Hà Nội đã và đang lưu hành một số dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, bệnh tay - chân - miệng. Vể sốt xuất huyết: tính đến trung tuần tháng 9.2016, toàn thành phố đã có 983 bệnh nhân mắc; không có người dân nào tử vong do sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2015, số người mắc giảm 48% bởi ở cùng thời điểm này của một năm về trước Hà Nội đã có 1.887 trường hợp mắc bệnh. Tới thời điểm này 29 quận, huyện (trừ thị xã Sơn Tây) đã ghi nhận có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Các quận huyện có số mắc cao là Hoàng Mai, 178 bệnh nhân; Hoài Đức, 149; Hai Bà Trưng, 97; Hà Đông, 92; Đống Đa, 68; Thanh Xuân, 64. Đặc biệt, dịch bệnh có xu hướng gia tăng bắt đầu từ tháng 7, tăng mạnh vào tháng 8 và đầu tháng 9 vì thời tiết hiện tại là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và lây truyền bệnh. Về bệnh tay- chân- miệng: trên địa bàn thành phố đã có 1.061 người mắc bệnh tay - chân - miệng; chưa có người dân nào tử vong bởi bệnh này. Về bệnh do vi rút Zika: hiện tại, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika. Tuy không có dịch Zika nhưng ngành Y tế Hà Nội vẫn chủ động giám sát và phát hiện 55 trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính.
Theo TS. Hoàng Đức Hạnh, trong thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội đã tăng cường công tác giám sát, xử lý, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài phòng chống dịch do vi rút Zika, giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài qua 2 máy đo thân nhiệt để phát hiện sớm hành khách có dấu hiệu nghi ngờ. Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức hai đợt phát động cao điểm chiến dịch vệ sinh môi trường, huy động các ban ngành chức năng của huyện, xã và toàn thể cộng đồng tham gia phòng chống dịch bệnh. Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe được tăng cường, kết hợp giữa truyền thông trực tiếp và truyền thông lưu động nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức và chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika cũng như các bệnh cúm mùa, những bệnh dễ bùng phát trong mùa thu - đông.
Các đơn vị y tế của ngành Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh cụ thể, chi tiết; chủ động giám sát bệnh nhân tại các cơ sở y tế, giám sát côn trùng trên địa bàn, nhất là nơi trọng điểm về sốt xuất huyết; xử lý ổ dịch, thu gom phế thải, chú ý đến các ổ bọ gậy nguồn; tổ chức đào tạo mạng lưới cán bộ làm công tác giám sát côn trùng; chủ động giám sát véc tơ truyền bệnh.
Theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội, trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội có thể diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong tháng 10, tháng 11, số ca mắc bệnh có thể tăng cao tại nhiều quận huyện, nhất là khu vực ven nội thành như: Hà Đông, Hoài Đức, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín. Đây là những nơi có môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh, các ổ bọ gậy phát triển khó kiểm soát, trong khi việc triển khai công tác phòng chống cần có nguồn kinh phí bổ sung, người dân một số địa phương chưa phối hợp tốt với các cấp chính quyền và ngành y tế trong công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng bệnh sốt xuất huyết, bệnh truyền nhiễm khác. Các yếu tố véc tơ truyền bệnh tại Hà Nội vẫn còn và đặc biệt sự giao lưu giữa các vùng miền, các quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển và lây lan nhanh.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội đề xuất các quận, huyện, thị xã, các đơn vị trong ngành Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng chống dịch cho các tháng cuối năm 2016, trong đó tập trung vào công tác phòng chống sốt xuất huyết, bệnh do vi rút Zika và tay – chân - miệng... đồng thời, tiếp tục giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, đặc biệt là hành khách đến từ các quốc gia và tỉnh, thành phố có dịch do vi rút Zika; áp dụng biện pháp cách ly, chuyển tuyến điều trị đối với những trường hợp có dấu hiệu nghi mắc; giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để, kịp thời khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ.
Các đơn vị y tế chuyên trách tập trung tối đa nguồn lực. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị trong ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động về mọi mặt, đảm bảo tối đa nhu cầu về vắc xin, vật tư tiêm chủng tại các xã, phường, thị trấn; tăng cường giám sát phản ứng sau tiêm chủng; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt; giám sát các bệnh không lây nhiễm và tiến tới quản lý tốt bệnh không lây nhiễm trên địa bàn thành phố.
TS. Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh: Để chủ động phòng chống sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika, không để dịch bùng phát, lây lan tại cộng đồng thì cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể phối hợp với ngành Y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh. Các đơn vị trong ngành Y tế cần thực hiện tốt việc giám sát các ca bệnh, giám sát véc tơ, tổ chức xử lý các ổ dịch kịp thời và triệt để; tổ chức, hướng dẫn và triển khai các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phế liệu, thả cá, thau rửa dụng cụ chứa nước để diệt bọ gậy; tăng cường các biện pháp giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, làm tốt công tác khám và điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh không để tử vong; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Người dân cần chủ động thường xuyên vệ sinh môi trường, lật úp các vật dụng chứa nước của gia đình không để muỗi đẻ trứng, thả cá vào bể nước…
Bài, ảnh: Quang Nguyễn