Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Rối loạn trầm cảm

  • |
T5g.org.vn - Rối loạn trầm cảm là một bệnh lý cảm xúc, thể hiện sự ức chế ở tất cả các mặt hoạt động tâm thần (ức chế cảm xúc, ức chế tư duy, ức chế về vận động). Sự ức chế này dẫn tới làm giảm sút các mặt hoạt động tâm thần và trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt, hiệu suất lao động và học tập của người bệnh.

Rối loạn trầm cảm chiếm tỷ lệ rất cao trong dân số, khoảng 3 - 5 % dân số thế giới. Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra của Chương trình Quốc gia chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, tỷ lệ trầm cảm chiếm khoảng 3,8% dân số,  gặp ở nữ giới nhiều hơn ở nam giới, tỷ lệ nữ/ nam là khoảng 2/1. Lứa tuổi thường gặp từ 25 - 44 tuổi.

Có phải trầm cảm là do áp lực cuộc sống gây ra? đúng nhưng chưa đủ

+ Đúng là vì: Trước những vấn đề của cuộc sống, ai cũng có thể bị buồn, chán. Trạng thái buồn rầu, chán nản, mệt mỏi bình thường chỉ kéo dài nhất thời. Nếu không trở lại trạng thái bình thường, sự buồn rầu kéo dài trên 2 tuần thì sự "buồn" đó được xem như bệnh, cần điều trị. Đây là những trường hợp trầm cảm thứ phát, thường nhẹ, nằm trong cộng đồng và không được khám, chẩn đoán điều trị

+ Chưa đủ là vì: 80% các rối loạn trầm cảm nặng trong bệnh viện là trầm cảm nội sinh, tự phát, không liên quan đến các áp lực nào trong cuộc sống được gọi là trầm cảm nguyên phát hay là trầm cảm ngoại sinh. Nguyên nhân là do biến đổi các chất dẫn truyền thần kinh trong não. 20% trầm cảm khác là do các bệnh khác gây ra: nội khoa, ngoại khoa, sinh đẻ,.v.v.

Trầm cảm khác gì với buồn rầu thông thường?

+ Trong trầm cảm, sự buồn rầu, chán nản kéo dài trên 2 tuần. Người bệnh mất hết quan tâm thích thú trước đây. Khả năng tập trung chú ý, tập trung tư duy bị suy giảm. Người bệnh không đủ khả năng hoàn thành công việc. Quan hệ giao tiếp bị hạn chế. Xuất hiện nhiều triệu chứng rối loạn về cơ thể của hệ tiêu hóa, hệ tim mạch, nội tiết…

+ Có xu hướng tái phát nhiều lần.

+ Có nguy cơ tự sát rất cao.

2. Biểu hiện thường gặp ở người bệnh trầm cảm là gì?

a) Giai đoạn khởi đầu:

Ban đầu, người bệnh trầm cảm thường có cảm giác chán ăn, mệt mỏi mơ hồ. Bạn bè và gia đình thấy người bệnh có nét buồn buồn, khang khác, ít quan tâm đến xung quanh hơn. Sau, người bệnh có thể kêu mất ngủ, đau đầu, khó tập trung chú ý, hiệu suất lao động và học tập của người bệnh suy giảm, tính nết thay đổi.

Dần dần các dấu hiệu trên nặng dần trở thành trầm cảm điển hình.

b) Giai đoạn toàn phát:

Trong những trường hợp trầm cảm điển hình lâm sàng được biểu hiện các triệu chứng như sau:

- 3 biểu hiện đặc trưng:

  1. Khí sắc trầm: nét mặt buồn rầu, ủ rũ, nặng nề…

(2) Mất hoặc giảm sự quan tâm, thích thú, người bệnh không quan tâm đến mọi người, mọi việc xung quanh,  không còn các ham thích, kể cả vui chơi giải trí và sinh hoạt xã hội.

(3) Mất hoặc giảm năng lượng, giảm hoạt động, mệt mỏi, người bệnh có cảm giác không còn sức lực, thường ngồi hoặc nằm một chỗ.

- 7 biểu hiện phổ biến khác:

+ Giảm sút sự tập trung và sự chú ý.

+ Giảm sút tính tự trọng và lòng tự tin.

+ Tự cho mình có tội, bị khuyết điểm, không xứng đáng.

+ Nhìn tương lai ảm đạm, bi quan, đen tối.

