Nay sách “Giáo sư Hoàng Đình Cầu – Cuộc đời và sự nghiệp” được xuất bản đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông thì thật không có gì quý bằng. Phấn khởi vì xây dựng được hình ảnh hoạt động của cá nhân vị giáo sư tên tuổi Hoàng Đình Cầu – vị lãnh đạo ngành đi suốt hai mùa kháng chiến và những năm khó khăn vô cùng sau hậu chiến 1975, bền bỉ đề xuất và lãnh đạo ngành phục vụ công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe quân dân, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước và bổ sung vào kho tư liệu lịch sử truyền thống của ngành. Đồng thời, đằng sau câu chuyện những hoạt động của ông, người đọc có thể nhận ra được một giai đoạn lịch sử của ngành y tế, bóng dáng của nhiều cán bộ trong ngành. Tuy nhiên cái phân vân, băn khoăn của tôi là tuy có một giai đoạn ngắn gần Bác nhưng Bác Cầu ở tầm cao mà mình là một anh cán bộ mới ra trường, chưa hiểu được nhiều những nội dung hoạt động và chỉ đạo của Bác đối với ngành. Nghe tên bác thì đã lâu, Bác làm lãnh đạo trong ngành từ khi mình chưa sinh ra, nay mình biết về Bác Cầu quá ít. Tôi nghĩ rằng lịch sử chỉ diễn ra một lần, vì vậy viết về lịch sử, truyền thống là thiêng liêng lắm. Những điều viết ra không chỉ tôn vinh một người, nhất là người đó gắn với một giai đoạn lịch sử hào hùng của ngành, của đất nước mà còn là bài học cho hậu thế, nhất là thế hệ trẻ. Xây dựng một truyền thống của ngành “lương y như từ mẫu”.
Rất may được các vị đàn anh, đàn chị động viên, giúp sức và cũng có một quãng thời gian ngắn làm việc gần Bác nên tôi mạnh dạn tham gia vào công việc khó khăn này và cũng viết vài dòng về những kỷ niệm sâu sắc với Bác Cầu.
Những ảnh hưởng của Bác Cầu qua sách vở và tài liệu
Khi còn làm cán bộ ở Vụ Dược Chính, thỉnh thoảng tôi cũng có được dự họp do lãnh đạo Bộ chủ trì, cũng có được tiếp xúc một đôi lần với các anh, các bác lãnh đạo Bộ. Nhưng biết nhiều hơn là anh Nguyễn Duy Cương và anh Nguyễn Văn Đàn (vì tôi xuất thân là dược sĩ). Đặc biệt, anh Nguyễn Duy Cương có thời gian phụ trách tổ chúng tôinăm 1980, 6 tháng liền nghiên cứu chuyên đề y tế Đồng bằng sông Cửu Long. Còn Bác Cầu và bác Ấm – tôi gọi là Bác vì các Bác hơn tuổi bố tôi rất nhiều –tôi được hiểu các Bác qua lời các anh, các chị trong Vụ kể lại và qua sách vở là chính.
Vừa tốt nghiệp Đại học thì được phân công về Bộ, lại thuộc Vụ được Bộ giao nhiệm vụ chỉ đạo phong trào dứt điểm trồng và sử dụng thuốc nam, châm cứu, với nhiệm vụ chủ yếu là đi chỉ đạo các địa phương. Chả là hồi đó theo Chỉ thị số 226/CT-TƯ ngày 17/11/1975 của Ban Bí thư về nhiệm vụ công tác y tế của cả nước trong giai đoạn mới, giai đoạn thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Nội dung chỉ thị đã nhấn mạnh đường lối, nhiệm vụ của cả ngành y tế được thể hiện trong 5 quan điểm cơ bản của Đại hội Đảng lần thứ 4 đã vạch ra:
1. Gắn liền sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội với hạnh phúc của nhân dân, y tế phải phục vụ sản xuất, đời sống và quốc phòng, phục vụ nhân dân lao động.
2. Kiên trì phương hướng y học dự phòng
3. Kết hợp chặt chẽ y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc, xây dựng nền y học Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
4. Dựa vào quần chúng, dựa vào sức mình là chính để xây dựng ngành.
5. Quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” trong mọi hoạt động của ngành.
Căn cứ vào 5 quan điểm của Đảng về công tác y tế, Bộ Y tế đã đề ra 5 mục tiêu cụ thể nhằm thực hiện các quan điểm ấy:
1. Có phong trào vệ sinh thể dục thường xuyên và cơ sở vật chất, bảo đảm vững chắc môi trường sống trong sạch, trước mắt không để dịch lớn xảy ra, khi có dịch thì có đủ khả năng dập tắt dịch nhanh chóng.
2. Bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh, điều dưỡng có chất lượng, thanh toán các bệnh xã hội, nhất là sốt rét, phòng và chống các bệnh nghề nghiệp có hiệu quả, lấy công tác quản lý sức khỏe, khám và chữa bệnh ngoại trú là khâu quan trọng nhất.
3. Giảm nhanh tỷ lệ phát triển dân số, bảo vệ tốt sức khỏe bà mẹ, trẻ em, lấy sinh đẻ có kế hoạch là biện pháp chủ yếu.
4. Tự giải quyết vấn đề thuốc một cách chủ động, lấy việc quản lý chặt chẽ khâu phân phối, sử dụng thuốc và phát triển thuốc Nam, nhằm không để thiếu thuốc phòng chống dịch, thuốc cấp cứu, thuốc thông thường, nhất là thuốc cho trẻ em.
5. Trên cơ sở kết hợp y học hiện đại với y học dân tộc cổ truyền, xây dựng một tổ chức y tế hoàn chỉnh, chính quy và hiện đại, trước mắt lấy việc kiện toàn tổ chức y tế cơ sở, y tế huyện quận là khâu quan trọng nhất để giải quyết những yêu cầu cơ bản của y tế phổ cập.
Để thực hiện 5 mục tiêu trên đây, ngành Y tế đã phát động phong trào 5 dứt điểm trên quy mô cả nước, coi đó là biện pháp tối ưu mà toàn ngành phải tập trung làm cho bằng được, đó là:
1. Dứt điểm về ba công trình vệ sinh
2. Dứt điểm về quản lý sức khỏe
3. Dứt điểm về sinh đẻ có kế hoạch
4. Dứt điểm về trồng và sử dụng thuốc Nam
5. Dứt điểm về kiện toàn tổ chức y tế cơ sở và quận huyện
Phân tích và đánh giá những kinh nghiệm của các đơn vị y tế tiên tiến cấp huyện và xã, năm 1977, Bộ Y tế đã phát động phong trào 5 dứt điểm. Dứt điểm là cách làm khẩn trương, tích cực, không để dây dưa trì trệ, chứ không có nghĩa là làm xong một dứt điểm rồi dừng lại hay là chỉ tập trung sức làm công việc đó, trái lại dứt điểm ba công trình vệ sinh bao giờ cũng gắn liền và có tác dụng thúc đẩy các nhiệm vụ khác như vệ sinh thực phẩm, vệ sinh trường học, vệ sinh lao động, tiêm chủng phòng dịch…Dứt điểm về sinh đẻ có kế hoạch dẫn đến việc hạ thấp tỷ lệ phát triển dân số nhưng đồng thời gắn với việc đẩy mạnh công tác bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, khám chữa bệnh phụ khoa, quản lý thai sản…Dứt điểm về trồng và sử dụng thuốc Nam sẽ góp phần giải quyết khó khăn về thuốc, thúc đẩy việc phát triển dược liệu, gắn với việc việc sử dụng thuốc an toàn và hợp lý, việc sản xuất thuốc bằng nguyên liệu trong nước. Dứt điểm về quản lý sức khỏe là khâu quan trọng nhất.
Từ năm 1977 đến năm 1979, Bộ Y tế đã tập trung lực lượng cán bộ cơ quan Bộ và các đơn vị trực thuộc trực tiếp về các xã, huyện nắm tình hình và chỉ đạo cuộc vận động ở cả hai miền đất nước. Cuối năm 1979, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tổng kết phong trào 5 dứt điểm ở Nghệ An cho các tỉnh thành phố phía Bắc và đầu năm 1980 ở Tiền Giang có các tỉnh phía Nam.
Ở hai hội nghị trên, Bộ đã công nhận số xã phường và quận huyện đạt tiêu chuẩn từng dứt điểm và 5 dứt điểm. Rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai rộng rãi.
Kinh nghiệm chưa có gì lại đi chỉ đạo ở các tỉnh, huyện nói ai nghe? Đúng một tuần về cơ quan tôi được tham gia đoàn đi kiểm tra dứt điểm ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh và huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú (cũ), lắng nghe và ghi ý kiến của các anh chị trong đoàn và cơ sở, tôi thấy mình học Dược mà khi xuống cơ sở thì quán xuyến cả 5 dứt điểm. Rút kinh nghiệm về cơ quan tôi tìm bộ tiêu chuẩn cả 5 dứt điểm để học. Tuy thuộc bài nhưng khi xuống chỉ đạo và kiểm tra cơ sở tôi thấy vẫn còn mông lung lắm. Đang loay hoay thì tôi phát hiện ra những cuốn sách, những tài liệu của Bác Cầu viết về y xã hội học. Tôi thấy đây là nội dung tổng hợp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tôi lúc này.
Đúng là những lần sau, khi hội họp, hội nghị hay đi kiểm tra cơ sở tôi tự tin phát biểu, chỉ đạo, được các thủ trưởng khen và sau đó được tin tưởng giao cho tôi làm việc độc lập. Chả thế mà tháng Giêng năm 1979 tôi cùng theo anh Phan Văn Tín lúc đó là Vụ phó Vụ Dược chính lên công tác ở Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang), đang làm việc thì ngày 07 tháng 01 cách mạng Campuchia thành công. Anh Tín được Bộ gọi về họp để triển khai những công việc do Trung ương giao cho ngành y tế giúp nước bạn. Còn mình tôi ở lại vẫn làm việc đàng hoàng, được anh Nguyễn Quang Khang lúc đó làm giám đốc sở khen, sau này anh Khang về làm phó văn phòng Bộ Y tế, là thủ trưởng trực tiếp của tôi, thỉnh thoảng lúc vui anh vẫn nhắc. Rồi đến khoảng tháng 7 năm 1979 tôi cũng theo anh Phan Văn Tín vào kiểm tra và chuẩn bị cho hội nghị đầu bờnhằm triển khai mạnh mẽ công tác trồng và sử dụng thuốc nam cho các tỉnh miền Trung tại huyện Điện Bàn. Vừa mới bay vào Quy Nhơn làm việc với Sở Y tế Nghĩa Bình (nay là Quảng Ngãi và Bình Định) thì Bộ lại gọi anh Tín ra để nhận nhiệm vụ đi làm chuyên gia cho Bộ Y tế Campuchia.
Một mình tôi ở lại làm cả tháng để tháng 8 năm 1979 thầy Ngô Gia Trúc (Vụ trưởng Vụ Dược Chính, tôi gọi là thầy vì thầy vừa dạy tôi lại là người hướng dẫn tôi làm tốt nghiệp) vào chủ trì hội nghị, được thầy khen về nội dung, phát biểu báo cáo của các đại biểu và địa bàn tham quan (xã Duy An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng).
Tôi là một sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường về cơ quan Bộ đúng vào dịp Bộ Y tế tập trung làm 5 dứt điểm. Được sung vào đội chủ lực làm dứt điểm về trồng và sử dụng thuốc nam, mình vừa mới ra trường chân ướt, chân ráo, còn trẻ đối với một cán bộ ở Bộ mà sớm chủ động được công việc là ngoài cố gắng học hỏi, dìu dắt trực tiếp của các anh, các chị ở Vụ thì bộ tài liệu của Bác Cầu là cẩm nang cho tôi sớm tiếp cận được công việc. Tôi cảm thấy gần gũi, kính trọng Bác từ ngày mới ra trường về Bộ nhận việc, mặc dầu chưa được tiếp cận Bác lần nào.
Những kỷ niệm khi giúp việc cho Bác Cầu
Thế rồi do may mắn hay là do định mệnh tôi không biết nữa. Đầu năm 1982 tôi được điều động từ Vụ Dược Chính sang tổ thư ký phòng tổng hợp văn phòng Bộ Y tế trực tiếp giúp việc cho Thứ trưởng Nguyễn Duy Cương thay DS Hoàng Văn Nam được đề bạt làm Chánh văn phòng Liên hiệp Xí nghiệp Dược Việt Nam. Tổ thư ký lúc này có bốn người. Anh Dương Huy Liệu thư ký riêng của Bộ trưởng Đặng Hồi Xuân vừa thay Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn. Anh Trần Sĩ Viên giúp việc cho Thứ trưởng Nguyễn Văn Đàn, anh Phan Quảng giúp việc cho Thứ trưởng Hoàng Đình Cầu. Ngay sau đó nhà nước có chủ trương cấp Thứ trưởng không có thư ký riêng nữa, rồi anh Trần Sĩ Viên chuyển sang làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Còn lại anh Phan Quảng và tôi giúp việc cho cả 4 Thứ trưởng là GS Hoàng Đình Cầu, GS.TS Nguyễn Tăng Ấm, GS.TSKH Nguyễn Văn Đàn và TS Nguyễn Duy Cương.
Hồi đó tôi là cán bộ trẻ nhất Phòng tổng hợp. Các cán bộ phòng tổng hợp đều là bậc cha, chú của tôi. Các anh đều đã kinh qua lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc là Giám đốc các công ty trực thuộc Bộ Y tế, có người là bạn học của Bộ trưởng.
Sang đầu năm 1984, tôi được đề bạt Phó trưởng phòng Tổng hợp trực tiếp phụ trách Tổ thư ký. Và vẫn giúp việc cho các vị Thứ trưởng. Về giúp việc cho bác Cầu, tôi và anh Quảng chia nhau như thế này: Anh Quảng giúp là chính, việc trình công văn giấy tờ ở nhà Bác Cầu thì anh Quảng lo vì cùng tuyến đường. Còn nếu đi công tác địa phương, các cuộc họp mà cần phải có thư ký hay trình công văn giấy tờ nơi Bác làm việc ở các cơ sở khác thì tôi đảm nhận (vì tôi trẻ khỏe hơn lại có xe máy).
Thế là cơ hội tiếp cận Bác Cầu của tôi ngày càng gần. Qua gần 9 năm theo chân Bác, tôi còn giữ nhiều kỷ niệm lắm.
Kỷ niệm một lần đi công tác địa phương với Bác: Đấy là lần kiểm tra 5 dứt điểm ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ Tĩnh. Ta biết Quỳnh Lưu là một trong 5 huyện điểm của Trung ương, được xây dựng theo tư duy “Pháo đài Huyện”. Bác Cầu làm trưởng đoàn đi kiểm tra 5 dứt điểm của Quỳnh Lưu. Tôi được lãnh đạo văn phòng cử đi theo làm thư ký. Trong đoàn tôi còn nhớ có BS Tuyết vừa từ Giám đốc Sở Y tế Hà Nam Ninh về làm Vụ phó Vụ tổ chức cán bộ, anh Nguyễn Huy Thìn, chuyên viên Vụ Điều trị. Đoàn lên đường rất sớm nhưng vào đến Hoàng Mai đã hơn 12 giờ trưa, do đường quá xấu chứ không phải như bây giờ. Tôi đã đói hoa mắt rồi, thấy có đoàn của Sở Y tế ra đón, tưởng được ăn trưa đã mừng, nhưng Bác đề nghị vào thăm phòng khám đa khoa Hoàng Mai đã. Thế là mọi người lại phải chấp hành. Sau đó tôi hỏi thì Bác bảo ta phải xem anh em làm việc cả trong giờ nghỉ chứ. Ăn trưa xong, Bác lại chọn đi thăm xã Quỳnh Thắng một xã miền núi rất xa trung tâm có ổ dịch sốt rét lưu hành để trực tiếp xem xét kết quả và động viên sự cố gắng của anh em cơ sở. Bác lại còn lý giải thêm cho tôi ta đi như thế là để vận trù đường đi cho kinh tế. Như vậy là đến khoảng 8 giờ tối mới về đến Vinh. Tôi là thanh niên còn thấy đói mệt bở hơi tai, Bác nói bác cũng nhiều bệnh vậy mà cường độ làm việc của Bác ghê quá.
Tối hôm đó tôi được bố trí một phòng gần Bác để có gì còn giúp Bác, mới khoảng 9 giờ có anh em ở tỉnh muốn đến thăm Bác, tôi ghé nhìn thì Bác đã ngủ rồi, chúng tôi không dám gọi nữa. Đêm đó tôi làm một giấc ngon lành mà không phải giúp gì cho Bác. Sáng ra thấy Bác đưa cho tôi rất nhiều nội dung cần làm việc với tỉnh. Tôi hỏi Bác chuẩn bị lúc nào thì Bác bảo Bác thường làm việc đêm về sáng. Đây là một cách bố trí làm việc và nghỉ ngơi của Bác mà tôi phát hiện được.
Đợt công tác này tôi còn phát hiện được một điều nữa là trong “bộ đồ nghề” của Bác có một chiếc đèn pin. Bác giải thích cho tôi là để sử dụng vào việc riêng lúc cần vì hồi đó điện đóm phập phù mà nhà khách các tỉnh, huyện thì công trình phụ chả mấy nơi gần phòng ngủ. Nhưng Bác nói đặc biệt đêm ngủ mà nghĩ ra được ý gì thì dùng đèn pin để ghi sổ luôn vừa không ảnh hưởng đến người khác vừa để ngày mai sợ quên, Bác nói ngồi trên máy bay Bác cũng suy nghĩ về công việc. Tôi nghĩ chắc là đầu Bác chẳng lúc nào không nghĩ về công việc của Bác. Và từ đó trong cặp xách của tôi cũng có thêm một cái đèn pin.
Sau đợt công tác, lúc chuẩn bị chia tay, Bác bảo tôi nói với Sở chuẩn bị cho mỗi người một gói xôi để ăn đường. Sáng về sớm qua phà ghép (lúc đó chưa có cầu), trong lúc chờ phà, bà con cứ dúi gà và cua vào xe (hồi đó xe com-mang-ca, không có cửa kính như bây giờ) nài nỉ mọi người mua, tôi và anh Nguyễn Huy Thìn mỗi người mua 2 con gà vì rẻ. Riêng Bác Cầu không mua, để chối từ khéo, Bác nói “Bà nhà tôi bảo không mua”.
Đoàn xe đến Bỉm Sơn thì đã quá 12 giờ trưa, nhân lúc chắn tàu, Bác Cầu bảo ăn xôi, thế là mọi người ngồi trên xe ăn luôn, xong chờ mãi hơn một tiếng sau ba-ri-e mới nâng lên; đoàn lại tiếp tục hành trình về Hà Nội. Qua Cầu Gián trời đã 5 giờ chiều, đoàn nghỉ ngơi. Tôi kiểm tra mấy con gà thì thấy chúng xỉu hoàn toàn, đưa xuống vệ đường thì con nào con nấy mỏ cắm xuống đường mà miệng chảy nước, chán quá, tôi đẩy luôn 2 con xuống vệ đường. Anh Thìn cũng làm theo. Mọi người vui vẻ, còn 2 anh cán bộ trẻ chúng tôi được thêm một vài học là gà vừa “chạy nước” sau lụt vừa phải chạy ô tô com-mang-ca đường xấu nên cầm chắc cái chết.
Giúp việc cho các vị Thứ trưởng hồi đó tôi phát hiện được từ bác Hoàng Đình Cầu, bác Nguyễn Tăng Ấm, anh Nguyễn Văn Đàn, anh Phạm Song đều có một đặc điểm chung là ghi và viết. Tôi hỏi các Thủ trưởng là có thư ký giúp việc làm việc này chứ, các vị đều giải thích cho tôi là ghi thì mới nhận ý và hiểu hết ý người phát biểuđược, để còn giải quyết cho cơ sở, phát biểu tổng kết mới chuẩn được và sau này có tư liệu mà viết sách, báo; còn có viết thì mới nâng cao trình độ và chủ động trong công việc của mình. Học các vị tiền bối đến nay tôi vẫn giữ được toàn bộ sổ công tác trong cả đời làm việc cho nhà nước đánh số từ 1 đến 75.
Nhờ ghi chép cẩn thận nên sau đợt kiểm tra tôi hoàn thành bản thông báo kết quả kiểm tra của Bộ nhanh chóng và đúng ý của Bác. Được Bác khen.
Đi công tác địa phương với Bác chỉ một lần nhưng tôi học được rất nhiều kinh nghiệm từ Bác, bổ sung vào hành trang làm việc của tôi. Thật là đáng quý.
Giúp việc sự vụ cho Bác Cầu tôi cũng có nhiều ấn tượng lắm. Bác có kiểu làm việc chẳng giống ai. Phòng làm việc của Bác hầu như không bật đèn, Bác cứ ngồi cặm cụi viết và thỉnh thoảng lại chống tay lên trán dáng vẻ đang suy nghĩ tập trung lắm, nhiều lần ôm cặp sang trình, thấy thế tôi lại không dám vào, chờ lúc Bác nhìn thấy gọi mới dám trình.
