Tại Lễ kỷ niệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, trong 65 năm xây dựng và phát triển của ngành y tế cách mạng Việt Nam và 55 năm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong ngành đã không ngừng nỗ lực đưa nền y học nước nhà phát triển và ngày càng lớn mạnh. Các chỉ tiêu sức khỏe của nhân dân được nâng lên rõ rệt và cao hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập. Chỉ số phát triển của người Việt Nam không ngừng tăng lên trong suốt hơn hai thập kỷ qua, chúng ta đã thanh toán được bệnh bại liệt, khống chế được bệnh uốn ván sơ sinh, sởi, ho gà, bạch hầu; tỷ suất chết mẹ, chết trẻ em giảm rõ rệt; tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã đạt 72,8 tuổi. Đặc biệt năm 2009, lần đầu tiên ngành y tế hoàn thành vượt kế hoạch đối với 04/04 chỉ tiêu được Quốc hội giao, đáng chú ý là đạt được mức giảm sinh 0,2 phần nghìn và hạ tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống mức 18,9% và hoàn thành 15/15 chỉ tiêu được Chính phủ giao.
Công tác phòng, chống dịch bệnh đã được tiến hành chủ động. Nhiều bệnh, dịch nguy hiểm đã được khống chế và đẩy lùi, như dịch tả, dịch hạch, sốt rét, dịch cúm A(H5N1), dịch cúm A(H1N1)… góp phần nâng cao uy tín của ngành y tế Việt Nam trên thế giới. Công tác khám, chữa bệnh cũng có sự tiến bộ vượt bậc, nhiều tiến bộ kỹ thuật y học với công nghệ mới, hiện đại, tiên tiến của thế giới đã được ứng dụng thành công. Gần 100% số xã, phường, thị trấn trong cả nước có cán bộ y tế làm việc, khoảng 65% số xã có bác sĩ, hơn 90% số thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động; khoảng 65% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Tiếp tục nâng cao chất lượng y tế
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời chúc mừng tới toàn thể cán bộ công chức, viên chức ngành y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt
Năm 2010 là năm cuối cùng ngành y tế thực hiện Chiến lược Chăm sóc sức và bảo vệ khỏe nhân dân, quy hoạch phát triển hệ thống y tế giai đoạn đến năm 2010 và chuẩn bị triển khai những nhiệm vụ Chiến lược về phát triển y tế trong 10 năm tới (2011-2020). Ðể hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ: trong thời gian tới, ngành y tế cần phải tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ cơ bản, cấp bách nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ðó là:
1. Tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động đặc biệt là cơ chế tài chính; đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; tăng cường phân cấp, giao quyền, giao trách nhiệm cho các đơn vị; nâng cao hiệu quả quản lý, trong đó chú ý đổi mới về đầu tư và cơ cấu phân bổ ngân sách theo hướng ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, chương trình mục tiêu y tế quốc gia… Chuyển dần hình thức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho bên cung cấp dịch vụ y tế (các cơ sở y tế) sang hỗ trợ người sử dụng dịch vụ y tế. Ngân sách nhà nước bảo đảm chế độ, chính sách đối với các đối tượng do nhà nước bảo đảm nhằm bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh, hợp với nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạo các điều kiện phù hợp để tăng thu nhập chính đáng cho viên chức sự nghiệp, người giỏi, người tài được trả lương thỏa đáng nhằm khuyến khích tài năng. Tăng cường công tác xã hội hóa, đẩy nhanh tiến độ phát triển bệnh viện tư nhân, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong khám, chữa bệnh cho nhân dân. Cùng với việc sửa đổi chính sách giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ… cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân theo Luật BHYT và Nghị định 62/2009/NÐ-CP của Chính phủ.
2. Bằng các giải pháp thích hợp, phấn đấu bảo đảm tính công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới sáu tuổi và các đối tượng chính sách khác.
