Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Bệnh sởi

  • |
T5g.org.vn - Sởi là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em, mặc dù hiện nay đã có vắcxin an toàn và hiệu quả. Trong năm 2012, trên toàn cầu đã có 122.000 trường hợp tử vong do bệnh sởi (chủ yếu là trẻ em dưới năm tuổi) - tương đương khoảng 330 trường hợp tử vong mỗi ngày hoặc 14 trường hợp tử vong mỗi giờ. Tỷ lệ tử vong do sởi trên toàn thế giới đã giảm 78% từ năm 2000 đến năm 2012 nhờ tiêm vắcxin sởi. Trong năm 2012, khoảng 84% trẻ em khắp thế giới được tiêm một liều vắcxin sởi trong vòng 12 tháng đầu đời thông qua các dịch vụ sức khỏe định kỳ, tăng lên so với tỷ lệ 72% của năm 2000.

Sởi là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em, mặc dù hiện nay đã có vắcxin an toàn và hiệu quả. Trong năm 2012, trên toàn cầu đã có 122.000 trường hợp tử vong do bệnh sởi (chủ yếu là trẻ em dưới năm tuổi) - tương đương khoảng 330 trường hợp tử vong mỗi ngày hoặc 14 trường hợp tử vong mỗi giờ. Tỷ lệ tử vong do sởi trên toàn thế giới đã giảm 78% từ năm 2000 đến năm 2012 nhờ tiêm vắcxin sởi. Trong năm 2012, khoảng 84% trẻ em khắp thế giới được tiêm một liều vắcxin sởi trong vòng 12 tháng đầu đời thông qua các dịch vụ sức khỏe định kỳ, tăng lên so với tỷ lệ 72% của năm 2000.

Sởi là một bệnh do virut gây ra, rất dễ lây lan. Vào năm 1980, trước khi việc tiêm vắcxin được triển khai rộng rãi, sởi gây ra khoảng 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm. Hiện nay sởi vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trên toàn cầu, mặc dù đã có vắcxin an toàn và hiệu quả.

Nguyên nhân gây nên bệnh sởi là một loại virut thuộc họ Paramyxovirus. Virut sởi thường phát triển trong các tế bào niêm mạc thành sau họng và phổi. Sởi là bệnh ở người và không gặp ở động vật.

Tiêm vắcxin đã có tác động lớn đến việc giảm tử vong do sởi. Tính từ năm 2000, hơn một tỷ trẻ em ở các nước có nguy cơ cao đã được tiêm vắcxin phòng bệnh thông qua các chiến dịch tiêm chủng đại trà, trong đó riêng năm 2012 là khoảng 145 triệu trẻ. Số ca tử vong do sởi trên toàn cầu đã giảm 78%, từ khoảng 562.400 ca xuống còn 122.000 ca.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sởi

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi thường là sốt cao, xuất hiện từ 10 đến 12 ngày sau khi tiếp xúc với virut sởi và kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Trong giai đoạn khởi phát, người bệnh có thể chảy nước mũi, ho, mắt đỏ và chảy nước mắt, xuất hiện các đốm trắng nhỏ bên trong má. Vài ngày sau, bắt đầu phát ban, thường là trên mặt và cổ. Sau khoảng 3 ngày, ban lan rộng, cuối cùng đến bàn tay và bàn chân. Ban tồn tại 5-6 ngày và sau đó mất dần. Tính trung bình, ban xuất hiện khoảng 14 ngày sau khi tiếp xúc với virut (từ 7 đến 18 ngày).

Bệnh sởi nặng dễ xảy ra ở trẻ em được nuôi dưỡng kém, đặc biệt là những trẻ thiếu vitamin A, suy giảm miễn dịch do HIV/AIDS hoặc các bệnh khác.

Hầu hết các ca tử vong liên quan đến bệnh sởi là do biến chứng của bệnh. Các biến chứng thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc người lớn trên 20 tuổi. Các biến chứng nghiêm trọng nhất gồm mù lòa, viêm não, tiêu chảy nặng và mất nước, nhiễm trùng tai, hoặc nhiễm trùng hô hấp nặng như viêm phổi. Có tới 10% trường hợp sởi bị tử vong ở người suy dinh dưỡng nặng và không được chăm sóc y tế. Phụ nữ bị mắc sởi trong khi mang thai cũng có nguy cơ biến chứng nặng, sẩy thai hoặc đẻ non. Người đã mắc bệnh sởi có miễn dịch đến suốt đời.

