Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Nhận diện những yếu tố nguy cơ góp phần làm phát triển các bệnh không lây nhiễm

  • |
T5g.org.vn - Các bệnh không lây nhiễm (BKLN) là nguyên nhân chính gây nên gánh nặng bệnh tật và tử vong ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổng số ca tử vong trong vòng 10 năm (từ năm 2005 đến 2015) ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương đã gia tăng cao nhất so với toàn thế giới, với tỷ lệ tăng 21% ở Đông Nam Á và 12,3 triệu ca tử vong ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Sự gia tăng các BKLN trở thành một rào cản lớn đối với sự phát triển toàn cầu, nhất là trong quá trình đạt tới Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Chúng ta hãy nhận diện các BKLN. Đó là những bệnh có thời gian mắc bệnh kéo dài và nói chung là tiến triển chậm, bao gồm bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư và bệnh hô hấp mạn tính. Các BKLN thường không xác định được nguyên nhân cụ thể mà chỉ có một nhóm yếu tố nguy cơ góp phần làm bệnh phát triển.

Các yếu tố nguy cơ đối với BKLN bao gồm các tác nhân tiềm ẩn (ví dụ các định tố xã hội, vấn đề toàn cầu hóa, đô thị hóa, già hóa), các hành vi nguy cơ (bao gồm  chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng thuốc lá, lối sống tĩnh tại lười vận động) và các yếu tố nguy cơ về chuyển hóa/sinh lý (như tăng đường huyết, tăng huyết áp, béo phì và tăng lipid máu). Những yếu tố nguy cơ này kết hợp với nhau thành một loạt tuyến đường dẫn đến các BKLN như: tiểu đường, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ và bệnh phổi mạn tính.

Yếu tố nguy cơ tiềm ẩn chính làm gia tăng BKLN ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương là sự chuyển đổi dịch tễ học văn hóa - xã hội. Do sự phát triển kinh tế, khu vực này đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ trong lối sống và chế độ dinh dưỡng của người dân. Bởi vậy, sự gia tăng các BKLN, bao gồm béo phì và tiểu đường, đã song hành với sự tăng trưởng của đô thị hóa và toàn cầu hóa trong khu vực.

Các hành vi nguy cơ gây các BKLN bao gồm việc sử dụng thuốc lá, uống rượu bia, chế độ ăn uống không lành mạnh và lười vận động. Trên thực tế, đại dịch thuốc lá toàn cầu tác động nặng nề nhất ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá (hút thuốc lá, hút xì gà, nhai sợi thuốc lá...) là cao nhất ở các nước đang phát triển (chiếm tới 75% số người sử dụng thuốc lá trên toàn thế giới) với 2,3 triệu ca tử vong sớm liên quan đến thuốc lá hàng năm ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đây là nguyên nhân thứ hai của tất cả các ca tử vong do BKLN và là yếu tố nguy cơ thứ 4 đối với các căn bệnh trên toàn thế giới.

Đối với rượu, tổng số năm sống hiệu chỉnh do bệnh tật (DALY) bị tổn thất do lạm dụng rượu chiếm tới 4,5%, trong đó ung thư, bệnh tim mạch và bệnh gan chiếm tới 1/4 gánh nặng này. Trong một nghiên cứu được thực hiện ở Nhật Bản, tỷ lệ ung thư đại trực tràng do uống rượu và hút thuốc là chiếm 46%. Hơn nữa, uống trên 300 gam cồn/tuần sẽ làm tăng gấp 3 lần nguy cơ ung thư đại trực tràng (mức tiêu chuẩn 14 gam cồn tương đương với 1 cốc 350ml bia, 1 ly 150ml rượu vang 12% hoặc 1 chén 44ml rượu mạnh).

Không hoạt động thể lực là yếu tố nguy cơ thứ 4 gây tử vong, gây tổn thất tới 32,1 triệu DALY. Những người ít hoạt động thể lực có nguy cơ tử vong tăng 20-30% so với những người có tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Một nghiên cứu tiến hành tại nhiều nước Châu Á thông qua phân tích dữ liệu điều tra y tế cho thấy 1/4 tổng số nam giới và 1/3 tổng số nữ giới không hoạt động thể lực.

