Sống được nhờ cấp cứu sớm
Ngày 11/3/2015, anh Vũ Trung Tín-32 tuổi, ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong đang làm vườn thì đột ngột ngất xỉu, lơ mơ, liệt hoàn toàn một nửa người bên trái và được người nhà đưa vào BVĐK tỉnh trong tình trạng mạch-huyết áp là 80; 140/80, hôn mê tính theo thang điểm Glasgow 15 điểm. Trước đó, ở anh Tín đã từng xuất hiện triệu chứng hồi hộp, trống ngực, khó thở khi bưng vác nặng và được bác sĩ chẩn đoán hẹp rất khít van hai lá, rung nhĩ (một loại rối loạn nhịp tim) khi còn làm công nhân ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong một năm trở về sinh sống ở quê, anh Tín tự mua thuốc uống chứ không tới cơ sở y tế để được tái khám… Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định khả năng anh Tín bị tắc động mạch nuôi não do huyết khối từ tim và tiến hành chụp CT Scan ở thời điểm sau gần 3 tiếng đồng hồ từ lúc khởi bệnh để loại trừ xuất huyết não, đánh giá mức độ nặng về lâm sàng theo thang điểm đột quỵ của Mỹ (NIHSS), loại trừ các chống chỉ định sử dụng rTPA. Gần 4 tiếng hồ trôi qua, não của anh Tín đang chết dần! Các bác sĩ hội chẩn và đưa ra quyết định dùng rTPA. Thật kỳ diệu là sau một tiếng đồng hồ dùng thuốc, anh Tín tỉnh táo hoàn toàn, chân tay bắt đầu động đậy và một ngày sau đã có thể đứng dậy, đi lại có sự hỗ trợ rồi sau hai ngày là hồi phục hoàn toàn, không có tàn tật.
Ngày 16/12/2015, chị Trần Thị Sương-47 tuổi, ở thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ đột ngột bị hôn mê vào lúc 8 giờ sáng, vào bệnh viện lúc 10 giờ 5 phút với tim loạn nhịp, liệt nửa người bên trái, tiểu không tự chủ,… Đánh giá tình trạng lâm sàng cho thấy bị tai biến mạch máu não (TBMMN) thể nhồi máu nghi do thuyên tắc mạch máu não ở mức độ nặng-17 điểm tính theo NIHSS kèm hẹp-hở van tim hai lá. 11 giờ, các bác sĩ tiến hành hội chẩn và chỉ định liệu pháp rTPA sau khi loại trừ các chống chỉ định. 12 giờ, chị Sương được sử dụng rTPA bằng đường tĩnh mạch qua bơm tiêm điện. 14 giờ, tri giác của chị Sương có sự cải thiện tốt, chỉ số đánh giá hôn mê Glassgow từ 10 điểm tăng thành 14 điểm. 17 giờ, chị Sương tỉnh táo trở lại, tiếp xúc tốt. 8 giờ ngày hôm sau-17/12, cơ lực của chị Sương từ 0/5 lúc vào viện đã tăng thành 3/5 và chị đã tự nâng tay của mình lên được. Ngày 22/12/2015- một tuần sau khi được điều trị rTPA, chị Sương đã bắt đầu tập đi lại được.
Cần nhận biết sớm dấu hiệu của đột quỵ não-tai biến mạch máu não-nhồi máu não
Đột quỵ não (còn được gọi là TBMMN) là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trên thế giới sau các bệnh tim mạch, ung thư và là nguyên nhân thường gặp nhất gây tử vong, tàn tật ở người tại các nước phát triển. Tại Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ mới và 104.800 người tử vong do đột quỵ, những người bệnh đột quỵ còn sống phần lớn bị mất sức lao động và tàn tật. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Đức ở khoa Nội Tim mạch-lão học, BVĐK tỉnh Quảng Trị cho biết: “TBMMN thể NMN là tình trạng bệnh do tắc dòng chảy của mạch máu não cần được tái thông sớm để cứu vùng não bị chết vì thiếu máu. Mỗi phút giảm tưới máu, não bị mất 1.9 triệu neuron, 14 tỷ synap, 7.5 dặm sợi myelin nên nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh TBMMN có thể tử vong hoặc bị các di chứng nặng nề như sống thực vật, liệt nửa người, giảm thị lực, nói khó khăn, giảm khả năng phán đoán… NMN chiếm 80%-85% người bệnh bị TBMNN và phương pháp điều trị rTPA để ly giải huyết khối trong mạch máu não, thông dòng chảy của máu trong não bị tắc là liệu pháp tái tưới máu hiệu quả nhất hiện nay đang được Bệnh viện ứng dụng trong điều trị TBMMN-NMN. Đặc biệt, rTPA có tác dụng rất tốt, có khi là rất ngoạn mục đối với người bệnh TBMMN-NMN đến sớm trong khoảng thời gian từ lúc khởi bệnh đến 3 giờ sau, tối đa là 4,5 giờ như một số trường hợp đã được BVĐK tỉnh cấp cứu và điều trị thành công trong thời gian gần đây”.
Phổ cập các dấu hiệu của đột quỵ do TBMMN-NMN, Tổ chức Đột quỵ não Quốc tế công thức FAST (nhanh) là viết tắt của bốn từ: Facial weakness (liệt mặt), Arm weakness (yếu tay và/hoặc chân), Speech difficulty (nói khó), Time to act fast (thời điểm phải hành động nhanh). Khi bị NMN, ở người bệnh thường đột ngột xuất hiện một hoặc các dấu hiệu: Yếu nửa người và/hoặc mất cảm giác nửa người bên đối xứng. Liệt mặt. Khó nói. Khó cử động. Rối loạn ý thức và lú lẫn. Nhìn một thành hai. Chóng mặt. Rung giật nhãn cầu,... “Vấn đề quan trọng nhất trong cấp cứu và điều trị đột quỵ là thời gian nên phải nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để thầy thuốc có điều kiện tận dụng thời gian vàng của não được tính từ 3 đến 4,5 tiếng đồng hồ từ lúc khởi bệnh, cứu sống người bệnh. Trong thực tế, hơn 90% người bệnh TBMMN-NMN đến điều trị khi đã quá thời gian vàng và đặc biệt là nhiều người do chưa biết về các triệu chứng và sự nguy hiểm của đột quỵ nên lầm tưởng bị trúng gió đã tự chích lễ, bấm huyệt, xoa dầu, tự uống thuốc huyết áp… dẫn tới đến bệnh viện muộn khi phần lớn tế bào não của người bệnh đã chết, không thể phục hồi. Hiện nay, BVĐK tỉnh đã xây dựng các đơn vị đột quỵ nên việc cấp cứu, điều trị đột quỵ thuận lợi và hiệu quả hơn, nhiều người bệnh bị đột quỵ do TBMMN-NMN đã được cứu sống bằng liệu pháp tiêu sợi huyết”, thạc sĩ-bác sĩ Nguyễn Hữu Đức lưu ý.
Bài và ảnh: Nguyễn Bội Nhiên, t4g Quảng Trị