Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam; Cục An toàn Bức xạ (Bộ Khoa học và Công nghệ); Ủy ban năng lượng nguyên tử Quốc tế IAEA; Ủy ban năng lượng nguyên tử Việt Nam; Văn phòng hợp tác vùng cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (RCARO); Bệnh viện Bạch Mai; Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu BV Bạch Mai cùng đại diện của 17 nước thuộc khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
Phát biểu chào mừng hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết chương trình hợp tác giữa bệnh viện Bạch Mai và Cơ quan năng lượng nguyên tử thế giới IAEA đã được triển khai từ nhiều năm. Trong đó Dự án hợp tác kỹ thuật IAEA TC RAS/06/083 đúng như tên gọi là nâng cao sự nhận thức về các quy trình y học hạt nhân thông qua mạng lưới chuyên gia nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân và năng lực các cơ quan chính phủ trong chương trình hợp tác Y học hạt nhân vùng (RCA). Từ đó nâng cao được năng lực y tế đặc biệt trong các bệnh lý không lây nhiễm như ung thư, tim mạch và cuối cùng, người bệnh là đối tượng thụ hưởng lợi ích cao nhất từ dự án này.
Tại Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng Y học hạt nhân trong chẩn đoán và điều trị. Bệnh viện có 3.100 giường bệnh và hàng ngày tiếp nhận 6.000 bệnh nhân đến khám bệnh. Trong đó, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai có hơn 200 giường bệnh hiện đang quản lý và điều trị cho hàng ngàn người bệnh. Việc ứng dụng các kỹ thuật y học hạt nhân, công nghệ phóng xạ và dùng các dược chất xạ chiếu, hóa chất xạ trị trong thời gian qua đã giúp Trung tâm chẩn đoán và điều trị các loại ung thư hiệu quả cao cho người bệnh.
Trong thời gian từ 4 ngày từ ngày 20-24/2, các đại biểu sẽ có những phiên họp về đánh giá Dự án RAS/06/083, bàn về kế hoạch hoạt động trong các năm 2017, 2018 và chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng y học hạt nhân trong chẩn đoán và điều trị ung thư của các nước tham dự.
Tuấn Minh