Bác làm Thứ trưởng nhưng đồng thời còn kiêm rất nhiều việc khác nữa. Từ năm 1982 khi Giáo sư Tôn Thất Tùng mất, Bác thay làm Chủ tịch Ủy ban Phòng chống chất độc da cam (UB 10/80), sau đó lại kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm nhân lực,…Nhưng cứ thứ 5 hàng tuần Bác vẫn nhắc tôi bố trí lịch để Bác mổ cho bệnh nhân ở Viện chống Lao…
Công văn giấy tờ trình lên Bác rất nhiều nhưng đều được Bác giải quyết nhanh, gọn phê duyệt rất rõ ràng, anh em rất dễ thực hiện.
Tôi còn nhớ khi Bác làm Chủ tịch UB 10/80 anh em ở văn phòng thường trực UB có trình Bác là đã tìm được một nữ bác sĩ tên Thơm học ở Liên Xô về có bằng đỏ nhưng có vấn đề là chị bác sĩ này đang có thai. Bác ghi trả lời là “Ta cần nhận bác sĩ đạt tiêu chuẩn chuyên môn là bác sĩ có bằng đỏ ở Liên Xô, có tiếng Nga giỏi để làm việc lâu dài còn việc phụ nữ thì tạo hóa sinh ra ai mà chả phải chửa đẻ, không chửa đẻ thì mới phải bàn”. Thế là bác sĩ này được về làm việc tại UB 10/80. Cháu bé bây giờ chắc đã ngót nghét 35 tuổi.
Có lần bên trường CBQL Y tế (nay là Trường Đại học Y tế công cộng) trình sang một cặp 3 dây dày toàn bộ luận văn của bác sĩ chuyên khoa 2 để Bác chấm. Bác nói với tôi là “cái anh Lê Hùng Lâm biết tôi mai đi thành phố Hồ Chí Minh mà còn làm tội tôi thế này, chữ học viên lại xấu như ma” (chữ bác sĩ mà). Tôi không biết nói gì, chỉ cười trừ, đến sáng hôm sau anh Thi lái xe chuyển cho tôi cặp hơn 20 cuốn luận văn được Bác chấm, sửa góp ý rất cẩn thận. Sau này tôi có hỏi thì Bác bảo thôi cũng phải cố gắng vì trường họ đã có kế hoạch, anh em lại đang mong. Tôi thấy Bác làm việc ghê quá.
Lại có lần nghe Bác nói với tôi cái trường Y từ việc bé đến việc lớn đều trình xin ý kiến Hiệu trưởng – tôi đoán có lẽ sau vụ Trường Đại học Y Hà Nội gặp khó khăn về nhân sự thì anh em đều phải trình lên Bác để lấy điểm tựa. Tôi có tâm sự với giáo sư Nguyễn Thụ, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng về việc này,từ đó giảm dần cho Bác những trình bẩm mang tính sự vụ.
Trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước, tình hình kinh tế đất nước ta đang khủng hoảng trầm trọng sau thời hậu chiến. Nhà nước quy định cán bộ đi công tác nước ngoài theo tài trợ của tổ chức quốc tế đều phải tiết kiệm và có nghĩa vụ trích nộp phần trăm cho Nhà nước, công đoàn cơ quan Bộ Y tế cũng quy định thêm là phải nộp cho quỹ đời sống của công đoàn.
Bác Cầu vừa có chức vụ cao, vừa là chuyên gia của WHO, Unicef nên Perdiem của Bác khá cao nên phải nộp cũng nhiều phần trăm, có mấy lần đi công tác nước ngoài về nhờ tôi xuống tài vụ nộp nghĩa vụ. Tôi cầm cả xấp tiền đô-la xuống nộp; có anh em nói với tôi sao Bác nộp nhiều thế, tôi về nói lại với Bác thì Bác nhỏ nhẹ “Anh có hiểu vì sao cụ Hồ sau khi lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền thì cụ chọn người Nghệ Tĩnh giữ trọng trách ở các Bộ quản lý kinh tế không?”. Tôi trả lời “Cháu không biết, vì bấy giờ cháu đã sinh ra đâu”. Tuy nhiên có mấy lần Bác cho anh em tổ thư ký tiền ra intershop mua mì chính về chia nhau, vui vẻ.
