Chia sẻ thông tin tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) Thạc sĩ Đinh Thị Thu Thủy cho biết: Nghị quyết số 173/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tại điểm 2.2. đối với lĩnh vực y tế có nêu: “Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể”. Sau khi Nghị quyết của Quốc hội được thông qua, Việt Nam chính thức trở thành quốc gia thứ sáu của khu vực ASEAN cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đây là sự kiện quan trọng và có ý nghĩa không chỉ với Việt Nam, mà còn đối với cả quốc tế. Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều tổ chức khác đều đã gửi thư chúc mừng Việt Nam.
Về định hướng tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Y tế đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo đối với hai nội dung. Một là, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp các cơ quan tổ chức có liên quan dự thảo Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 173/2024/QH15 liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội thực hiện. Kế hoạch này dự kiến sẽ trình Thủ tướng chính phủ ban hành chậm nhất vào quý I năm 2025. Hai là, giao Bộ Y tế xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo trình tự, thủ tục rút gọn. Trong đó, dự kiến bổ sung hành vi "chứa chấp", "sử dụng" thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người. Đồng thời, bổ sung thẩm quyền xử phạt hành vi này theo trình tự thủ tục rút gọn. Đại diện Vụ Pháp chế cho hay, hiện nay pháp luật đã quy định xử phạt hành chính và hình sự rõ ràng việc sản xuất, chứa chấp và vận chuyển hàng cấm. Cụ thể, tại Điều 190 Bộ Luật Hình sự quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, với mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Điều 191 quy định về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tuy nhiên, chưa có quy định pháp luật cũng như chế tài xử lý đối với hành vi sử dụng hàng cấm. Do đó, hiện chưa có quy định xử phạt đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Ngoài ra, để việc cấm các sản phẩm này có hiệu quả, ThS Đinh Thị Thu Thủy cho biết, Bộ Y tế kiến nghị các biên pháp bao gồm: tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử phạt và tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế; mở rộng cơ sở cai nghiện theo hướng thân thiện, dễ tiếp cận và có hỗ trợ kinh phí cai nghiện từ nguồn của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá; xây dựng môi trường không khói thuốc để trẻ em và người dân được hưởng bầu không khí trong lành, không độc hại từ thuốc lá.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, ThS.BS. Nguyễn Tuấn Lâm cho rằng, để việc thực hiện số 173/2024/QH15 hiệu quả, Việt Nam cần tập trung vào ngăn chặn nguồn cung, ngăn việc nhập lậu, buôn bán và quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; tăng cường ngăn chặn tại các cửa khẩu cũng như tại các điểm bán, nhất là mức phạt đối với các hành vi vi phạm cần đủ cao, có tính răn đe. Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung nhiều vào việc ngăn chặn buôn bán và quảng cáo trên mạng; tổ chức chiến dịch ra quân và duy trình mạnh mẽ, giống như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm và cấm uống rượu lái xe. Đồng thời, cần có các cuộc khảo sát, đánh giá thường xuyên để theo dõi mức độ sử dụng và hiệu quả của việc thực thi quy định cấm.
M.P