Ai có nguy cơ mắc sởi?

Trẻ em không tiêm vắcxin có nguy cơ cao nhất bị sởi và các biến chứng của bệnh, kể cả tử vong. Phụ nữ mang thai không được tiêm vắcxin cũng có nguy cơ. Bất kỳ người nào không có miễn dịch (không được tiêm phòng hoặc đã được tiêm phòng nhưng không đầy đủ để gây miễn dịch) có thể bị mắc sởi.

Sởi vẫn còn phổ biến ở nhiều nước đang phát triển - đặc biệt là ở một số khu vực tại châu Phi và châu Á. Hơn 20 triệu người bị sởi mỗi năm. Hơn 95% số ca tử vong do bệnh sởi xảy ra ở các nước có thu nhập bình quân đầu người thấp và cơ sở hạ tầng y tế yếu kém.

Bệnh sởi bùng phát có thể đặc biệt nguy hiểm ở những nơi đang trải qua hoặc hồi phục sau thảm họa tự nhiên hay các cuộc xung đột. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ y tế bị thiệt hại sẽ làm gián đoạn việc tiêm chủng thường quy, cộng với tình trạng quá tải trong các trại lánh nạn làm tăng đáng kể nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Lây truyền

Virut gây bệnh sởi rất dễ lây lan qua ho và hắt hơi, tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết mũi họng của người mắc bệnh.

Virut vẫn hoạt động và lây nhiễm trong không khí hoặc trên các bề mặt bị nhiễm sau hai giờ. Nó có thể được lây truyền từ người bị nhiễm bệnh trong khoảng thời gian từ 4 ngày trước khi phát ban cho đến tận 4 ngày sau khi phát ban.

Bệnh sởi bùng phát có thể dẫn đến dịch bệnh gây ra nhiều ca tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ suy dinh dưỡng. Ở những quốc gia nơi bệnh sởi đã được loại trừ hầu hết thì các ca mắc bệnh đến từ các quốc gia khác vẫn là một nguồn lây nhiễm quan trọng.

Điều trị

Hiện nay không có biện pháp điều trị đặc hiệu kháng virut sởi.

Có thể tránh các biến chứng nặng do sởi bằng cách chăm sóc hỗ trợ: đảm bảo dinh dưỡng tốt, uống nước đầy đủ, bù nước và điện giải bị mất do tiêu chảy hoặc nôn. Có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng ở mắt và tai, viêm phổi.

Tất cả trẻ em ở các nước đang phát triển khi có chẩn đoán sởi cần được điều trị hai liều vitamin A, cách nhau 24 giờ, để phục hồi nồng độ vitamin A thấp trong khi mắc sởi, kể cả trẻ em được nuôi dưỡng đầy đủ. Điều này giúp ngăn ngừa tổn thương mắt và mù lòa. Bổ sung vitamin A đã được chứng minh là làm giảm 50% số ca tử vong do bệnh sởi .

Phòng bệnh

Tiêm vắcxin thường quy để phòng bệnh sởi cho trẻ em, kết hợp với các chiến dịch tiêm chủng đại trà ở các nước có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao, là chiến lược y tế công cộng quan trọng để giảm tử vong do sởi trên toàn cầu. Vắcxin sởi an toàn, hiệu quả và không tốn kém, đã được sử dụng trong 50 năm qua. Vắcxin sởi thường được phối hợp với vắcxin rubella và/hoặc quai bị ở những  nước nơi các căn bệnh này vẫn còn là vấn đề. Vắcxin phối hợp hoặc đơn lẻ có hiệu quả như nhau.

Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ thứ tư (MDG 4) là giảm 2/3 tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới năm tuổi trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2015. Nhận thức được tiềm năng của tiêm vắcxin sởi làm giảm tử vong ở trẻ em và thấy rằng tỷ lệ tiêm vắcxin sởi có thể được coi là một dấu hiệu của việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em, nên độ bao phủ tiêm vắcxin sởi thường quy đã được lựa chọn là một chỉ số về tiến bộ nhằm đạt được MDG 4.

Minh Khôi (theo WHO Fact sheet N°286, cập nhật tháng 2/2014)

 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang