Kết quả kiểm tra và đánh giá cho thấy bé có cân nặng, hình thái bình thường và phát triển tương ứng với tuổi thai giống như những đứa trẻ bình thường. Theo TS.BS. Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, khi bé mới chuyển đến bị phù nhẹ, lại sinh thiếu tháng nên mọi bộ phận trong cơ thể đều non yếu, từ hệ miễn dịch đến não, hệ thống tiêu hoá... kèm theo suy hô hấp nặng, do đó trẻ ngay lập tức được thở máy qua mặt nạ. Tuy nhiên, sau 2 ngày được chăm sóc đặc biệt, tình trạng sức khoẻ của bé Bình An tiến triển khá tốt. Hiện bé đã bắt đầu tập ăn sữa non đều đặn 3 tiếng/lần, mỗi lần được 4ml. Từ thở máy qua mặt nạ, giờ chỉ còn phải thở máy qua mũi, độ bão hoà oxy trong máu ổn định, tim mạch tốt, hệ thống tiêu hoá có xu hướng phát triển tốt. Cũng theo TS. Trác, hiện các bác sĩ chưa phát hiện dị tật bất thường nào với bé, tuy nhiên sẽ cần theo dõi thêm một số nguy cơ khi mẹ đã từng điều trị hoá chất và quá trình mang thai bị suy kiệt sức khoẻ. “Sớm nhất, trong vòng 3-4 tuần nữa trẻ mới được rời khỏi phòng hồi sức sau đó khoảng 7-8 tuần mới có thể được xuất viện”, TS Trác thông tin.
Về sức khỏe người mẹ, chị Nguyễn Thị Liên (bệnh nhân ung thư vú giai đoạn cuối), thông tin từ chồng chị anh Đỗ Văn Hùng cho biết, vợ anh đã được ra khỏi phòng hồi sức tích cực, một tín hiệu đáng mừng. Câu đầu tiên khi tỉnh lại, chị hỏi chồng: “Con thế nào rồi?”. Hiện chị cũng đã bắt đầu ăn được sữa với sự chăm sóc đặc biệt của các bác sĩ Bệnh viện K. Theo các bác sĩ, đây một tín hiệu đáng mừng. Các y bác sĩ của cả hai bệnh viện (Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương) đều đang dốc sức chăm sóc, điều trị cho chị.
Trước đó, chị Nguyễn Thị L. (28 tuổi) mắc phải căn bệnh ung thư vú khi thai mới 8 tuần tuổi. Kết quả chẩn đoán sau đó cho thấy chị bị ung thư vú giai đoạn tiến triến (giai đoạn 4) đã di căn. Lúc đó thai được 4 tháng tuổi. Các bác sĩ Bệnh viện K đã phối hợp cùng bác sĩ chuyên khoa sản tư vấn sức khỏe ung bướu và thai kỳ để bệnh nhân và gia đình cân nhắc lựa chọn để quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn. Nhưng không đắn đo suy nghĩ, chị L. quyết giữ lại thai nhi, hy vọng của người mẹ lúc này chỉ là cầm cự đủ lâu để con có thể chào đời.
Ngày 22/5/2019, thai nhi ở tuần thứ 31, các bác sĩ Bệnh viện K nhận thấy sức chịu đựng của người mẹ đã đến giới hạn, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con nên đã phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương tiến hành hỗ trợ mổ sinh. Bé trai chào đời với cân nặng 1,5 kg.
Đây là ca mổ vô cùng đặc biệt vì trong quá trình mổ, thai phụ không thể nằm nên các bác sĩ phải mổ cho cô ở tư thế ngồi, đây là tư thế khó để thực hiện mổ sinh, trong khi bệnh nhân vô cùng suy yếu. Với sự nỗ lực của kíp mổ gồm 20 bác sĩ, bé Bình An sau đó đã chào đời và được đưa sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương để điều trị và được chăm sóc đặc biệt.
Đánh giá về thành công của ca mổ, PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho rằng, mặc dù không phải bệnh viện chuyên về sản khoa nhưng Bệnh viện K đã rất nỗ lực khi duy trì tốt sức khỏe của bà mẹ bị mắc phải căn bệnh ung thư vú từ khi thai mới 8 tuần đến tuần thứ 31. Đây không chỉ là thành công riêng của 2 Bệnh viện mà đó là thành công chung của toàn ngành Y tế Việt Nam trong việc phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bệnh viện trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Hoàng Hiền