế. Đó là việc thiếu bác sỹ và điều dưỡng lão khoa, thiếu kiến thức về lão khoa và thiếu người chăm sóc. Môi trường chính sách mặc dù đã được Chính phủ quan tâm như đề ra Luật người cao tuổi, thành lập Ủy ban quốc gia về người cao tuổi, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi và nhiều chính sách khác… Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách này còn gặp nhiều khó khăn như thiếu các văn bản hướng dẫn, thiếu nguồn lực kinh tế, con người. Hiện nay, công việc chăm sóc người già tại gia đình và cộng đồng chủ yếu dựa vào người nhà và những người chăm sóc không được đào tạo. Các nghiên cứu cũng cho thấy chi phí y tế cho người già cao gấp 7 - 10 lần so với người trẻ. Đây cũng là nhóm sử dụng 50% tổng lượng thuốc.
Trò chuyện với bà Nguyễn Thị Mai, 70 tuổi, đến từ Hai Bà Trưng, Hà Nội, bà cho biết; người già rất nhiều bệnh, bản thân bà bệnh bị đái tháo đường, thoái khớp và tăng huyết áp nên hàng ngày bà phải uống rất nhiều loại thuốc, khó khăn trong sinh hoạt… Người già bên cạnh sự quan tâm của gia đình rất cần sự chung tay, giúp đỡ của các cấp, ngành, đặc biệt là ngành Y tế để chất lượng cuộc sống người cao tuổi được cải thiện hơn, góp phần giúp ích của bản thân, gia đình và xã hội.
Còn ông Nguyễn Văn An, 72 tuổi, đến khám bệnh tại Khoa Nội của Bệnh viện Lão khoa chia sẻ, bản thân ông bị bệnh về tim mạch, thoái khớp và mắc một số bệnh mạn tính khác nên đi lại đau nhức, khó khăn vì vậy việc đi lại, sinh hoạt nhiều khi phải nhờ hết cả vào con cháu.
Giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Việt Nam
Trong thời gian tới, Việt Nam cần có chiến lược dài hạn góp phần làm chậm quá trình già hóa dân số, duy trì mức sinh hợp lý; đồng thời đẩy mạnh truyền thông giáo dục về già hóa dân số và chăm sóc người cao tuổi; tăng cường hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi; mở rộng và đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi... Bên cạnh đó, cần phát huy lợi thế của người cao tuổi về khả năng, kiến thức, kinh nghiệm làm việc; phát huy vai trò người cao tuổi tiêu biểu, uy tín trong gia đình.
Theo GS. Phạm Thắng để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, ngành Y tế cần thành lập Khoa Lão tại tất cả các bệnh viện với qui mô khoảng 10% giường kế hoạch với cơ sở vật chất phù hợp với người cao tuổi… đồng thời tổ chức phòng khám lão khoa tại khoa khám bệnh của Bệnh viện. Đối với tuyến y tế cơ sở, nâng cao năng lực kiểm soát các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi như đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sức khỏe, hướng dẫn người cao tuổi kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe như ăn uống hợp lý, tăng cường vận động, không hút thuốc lá… xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình phòng bệnh, khám, chữa bệnh về tim mạch, tiểu đường và các bệnh mạn tính khác; lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe cho người cao tuổi, phát hiện và dự phòng các yếu tố nguy cơ gây tàn phế ở ngưởi cao tuổi; sử dụng thuốc một cách hợp lý và phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Ngoài để, để chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngày một nâng cao, ngành Y tế cần thành lập bộ môn Lão khoa tại các trường đại học Y nhằm tăng cường đào tạo chuyên ngành lão khoa cho các bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế; đồng thời đẩy mạnh đào tạo người chăm sóc người cao tuổi và mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực lão khoa… tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học về lão khoa.
Song song với việc thành lập khoa lão khoa tại các trường đại học Y, tăng cường đào tạo nhân viên y tế chuyên ngành lão khoa cho bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế khác nâng cao năng lực của hệ thống y tế trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, ngành Y tế cần phát triển hệ thống chăm sóc dài ngày như xây dựng hệ thống nhà dưỡng lão; đẩy mạnh chăm sóc người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng và tạo môi trường thân thiện với người cao tuổi như chống phân biệt tuổi tác; đảm bảo tính tự chủ của người cao tuổi và đưa vấn đề người cao tuổi vào tất cả các chính sách và ở tất cả các cấp chính quyền…
Bài, ảnh: Tuấn Minh