Phát biểu khai mạc tại buổi Lễ, PGS.TS. Cung Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: Để hưởng ứng Ngày thị giác Thế giới năm 2018, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tổ chức các hoạt động, các sự kiện truyền thông thiết thực như: khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí cho người bệnh; kêu gọi gây quỹ chăm sóc mắt cho người dân nghèo, vùng khó khăn; tăng cường cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực cho các cơ sở chăm sóc mắt ban đầu,... tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức người dân, chính quyền các cấp về chăm sóc và bảo vệ đôi mắt, khám mắt định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh mắt...
Trên thế giới hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp, trong đó khoảng 45 triệu người mù, những người trên 50 tuổi chiếm tỷ lệ 80%. Cứ 5 giây thế giới có thêm một người bị mù, và cứ 1 phút thế giới có thêm 1 trẻ bị mù. 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn (Việt Nam được xếp trong nhóm các nước này). 80% các nguyên nhân gây mù có thể điều trị hoặc phòng tránh được.
Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù loà. 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. Trên 80% tỷ lệ người mù ở Việt Nam có thể phòng, chữa được. Các nguyên nhân gây mù chính hiện nay qua điều tra cho thấy đục thể thủy tinh vẫn là nguyên nhân chủ yếu (chiếm tới 66,1%), tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ ...
Đáng chú ý, tật khúc xạ (cận thị, viễn thi, loạn thị) đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên, với tỷ lệ mắc khoảng 15-20% ở học sinh nông thôn, 30-40% ở thành phố. Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6 - 15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên được chỉnh kính) cả nước có khoảng gần 15.000.000 em, với tỷ lệ mắc các tật khúc xạ khoảng 20%, thì Việt Nam ước tính gần 3 triệu em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 bị cận thị. Tuy nhiên, việc khám và cấp kính cho trẻ em mắc tật khúc xạ (cận ,viễn, loạn thị) lại là một trong những biện pháp can thiệp rẻ tiền và có hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ mù loà gặp nhiều rào cản từ nhận thức, cơ sở vật chất và kinh phí....
Về phong trào hiến tặng giác mạc, trong những năm gần đây, Bệnh viện Mắt Trung ương nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và được người dân hưởng ứng sâu rộng. Hàng trăm người mù mỗi năm được ghép giác mạc từ những nghĩa cửa cao đẹp của những người qua đời hiến tặng giác mạc. Dù vậy, lượng giác mạc hiến tặng quá ít so với lượng người bị các bệnh lý giác chờ được ghép. Ước tính Việt Nam hiện có trên 200.000 người mù do bệnh lý giác mạc cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc lên đến hàng nghìn người.
Năm 2017 Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương thu nhận được 77 ca hiến tặng giác mạc từ các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Nội... Từ đầu năm 2018 đến nay đã có 80 người hiến tặng giác mạc, đặc biệt là những trường hợp của bé Hải An, bé Vân Nhi khi qua đời đã hiến tặng giác mạc đã tạo được sự quan tâm của người dân, số lượng người đăng ký hiến tặng giác mạc ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác phòng chống mù lòa xuất hiện những thách thức mới như tỷ lệ mắc bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non, bệnh võng mạc do đái tháo đường bệnh glôcôm cũng ngày càng tăng cao...
Lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương khẳng định trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về chăm sóc và bảo vệ đôi mắt của nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu thị giác toàn cầu 2020 “Quyền được nhìn thấy” mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế.
Nhân sự kiện này, Lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương đã trao bằng ghi nhận, kỷ niệm chương nhằm tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của 14 gia đình có người thân hiến tặng giác mạc sau khi qua đời trong năm 2018; đồng thời Bệnh viện triển khai tư vấn, khám mắt miễn phí cho 50 người cao tuổi.
Hoàng Hiền