Như đã đề cập ở trên, đi kèm theo quá trình đô thị hóa nhanh chóng là sự thay đổi lớn về dinh dưỡng trong bữa ăn truyền thống Á đông nhờ sự phồn vinh kinh tế. Ăn ít rau và trái cây được quy cho là nguyên nhân của 1,7 triệu trường hợp tử vong, chiếm 2,8% tổng số tử vong trên thế giới. Ăn ít rau và trái cây ước tính là nguyên nhân của 19% số ca ung thư dạ dày ruột, 31% số ca bệnh tim thiếu máu cục bộ và 11% số ca đột quỵ. Các bằng chứng khoa học cho thấy ăn nhiều thức ăn giàu năng lượng, nhiều chất béo và đường làm tăng nguy cơ béo phì và tác hại cũng giống như ăn ít rau và trái cây. Lượng muối tiêu thụ hàng ngày là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến mức huyết áp cũng như nguy cơ các bệnh tim mạch. Ăn nhiều muối là nguy cơ của đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác. WHO khuyến cáo không nên ăn quá 5 gam muối/ngày để phòng chống các bệnh tim mạch.

Đồng thời, thói quen ăn các loại thực phẩm truyền thống như dưa muối, thịt xông khói và cá khô đã được chứng minh có liên quan đến ung thư dạ dày ở một số nước trong khu vực, đặc biệt ở các nước như Iran, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Sự lây truyền vi khuẩn Helicobacter pylori (một tác nhân gây ung thư dạ dày)  được biết rõ là do thói quen trong khi ăn uống như dùng chung bát, đũa, thìa, thậm chí qua việc nhai mớm cơm, thức ăn...

Ở nhiều nước thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, béo phì là mối lo ngại ngày càng tăng đối với y tế công cộng, liên quan trực tiếp đến các BKLN, đặc biệt là tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và bệnh mạch vành.

Tăng huyết áp có thể gây nên các bệnh tim mạch. Tình trạng này đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới, không chỉ ở các nước phát triển. 1/3 số ca tử vong ở các nước có thu nhập trung bình (như Việt Nam) là do bệnh tim mạch gây nên bởi tăng huyết áp. Kết quả một nghiên cứu tiến hành trên toàn khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho thấy, so với người có huyết áp bình thường, thì người bị tiền tăng huyết áp cũng như các loại tăng huyết áp khác có liên quan rõ rệt đến tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch, sau khi hiệu chỉnh theo tuổi, giới tính, lượng cholesterol trong máu và tình trạng hút thuốc lá.

Với sự gia tăng nhanh chóng số ca tử vong liên quan đến BKLN ở các nước Châu Á Thái Bình Dương, các BKLN hiện là nguyên nhân chính gây tử vong và gánh nặng bệnh tật trong khu vực này. Các BKLN cũng cản trở việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Những người trong nhóm kinh tế xã hội thấp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các bệnh NCD do họ khó tiếp cận chính sách, pháp luật, các quy định và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ để đối phó với BKLN. Mặc dù rất nguy hiểm nhưng BKLN có thể phòng chống hiệu quả thông qua kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được như hút thuốc lá, dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực và lạm dụng rượu bia. Những chiến lược phòng chống các BKLN ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã và đang được thực thi bao gồm: Giảm ăn muối, giáo dục sức khoẻ, can thiệp tâm lý, tăng thuế và cấm quảng cáo thuốc lá, tổ chức các khu vực không khói thuốc... Bên cạnh đó, các yếu tố kinh tế - xã hội thúc đẩy sự gia tăng của các yếu tố nguy cơ BKLN như vấn đề toàn cầu hóa, đô thị hóa, già hóa, nghèo đói, thiếu kiến thức, phong tục tập quán lạc hậu... cũng cần được quan tâm giải quyết, để tiến tới một xã hội văn minh đem lại sức khỏe lành mạnh cho mỗi người.

BS. Đặng Phương Liên (Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương)

Tài liệu tham khảo:

1. Wah-Yun L., Yew-Kong L., Alexander L.S. Non-communicable diseases in the Asia-Pacific region: Prevalence, risk factors and community-based prevention. Int J Occup Med Environ Health 2015;28(1):20–26.

2. Bộ Y tế. Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025. Hà Nội, 2015.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang