Tới dự và chia sẻ thông tin có PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu; PGS.TS. Mai Duy Tôn; TS. Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện; BSCKII. Phạm Thị Bích Mận, Trưởng Phòng Công tác xã hội BV Bạch Mai cùng đông đảo phóng viên, báo đài.
PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai cho biết, trong những ngày vừa qua, miền Bắc xảy ra rét đậm, rét hại nên gia tăng số bệnh nhân bị các bệnh hô hấp, tim mạch, thần kinh, đột quỵ. Trong đó đột quỵ tăng 10-20% so với ngày thường, số ca phải can thiệp cấp cứu và tử vong cũng cao hơn. Trước dịp nghỉ lễ, trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 160 bệnh nhân đến cấp cứu, trong đó 30-40% bị đột quỵ. Trong 4 ngày nghỉ Tết, số bệnh nhân đến cấp cứu giảm còn 130-140 bệnh nhân, song số bệnh nhân đột quỵ chiếm tới 40%, tương đương 40-55 bệnh nhân mỗi ngày.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, vào các đợt rét, bệnh nhân đột quỵ bao giờ cũng có xu hướng tăng 10 - 20% so với ngày thường. Đây là những bệnh nhân vốn có các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như: tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, béo phì, hút thuốc lá… Khi gặp yếu tố khách quan tác động như quá nóng hoặc quá lạnh làm cho các yếu tố nguy cơ bất ổn, cơn tăng huyết áp, tiểu đường tăng lên, gây nguy cơ đột quỵ.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, khi phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ như: nói ngọng, liệt mặt, méo miệng, liệt nửa người, đau đầu đột ngột, chóng mặt, mất thị lực đột ngột…, hãy yêu cầu người bệnh cười, nói, chào rồi quan sát và cần gọi ngay cấp cứu 115. Bởi với đột quỵ, thời gian vàng để xử trí hiệu quả là trong vòng 3 tiếng. Đây là những dấu hiệu ban đầu cho thấy não bị thiếu máu, thiếu oxy... Để càng lâu thì phần não bị chết càng lớn, không thể chữa trị phục hồi lại được. Còn đến viện muộn, người bệnh dễ bị di chứng hôn mê, liệt nửa người, rối loạn ý thức, rối loạn nuốt, mất ngôn ngữ không thể tự ăn uống, sinh hoạt cá nhân được…Ngoài ra, chi phí điều trị cũng tốn kém hơn rất nhiều so với việc bệnh nhân được cấp cứu kịp thời trong thời gian vàng.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trước một bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ, người dân tuyệt đối không tự ý điều trị cho người bệnh dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu hay đánh gió vì những tác động này vô tình có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn; đồng thời không cho bệnh nhân ăn, uống bất cứ loại thuốc gì, ngay cả nước lọc cũng không nên trong tình huống này. Cố gắng đảm bảo thông thoáng đường thở cho bệnh nhân bằng cách tháo răng giả (nếu có), lau sạch chất nôn, đờm dãi, nới rộng vùng trên ngực để bệnh nhân thông thoáng đường hô hấp rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, nhanh nhất. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị thay đổi kết cục rất tốt khi người bệnh đến trong giờ vàng. Giờ vàng điều trị đột quỵ mở rộng từ 4,5 - 6 giờ, thậm chí có những ca đặc biệt trong 24 giờ việc can thiệp mang lại nhiều cơ hội sống cho người bệnh.
Hoàng Hiền