3. Triển khai các giải pháp phù hợp, chủ động phòng, chống dịch; tăng cường hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương để kiểm soát được các dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra nhất là đối với các dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp như dịch cúm A(H1N1), Cúm A(H5N1), tiêu chảy cấp nguy hiểm…
4. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp Dược, sản xuất thuốc, thiết bị y tế trong nước, đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
5. Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe; nâng cao năng lực quản lý; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
6. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2010, khẩn trương xây dựng quy hoạch chi tiết đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhanh chóng ổn định tổ chức và mô hình quản lý y tế địa phương, thực hiện quản lý y tế theo ngành tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Quan tâm hơn nữa đến công tác dân số kế hoạch hóa gia đình.
7. Tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và nhân tài cho y tế, nâng cao đạo đức và phẩm chất của người thầy thuốc. Đây là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của ngành.
8. Tăng cường phát triển, kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại nhằm xây dựng nền y học dân tộc và đại chúng như lời Bác Hồ đã dạy trong thư Bác gửi ngành y tế.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý, các cán bộ, y bác sĩ trong toàn ngành y tế phải không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, qua việc nâng cao tinh thần thái độ, y đức và trình độ chuyên môn để phục vụ người bệnh được tốt hơn và tin tưởng rằng, ngành y tế tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp để nỗ lực phấn đấu, đạt nhiều thành quả lớn lao hơn nữa, góp phần nâng cao sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trao tặng các danh hiệu cao quý của Nhà nước và của ngành y tế
Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân” cho 73 thầy thuốc và 1.233 “Thầy thuốc ưu tú”. Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua cho 11 đơn vị; Bộ trưởng Bộ Y tế tặng cờ thi đua cho 98 đơn vị trong ngành; 26 tập thể và 31 cá nhân đạt thành tích cao trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Thay mặt Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao bằng chứng nhận “Thầy thuốc nhân dân” cho 73 thầy thuốc và trao cờ thi đua cho 11 đơn vị đã có thành tích xuất sắc nhất dẫn đầu phong trào thi đua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh lưu niệm với các đơn vị được nhận cờ thi đua của Chính phủ (Ảnh: Hoài Phương)
Chỉ đạo điểm thực hiện thành công Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Hai năm qua, ngành y tế được chọn là đơn vị chỉ đạo điểm thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Ngành đã chọn 18 đơn vị có tính đại diện để triển khai chỉ đạo điểm. Trên cơ sở kết quả thực hiện ở những đơn vị này sẽ tạo điều kiện để nhân rộng trong phạm vi toàn ngành. Sau hai năm thực hiện, những kết quả quan trọng được thể hiện cả về nhận thức và hành động của đội cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động ngành y tế. Ðạo đức nghề nghiệp có chuyển biến rõ rệt về ứng xử với người bệnh, cũng như trong sinh hoạt, lối sống. Phần lớn cán bộ trong ngành nhận thức rõ ý nghĩa và lợi ích thiết thực cho mình, cho xã hội và tầm quan trọng của cuộc vận động này. Nhiều gương điển hình tiêu biểu học và làm theo đạo đức Bác Hồ để rèn luyện y đức phục vụ nhân dân đã xuất hiện, trong đó có 05 tập thể và 16 cá nhân được Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động khen thưởng trong Cuộc tổng kết toàn quốc vừa qua; 21 tập thể và 16 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen.
Để tiếp tục thực hiện cuộc vận động trong năm 2010, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục chọn một số đơn vị, cơ quan thực hiện điểm trong toàn ngành và chào mừng kỷ niệm 120 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, tuyên truyền sâu rộng trong toàn ngành về chủ đề trong năm 2010: Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh “là đạo đức, là văn minh” gắn với Đại hội Đảng bộ các cấp trong ngành. Tiếp tục hoàn chỉnh các tiêu chuẩn đạo đức, quy tắc ứng xử, y đức của người thầy thuốc, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tham nhũng, đưa thực hiện đi vào chiều sâu. Đồng thời triển khai giảng dạy và học tập đạo đức Hồ Chí Minh trong giáo dục, đào tạo của ngành Y tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao bằng chứng nhận “Thầy thuốc nhân dân” cho 73 thầy thuốc (Ảnh: Quang Mai)