ThS. BS. Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, nếu xét về tỷ lệ nam giới sử dụng rượu, bia, Việt Nam đang ở mức cao nhất trên thế giới, đặc biệt, hiện có 44,2% số người sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại cho sức khỏe. Trong số người uống rượu, bia có tới 45% tham gia lái xe trong vòng hai giờ đồng hồ sau uống. Theo thống kê từ các bệnh viện, 36% nạn nhân tai nạn giao thông đi xe máy có nồng độ cồn cao hơn mức cho phép, với người đi ô tô là 66%. Không chỉ tác động tiêu cực đến tình hình trật tự an toàn giao thông, an ninh xã hội, việc sử dụng rượu, bia còn gây nhiều ảnh hưởng nhiều đến cho sức khỏe với khoảng 200 loại bệnh tật như: ung thư, tim mạch, đái tháo đường, tiêu hóa, tâm thần.. có liên quan đến lạm dụng rượu, bia. Bệnh viện K Trung ương cho biết, có 06 loại ung thư có liên quan mật thiết tới rượu như ung thư khoang miệng, hạ họng - thanh quản, vòm họng, thực quản, gan, vú và đại trực tràng. Gánh nặng kinh tế với những loại ung thư này ước tính khoảng 25.789 tỷ đồng/năm.
BSCC. Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, lạm dụng rượu gây nguy hại cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước vì đối tượng lạm dụng rượu và nghiện rượu hầu hết là ở lứa tuổi lao động và đang có xu hướng trẻ hóa. Hậu quả lạm dụng rượu và nghiện rượu khiến tỷ lệ người mắc các bệnh về tâm thần tăng nhanh với các loại tâm thần như: rối loạn giấc ngủ, rối loạn trí nhớ, rối loạn nhân cách, ảo giác, hoang tưởng… Các rối loạn tâm thần thường gặp do rượu là ảo giác (52,4%); hoang tưởng (42,9%); khó ngủ hoặc ít ngủ (100%). Dạng rối loạn do rượu thường gặp và nặng nề nhất là sảng rượu (chiếm 20-30% các trường hợp rối loạn do rượu điều trị nội trú tại bệnh viện).Sảng rượu thường gặp ở lứa tuổi trên 30 với các biểu hiện chính là rối loạn ý thức, ảo giác nhất là ảo thị, ảo thanh, ảo giác xúc giác, hoang tưởng bị truy hại, bị theo dõi, cảm xúc không ổn định, hốt hoảng và các triệu chứng cơ thể, thực vật nặng nề… Việt Nam nằm trong số các quốc gia có thể hình thấp bé nhất thế giới, một trong những nguyên nhân là do tác hại của việc lạm dụng rượu, bia. Trong khi đó, nhiều người dân chưa ý thức được rõ ràng nguy cơ do lạm dụng rươu bia gây ra. Theo kết quả khảo sát cho thấy hơn 73% người dân coi rượu là chất kích thích, 68% cho rằng rượu giúp ăn ngon, 11% không phản đối và cho đó là tập quán bình thường. Lý giải nguyên nhân dẫn tới hiện tượng gia tăng sử dụng rượu, bia của người Việt, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế nhận định: lý do thứ nhất, là bởi chúng ta quá dễ dãi trong việc mua bán rượu, bia. Đi khắp đất nước, từ vùng núi đến đồng bằng, ở đâu cũng có sẵn rượu để uống; lý do thứ hai, là do văn hóa nhậu nhẹt. Dân gian có câu "trai vô tửu như cờ vô phong", đã là đàn ông thì phải uống rượu, nét văn hóa này đã trở thành điều tiêu cực trong đời sống văn hóa xã hội. Lý do thứ 3 là vì cộng đồng người Việt vốn có thói quen đi đám giỗ, cưới hỏi đều lấy rượu, bia làm niềm vui.
Cần có chính sách đủ mạnh để hạn chế những ảnh hưởng nguy hại từ rượu, bia
Phát biểu tại Hội thảo “Chia sẽ kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Nếu không có biện pháp mạnh tay để hạn chế tình trạng sử dụng rượu, bia, Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu về sử dụng rượu, bia chứ không phải là thứ 29 trên thế giới như hiện nay”.
TS. Nguyễn Huy Quang cho biết, Bộ Y tế đã được Quốc hội, Chính phủ giao cho nhiệm vụ chủ trì xây dựng Luật phòng chống tác hại của rượu, bia. Hiện nay, Ban soạn thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đang gấp rút hoàn thiện dự thảo luật để trình Bộ Tư pháp thẩm định vào tháng 11/2016. Sau đó trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong năm 2017 để kịp thời phê duyệt và ban hành vào năm 2018.
Về quy định cấm bán rượu, bia sau 22h, TS. Nguyễn Huy Quang cho biết, quy định này cần phải được thực hiện. Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều đã có các quy định tương tự liên quan đến phòng chống tác hại của rượu, bia. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, từ 22 - 24h là khoảng thời gian cơ địa của con người phải ngơi nghỉ để tái tạo sức lao động. Trong khi đó, chúng ta lại dùng thời gian “vàng” đó cho việc vui chơi, sử dụng các chất gây nghiện là rất có hại cho sức khỏe. Thêm vào đó, quãng thời gian này, nếu sử dụng rượu, bia sẽ có hại rất lớn cho hệ hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa…, đặc biệt, rất dễ gây nghiện các chất kích thích lúc đó.Tuy nhiên, để xây dựng có hiệu quả quy định này, chúng ta cần phải nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của các nước đã triển khai có hiệu quả quy định này.
ThS. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết, hiện nay, những chế tài phòng chống tác hại của rượu, bia vẫn tồn tại những “khoảng trống”. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế đó và tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia. Nội dung chính của luật bao gồm: các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng; các biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp; các biện pháp giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia và bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Ngày 26/9/2016, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam và Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia”. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; đại diện WHO; lãnh đạo một số vụ, cục trực thuộc Bộ Y tế; các chuyên gia trong lĩnh vực y tế và các ban, ngành, tổ chức hữu quan.
|
Bài, ảnh: Như Hiển