Phát biểu khai mạc tại buổi Lễ, PGS.TS. Cung Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: Năm 2023, Hiệp hội Glôcôm thế giới (WGA) và cộng đồng quốc tế tiếp tục tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ Glôcom thế giới” diễn ra từ 13/3 đến 17/3/2023 trên toàn thế giới . Tại Hà Nội, từ ngày 12/3/2023 đến 17/3/2023, Bệnh viện Mắt Trung ương sẽ tổ chức hưởng ứng Tuần lễ Glôcôm với các hoạt động khám, tư vấn, khám, đo nhãn áp miễn phí cho các người dân nghi ngờ bị Glôcôm vào các ngày làm việc trong tuần tại C 502 và E.504, BV Mắt TW, địa chỉ 85 phố Bà Triệu, Hà Nội.
Trước đó, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống mù lòa, Bộ Y tế và Bệnh viện Mắt Trung ương đã có công văn gửi tới sở y tế, các đơn vị nhãn khoa các tỉnh, thành phố trên toàn quốc kêu gọi tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Glaucoma năm 2023 bằng các hoạt động như mít tinh, tuyên truyền, tư vấn và khám bệnh miễn phí...
Thuật ngữ “Glôcôm” (dân gian thường gọi là bệnh thiên đầu thống hay cườm nước) được dùng để gọi một nhóm bệnh có những đặc điểm chung là nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt, lõm, teo đĩa thị thần kinh và tổn hại thị trường đặc hiệu.
Glôcôm là một căn bệnh nguy hiểm, gây mất thị lực, có thể gây mù vĩnh viễn. Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên rất khó phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, có thể phòng tránh được mù loà do Glaucoma bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật và phải được theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ. Glôcôm đứng thứ hai (sau bệnh đục thể thủy tinh) trong các nguyên nhân gây mù loà có thể phòng tránh được ở hầu hết các khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Một vấn đề đáng báo động là người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, không có chỉ định của thầy thuốc khiến cho mắt có thể bị Glôcôm do tra corticoid kéo dài. Trên thị trường có bán các loại thuốc nhỏ mắt có chứa steroids để điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc. Nếu dùng những thuốc này trong thời gian dài, có thể dẫn đến mắt bị Glôcôm.
Theo thống kê của BV Mắt TW năm 2009, bệnh nhân bị Glôcôm góc mở, có tiền sử tra mắt bằng thuốc có chứa corticoid kéo dài chiếm 31,7% đến 33,1%, trong đó số người trong lứa tuổi lao động (25-59) chiếm 63,1%. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh Glôcôm nhập viện khi bệnh đã trầm trọng, thị lực rất thấp, thị trường thu hẹp, nguy cơ mù loà cao. Cũng có nhiều bệnh nhân đến điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và phác đồ điều trị nên hiệu quả điều trị không cao. Do bệnh Glôcôm còn có yếu tố di truyền nên người bệnh và những người ruột thịt của bệnh nhân cần có kiến thức để phát hiện bệnh Glôcôm sớm, đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để có phương pháp điều trị kịp thời.
Bệnh Glôcôm là một cấp cứu nhãn khoa. Khi phát hiện mắc bệnh Glôcôm, người bệnh cần được điều trị ngay bằng thuốc tra mắt và uống thuốc hạ nhãn áp, các thuốc này phải được sử dụng theo chỉ định, theo dõi chặt chẽ của bác sỹ nhãn khoa. Glôcôm góc đóng thường được chỉ định điều trị phẫu thuật, laser,… sau khi đã điều trị cấp cứu hạ nhãn áp bằng thuốc. Mắt chưa bị lên cơn Glôcôm cũng cần phải điều trị dự phòng bằng laser hoặc phẫu thuật. Glaucoma góc mở cần can thiệp phẫu thuật khi điều trị thuốc không đạt hiệu quả mong muốn.
Mục đích điều trị Glôcôm là nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác. Bệnh nhân khi đã mắc bệnh Glôcôm nhất thiết phải đi khám định kỳ, được các bác sỹ nhãn khoa tư vấn, theo dõi thường xuyên theo một quy trình chặt chẽ nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.
Hoàng Hiền