Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị có PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y Tế; Ông Phan Văn Đa, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội; đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và đại diện các Khoa Răng Hàm Mặt của Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh và một số Bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh.
Báo cáo tại Hội nghị, ThS.BSCKII Lê Trung Chánh, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM cho biết, là Bệnh viện đầu ngành về chuyên ngành Răng Hàm Mặt, được giao trọng trách quản lý ngành Răng Hàm Mặt 32 tỉnh, thành phía Nam, Bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế lần đầu tiên tại Việt Nam như quy trình điều trị toàn diện cho trẻ em bị dị tật bẩm sinh khe hở môi – vòm miệng, thay khớp thái dương hàm nhân tạo hai bên,… Đặc biệt, Thông qua công tác chỉ đạo tuyến và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới theo Đề án 1816, nhiều kỹ thuật (kể cả kỹ thuật khó) đã được bệnh viện chuyển giao đến các bệnh viện tuyến tỉnh. Chỉ tính từ năm 2014 đến 2020, Bệnh viện đã tổ chức 20 lớp đào tạo theo chuyên đề và chuyển giao kỹ thuật cho 150 lượt y bác sĩ, điều dưỡng răng hàm mặt; thực hiện 490 buổi chuyển giao kỹ thuật tại địa phương cho 89 lượt bác sĩ, điều dưỡng của 15 đơn vị; thực hiện phối hợp chuyển giao kỹ thuật theo hình thức cầm tay chỉ việc và điều trị cho 468 bệnh nhân… góp phần làm giảm tỷ lệ chuyển tuyến khoảng 30 - 40%.
Sau 5 năm triển khai chuyển giao kỹ thuật, hiện nay, trình độ chuyên môn, kỹ thuật tay nghề của bác sĩ, điều dưỡng Răng Hàm Mặt ở tuyến dưới đều được nâng cao; Hầu hết các khoa Răng Hàm Mặt thuộc các Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh đã thực hiện đầy đủ các kỹ thuật theo phân tuyến kỹ thuật; Các bệnh viện đã chú trọng phát triển các kỹ thuật thuộc lĩnh vực phẫu thuật hàm mặt để giải quyết các trường hợp chấn thương, bệnh lý hàm mặt, dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân; Phát huy sự phối hợp liên chuyên khoa trong bệnh viện đa khoa, đặc biệt là với khoa ngoại thần kinh, ung bướu, tạo hình… để phối hợp phẫu thuật, điều trị cho bệnh nhân được hiệu quả hơn, giúp người bệnh có thể được điều trị chất lượng ngay tại địa phương mà không phải chuyển lên tuyến trung ương, giảm chi phí, khó khăn, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trung ương, góp phần mang đến sự hài lòng cho người bệnh. Một số đơn vị đã triển khai rất hiệu quả các kỹ thuật cao như chỉnh hình răng, cấy ghép nha khoa như Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt Cần Thơ, Bệnh viện Mắt - Tai Mũi Họng - Răng Hàm Mặt An Giang, Bệnh viện Đa khoa các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hoà, Kiên Giang.
Thay mặt Bộ Y tế, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng đã đánh giá cao những nỗ lực và cố gắng của bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM trong suốt những năm qua và cho rằng: cùng với sự phát triển các chuyên ngành của hệ thống khám chữa bệnh, ngành Răng Hàm Mặt đã có những bước phát triển quan trọng, các bác sĩ đã tiếp cận, học tập và ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến nhất trên thế giới đem vào phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao của nhân dân nhằm hạn chế người dân ra nước ngoài chữa, điều trị các bệnh lý về răng hàm mặt và thu hút một lượng lớn bệnh nhân nước ngoài, Việt Kiều đến thăm khám và điều trị.
Là một trong hai Bệnh viện lớn đầu ngành của cả nước về Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM và Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội đóng vai trò chỉ đạo tuyến và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, Thứ trưởng yêu cầu, hai Bệnh viện cần tập trung xây dựng một hệ thống khám chữa bệnh về răng hàm mặt có uy tín, giúp đỡ cho các Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện chuyên khoa Răng Hàm Mặt nâng cao được kỹ năng, đảm nhiệm được kỹ thuật chuyên môn; hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới xây dựng danh mục kỹ thuật đáp ứng được nhu cầu của tỉnh, Về phía tỉnh, các Bệnh viện cần tham mưu cho Sở Y tế trình Uỷ ban tỉnh để chuẩn bị con người, cơ sở vật chất, sẵn sàng tiếp nhận những kỹ thuật cao.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết, ngày 22/6, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, hai bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội và TP.HCM, với tiềm lực và trình độ chuyên môn cao nhất chuyên ngành Răng Hàm Mặt đã được Bộ Y tế tín nhiệm và chỉ định tham gia vào Đề án. Vì vây, bên cạnh việc đẩy mạnh việc tiếp tục thực hiện Đề án 1816, 2 Bệnh viện cần khẩn trương, tập trung mọi nguồn lực, nghiên cứu triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025, cần tập trung cải tạo nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, chọn lựa các chuyên khoa có nhiều người bệnh sử dụng khám, chữa bệnh từ xa, đặc biệt các chuyên khoa có tình trạng quá tải trên cơ sở thống kê mô hình bệnh tật chuyên khoa; phải nêu cao trách nhiệm, dành một thời gian nhất định trong ngày để hỗ trợ một bệnh viện tuyến dưới về chuyên môn và xây dựng một ứng dụng kho dữ liệu lâm sàng để các bệnh viện khác có thể đăng nhập vào ứng dụng để tham khảo nội dung hội chẩn, giúp cán bộ tuyến dưới tiếp thu đầy đủ kiến thức lẫn thực tiễn; triển khai mạnh mẽ các hình thức đào tạo trực tuyến, khám, tư vấn sức khoẻ trực tuyến chết người dân. Từ đó, người bệnh vùng sâu, vùng xa có thể đến khám trực tuyến tại cơ sở, giảm chi phí, khó khăn, bất tiện, giảm quá tải cho tuyến trên.
Tại Hội nghị, Lãnh đạo Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP. HCM và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng đã ký kết hợp đồng chuyển giao kỹ thuật dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Ông Phan Văn Đa, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng tặng Giấy khen cho 09 cá nhân và 07 tập thể có thành tích nổi bật về công tác Chỉ đạo tuyến và chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816 chuyên ngành Răng Hàm Mặt trong giai đoạn 2015 - 2020 nhằm ghi nhận thành tích đạt được của các tập thể, cá nhân trong công tác phát triển ngành.
Hoài Phương