Khi tôi sang giúp việc ở tổ thư ký là lúc Bác Cầu vào tuổi 64, về mùa hè bác hay mặc áo bay; về mùa đông Bác hay khoác ngoài bằng áo đại cán, trông đẹp lắm. Ở cái tuổi chưa nhiều nhưng mọi người đều gọi là “Cụ Cầu”, tôi lấy làm lạ, không biết từ đâu mà mọi người cứ gọi vậy? Nhưng tôi thấy ở y tế một số vị được gọi là Cụ như: Cụ Di (GS Hồ Đắc Di), Cụ Tùng (GS Tôn Thất Tùng), Cụ Quyền (GS Trương Công Quyền), Cụ Cầu (GS Hoàng Đình Cầu) và sau này nhiều người được gọi bằng từ kính trọng và trìu mến là “Cụ” thì đều là những bậc trưởng lão được cán bộ trong ngành kính trọng và nể phục cả về đức độ và cả về tài năng. Đại từ “Cụ” có lẽ xuất xứ từ đó?
Những cảm nhận về Bác Hoàng Đình Cầu
Đến nay tôi cũng đã thuộc nhóm U70, sắp bước vào tuổi lớp “người xưa nay hiếm”. Đã làm việc gần gũi phục vụ nhiều cấp trên. Nhưng đối với Bác Cầu trong lòng tôi dù đã không làm việc gần Bác ngót nghét 30 năm và Bác đã đi xa hơn 10 năm, nhưng những điều về Bác còn đọng lại trong tôi vẫn còn mới nguyên, đáng trân trọng.
Tôi thấy Bác Cầu trước hết là người lao động chăm chỉ, cần cù, miệt mài và gương mẫu. Vì vậy, năm 1985 Bác Cầu được ngành y tế đề nghị suy tôn, được Đảng, Nhà nước công nhận Anh hùng lao động, đúng là một tấm gương sáng ngời tượng trưng cho sự cống hiến của những người thầy thuốc phục vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời là gương sáng cho mọi thế hệ cán bộ trong ngành noi gương và học tập.
Sau nữa Bác Cầu là một cán bộ lãnh đạo của ngành đã vận dụng sáng tạo và nhuần nhuyễn chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước và tri thức y học của thế giới với thực tiễn y tế, y học nước nhà, kiên định đề xuất, kiên trì thuyết phục, lãnh đạo áp dụng vào thực tiễn Việt Nam, thời đó có người nói Cụ Cầu bảo thủ nhưng sau đó nhiều vấn đề dần dần được sáng tỏ và đến nay vẫn còn giá trị thực tiễn. Ví dụ: xây dựng Bệnh việncủa các trường Đại học đã hiện hữu, 10 trường Đại học Y dược khu vực.
Bác Cầu là mẫu người tiết kiệm, liêm chính – tôi cho rằng đấy là cái chất của đội ngũ trí thức theo cách mạng, theo Bác Hồ ngay từ đầu mùa kháng chiến. Không chỉ có Bác Cầu mà ở ngành y tế, ở nước ta có rất nhiều vị như vậy.Đúng như mẫu người cán bộ y mà Bác Hồ thường dạy và Đảng ta đang ra sức xây dựng. Trong ngành y tế thường lấy câu của Bác Hồ “lương y như từ mẫu” để rèn dũa. Cách làm việc, cách sống của Bác làm tôi nhớ câu của cổ nhân: “Tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng Đức”. Bác Cầu là như thế.
Sống gần Bác Cầu một thời, tôi thấy rõ Bác là người mới đầu tưởng là xa nhưng lại rất gần gũi. Xa là vì Bác ít chuyện trò tâm sự, không có nói đùa (có lẽ chúng tôi quá trẻ so với Bác chăng?) nhưng thấy Bác rất gần vì tôi chưa bao giờ thấy Bác nói nặng với ai một câu mà trái lại nhỏ nhẹ góp ý (đặc điểm người dân Nghệ Tĩnh thường nói to, trọng âm, âm tiết rõ ràng nên nghe có vẻ nặng), cần học hỏi cái gì Bác đều tận tình chỉ bảo.
Theo Bác Cầu thời gian không dài, lại lúc mình còn quá trẻ, quá bé bỏng. Đến nay tôi nhớ được gì thì ghi lại làm kỷ niệm và để tỏ lòng ngưỡng mộ một vị danh nhân (từ mà nhiều tổ chức quốc tế và nhiều cán bộ trong ngành y tế công nhận) của ngành, để cầu mong cho Bác an nhàn ở cõi thần tiên, cùng các vị danh nhân khác phù hộ cho nhân dân luôn mạnh khỏe, ít dịch bệnh, ngành y tế luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “phòng, chữa bệnh, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”.
Hoàng Trọng Quang - Nguyên Chánh Văn phòng Bộ Y tế