Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Bắc Ninh: Triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm

  • |
Những năm gần đây, tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) ở bếp ăn tập thể (BATT) trong các khu công nghiệp (KCN) có chiều hướng tăng, diễn biến phức tạp với quy mô lớn. Bắc Ninh là tỉnh tiếp giáp thủ đô Hà Nội, tập trung nhiều KCN với đông đảo công nhân sinh sống và lao động. Để đảm bảo đời sống và sức khỏe cho người lao động, giảm thiểu tối đa tình trạng ngộ độc thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân, nhiều biện pháp đã được các cơ quan chức năng đưa vào triển khai thực hiện.

 

Đại diện các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp cho các bếp ăn tập thể tại KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh kí cam kết Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm với Chi cục ATVSTP

Những năm gần đây, tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) ở bếp ăn tập thể (BATT) trong các khu công nghiệp (KCN) có chiều hướng tăng, diễn biến phức tạp với quy mô lớn. Bắc Ninh là tỉnh tiếp giáp thủ đô Hà Nội, tập trung nhiều KCN với đông đảo công nhân sinh sống và lao động. Để đảm bảo đời sống và sức khỏe cho người lao động, giảm thiểu tối đa tình trạng ngộ độc thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân, nhiều biện pháp đã được các cơ quan chức năng đưa vào triển khai thực hiện.

Hiện nay, Bắc Ninh có 15 KCN tập trung, 18 KCN vừa và nhỏ, cụm công nghiệp làng nghề, với khoảng gần 200.000 công nhân đang sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) ở bếp ăn tập thể (BATT) trong các KCN đang là một vấn đề đáng báo động. Năm 2012, Bắc Ninh xảy ra 4 vụ NĐTP với 262 người mắc, 99 người nhập viện; năm 2013 xảy ra 3 vụ làm 196 người mắc, 48 người nhập viện; đặc biệt năm 2014 tăng cả về số vụ và số người mắc với 5 vụ khiến 331 người mắc, 133 người đi viện.

Theo thống kê năm 2014, Bắc Ninh có tổng số 225 BATT, trong đó có đến 57,1% BATT là công ty, doanh nghiệp tự nấu. Số BATT được cấp phép đủ điều kiện VSATTP là 181, chiếm 80,44%. Thông qua hoạt động thanh, kiểm tra và thẩm định năm 2014 của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và các cơ quan chức năng liên quan, có 76,6% BATT đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất và môi trường xung quanh; 73,6% BATT đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về trang thiết bị; 76,9% BATT đảm bảo đầy đủ điều kiện về con người; 74,7% BATT đảm bảo các điều kiện nguyên liệu thực phẩm và bảo quản.

Công tác thanh tra, kiểm tra đánh giá thực trạng việc đảm bảo ATVSTP cũng được tập trung vào các cơ sở thực phẩm nói chung và BATT ở KCN nói riêng. Tính riêng năm 2014, toàn tỉnh có 29 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, tập trung chủ yếu ở các lỗi không có hệ thống phòng, chống côn trùng; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP; để xảy ra ngộ độc thực phẩm; lưu mẫu thức ăn; thiếu hồ sơ tập huấn, khám sức khỏe và bảo quản thực phẩm không đúng quy định. Chi cục ATVSTP là đơn vị đầu mối tổ chức hoạt động đào tạo, tập huấn và cấp giấy xác nhận kiến thức ATVSTP cho các cơ sở. Năm 2014, 253 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm và BATT với 5.865 người đã được tập huấn và xác nhận kiến thức.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Danh Phượng – Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Bắc Ninh cho biết, để đảm bảo vấn đề ATTP nói chung và tại BATT nói riêng, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành Luật ATTP cùng rất nhiều các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật... Trong các cuộc thanh, kiểm tra; các hội nghị hay các buổi làm việc trực tiếp với những đơn vị sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, Chi cục đều cố gắng cung cấp đến các đơn vị danh mục các văn bản quy phạm pháp luật chính liên quan đến ATTP. Đây là cơ sở pháp lí và là căn cứ để chủ doanh nghiệp cũng như mỗi cá nhân thực hiện.

Tại hội nghị Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm lần đầu tiên được tổ chức tại Bắc Ninh với sự tham gia của Sở Y tế, Ban quản lí các KCN cùng đông đảo đại diện các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn; các đơn vị tham gia đã trực tiếp được giải đáp các vướng mắc liên quan đến vấn đề đảm bảo ATTP với cơ quan chức năng. Đại diện công ty thực phẩm Á Châu có ý kiến: “Theo luật định yêu cầu thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất sứ rõ ràng. Tuy nhiên, hiện nay cả nước đều đang chung tay hỗ trợ nông dân tận thu những nguồn nông sản mà nông dân sản xuất ra. Nhưng không thể đòi hỏi những người nông dân có giấy tờ chứng minh rõ ràng nguồn gốc nông sản của họ. Vậy thì làm cách nào để chúng tôi có thể hỗ trợ được người nông dân trong khi họ không đảm bảo được yêu cầu của Luật?”. Giải đáp ý kiến này, đại diện Chi cục ATVSTP đưa ra hướng giải pháp cho các công ty, doanh nghiệp khi mua hàng của nông dân nếu không có hóa đơn, chứng từ; cần yêu cầu họ có giấy tờ cam kết sản phẩm nông sản đó đảm bảo chất lượng ATTP với công ty, phòng trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm sẽ có cơ sở để truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Hay ý kiến của đơn vị trung tâm y tế huyện Tiên Du liên quan đến vấn đề phân cấp quản lí nhà nước về ATTP hiện đang có sự chồng chéo, không rõ ràng giữa ngành y tế, ngành nông nghiệp và ngành công thương khiến cho hoạt động quản lí gặp nhiều vướng mắc. Đồng chí Nguyễn Đình Tâm – Phó giám đốc Sở Y tế đã hướng dẫn các đơn vị thực hiện theo Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 9/4/2014 hướng dẫn viện phân công, phối hợp trong quản lí nhà nước về ATTP. Đồng thời cũng yêu cầu Chi cục ATVSTP có sự tham mưu cụ thể hơn trong quản lí nhà nước về ATTP của ngành y tế để có hướng hoàn thiện hơn trong thời gian tới.

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều ý kiến được đưa ra tại hội nghị. Có thể nói, trực tiếp thông tin và chia sẻ ý kiến giúp ích rất lớn cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc giải đáp các thắc mắc; đồng thời cũng là cơ sở để cơ quan chức năng tiếp tục có những giải pháp thiết thực hơn trong việc quản lí nhằm đảo bảo tối ưu vấn đề ATTP. Đặc biệt, tại hội nghị, trước sự chứng kiến của cơ quan quản lí và các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, 35 đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp cho các BATT tại các KCN đã kí cam kết Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm với Chi cục ATVSTP. Đây là một bước tiến mới thể hiện sự hợp tác chặt chẽ, sâu rộng giữa cơ quan chức năng với các đơn vị kinh doanh thực phẩm; là tiền đề để tin tưởng hơn vào chất lượng thực phẩm tại các BATT, đảm bảo không để ngộ độc thực phẩm xảy ra hướng tới mục tiêu chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe người lao động.

Đồng chí Nguyễn Đình Tâm – PGĐ Sở Y tế cho biết, ngành y tế Bắc Ninh đã và đang triển khai tích cực các biện pháp đảm bảo ATTP. Các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có ý thức ngày càng cao trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc kí cam kết Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm đã chứng tỏ rõ hơn các đơn vị cung cấp suất ăn cho người lao động trên địa bàn không vì lợi ích kinh doanh, giá thành suất ăn thấp mà cung cấp những thực phẩm kém chất lượng cho người lao động. Đồng chí nhấn mạnh, công tác truyền thông cũng cần được nâng cao hơn nữa để tuyên truyền, giáo dục kiến thức ATTP, phổ biến biện pháp phòng chống NĐTP cho các doanh nghiệp..
 
Bài, ảnh: Nguyễn Oanh
T4g Bắc Ninh

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang