Ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết: Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em những năm qua đạt nhiều thành tích. Các chỉ số giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ em và giảm suy dinh dưỡng trẻ em ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ, tại nước ta hiện nay, mỗi ngày có 39 em bé dưới 28 ngày tuổi tử vong. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đang chiếm tới 80% số ca tử vong đối với trẻ dưới 1 tuổi. Bên cạnh đó, sau khi trẻ ra đời, sự chăm sóc nuôi dưỡng cũng ảnh hưởng đến của trẻ sơ sinh… Nguyên nhân được cho là do ở xa cơ sở y tế, nhiều người mẹ vùng khó khăn phải sinh con tại nhà, không được chăm sóc y tế kịp thời, đúng cách, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Ông Trần Đăng Khoa cho biết thêm, chính sách đối với đội ngũ cô đỡ thôn bản hiện nay chưa được quan tâm đúng mức cũng góp phần làm cho tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh vẫn ở mức cao.
Để cải thiện các chỉ số này, cần phải làm nhiều việc khác nhau, trong đó có việc xây dựng công cụ theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Một trong những giải pháp được Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em thực hiện là xây dựng Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Công cụ này được thực hiện theo mô hình của Nhật Bản, được triển khai từ năm 1998 (tại Bến Tre) nhưng đến năm 2015 mới được hiện thực hóa tại 4 tỉnh với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA - Nhật Bản). Đến nay, sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được triển khai trên toàn quốc và đã phủ sóng hầu hết các tỉnh thành. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kết quả chưa đạt như kỳ vọng.
Cuốn sổ này được thiết kế khoa học theo diễn tiến quá trình mang thai và chăm sóc trẻ đến 6 tuổi. Hiện đã có trên 40 nước sử dụng loại sổ này, nhằm kịp thời phát hiện các nguy cơ, tai biến có thể gặp phải trong quá trình mang thai cũng như các dấu hiệu bất thường về bệnh tật của trẻ. Đây là công cụ góp phần giảm tử vong mẹ và trẻ em. Sổ giống như một cuốn nhật ký sức khỏe thể hiện quan tâm của gia đình với đứa trẻ từ lúc chào đời đến khi trưởng thành. Sổ cũng chứa nhiều thông tin tư vấn hữu ích cho cha mẹ, nhằm xử trí và theo dõi các vấn đề bệnh thông thường ở trẻ.
Ngoài cuốn sổ này, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cũng đã phối hợp với Công ty Ajinomoto Việt Nam xây dựng phần mềm thực đơn cân bằng dinh dưỡng từ năm 2018. Phần mềm này áp dụng cho bà mẹ mang thai, nuôi con bú và trẻ em từ 7 đến 60 tháng tuổi. Phần mềm được xây dựng công phu, khoa học, sử dụng ngân hàng thực đơn phù hợp với thức ăn, nguồn thực phẩm từng vùng miền, đã được thử nghiệm, được hội đồng khoa học của Viện Dinh dưỡng tính toán, cân đối, được Bộ Y tế có quyết định ban hành số 4976 ngày 20/11/2020. Đến nay phần mềm đã được triển khai ở một số tỉnh, song do dịch COVID-19 tác động nên việc triển khai đến nay chưa được nhiều.
Ông Khoa cũng cho biết thêm, thời gian tới sẽ xây dựng bộ thông điệp truyền thông chủ chốt trong chăm thời gian tới sẽ xây dựng bộ thông điệp truyền thông chủ chốt trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản và nhiều loại hình sản phẩm truyền thông như tờ gấp, áp phích, sách lật, video clip khoa giáo. Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng tin bài, phóng sự về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản. Chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông đại chúng về những vấn đề nóng như tai biến sản khoa, tai biến sơ sinh…
Hoàng Hiền