+ Có ý tưởng, hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát.

+ Rối loạn giấc ngủ (ngủ không sâu, nhiều ác mộng).

+ Ăn ít ngon miệng, hay chán ăn.

Khi rối loạn trầm cảm nặng, người bệnh có biểu hiện sút cân (giảm 5% trọng lượng cơ thể trong 4 tuần), giảm hoặc mất dục năng, mất ngủ hoàn toàn, nhiều biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật và các rối loạn về cơ thể. Có nhiều trường hợp có các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác, loạn cảm giác….

Các triệu chứng trên của trầm cảm kéo dài và ít nhất là 02 tuần.

3. Định hướng chẩn đoán:

Rối loạn trầm cảm có 4 mức độ khác nhau, tương ứng với 4 tiêu chuẩn định hướng chẩn đoán.

- Trầm cảm mức độ nhẹ:

  • Người bệnh có 2/3 triệu chứng đặc trưng và
  • Có ít nhất 3/7 triệu chứng phổ biến khác của trầm cảm;
  • Thời gian tồn tại của các triệu chứng phải ít nhất là 2 tuần.

- Trầm cảm vừa:

  • Người bệnh có 2/3 triệu chứng đặc trưng và
  • Có ít nhất 2/7 triệu chứng phổ biến khác của trầm cảm;
  • Thời gian tồn tại của các triệu chứng phải ít nhất là 2 tuần.

- Trầm cảm mức độ nặng không có triệu chứng loạn thần:

  • Người bệnh có 3/3 triệu chứng đặc trưng và
  • Có ít nhất 4/7 triệu chứng phổ biến khác của trầm cảm;
  • Không có các triệu chứng loạn thần (hoang tưởng, ảo giác) kèm theo;
  • Các triệu chứng tồn tại phải ít nhất là 2 tuần.

- Trầm cảm mức độ nặng có triệu chứng loạn thần.

  • Người bệnh có 3/3 triệu chứng đặc trưng và
  • Có ít nhất 4/7 triệu chứng phổ biến của trầm cảm;
  • Các triệu chứng tồn tại kéo dài phải ít nhất là 2 tuần.

4. Điều trị trầm cảm

Nguyên tắc

- Phải phát hiện sớm.

- Phải xác định được mức độ trầm cảm đang có ở người bệnh (là nhẹ, vừa, nặng).

- Xác định được nguyên nhân của trầm cảm (là trầm cảm, nội sinh hay trầm cảm sau các sang chấn tâm lý, bệnh lý cơ thể khác).

- Phải phát hiện được trầm cảm có kèm theo loạn thần không, người bệnh có biểu hiện kèm theo ý tưởng hoặc hành vi tự sát để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Chỉ định kịp thời các thuốc chống trầm cảm, biết chọn lựa đúng tác dụng của thuốc, loại thuốc, liều lượng, cách dùng thích hợp với từng người bệnh.

- Khi điều trị trầm cảm có kết quả, người bệnh cần được điều trị với liều duy trì trong thời gian tối thiểu là 6 tháng, có thể duy trì kéo dài hàng năm để đề phòng tái phát.

5. Phòng tránh trầm cảm

- Dù làm gì, cương vị nào, mỗi cá nhân phải có lối sống tích cực, lành mạnh, ăn uống vừa đủ chất kết hợp các hoạt động thể chất như thể dục thể thao, du lịch.

- Duy trì các mối quan hệ xã hội một cách hài hòa, vui vẻ, thỏa mái.

- Tránh các căng thẳng trong công việc.

- Tránh các hoạt động cảm xúc như: "hỉ, nộ, ái, ố" quá mức.

- Chia sẻ, tương tác qua lại với xung quanh: cha mẹ, anh em bạn bè, hàng xóm.v.v. Không nên chìm đắm vào những nỗi buồn, bi lụy cá nhân.

- Điều trị tích cực các bệnh lý khác gây ra trầm cảm

Khi đã mắc trầm cảm:

- Thường người bệnh không ý thức được tình trạng bệnh tật, có ý giấu bệnh, từ chối điều trị. Gia đình phải đưa đến viện điều trị ngay, nhất là các trường hợp trầm cảm nặng, có ý tưởng và hành vi tự sát

- Các cơ sở y tế phải tổ chức khảo sát phát hiện sớm, khám bệnh, lập hồ sơ bệnh án, điều trị./.

Lương Việt Hùng

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang