Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân trong điều kiện hạn hán và ngập mặn

  • |
Tình hình lũ lụt, xâm nhập mặn trong thời gian gần đây tại các tỉnh Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán tại các tỉnh miền Trung, Tây nguyên của nước ta đang diễn ra phức tạp đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến đời sống cho người dân. Hiện tượng thời tiết cực đoan này thường dẫn đến tình trạngô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người. Do đó, biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe là thực hiệnvệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.

Thực hiện vệ sinh cá nhân

Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch là biện pháp vệ sinh cá nhân hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trên 1cm2 da của người bình thường có chứa 40.000 vi khuẩn, số lượng này còn nhiều hơn ở trên da bàn tay. Chỉ với một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn Sigella, E.coli vốn là nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy và làm tử vong hàng triệu người trên thế giới.

8 thời điểm quan trọng phải rửa tay với xà phòng:

+ Trước khi chế biến thực phẩm,

+ Trước khi nấu ăn;

+ Sau khi làm vệ sinh cho trẻ em;

+ Sau khi đi vệ sinh (đi tiêu, đi tiểu);

+ Sau khi tiếp xúc, chăm sóc người bệnh;

+ Sau khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi làm dính các chất dịch lên tay;

+ Sau khi sinh hoạt hoặc vui chơi ngoài trời;

+ Sau khi tiếp xúc với động vật, kể cả với vật nuôi trong nhà.

 

 Tắm, giặt, thay quần áo thường xuyên. Tránh ngâm mình trong nước bẩn. Phụ nữ và trẻ em gái cần chú ý vệ sinh bộ phận sinh dục để phòng các bệnh phụ khoa.

Một biện pháp vệ sinh cá nhân cần thiết và dễ làm là rửa mặt bằng khăn mặt riêng, giặt và phơi khăn ra nắng để phòng các bệnh về mắt.

Đảm bảo vệ sinh môi trường

Xử lý phân người, phân vật nuôi đúng cách là việc làm vô cùng quan trọng nhằm diệt trừ mầm bệnh, không cho mầm bệnh phát tán ra môi trường, giữ cho mỗi trường sống sạch sẽ, giảm thiểu nguồn lây bệnh, tránh bùng phát các dịch bệnh lớn và nguy hiểm như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, tay chân miệng….

Vậy xử lý phân người, phân vật nuôi như thế nào? Các chuyên gia Y tế khuyến cáo

- Cần đi tiêu vào nhà vệ sinh hoặc vào những nơi quy định để cô lập (tách riêng) và quản lý được phân, không phóng uế bừa bãi, không sử dụng cầu tiêu ao cá. Trong tình trạng khẩn cấp, khi các nhà tiêu hợp vệ sinh bị phá hủy hoặc không sử dụng được, cần phải có chỗ quy định chung để đi vệ sinh tạm thời, không phóng uế bừa bãi ra môi trường, có biện pháp bảo đảm vệ sinh và quản lý phân/chất thải an toàn như rắc vôi bột, phun hoá chất khử trùng chloramin hàng ngày;

- Nhà tiêu hoặc nơi quy định để đi vệ sinh dù là tạm thời cũng phải cách xa nguồn nước ăn uống và sinh hoạt (với nhà tiêu cách ít nhất 10m, còn nơi quy định vệ sinh tạm thời thì cũng phải cách ít nhất 30m). Đáy của hố phân phải cách mực nước ngầm ít nhất 1,5 m. Lựa chọn loại nhà tiêu phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng vùng. Với những vùng hay ngập lụt nếu xây nhà tiêu cần thiết kế nhà tiêu với bệ xí cao hơn mực nước ngập cao nhất, có thể sử dụng nhà tiêu nổi… để nhà tiêu không bị ảnh hưởng khi lũ lụt. Với những vùng thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước có thể xây dựng các loại nhà tiêu khô không sử dụng nước như nhà tiêu hai ngăn sinh thái.

- Phân trẻ em cũng phải được xử lý như phân người lớn. Nếu sử dụng phân cho sản xuất nông nghiệp cần tuân thủ quy trình ủ phân an toàn.

Một biện pháp vệ sinh môi trường cần thiết nữa là thu gom, chôn lấp và khử trùng xác động vật theo đúng quy trình an toàn làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, tránh làm phát sinh các mầm bệnh lây truyền cho con người. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, động vật có thể bị chết do đuối nước (lũ lụt) hoặc không có nước uống (hạn hán, xâm nhập mặn).

            Thu gom, phân loại và xử lý rác đúng quy trình. Dọn sạch bùn, đất, rác thải tràn ngập ngay sau khi nước rút. Khơi thông cống rãnh, lấp các vũng nước đọng, phát quang bụi rậm, quét dọn và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng sẽ làm mất chỗ trú ẩn, sinh sôi của các côn trùng truyền bệnh. Tăng cường các biện pháp vệ sinh và sát trùng chuồng trại, không đưa vật nuôi ốm, chết và các chất thải của chúng ra môi trường khi chưa xử lý.

            Như vậy, để giảm thiểu những hậu quả nặng nề cho sức khỏe con người trong điều kiện hạn hán, lũ lụt và ngập mặn thì mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng cần chung tay thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân:

- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch;

- Tắm, giặt hằng ngày, nhất là giữ vệ sinh bộ phận sinh dục;

- Rửa mặt bằng khăn mặt riêng và phơi ra nắng…;

Ngoài việc vệ sinh cá nhân thì đảm bảo vệ sinh môi trường cũng rất quan trọng như:

- Quản lý phân người, phân súc vật tập trung và đúng nơi quy định;

- Thu gom, chôn lấp và khử trùng xác động vật theo đúng quy trình an toàn;

- Khơi thông cống rãnh, lấp các vũng nước đọng, phát quang bụi rậm, quét dọn và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng.

 

ThS. Phùng Thị Thảo

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang