Những nguyên nhân phổ biến gây ra ho bao gồm:
- Bị cảm lạnh thông thường
- Cúm
- Các tình trạng dị ứng
- Viêm xoang
- Viêm phổi kẽ, viêm phổi thùy...
-Viêm phổi tắc nghẽn mãn tính
-Viêm phế quản
- Hút huốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động.
- Ô nhiễm không khí
- Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản (hay còn gọi là trào ngược acid)
- Một số thuốc nhất định, ví dụ như thuốc ức chế men chuyển, được sử dụng để điều trị tăng huyết áp
Ho có đờm và ho khan không đờm có thể khác nhau ở nguyên nhân gây bệnh, ho khan không đờm lâu ngày thường gặp ở những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như : Lao phổi, ung thư phổi, ung thư vòm họng...
Ngoài ra ho có khạc ra máu hoặc đờm là những triệu chứng quan trọng để chẩn đoán phân biệt và điều trị một số bệnh có ho.
Điều trị ho cần phải phân biệt ho có đờm hay không có đờm để chọn thuốc chữa thích hợp.
Các thuốc chữa ho thông dụng
*Thuốc ức chế phản xạ ho:
Bao gồm thuốc kháng histamin trị dị ứng (phénergan, théralène, atussin), thuốc ức chế ho gây nghiện (codein) và thuốc ức chế ho không gây nghiện (dextromethorphan).
Các thuốc ức chế ho gây nghiện qua hệ thần kinh trung ương, thuốc làm tăng ngưỡng của trung tâm ho ở não đối với phản xạ gây ho; hoặc qua hệ thần kinh ngoại biên làm giảm độ nhạy cảm của các thụ thể ở khí quản. Một số thuốc có tác dụng làm tê hay giảm đau trên thụ thể, bảo vệ thụ thể chống các kích thích hoặc gây giãn phế quản. Các thuốc đó là: codein, pholcodin, dextromethorphan, clobutanol, dropropizin, eprazinon, với các biệt dược terpicod, paderyl, nospan, maxcom... Các thuốc nhóm này, nhất là codein, pholcodin, dextromethorphan, không được dùng cho người suy hô hấp, hen suyễn, trẻ em, người nuôi con bú.
*Thuốc làm loãng đờm:
Có tác dụng làm giảm độ quánh đặc của đờm giúp ho dễ dàng: acetylcystein, bromhexin, terpin hydrat, serratiopeptidase…
Các thuốc này làm thay đổi cấu trúc niêm dịch, giảm độ nhớt, dễ đào thải. Đó là các hoạt chất autylcystein, carbocystin, metylcystein, mesna... Các biệt dược: ACC, acemuc, turant, rhinathiol, mucusan... Nhóm thuốc này có thể gây tràn dịch phổi (ngập) và phá hỏng lớp chất nhày bảo vệ niêm mạc dạ dày. Cần thận trọng với người có tiền sử loét dạ dày - tá tràng. Thuốc cũng không nên dùng cho người có thai 3 tháng đầu thai kỳ và người nuôi con bú. Để an toàn có thể dùng si-rô ho bổ phế .
Biện pháp dự phòng và chữa ho không dùng thuốc
Điều quan trọng nhất là phải phòng bệnh, nhất là vào ngày lạnh. Người bệnh cần năng luyện tập thể dục thể thao phù hợp, ăn uống hợp lý, vệ sinh răng miệng, rèn luyện tính thích nghi với thời tiết, khí hậu, tạo môi trường sống trong sạch - đó mới có hiệu quả thiết thực, lâu dài cho sức khỏe.Bệnh nhân ho nên uống nhiều nước mỗi ngày, tránh ở môi trường khô và lạnh (nhất là điều hòa); tránh các yếu tố gây kích thích như khói thuốc, khói than, bụi, mùi khí lạ, phấn hoa, lông súc vật
Người bị ho cấp, ho từng cơn và ho khan thể nhẹ có thể áp dụng các liệu pháp dân gian như: có thể sử dụng chanh và mật ong trộn lẫn hoặc pha chanh với mật ong vào nước ấm để uống giúp trị ho, viêm họng. Hoặc có thể dùng quất và mật ong hấp lên để ngậm giúp trị ho mà không cần dùng thuốc.
Bs CK1 : Nguyễn Quốc Tuấn
Trưởng phòng Tư vấn-Dịch vụ
Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương